- Tác giả,Roohan Ahmed
- Vai trò,BBC World Service
- Islamabad
Chín người được xác nhận đã thiệt mạng do các cuộc không kích của Pakistan nhắm vào nơi bị nghi là chỗ ẩn náu của phiến quân ở tỉnh Sistan và Baluchistan của Iran vào sáng thứ Năm.
Bộ Ngoại giao Pakistan mô tả các cuộc tấn công vào sáng thứ Năm (18/1) là “một cuộc tấn công quân sự chiến lược và đồng bộ nhằm vào các căn cứ cụ thể ở Iran”.
Còn quân đội Pakistan cho biết trong một tuyên bố rằng “những nơi ẩn náu được các tổ chức khủng bố sử dụng đã bị không kích thành công trong một cuộc tấn công dựa trên các thông tin tình báo”.
Các cuộc tấn công diễn ra sau hàng loạt vụ công phá bằng tên lửa của Iran vào nơi ẩn náu được cho là của tổ chức cực đoan Jaish al-Adl, nằm ở tỉnh Balochistan của Pakistan.
Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, có hai trẻ em thiệt mạng và ba bé gái bị thương trong cuộc tấn công của Iran, khiến Pakistan phải triệu hồi đại sứ của mình từ Tehran về Pakistan.
Bất chấp các cuộc tấn công, mỗi quốc gia đều khẳng định rằng bên kia không phải là mục tiêu dự kiến; cả Iran lẫn Pakistan đều tuyên bố sẽ tấn công các nhóm chiến binh dân tộc chủ nghĩa Baloch đóng trên lãnh thổ của bên còn lại.
Chúng ta biết gì về các cuộc tấn công của Pakistan?
Quân đội Pakistan cho biết, dựa trên thông tin tình báo, họ đã nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA) và Mặt trận Giải phóng Balochistan (BLF) ở Iran, các nhóm bị cáo buộc hoạt động khủng bố trong lòng Pakistan.
Quân đội cho biết máy bay không người lái tự sát, hỏa tiễn, tên lửa và các loại vũ khí khác đã được sử dụng trong chiến dịch này và phải hết sức thận trọng để tránh ‘thiệt hại ngoài dự kiến’.
Tuyên bố chỉ đích danh một số “kẻ khủng bố” kiểm soát các căn cứ và cho biết Quân đội Pakistan luôn sẵn sàng đảm bảo an ninh đất nước.
Phó Thống đốc An ninh tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran, Ali Raza Marhmati, nói với đài truyền hình Iran rằng vụ tấn công được thực hiện lúc 04:05 sáng giờ địa phương và nhắm vào một ngôi làng gần thành phố Saravan của Iran, gần biên giới Pakistan và cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 1800km về phía đông nam.
Quân đội Giải phóng Baloch, Mặt trận Giải phóng Baloch và Jaish al-Adl là ai?
Một số tổ chức ly khai Baloch đã hoạt động ở tỉnh Balochistan của Pakistan trong nhiều thập kỷ và các tổ chức này đã nhận trách nhiệm đứng sau nhiều cuộc tấn công chết người nhằm vào lực lượng an ninh, cảnh sát và các địa điểm quan trọng của Pakistan.
Hai nhóm lớn nhất là BLF, do Tiến sĩ Allah Nazar Baloch lãnh đạo và BLA, do Bashir Zeb lãnh đạo.
Chính quyền Pakistan trong vài năm qua đã tuyên bố rằng các chiến binh có liên quan đến các tổ chức ly khai này đã ẩn náu ở Iran.
Sau cuộc không kích của Pakistan, BLF đã đưa ra tuyên bố phủ nhận rằng nhóm này có bất kỳ căn cứ nào tại Iran hay bất kỳ chiến binh nào của họ bị thương.
BLF được biết là hoạt động tích cực trong và xung quanh khu vực Makran của Balochistan và đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Pakistan trong thời gian gần đây.
Vào tháng 1/2022, tổ chức bị cấm này đã tấn công một trạm kiểm soát của quân đội Pakistan ở thành phố Gwadar, Balochistan, khiến 10 binh sĩ Pakistan thiệt mạng.
Ngoài ra, BLF còn bị cáo buộc tấn công người lao động nhập cư và người dân địa phương.
BLA ly khai ra đời vào đầu những năm 1970 khi một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại nhà nước Pakistan nổ ra ở Balochistan trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính phủ của cựu Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.
Sau cuộc đảo chính do nhà độc tài quân sự Zia ul-Haq lãnh đạo, các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Baloch đã dẫn đến việc tạm thời chấm dứt cuộc nổi dậy vũ trang và các hoạt động của BLA cũng vơi dần.
Tuy nhiên, xung đột lại bùng nổ dưới thời cựu Tổng thống Pervez Musharraf, sau khi Nawab Khair Bakhsh Murri, một thủ lĩnh theo chủ nghĩa dân tộc của Baloch, bị bắt vì tội sát hại một thẩm phán Tòa án Tối cao.
Một loạt cuộc tấn công mới nhằm vào các cơ sở chính phủ và lực lượng an ninh ở các khu vực khác nhau của Balochistan bắt đầu vào khoảng năm 2000, bạo lực từ đó gia tăng và lan rộng đến các khu vực khác nhau của Balochistan.
Hầu hết các cuộc tấn công này tiếp tục được BLA thực hiện và chính phủ Pakistan đã liệt BLA vào danh sách các tổ chức bị cấm vào năm 2006.
Tổ chức này cũng phản đối dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan và đã tấn công các mục tiêu Trung Quốc ở Pakistan bằng các cuộc tấn công liều chết trong một số hoạt động gần đây.
BLA tuyên bố thực hiện cuộc tấn công đầu tiên như vậy vào tháng 8/2018 gần thị trấn Dalbandin, nhắm vào một chiếc xe buýt chở công nhân Trung Quốc tại mỏ vàng và đồng Saindak. Chỉ có kẻ đánh bom tử vong trong vụ tấn công.
BLA sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi vào tháng 11/2018, do ba tay súng và những kẻ đánh bom liều chết thực hiện và giết chết ít nhất bốn người khác.
Jaish al-Adl (hay “Quân đội Công lý và Bình đẳng”) là một nhóm chiến binh vũ trang chống lại chính phủ Iran.
Nhóm này tự mô tả là “người bảo vệ quyền của người Sunni” ở tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran, là mục tiêu của các cuộc tấn công của Iran vào Pakistan.
Jaish al-Adl đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Iran trong quá khứ (chủ yếu ở tỉnh Sistan-Baluchestan) và Iran tuyên bố rằng họ có sự hậu thuẫn của Mỹ và Israel.
Tình báo Mỹ cho rằng nhóm này có liên quan đến vụ tấn công cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hồi năm 2005.
Năm 2009, Iran bắt giữ Abdolmalek Rigi, người đứng đầu nhóm chiến binh với cáo buộc đánh bom lực lượng an ninh Iran và là điệp viên của Anh và Mỹ. Rigi bị hành quyết bằng hình thức treo cổ vào năm 2010.
Mohammad Abbasi, một cựu nhà ngoại giao Pakistan làm việc ở Iran vào thời điểm đó, nói rằng Pakistan đóng một vai trò quan trọng trong vụ bắt giữ Rigi.
Vì sao chuyện tấn công lại xảy ra lúc này?
Nhà phân tích Syed Mohammad Ali nói với BBC rằng hiện tại Iran đang chịu áp lực – cả trong nội bộ lẫn từ các đồng minh Hamas, Hezbollah và Houthis – để vận hành đất nước.
Theo ông, Iran đã tấn công ở Iraq, Syria và sau đó là Pakistan nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những vấn đề nội bộ và tình hình ở Trung Đông.
Theo nhà phân tích, vào đêm tiến hành các cuộc tấn công, đã có cuộc gặp giữa quan chức Pakistan và Iran, nhưng Pakistan bị Iran tấn công mà không hề có hành động khiêu khích gì nên Pakistan trả đũa.
Tiến sĩ Kamran Bukhari thuộc Viện Chiến lược và Chính sách New Lines ở Washington nói rằng “Pakistan có thể đã quyết định đáp trả vì họ không muốn cho phép Iran cư xử với Pakistan theo cách mà Iran thường làm với Iraq”.
Giáo sư Qandeel Abbas thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quaid-e-Azam nói với BBC rằng có những khu vực ở cả hai bên biên giới Iran-Pakistan nơi phe ly khai và phiến quân đặt ra thách thức chung cho cả hai nước.
Theo Giáo sư Abbas, cả Iran và Pakistan đều đã thực hiện hành động chống lại phiến quân xuyên biên giới với sự đồng ý của quốc gia kia, mặc dù chính quyền của cả hai nước không xác nhận cũng không phủ nhận các báo cáo về hành động đó.
Ông lưu ý rằng không có binh sĩ nào được điều động dọc biên giới dài 1.000 km giữa Iran và Pakistan cho đến năm 2013, bất chấp bạo lực của phiến quân, nạn buôn người và buôn lậu ma túy.
Theo Giáo sư Abbas, cả Pakistan và Iran đều coi nhóm chiến binh Jaish al-Adl mà Iran nhắm tới là một mối đe dọa và hiện đang xem xét khai thác tình hình hiện tại để có lợi cho mình.
Chuyện gì tiếp theo?
Các nhà quan sát theo dõi sát sao Iran và Pakistan tin rằng căng thẳng gần đây giữa hai nước sẽ có tác động tiêu cực đến toàn khu vực.
Nhà phân tích Bukhari có trụ sở tại Washington nói với BBC rằng “Đợt tấn công đầu tiên giữa hai nước đã xong và bây giờ quả bóng một lần nữa lại lăn về chân Iran: họ phản ứng thế nào trước hành động của Pakistan vẫn phải chờ xem”, nhưng ông dự kiến các cuộc tấn công sẽ tạm dừng.
Ông nói rằng quyết định của Pakistan nhắm mục tiêu vào nhóm chiến binh chống Pakistan trên đất Iran thay vì người Iran có thể khiến Pakistan được xem là trả đũa mà không dẫn đến leo thang thêm, nhưng ông không loại trừ khả năng có những cuộc đụng độ tiếp theo sau.
Tuy nhiên, Baqir Sajjad, nhà báo và nhà phân tích đến từ Pakistan, tin rằng căng thẳng giữa nước có thể gia tăng nữa trong tương lai.
Ông nói với BBC rằng “có vẻ như căng thẳng giữa hai nước sẽ không đột ngột giảm sau cuộc phản công của Pakistan vào các chiến binh đóng quân ở Iran.”
“Những người theo đường lối cứng rắn ở Iran sẽ nhất quyết trả đũa Pakistan. Sự ngờ vực ngày càng gia tăng giữa hai nước có thể thúc đẩy một làn sóng phiến quân mới giữa Iran và Pakistan ở khu vực Balochistan, làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đã phức tạp trong khu vực.”