Ba hãng vận tải biển Nhật Bản, Nippon Yusen, Mitsui OSK Lines và Kawasaki Kisen, xác nhận với AFP ngày 17/01/2024 là họ phải tránh tuyến đường Hồng Hải để « bảo đảm an toàn cho thủy thủ đoàn » trước các cuộc tấn công của phiến quân Houthi Yemen. Trước đó, nhiều tập đoàn vận tải cũng đã thông báo tránh tuyến đường này cho đến khi có lệnh mới. Cuộc xung đột ở Hồng Hải đã khiến Ai Cập thành nạn nhân liên đới bị thiệt hại nặng nhất.
Đăng ngày: 17/01/2024
Chỉ trong hơn 10 ngày, từ ngày 01 đến 11/01/2024, Ai Cập bị mất 40% thu nhập bằng đô la từ phí sử dụng kênh đào Suez so với cùng kỳ năm 2023. Khoản phí này mang lại cho Ai Cập khoảng 8 tỉ đô la hàng năm. Trên truyền hình tối 11/01, ông Osama Rabie, giám đốc Cơ quan quản lý kênh đào Suez, cho biết giao thông hàng hải đã giảm 30% trong những ngày đầu tháng 1, cụ thể chỉ có 544 tầu đi qua kênh Suez so với 777 trong cùng kỳ năm 2023.
Trả lời đài RFI ngày 16/01, ông Paul Tourret, giám đốc Viện Kinh tế Hàng hải (ISEMAR) tại Nantes, Pháp, cho rằng « Ai Cập là bên thua cuộc đầu tiên trong cuộc xung đột » ở Hồng Hải :
« Quả thực, Ai Cập đang bị mất một phần giao thông hàng hải, do hầu hết các tàu chở container, tầu chở ô tô… đều tránh khu vực này. Các tầu chở dầu của phương Tây cũng bắt đầu quay lưng lại với khu vực, cho nên Ai Cập bị mất nguồn lợi kinh tế thứ hai, xét về thu nhập.
Nếu doanh thu hàng năm là 8 tỷ thì thu nhập hàng tháng vào khoảng 600 triệu đô la. Ngay cả khi thu nhập chỉ giảm từ 30 đến 40% thì Ai Cập cũng thất thu gần 500 triệu đô la mỗi tháng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Các chủ tàu hoàn toàn có thể đi vòng qua châu Phi trong ba đến sáu tháng, trong khi thách thức của Ai Cập là biến nền kinh tế hàng hải liên quan đến kênh Suez thành yếu tố chính để phát triển đất nước. Chính vì vậy, Ai Cập là bên thua cuộc đầu tiên trong cuộc xung đột ».