January 19, 2024
“Cầu mong những người có thẩm quyền ký được hợp đồng chặt chẽ, phẩm chất tốt, đúng thời hạn, không bị đội vốn và hạn chế thất thoát.”
Sở Giao Thông Vận Tải Thành Phố Hà Nội và tập đoàn Xây Dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc đã ký kết bản ghi nhớ “Hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố” hôm 18 Tháng Giêng.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong bản ghi nhớ này, các bên liên quan “thống nhất hợp tác,” tập trung vào hai dự án xây cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc (tuyến metro số 5).
“Dự án cầu Tứ Liên và tuyến metro số 5 là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, được hệ thống chính trị thành phố và người dân đặc biệt quan tâm, chú trọng,” truyền thông trong nước loan tin.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án cầu Tứ Liên khoảng 20,000 tỷ đồng ($814 triệu). Còn tổng mức đầu tư của tuyến metro số 5 tính sơ bộ khoảng 65,000 tỷ đồng ($2.6 tỷ).
Metro số 5 được chính phủ Việt Nam phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ hai giai đoạn, 2016-2020 và 2020-2030. Tuy nhiên, thời điểm khai triển giai đoạn 2016-2020 đã qua, nên mục tiêu là đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025.
Hồi Tháng Tư năm ngoái, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã từng tuyên bố với truyền thông rằng muốn Trung Quốc làm thêm dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội dựa trên kinh nghiệm từ dự án Cát Linh-Hà Nội.
Tuy nhiên, tuyên bố trên gặp phải nhiều phản ứng từ người dân và giới chuyên gia. Các chuyên gia lúc bấy giờ cho rằng, Hà Nội không nên đi theo vết xe đổ Cát Linh-Hà Đông, khi dự án này trở thành “biểu tượng lỡ hẹn” và khiến người dân mất lòng tin vào chính phủ.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam và tổng thầu Trung Quốc ký hợp đồng EPC (phương thức chìa khóa trao tay) vào năm 2008.
Công trình do Cục Đường Sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng công ty Tư Vấn Và Thiết Kế Giao Thông Vận Tải (TEDI) Trung Quốc làm tư vấn thiết kế, bắt đầu khởi công năm 2011, song nhiều lần điều chỉnh vốn, đội vốn hơn 205%, bốn lần dời ngày hoạt động thương mại.
Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là $553 triệu. Thế nhưng đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên hơn $868 triệu. Trong số này, vốn vay của Trung Quốc là $669 triệu và vốn đối ứng của Việt Nam là $198 triệu.
Đến giữa năm 2021, Bộ Tài Chính Việt Nam phải ứng tiền từ quỹ tích lũy để trả nợ gốc khoản vay theo cam kết của chính phủ Việt Nam trong hiệp định ký với Trung Quốc.
Dự án bị xem là “biểu tượng trễ hẹn và đội vốn” qua năm đời bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Việt Nam, thua lỗ 160 tỷ đồng ($6.5 triệu) trong năm đầu hoạt động.
Phản ảnh trên báo VNExpress, độc giả “Minh Minh” lo lắng: “Cầu mong những người có thẩm quyền ký được hợp đồng chặt chẽ, phẩm chất tốt, đúng thời hạn, không bị đội vốn và hạn chế thất thoát.”
(Theo Người Việt)