Cơ quan chức năng vẫn làm ngơ sau gần nửa năm TNLT Đặng Đình Bách tố cáo bị hành hung

2024.01.19

sharethis sharing button

Cơ quan chức năng vẫn làm ngơ sau gần nửa năm  TNLT Đặng Đình Bách tố cáo bị hành hung

TNLT Đặng Đình Bách

 Citizen

Đã gần nửa năm kể từ khi tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách tố cáo bị quản giáo ở trại giam số 6 đánh đòn hiểm vào đầu nhưng trại giam vẫn không điều tra làm rõ.

Chờ đợi phản hồi 

Bà Trần Phương Thảo, vợ của tù nhân lương tâm (TNLT) Đặng Đình Bách cho RFA biết thông tin trên, đồng thời nói thêm rằng, các đơn từ tố cáo mà bà gởi đến cho Viện kiểm sát (VKS) nhân dân tỉnh Nghệ An từ ngày 15/12 cho đến nay vẫn chưa được phản hồi. Mặc dù, theo luật tố cáo, thì cơ quan này phải trả lời cho người gửi đơn theo đúng quy trình trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được đơn. 

Bà Thảo cho biết trong đơn bà tố cáo đích danh cán bộ quản giáo trại giam Nguyễn Doãn Anh – số hiệu 554-526, là người đã trực tiếp đánh vào đầu chồng bà từ phía sau, hồi cuối tháng 8/2023.   

Bà cũng tố cáo trại giam Số 6, đã không có bất cứ hành động thăm khám và điều tra làm rõ vụ việc chồng bà bị đánh:

Tôi nhận thấy là trại 6, sau khi tiếp nhận thông tin của gia đình đã không cho chồng tôi được đi thăm khám kịp thời để đánh giá về mức độ chấn thương vùng đầu, cũng như tỷ lệ thương tích của chồng tôi. Đây là dấu hiu của việc che giấu, không tiếp cứu cho người bị nạn.”

Trước đó, hôm 31/8, ông Bách gọi điện về cho gia đình tố cáo mình và ba tù nhân chính trị khác ở Tổ A, phân trại số 1, Trại giam số 6 bị một nhóm tù nhân khác tấn công uy hiếp tính mạng ngay trước mắt của các cán bộ quản giáo. Ngay sau cuộc gọi này, ông Bách bị chính cán bộ quản giáo đánh vào đầu, để lại vệt thâm tím dài 7cm phía sau gáy. RFA đã loan tin kịp thời sau khi gia đình ông Bách thông báo sự việc.

Ông Bách không phải là trường hợp duy nhất bị cán bộ trại giam tấn công “trả đũa”, khi họ tố cáo hành vi vi phạm của trại giam. 

Hồi tháng 8/2022, tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư, cũng đang thụ án tại trại giam số 6, làm đơn tố cáo trại giam này không đưa ông Đỗ Công Đương đi khám chữa bệnh kịp thời, dẫn đến ông Đương chết ngay trong trại giam. Qua sự vụ đó, ông Trịnh Bá Tư bị cán bộ trại giam đánh, nên đã tuyệt thực 22 ngày. 

Sau khi gia đình biết tin, vào tháng 9/2022, bà Thu Đỗ, là chị dâu của Trịnh Bá Tư đã gởi đơn đến VKS nhân dân tỉnh Nghệ An để tố cáo trại giam số 6. Bà nói với RFA:

“Gửi đơn lần thứ nhất họ không trả lời. Tôi phải gửi lần thứ hai và phải đưa thông tin lên mạng xã hội thì họ mới trả lời, chứ tôi mà cứ âm thầm đi gửi đơn thì họ không trả lời đâu.

Tôi phải đưa thông tin lên mạng và được nhiều người chia sẻ, cộng đồng mạng quan tâm thì phía chức năng người ta mới giải quyết.”

Bà Thu cho biết, VKS Nghệ An đã mời bà lên làm việc và khẳng định không có chuyện Trịnh Bá Tư bị đánh trong trại giam. Về việc này gia đình bà Thảo “đành chấp nhận” vì không thể có bằng chứng để đối chất. 

Tiếp tục đòi hỏi quyền lợi

Với trường hợp ông Bách, trong cuộc thăm gặp ngày 15/1 vừa qua, bà Thảo cho biết từ sau khi xảy ra vụ việc chồng bà và ba tù nhân chính trị khác bị hành hung, cả bốn người đều bị trại giam cắt cung cấp nước sôi ngay giữa mùa đông: 

Trước đây vẫn được một lần vào buổi sáng, nhưng mà từ khi xảy ra chuyện thì họ đột ngột cắt luôn và căng tin không bán nước sôi cho anh Bách và cả ba người trong tổ A.

Anh Bách nói là phải ăn mì gói và bột đậu mà gia đình gửi vào đều phải ngâm với nước lạnh. Ngoài ra, mùa đông anh ấy cũng phải tắm bằng nước lạnh ở ngoài trời.

Cả bốn người ở tổ A đều phản đối hành vi này của trại giam bằng cách không nhận khẩu phần ăn của trại giam cung cấp mà chỉ dùng thức ăn gia đình gởi vào hoặc mua ở căn-tin trại giam với giới hạn 1,7 triệu đồng mỗi tháng.

Theo như lời bà Thảo, ông Bách còn bị tịch thu một số đồ dùng cá nhân như đèn đọc sách, đồng hồ, tinh dầu trị bệnh hen suyễn, dao cạo râu, và sổ nhật ký.

Bên cạnh đó, các thư từ ông Bách gởi cho gia đình theo đúng tiêu chuẩn của tù nhân, sau hơn hai tháng nhưng người nhà vẫn chưa nhận được. Hỏi thì cán bộ trại giam cho biết do chưa kiểm duyệt xong nhưng họ cũng không đưa ra thời hạn cụ thể khi nào thư sẽ được gởi về cho gia đình. 

Với những khó khăn chồng bà và các bạn tù đang gặp phải, bà Thảo nói, gia đình bà đã yêu cầu được làm việc với cán bộ tiếp dân để đưa ra năm kiến nghị đòi hỏi quyền lợi cho chồng bà, bao gồm:

Thứ nhất là phải cung cấp nước sôi đầy đủ cho các phạm nhân; Thứ hai, phải quy đổi định lượng thực phẩm được mua ở căn-tin ra số cân chứ không phải giới hạn bằng số tiền như hiện nay; Thứ ba, các loại sách báo gởi vào phải được tính riêng, không được gộp chung vào 5kg thực phẩm theo quy định; Thứ tư, các thư từ mà ông Bách gởi ra ngoài theo đúng tiêu chuẩn của tù nhân thì trại giam phải gởi cho gia đình; Thứ năm, trại giam phải giải trình về quy trình xét duyệt thư từ, bao lâu thì gia đình sẽ nhận được thư, nhằm đảm bảo việc liệc lạc, thông tin giữa ông Bách và gia đình được thông suốt.

Cũng theo lời bà Thảo, phía trại giam có cử cán bộ ghi nhận lại các yêu cầu của bà một cách vắn tắt và cho biết là tháng sau (tháng 2/2024), khi bà quay lại thăm gặp chồng, trại giam mới trả lời các yêu cầu trên.

Bà Thảo cho biết thêm, mới đây Cục thi hành án dân sự quận Hoàng Mai yêu cầu gia đình nộp số tiền mà ông Bách bị cáo buộc trốn thuế là hơn 1,3 tỷ đồng, nếu không sẽ cưỡng chế căn hộ duy nhất mà bà và con nhỏ cùng bố mẹ chồng đang sinh sống. Hiện nay, Cục thi hành án dân sự quận Hoàng Mai đã tác động đến nhà đầu tư khiến nhà đầu tư không giao sổ hồng.

Ông Đặng Đình Bách là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) trước khi bị bắt về tội trốn thuế vào tháng 6/2021.

Hồi cuối tháng 5/2023, Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD), một cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam trong đó đưa ra ý kiến cho rằng nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách bị bắt giữ một cách tùy tiện và xét xử một cách không công bằng. Cơ quan này cũng kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông, và bồi thường cho ông một cách thoả đáng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment