Cuối tuần qua, các cuộc biểu tình phản đối phe cực hữu nổ ra ở một số thành phố của Đức, sau khi chính trường nước này chấn động vì tin có một ‘cuộc họp kín’ của các đảng cánh hữu và cực hữu bàn ý tưởng trục xuất người nhập cư hồi tháng 11.
Thủ tướng Olaf Scholz (đảng SPD) đã “cảm ơn” hàng trăm nghìn người dân xuống đường ở Berlin, Munich Cologne, Dresden, Leipzig, Bonn hôm Chủ Nhật 21/01/2024.
Tại Hamburg, cuộc tuần hành xảy ra hôm thứ Sáu và sang ngày thứ Bảy thì hàng chục nghìn đã biểu tình chống phe cực hữu ở Frankfurt và Dortmund, theo BBC News.
Một số báo Đức nói số đô thị lớn nhỏ có biểu tình vì quyền của người nhập cư lên tới 100.
Thủ tướng Scholz cũng nhân không khí biểu tình để lên án ý tưởng “trục xuất ồ ạt” mà phe cực hữu tung ra, coi đó là “cuộc tấn công vào nền dân chủ Đức”.
Nhưng các vấn đề nghiêm trọng chưa biến đi, theo các báo châu Âu khi mà hàng nghìn nông dân vùng Đông nước Đức vẫn biểu tình bằng máy kéo, xe tải chặn các con lộ ra vào thủ đô Berlin và ngay trong trung tâm thành phố.
Sức ép lên liên minh Xanh-Vàng-Đỏ của ba đảng Xanh, Tự do và Xã hội Dân chủ thấy rõ ở các bang phía Đông trước kỳ bầu cử địa phương dự tính vào mùa thu năm nay.
Đây cũng là các bang đảng cực hữu, bài ngoại Alternative fuer Deutschland (AfD) có khả năng giành tới 30% phiếu cử tri vào các hội đồng địa hạt.
Cục Bảo vệ Hiến pháp- một cơ quan an ninh cấp liên bang- đang nghiên cứu khả năng cấm luôn AfD hoạt động.
Căng thẳng dâng cao sau khi trang tin điều tra Correctiv tung ra “bom tấn” về cuộc họp bí mật của quan chức AfD gồm Robert Hartwig, phó lãnh tụ đảng, với khách mời thuộc tổ chức cựu hữu, phân biệt chủng tộc Identitaet vào tháng 11 vừa qua ở điểm gần Berlin, theo Politico.
Điều gây choáng là có hai chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU-đảng của Angela Merkel khi bà làm thủ tướng), tới dự cuộc họp đó “với tư cách cá nhân”. Hiện CDU ngồi ghế đối lập ở cấp liên bang sau bầu cử 2021.
Theo các báo Đức và châu Âu, chừng 20 nhân vật đã họp về kế hoạch chống nhập cư và nghe cả ý tưởng từ khách mời người Áo, Martin Sellner thuộc phong trào tân phát-xít ‘Bản Sắc’ (Identitaet) nói về một “Kế hoạch Lớn” (Masterplan) nhằm đuổi khỏi Đức hàng triệu người di dân và gốc ngoại kiều, kể cả người đã có hộ chiếu Đức, tức là công dân Đức gốc nước ngoài hoặc người đã có quyền định cư nếu họ “không có gốc gác Đức” hoặc “không hội nhập đầy đủ”.
Tại cuộc họp này, khái niệm “tái hồi cư” (remigration) được nêu ra, gây lo ngại cho các tổ chức NGO bảo vệ quyền của người nhập cử ở Đức và các công dân Đức gốc nước ngoài.
Các lãnh đạo nhất của các đảng chính trị trong liên minh cầm quyền và cả đảng CDU đã lên án cuộc họp kín, nhưng phe AfD lại tỏ ra vui mừng rằng “họ đang hoảng loạn, đang run sợ”, nghị sĩ AfD Bernd Baumann công khai phát biểu.
Tuy thế, giới chức châu Âu cho rằng áp lực từ phe cực hữu cũng khiến liên minh cầm quyền tại Đức đã và đang tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư.
Trên thực tế, Hội đồng về quyền của người Tỵ nạn và Lưu đày châu Âu (ECRE) có thông báo nói rằng luật mới ra hồi tháng 1 của Quốc hội Đức đã áp dụng nặng tay quy chế xét tỵ nạn, và mở đường cho việc trục xuất nhanh chóng người nhập cư, và người bị bác đơn tỵ nạn.
ECRE coi ‘Luật Cải thiện quy chế Hồi hương’ (Repatriation Improvement Act – Gesetz zur Verbesserung der Rückführung) là bộ luật gây tranh cãi, được thông qua bất chấp phản đối từ các tổ chức nhân quyền.
Việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh của người nước ngoài hoặc gốc ngoại kiều, gồm cả người gốc Việt, đã tăng lên đáng kể với tiền phạt rất cao cho cơ sở nào tuyển lao động nhập cư thiếu giấy tờ.
Một báo lớn ở Ba Lan, tờ Polityka nêu lo ngại về “phe hữu áo nâu” (brunatna prawica- như thời kỳ đảng áo nâu của Adolf Hitler gây rối loạn chính trường Đức những năm 1930s) hiện đang có cơ hội sống lại ở nước láng giềng phía Tây.
Các vấn đề sâu nặng của xã hội Đức
Là quốc gia đông dân nhất EU và có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, xã hội Đức từ những năm gần đây đã trải qua những sóng gió nội bộ.
Một số báo châu Âu viết rằng từ khoảng 2015, khi chính phủ của bà Angela Merkel đồng ý nhận hơn 1 triệu di dân Trung Đông (vì cuộc chiến ở Syria), đường phố Đức liên tục có các cuộc tuần hành lớn, theo nhiều xu hướng khác nhau.
Ví dụ từ 2015, ở các bang thuộc Đông Đức cũ, nơi tinh thần bài ngoại thường cao hơn các bang phía Đông, phong trào Pegida chống Hồi giáo đã tổ chức các cuộc biểu tình thứ Hai, gọi là Montagsdemonstrationen. Lấy cảm hứng từ phong trào phản đối đảng cộng sản ở CHDC Đức cũ, Pegida lại nêu ra các khẩu hiệu khác hẳn, tức là bài ngoại.
Từ 2020 có thêm các cuộc biểu tình của phái Querdenker (Nghĩ khác), theo thuyết âm mưu, chống lái việc tiêm vaccine Covid và phong tỏa xã hội.
Sau khi liên minh SDP, đảng Xanh và phái tự do thuộc đảng FDP lập tân chính phủ năm 2021, những đảng cực hữu đẩy mạnh phong trào phản đối.
Từ sau tháng 2/2022, khi Nga xâm lăng Ukraine, ở Đức xuất hiện các cuộc tuần hành lễ Phục Sinh (Ostermärsche- lấy cảm hứng từ phong trào chống vũ khí nguyên tử trong thập niên 1960s), nhưng với khẩu hiệu ngăn cản Đức giúp Ukraine, đối đầu với Nga.
Những người biểu tình thuộc phe hữu cũng chống lại việc Đức và EU ra các lệnh trừng phạt Kremlin.
Một số báo quốc tế đặt câu hỏi vì sao ở vùng Đông Đức cũ có “tình yêu Putin đến thế” (Why Does Eastern Germany Love Putin So Much?) và cho rằng AfD “đang trở thành cái loa của Kremlin” tại Đức.
Sang năm 2023 đến lượt phe tả và chống biến đổi khí hậu xuống đường với các hình thức cực đoan như chặn tàu xe, bao vây xa lộ.
Cuối năm, cả phe hữu và phe tả đều biểu tình, bên thì ủng hộ Israel, bên bảo vệ người Palestine, sau khi cuộc chiến Gaza nổ ra.
Từ đầu năm 2024, nông dân ba bang miền Đông không chỉ phản đối việc cắt giảm trợ giá xăng dầu cho máy kéo, xe nông nghiệp mà bắt đầu có các biện pháp mang tính “vô chính phủ” như chặn xa lộ và các đường nhỏ ở biên giới vớ Ba Lan. Ở một số nơi, họ cấm dân chúng qua lại, và chỉ để xe cứu thương và cảnh sát đi qua các “chốt tự phát”.
Hành động bắt đầu mang tính bạo lực xảy ra khi có đám đông chặn chuyến phà không cho Phó Thủ tướng Robert Habeck đi nghỉ trở về lên bờ và khẩu hiệu của nông dân Đức không chỉ là các câu “hiền lành” và đúng luật như đòi hạ bệ chính phủ liên minh (Ampel muss Weg-Liên minh đèn đường biến đi). Đã có chỗ cảnh sát phải điều tra khi người ta tung ra khẩu hiệu mang tính bạo lực “Đưa chính phủ tới giá treo cổ”.
Kinh tế Đức gặp khó khăn trong năm 2023 và sẽ chỉ tăng trưởng rất yếu, từ 0,6 tới 0,9% trong năm nay, tùy vào số liệu dự báo của các cơ quan khác nhau.
Điều đáng lo ngại là cả ba cơ quan chuyên về kinh tế của Đức, IFO, RWI và DIW đều hạ chỉ số tăng trưởng về kinh tế nước này năm nay từ trên 1% trước đó, xuống dưới 1%.