Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (Doctors Against Forced Organ Harvesting, DAFOH) đã đưa ra lời kêu gọi trước đợt đánh giá sắp tới của Liên Hiệp Quốc về các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc
Các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện bên cạnh trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, vào ngày 20/09/2023. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
Eva Fu
Frank Fang
Thứ tư, 24/01/2024
Một liên minh gồm 110 nhà lập pháp, bác sĩ, học giả, và các tổ chức dân sự đang kêu gọi Liên Hiệp Quốc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để điều tra tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
Trong tháng Một này, tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) đã đưa ra lời kêu gọi trước đợt đánh giá sắp tới của Liên Hiệp Quốc về các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc vào ngày 23/01, đánh dấu lần đánh giá đầu tiên đối với nước này kể từ năm 2018.
Tiến trình “Đánh giá Định kỳ Toàn cầu” là một hệ thống bình duyệt được thiết lập hồi năm 2006 cùng với việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Cứ bốn đến năm năm một lần, tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phải trải qua một đợt đánh giá như vậy, được thực hiện bởi 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào quan tâm.
Tuy nhiên, DAFOH cho biết trong một tuyên bố, trong khi đánh giá của Liên Hiệp Quốc “là nhằm thách thức các hành vi áp bức và để củng cố nhân quyền cũng như pháp quyền,” thì đánh giá này lại “không có mục đích cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ vi phạm các quyền cơ bản đó.”
Trong bối cảnh vô số tù nhân lương tâm, đơn cử như các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, đã mất mạng vì nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn, thì sự im lặng chỉ có thể khuyến khích các thủ phạm “mở rộng các hành vi đàn áp vượt khỏi biên giới của họ,” DAFOH cảnh báo, đồng thời lưu ý rằng nhiều tổ chức phương Tây — chẳng hạn như các bệnh viện đào tạo, công ty dược phẩm, và tổ chức y tế — đã “hoàn toàn đồng thuận với việc rời bỏ các tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức để hợp tác với Trung Quốc trong những vụ sát nhân hàng loạt này.”
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần khuyến khích các học viên sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn — đã khiến hàng chục triệu công dân Trung Quốc trở thành các mục tiêu bị ĐCSTQ thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Nguồn cung cấp nội tạng lớn từ những người bất đồng chính kiến bị cầm tù ở Trung Quốc đã biến Trung Quốc thành một điểm đến hàng đầu cho ngành du lịch cấy ghép quốc tế vì các bệnh viện Trung Quốc thường đưa ra thời gian chờ đợi để bệnh nhân được ghép tạng khá ngắn — nhanh chóng hơn nhiều so với thời gian chờ đợi ở các quốc gia phát triển có hệ thống hiến tạng đã được thiết lập vốn xem trọng việc bảo vệ đạo đức.
DAFOH cho biết: “Mặc dù nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức dường như là một chuyện xa vời đối với những người trong thế giới tự do như chúng ta, nhưng việc này sẽ trở nên có liên quan nếu chúng ta, hoặc những người thân của chúng ta, cần cấy ghép nội tạng.”
DAFOH đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc “nghiêm túc và can đảm đặt câu hỏi về các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc” trong cuộc họp của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba (23/01/2024).
Tổ chức vận động này cũng kêu gọi lập ra một vị trí Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, và những người làm việc thay mặt cho Liên Hiệp Quốc trong các cơ cấu “thủ tục đặc biệt” nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm còn sống ở Trung Quốc.
Ông Edward McMillan-Scott, người đảm nhận chức phó chủ tịch Nghị viện Âu Châu bốn nhiệm kỳ từ năm 2004 đến năm 2014, nhớ lại ông đã kinh hoàng xiết bao khi biết rằng những hành vi đàn áp như vậy vẫn diễn ra trong đời thực trong chuyến công cán của ông tới Trung Quốc hồi năm 2006.
Tháng 05/2006, ông đã gặp ông Cao Đông (Cao Dong), một học viên Pháp Luân Công từng bị giam giữ và ông Cao đã kể cho ông nghe rằng người bạn thân nhất của mình đã biến mất khỏi phòng giam. Sau đó ông Cao nhìn thấy thi thể trần trụi của người đàn ông này trong nhà xác của nhà tù, với những lỗ thủng nơi các cơ quan nội tạng quan trọng của ông ấy bị lấy đi, theo lời ông Cao tại một sự kiện bên lề Liên Hiệp Quốc hôm 22/01 có tên “Sự phủ nhận Nhân Quyền Phổ quát của Trung Quốc” được tổ chức bởi CAP Freedom of Conscience, một nhóm vận động nhân quyền Âu Châu với tư cách tư vấn cho Liên Hiệp Quốc.
Ông Cao đã bị bỏ tù vì cuộc họp bí mật đó. Ông McMillan-Scott cho biết, đến nay ông vẫn chưa thể khám phá ra chuyện gì đã xảy ra với ông Cao. Sau đó, ông gặp thêm nhiều học viên Pháp Luân Công khác đã trốn thoát khỏi Trung Quốc sau khi bị bỏ tù.
“Quả thực đã có hàng trăm người mà tất cả đều nói một điều giống nhau,” ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Không thể nào không tin vào một bộ bằng chứng đồng nhất như vậy trong một thời gian dài như vậy.”
Các báo cáo đồng nhất và lời khai của nhân chứng
Tất cả các báo cáo điều tra và nhân chứng đã xuất hiện trong nhiều năm qua đều cho thấy sự đàn áp của ĐCSTQ nghiêm trọng đến mức nào.
Năm 2019, Tòa Luận tội Trung Quốc tại London đã kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể,” với các học viên Pháp Luân Công là “nguồn cung cấp chính” về nội tạng người.
Một bài nghiên cứu đăng trên Tập san Cấy ghép Hoa Kỳ hồi năm 2022 đã cho thấy 71 bài nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó các bác sĩ đã thu hoạch tim và phổi người để cấy ghép mà không thực hiện xét nghiệm để xác thực người đó có chết não hay chưa — cho thấy bệnh nhân đã bị sát hại để lấy nội tạng.
Khi chỉ còn một ngày nữa là đến lượt Trung Quốc được Liên Hiệp Quốc đánh giá về nhân quyền, bà Katrina Lantos Swett, chủ tịch Tổ chức Nhân quyền và Công lý Lantos, đồng thời là con gái của một người sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái (Holocaust), đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chất vấn ĐCSTQ về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, điều mà bà mô tả là “một trong những hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng và đáng khinh bỉ nhất trên thế giới ngày nay.”
“Đây là lúc thể hiện dũng khí,” bà nói tại hội nghị trong một bài diễn văn được ghi âm sẵn, đồng thời nói thêm rằng điều mà bà hy vọng, cũng như hàng triệu người trên thế giới hy vọng, là chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “thực trạng khủng khiếp này” trong đợt đánh giá của Liên Hiệp Quốc.
Giống như ông McMillan-Scott và bà Lantos Swett, ngài Philip Hunt của Kings Heath đã ký vào bức thư chung của DAFOH, cho thấy tác động từ những phát hiện của Tòa Luận tội Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi một phiên tòa tại tòa án hình sự quốc tế.
Ông nói với The Epoch Times rằng, có được một “sự đánh giá rất mạnh mẽ, khách quan, vô tư về các bằng chứng” thông qua một diễn đàn quốc tế như thế này — “quý vị không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng.”
Bắc Kinh được cho là đã và đang gửi các bản ghi nhớ cho các đặc phái viên ngoại quốc và vận động hành lang tại các quốc gia không phải phương Tây để ca ngợi thành tích nhân quyền của họ trước cuộc họp ở Geneva hôm thứ Ba (23/01). Ông Hunt tỏ ra không mấy ngạc nhiên về điều này.
Ông nói: “Theo tôi, việc đó cho thấy Trung Quốc cảm thấy cần phải phản ứng với những lời chỉ trích đã được đưa ra.” Với tư cách là một nghị viên Anh quốc, ông bày tỏ, “vai trò của tôi và vai trò của các nghị sĩ đồng sự là đưa vấn đề này ra trước công chúng. Làm như vậy là để cố gắng bảo đảm rằng bằng chứng được tập hợp theo cách hiệu quả nhất có thể.”
Mới đây, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công và kêu gọi một cuộc điều tra về chiến dịch kéo dài gần 25 năm này nhằm buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
Ông Hunt, người dẫn đầu việc thông qua luật cấm công dân Anh quốc tham gia du lịch ghép tạng, cho biết ông rất vui khi thấy ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến “tình trạng ghê tởm” này.
Ông nói, “Chúng ta càng nhận được sự quan tâm của quốc tế nhiều bao nhiêu,” thì càng có nhiều quốc gia khác nhau sẽ thông qua các luật nhắm thẳng [vào tình trạng này], như vậy càng tốt bấy nhiêu.”
“Quý vị hãy nghĩ đến những người dân nghèo đã bị ảnh hưởng… chúng ta thực sự phải chấm dứt thông lệ kinh khủng này.”
Ông McMillan-Scott nhấn mạnh rằng, về vấn đề này, “[dù quý vị] có làm được bao nhiêu thì cũng không phải là quá nhiều.” Bản thân ông đã ủng hộ việc các nhà lãnh đạo Âu Châu tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2008 vì sự đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền này.
Ông nói: “Tôi đóng vai trò khởi xướng tiến trình này và tôi hài lòng vì tiến trình này vẫn đang tiếp diễn. Việc này rất cần thiết.”
Vấn đề này ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của anh Đinh Nhạc Bân (Ding Lebin), một công dân Đức.
Hồi năm ngoái, cha của anh, nông dân trồng chè Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande), đã bị bắt mà không có lệnh bắt giữ ở Trung Quốc chỉ vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công và hiện đang thụ án ba năm tù. Vụ việc này đã được viện dẫn trong nghị quyết của EU.
“Mỗi mili giây đều quá dài,” anh nói tại sự kiện này. “Bởi vì đây là một sự bất công không thể tin nổi.”
Tuệ Minh biên dịch