RFA
2024.01.18
Người dân Hà Nội tưởng niệm liệt sỹ Hoàng Sa trong ngày 19/01/2017
Các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) độc lập yêu cầu chính quyền Việt Nam ghi sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hoà 50 năm trước vào lịch sử của dân tộc, đồng thời xây đài tưởng nhớ.
Tuyên bố về 50 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm được các tổ chức như Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Lập quyền dân, Diễn đàn Bauxite Việt Nam… công bố vào ngày 15/01, bốn ngày trước ngày tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa, trong đó 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà tử trận và bị Trung Quốc chiếm giữ quần đảo này từ đó tới nay.
Tuyên bố nhắc lại khi đó Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và Bắc Kinh đã lợi dụng cuộc nội chiến ở Việt Nam để sử dụng vũ lực chiếm đoạt quần đảo.
Theo tuyên bố, Trung Quốc là phía xâm lược còn các quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã hy sinh trong trận chiến chống quân xâm lược. Do vậy, họ nên được vinh danh như những anh hùng của dân tộc và Việt Nam cần phải công nhận sự cống hiến xương máu của họ trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Trưởng ban Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương, nhắc lại quan điểm này trong cuộc phỏng vấn trả lời Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 18/01:
“Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước của mình thì phải được tưởng nhớ phải được tôn vinh. 74 người chiến sĩ hy sinh ở Hoàng Sa cũng thế thôi, cũng trong tinh thần như vậy.”
Biểu tình chống Trung Quốc ở thành phố HCM ngày 10/6/2018 (AFP)
Trên các tờ báo Nhà nước những ngày gần đây rất ít tin về sự kiện 50 năm ngày mất Hoàng Sa, nếu có thì chỉ vài bài nói về việc chính quyền địa phương thăm hỏi những nhân chứng – là những quân dân cán chính VNCH từng làm việc trên quần đảo Hoàng Sa.
Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận sự hy sinh của họ một cách chính thức và tổ chức tưởng niệm ngày này, ngược lại khi người dân tổ chức tưởng niệm trong nhiều năm trước đây thường bị sách nhiễu, đàn áp.
Ông Lê Thân- chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng Hà Nội nên đối xử bình đẳng với tất cả những người đã ngã xuống trong mọi cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nhà nước Việt Nam cần vinh danh những người lính tử trận ở Hoàng Sa và các liệt sỹ chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, cũng như 64 liệt sỹ Gạc Ma- những người đã bị hải quân Trung Quốc sát hại khi cưỡng chiếm thực thể này ở quần đảo Trường Sa năm 1988.
Tuyên bố cũng kêu gọi Nhà nước cần truyền thông rộng rãi cho nhân dân, đặc biệt là các thanh thiếu niên luôn luôn ghi nhớ việc Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế trong vấn đề Hoàng Sa.
Trong tuyên bố này, các tổ chức và các nhân sỹ ký tên đề nghị chính quyền tiếp tục đấu tranh kiên quyết, bền bỉ bằng mọi hình thức, biện pháp với Trung Quốc nhằm đòi lại Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Khắc Mai, đại diện cho tổ chức Lập quyền dân ký trong tuyên bố, nói:
“Tiếng nói của chúng tôi là chắc chắn chỉ là một nhóm nhưng mà nó cũng tiêu biểu cho một cái tinh thần hiểu biết và trách nhiệm công dân của mình đối với đất nước với tổ quốc Mà 50 năm đã qua, nhân dân thì yêu cầu đảng cầm quyền và Nhà nước có nhiều hoạt động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tất nhiên là hòa bình thôi
Nhưng mà phải đưa nó ra thành ra luật pháp quốc tế kêu gọi thế giới nó phân tích nó phê phán nó ủng hộ mình và nó lên cái cuộc xâm lược đấy của Trung Quốc. Phải coi trọng đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa bằng tư pháp, luật pháp và dư luận quốc tế.”
Theo ông, Nhà nước Việt Nam phải có những cái tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ về vấn đề này và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, chứ không lên tiếng một cách máy móc và hời hợt như trong nhiều thập niên qua.
“Tôi chỉ hy vọng là Nhà nước phải coi trọng nhiều các hoạt động luật pháp và dư luận hơn nữa về vấn đề bảo vệ chủ quyền của ta ở Hoàng Sa, đặc biệt là cho ngư dân tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt và để khẳng định chủ quyền của mình ở đấy,” nhà nghiên cứu 92 tuổi ở Hà Nội nói.
Sau khi xâm chiếm Hoàng Sa, năm 1988, Trung Quốc lại xua quân đánh chiếm Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Trong nhiều năm gần đây, Bắc Kinh đã cải tạo và biến các đảo chiếm được từ Việt Nam thành những căn cứ quân sự, uy hiếp các đảo và cả đất liền của Việt Nam.
Ông Lê Thân đề nghị chính quyền, ngoài việc cố gắng giữ nguyên hiện trạng, bên cạnh đó cần tiếp tục đấu tranh pháp lý để khẳng định “Hoàng Sa là của Việt Nam” và để đến thời cơ chính muồi “cũng chỉ có thể lấy lại bằng vũ lực chứ không có cách gì khác.”
Trong thập niên trước, nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong các dịp tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa (19/1) hay Gạc Ma (14/3), nhân sỹ trí thức và người dân thường tập trung ở tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội hay tượng đài Đức Thánh Trần ở thành phố HCM để tưởng niệm.
Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, bên cạnh việc hàng trăm người bất đồng chính kiến bị bắt giam, thì lực lượng an ninh cũng thường ngăn chặn khiến các cuộc tưởng niệm công khai, đông người không thể diễn ra. Do vậy, các tổ chức XHDS kêu gọi người dân thực hành việc tưởng niệm các liệt sỹ Hoàng Sa theo cách của riêng mình.
Ông Lê Thân nói:
“Trong điều kiện này cũng khó tập trung thì mỗi người tự làm một phút mặc niệm trong cái ngày 19/1 để tưởng nhớ 74 người anh hùng đã hi sinh vì Tổ quốc. Cái đó động viên tạo ra một phong trào để động viên cho thế hệ trẻ cũng như nhắc nhở bà con mình về ccuộc chiến ở Hoàng Sa.”
Người dân Hà Nội tham gia một cuộc biểu tình tại Hồ Gươm chống Trung Quốc với biểu ngữ “Sang năm tới Hoàng Sa” hồi năm 2016 (AFP)
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Pháp cho rằng tuyên bố trên của các tổ chức và nhân sỹ rất đáng được trân trọng. Ông cho rằng Hà Nội phải có một động thái mạnh, như long trọng ra một tuyên bố trước quốc dân đồng bào cũng như trước cộng đồng quốc tế. Mục đích để cho tranh chấp vẫn còn tồn tại và Việt Nam luôn quan tâm đến việc giành lại các vùng lãnh thổ đã mất của mình.
Nội dung của tuyên bố này tố cáo Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp quốc khi sử dụng vũ lực để xâm chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam.
Tuyên bố cũng cần đưa ra các chứng cứ lịch sử và các cơ sở pháp lý để chứng minh Việt Nam có chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ mình trong nỗ lực đòi lại công lý.
Theo ông, việc xây dựng đài liệt sỹ Hoàng Sa hay viết lại lịch sử sẽ không đủ để Việt Nam thuyết phục được cộng đồng các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và ủng hộ chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa.