Giáo hoàng Francis đã gặp một phái đoàn của ĐCSVN hôm thứ Năm và Ngoại trưởng Vatican nói rằng Giáo hoàng muốn thăm Hà Nội nhân dịp hai bên nâng cấp quan hệ, theo Reuters.
Sự kiện này diễn ra sau một cuộc họp riêng giữa Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng vào tháng 7/2023. Khi đó cả hai bên đã thông báo rằng Việt Nam cho phép một đại diện thường trú của Vatican quay trở lại Hà Nội lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975.
Ngoại trưởng Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, nói với các phóng viên rằng cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm với 16 thành viên phái đoàn của ĐCSVN ‘rất tích cực’ và rằng ông sẽ thăm Việt Nam vào tháng Tư.
Khi được hỏi về khả năng Giáo hoàng sẽ tới thăm Việt Nam, ông Gallagher nói: “Tôi nghĩ rằng việc này sẽ diễn ra nhưng còn cần thực hiện một vài bước tiếp theo trước khi đủ điều kiện phù hợp cho chuyến thăm.”
“Nhưng tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha rất muốn đi và cộng đồng giáo dân ở Việt Nam rất mong mỏi Đức Thánh Cha tới thăm. Tôi cho rằng chuyến thăm của một giáo hoàng sẽ gửi một thông điệp tốt tới khu vực,” ông nói.
Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản tiếp quản một Việt Nam thống nhất khi chiến tranh với Mỹ chấm dứt vào năm 1975. Chính quyền cộng sản Việt Nam lúc đó coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có lịch sử quá thân thiết với Pháp – cường quốc thực dân cũ.
Việt Nam có khoảng 7 triệu người Công giáo, chiếm khoảng 6,6% tổng dân số 95 triệu người.
Ngoài Vatican, trong hai năm qua, ĐCSVN còn nâng cấp quan hệ với các cường quốc hàng đầu thế giới, trong đó có hai cựu thù là Mỹ và Trung Quốc, như một phần của chiến lược ‘ngoại giao cây tre’ mà nước này tích cực theo đuổi trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu đang gia tăng.
“Việt Nam là một đất nước đang ngày càng trở nên quan trọng trong khu vực. Kinh tế Việt Nam đã khởi sắc một cách ngoạn mục,” ông Gallagher nói bên lề một sự kiện khác tại Vatican.
Ông nói rằng Vatican ‘tin tưởng’ rằng quan hệ với Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa, và rằng Quốc Vụ khanh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, có thể sẽ thăm Việt Nam trong một sự kiện riêng biệt vào cuối năm nay.
“Cuộc họp (vào thứ Năm) thể hiện một sự đổi mới hoàn toàn trong thái độ của họ đối với cộng đồng quốc tế, đối với Giáo hội,” ông Gallagher nói.
“Chúng tôi, tất nhiên, hi vọng sẽ khuyến khích họ cải thiện vấn đề tự do tôn giáo mà họ đề cập tới trong hiến pháp của họ và hi vọng rằng họ sẽ thực hiện điều đó nhưng rõ ràng việc này vẫn chưa xong,” ông nói.
Truyền thông Việt Nam do chính phủ quản lý phủ nhận các chỉ trích từ các nhóm như Ủy ban về Tự do Tôn giáo của Mỹ, một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ, vừa rồi đã đưa Việt Nam vào danh sách ‘quốc gia đặc biệt quan ngại’.