- Tác giả,Frances Mao
- Vai trò,BBC News
Các chuyên gia về Bắc Hàn – về bản chất là những người thận trọng luôn cố gắng tránh gieo rắc sự hoảng loạn – đã bị hai người trong số họ làm cho bàng hoàng.
Tuần trước, hai nhà phân tích nổi tiếng đã đưa ra thông báo gây sốc – có thể nói là như vậy – rằng họ tin nhà lãnh đạo quốc gia bị cô lập này đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Họ nói rằng ông Kim Jong Un đã từ bỏ mục tiêu cốt lõi là hòa giải và tái thống nhất với Hàn Quốc. Thay vào đó, ông ta mô tả miền Bắc và miền Nam như hai quốc gia độc lập đang có chiến tranh với nhau.
Robert L Carlin, nguyên là nhà phân tích của CIA và Siegfried S Hecker, một nhà khoa học hạt nhân đã đến thăm Bắc Hàn nhiều lần, viết trên chuyên trang 38 North: “Chúng tôi tin rằng, giống như ông nội của ông ấy vào năm 1950, Kim Jong Un đã đưa ra một quyết định chiến lược là tham chiến”.
Một tuyên bố như vậy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington và Seoul, đồng thời làm nổ ra một cuộc tranh luận lớn trong giới quan sát Bắc Hàn.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều không đồng tình với lý thuyết chiến tranh; BBC đã nói chuyện với bảy chuyên gia trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ – không ai trong số họ ủng hộ ý tưởng này.
Christopher Green, một nhà quan sát Hàn Quốc của Crisis Group có trụ sở tại Hà Lan, cho biết: “Đặt an nguy cả một chế độ của mình vào cuộc xung đột thảm khốc không phải là thương hiệu của người Bắc Hàn. Những người đã chứng minh mình là ‘Machiavellian tàn nhẫn’ – sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ưu tiên sự tồn tại và ảnh hưởng của chế độ.”
Ông Green và những người khác lưu ý rằng miền Bắc thường hành động để đem các cường quốc phương Tây lên bàn đối thoại; còn có những áp lực chính trị trong nội bộ đất nước.
Nhưng các chuyên gia nhất trí rằng không thể phớt lờ ngôn ngữ và thái độ ngày càng hung hăng của ông Kim; và chế độ của ông ngày một nguy hiểm hơn.
Trong khi hầu hết các ý kiến dự đoán vẫn khó có thể xảy ra chiến tranh, số khác lo ngại có khả năng nổ ra một cuộc xung đột quân sự quy mô nhỏ hơn.
Điều này đến từ đâu?
Những nhà quan sát luôn dõi theo Kim Jong Un đã quen với những lời đe dọa về hạt nhân của ông, nhưng một số người nhận định những thông điệp mới nhất từ Bình Nhưỡng có bản chất khác.
Sáu ngày sau tuyên bố đêm giao thừa của ông rằng “rõ ràng là một cuộc chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên”, quân đội của ông đã bắn đạn pháo qua biên giới.
Bắc Hàn cũng tuyên bố thử nghiệm một tên lửa nhiên liệu rắn mới và thiết bị không người lái tấn công dưới nước, được cho là có thể mang vũ khí hạt nhân, kể từ đầu tháng Giêng.
Trong hai năm trước đó, Bắc Hàn cho phóng tên lửa và phát triển vũ khí gần như hàng tháng, vi phạm trắng trợn các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, chính tuyên bố của ông về việc chính thức từ bỏ mục tiêu thống nhất vào tuần trước đã khiến nhiều người phải nhíu mày.
Thống nhất với miền Nam luôn là một phần quan trọng – dù ngày càng phi thực tế – trong hệ tư tưởng của miền Bắc kể từ khi lập quốc.
Peter Ward, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Kookmin ở Seoul, nêu ý kiến: “Đây là một vấn đề hệ trọng. Về cơ bản, nó làm thay đổi một trong những nguyên tắc tư tưởng cốt lõi của chế độ”.
Kim Jong Un bây giờ sẽ phá bỏ di sản đó – theo nghĩa đen. Cùng với việc đóng cửa các kênh ngoại giao và các đài phát thanh xuyên biên giới, ông còn tuyên bố sẽ phá bỏ Cổng Thống Nhất, một tượng đài chín tầng ở ngoại ô Bình Nhưỡng.
Cổng Thống Nhất khắc họa hai người phụ nữ trong trang phục truyền thống Triều Tiên đang hướng về phía nhau, được xây dựng vào năm 2001 để đánh dấu nỗ lực của cha và ông nội của ông Kim hướng tới mục tiêu thống nhất.
Các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs công bố hôm thứ Ba cho thấy cổng này có thể đã bị phá hủy, mặc dù chưa có xác nhận chính thức nào về điều này.
Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) là người ra trận năm 1950, nhưng ông cũng là người đề ra ý tưởng rằng đến một lúc nào đó người dân Bắc Hàn sẽ lại thống nhất với đồng bào miền Nam của mình.
Nhưng cháu trai của ông giờ đây đã quyết định xác nhận người Hàn Quốc là một dân tộc khác – có lẽ để hợp thức hóa họ thành mục tiêu quân sự.
Một cuộc tấn quy mô nhỏ có thể xảy ra?
Ông Carlin và Tiến sĩ Hecker, hai nhà phân tích dự đoán khả năng xảy ra chiến tranh, đã diễn giải tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy Kim Jong Un thực sự quyết định theo đuổi một cuộc chiến.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích không đồng tình. Seong-Hyon Lee, từ Quỹ George HW Bush về quan hệ Mỹ-Trung, chỉ ra rằng Bắc Hàn sắp mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài vào tháng tới và nước này cũng đã bán đạn pháo của mình cho Nga để phục vụ chiến tranh – điều mà họ có thể đã không làm nếu thực sự đang chuẩn bị cho một cuộc chiến.
Tuy nhiên, biện pháp răn đe cuối cùng là nếu Bắc Hàn tiến hành một cuộc tấn công, thì quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiên tiến hơn rất nhiều.
Ông Ward của Đại học Kookmin cho biết: “Một cuộc chiến tranh tổng thể có khả năng cướp đi sinh mạng của nhiều người ở miền Nam, nhưng đó sẽ là dấu chấm hết của Kim Jong Un và chế độ của ông ta”.
Thay vào đó, ông Ward và những chuyên gia khác cảnh báo các điều kiện đang hình thành cho cuộc xung đột quy mô nhỏ hơn.
Nhà phân tích Ankit Panda từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: “Nói chung, tôi lo ngại hơn nhiều về một cuộc tấn công quy mô nhỏ vào Hàn Quốc… một cuộc tấn công kiểu đó sẽ nhắm vào lãnh thổ hoặc lực lượng quân sự của Hàn Quốc nhưng bị giới hạn về mặt phạm vi”.
Các cuộc xung đột như vậy thậm chí có thể dưới hình thức pháo kích hoặc nỗ lực chiếm đóng các hòn đảo tranh chấp ở phía tây bán đảo Triều Tiên.
Năm 2010, miền Bắc tấn công đảo Yeonpyeong làm bốn binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng, khiến miền Nam tức giận.
Các nhà phân tích nhận định rằng, một hành động khiêu khích tương tự một lần nữa có thể được thực hiện để thử xem giới hạn của Hàn Quốc và nhằm khiêu khích Tổng thống Yoon Suk Yeol, một nhà lãnh đạo diều hâu, người đã thề sẽ đáp trả cuộc tấn công của Bắc Hàn bằng sự trừng phạt “nghiêm trọng hơn gấp bội lần”.
Ông Panda ý kiến: “Bắc Hàn có thể mong đợi thực hiện một cuộc tấn công trả đũa không cân xứng từ Seoul”, điều này có thể gây ra sự leo thang diện rộng hơn trong giao tranh.
Bổn cũ soạn lại nhằm chiếm thế thượng phong
Những người khác cho rằng nỗi lo sợ chiến tranh nên được xem xét trong mô thức hành động của Kim Jong Un.
Seong-Hyon Lee cho biết: “Nhìn vào lịch sử Bắc Hàn, họ thường dùng những hành động khiêu khích để thu hút sự chú ý của các nước khác khi muốn đàm phán.”
Chế độ Bắc Hàn vẫn đang chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế và năm 2024 là năm bầu cử của các đối thủ – với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và bầu cử Quốc hội Hàn Quốc.
Tiến sĩ Lee giải thích: “Đây là một cơ hội tốt để Kim Jong Un khiêu khích.”
Chính quyền Mỹ hiện tại dưới thời Tổng thống Joe Biden – đang bận rộn với Ukraine và Gaza – không chú ý nhiều đến Bắc Hàn và Bình Nhưỡng thường có nhiều tương tác với các chính quyền đảng Cộng hòa.
Kim Jong Un và Donald Trump nổi tiếng có mối quan hệ thân thiết vào năm 2019 trước khi các cuộc đàm phán phi hạt rơi vào bế tắc – và nhà lãnh đạo Bắc Hàn có thể đang chờ cựu tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng, nơi ông ta có thể làm suy yếu liên minh với Hàn Quốc và sẵn sàng nối lại đối thoại.
Các nhà phân tích cho rằng, tình hữu nghị thân thiết hơn với Nga và sự hỗ trợ kinh tế liên tục từ Trung Quốc có thể đã khiến Bắc Hàn trở nên liều lĩnh hơn.
Bắc Hàn đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga để đạt được mục tiêu dài hạn là phóng vệ tinh gián điệp và hai nước đã có một số cuộc gặp gỡ cấp cao, bao gồm hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo vào năm ngoái.
Ông Panda nói: “Chủ yếu những gì chúng ta đang thấy là kết quả của sự tự tin ngày càng gia tăng của Bắc Hàn vào khả năng lẫn vị thế địa chính trị của mình, điều này là từ sự hậu thuẫn của Nga và ở mức độ thấp hơn là của Trung Quốc”.
Mục tiêu trong nước
Và những người khác cho rằng hành vi của ông Kim Jong Un đều nhằm mục đích ổn định chế độ của chính ông ta.
Giáo sư Leif-Eric Easley từ Đại học Ewha ở Seoul lập luận: “Đây dường như là một sự điều chỉnh về mặt ý thức hệ cho sự tồn tại của chế độ. Người Bắc Hàn ngày càng ý thức được những thất bại của đất nước Cộng sản của mình so với miền Nam.”
Giáo sư Leif-Eric Easley chỉ ra một chính sách tập trung vào việc xác định kẻ thù, nhằm hợp thức hóa việc đổ tiền cho các dự án tên lửa của ông Kim trong giai đoạn khó khăn. Có những tin tức về nạn đói diễn ra trên khắp đất nước.
Ông Ward chỉ ra rằng việc mô tả miền Nam là kẻ thù cũng giúp giải quyết dễ dàng hơn “sự bất đồng về nhận thức cốt lõi” trong quan điểm của miền Bắc về Hàn Quốc.
Ông Ward nói: “Trước đây, đó là một nhà nước xấu xa không thể xóa bỏ, được cho là đối tượng để thống nhất với một nền văn hóa băng hoại, không nên được đón nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nơi có những người dân cần được giải phóng khỏi chính phủ tà ác của họ”.
“Bây giờ đất nước và nền văn hóa của nó có thể bị gắn nhãn là xấu xa và điều đó biện minh cho sự đàn áp liên tục lên văn hóa Hàn Quốc.”
BBC tuần trước đã công bố đoạn phim hiếm hoi cho thấy hai thiếu niên Bắc Hàn bị kết án 12 năm lao động khổ sai vì xem phim truyền hình Hàn Quốc.
Sokeel Park, từ Liberty ở Bắc Hàn, một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ những người tị nạn Bắc Hàn, ý kiến: “Ông Kim thực sự không muốn một cuộc chiến – một canh bạc lớn mà ông ấy sẽ “không được gì mà lại mất tất cả”.
Thay vào đó, những lời đe dọa của ông ta phục vụ cho mục đích củng cố chính sách Bắc-Nam mới của mình, cuối cùng là nhằm củng cố quyền lực của ông ta, ông Park chỉ ra.
Các nhà phân tích cho rằng, dù điều quan trọng đối với Hàn Quốc, Mỹ và các đồng minh là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng tình hình nội bộ ở Bắc Hàn và bức tranh địa chính trị rộng hơn.
Tiến sĩ Lee lập luận, cuối cùng thì cách tốt nhất để biết nhà lãnh đạo Bắc Hàn đang nghĩ gì là tương tác với ông ấy.
“Cộng đồng quốc tế không coi việc Mỹ đối thoại với ông Kim Jong Un là đầu hàng trước những lời đe dọa của ông Kim Jong Un. Đó được coi là một phương thức cần thiết để đạt được mục tiêu”, ông nói.
“Nếu cần, ta nên cân nhắc việc gặp gỡ lãnh đạo của quốc gia thù địch để giảm bớt những đánh giá sai lầm và ngăn chặn chiến tranh.”
Kelly Ng đưa tin bổ sung.