Vắng Mỹ, châu Âu đủ sức một mình đương đầu với Putin ?

Từ khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina và trước viễn cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng, câu hỏi nếu bị Nga tấn công, không có Mỹ, liệu châu Âu có đủ khả năng đối phó với Nga hay không đang thực sự ám ảnh giới lãnh đạo Lục Địa Già. Theo các giới chức quân sự, Liên Âu cần « đầu tư rất nhiều về nhân lực, tài lực và sẽ mất từ 5 đến 10 năm mới có thể thiết lập lại những nền tảng công nghiệp cần thiết » để đối mặt với chiến tranh.

Đăng ngày: 26/01/2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh chụp ngày 07/07/2017.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh chụp ngày 07/07/2017. REUTERS/Carlos Barria

Thanh Hà

Châu lục này có còn thời gian đợi thêm 5-10 năm nữa hay không vào lúc mà kịch bản Mỹ ngừng đóng vai trò sen đầm thế giới không hoàn toàn là điều hoang tưởng ?

RFI xin giới thiệu và tóm lược những ý chính trong bài viết mang tựa đề « Thách thức Trump đối với châu Âu : Lục địa này có sẵn sàng một mình đương đầu với Vladimir Putin ? », được đăng trên báo mạng Politico ngày 24/01/2024.

Kịch bản Estonia, nạn nhân kế tiếp của Putin

Tác giả bài báo, Laura Kayali, mở đầu bài viết với một kịch bản hoang đường : Năm 2027 Nga, một cường quốc hạt nhân xâm lược Estonia, trong vài ngày chiếm được miền đông Ukraina. Donald Trump trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu bị đặt trước một bài toán nan giải : Có nên can thiệp quân sự, cứu Estonia hay không, khi mà Matxcơva không nhắm vào toàn khối Liên Âu, không nhắm vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Trở lại với thực tế : Tháng 12/2023 chủ nhân điện Kremlin đã nhấn mạnh « Nga không có lý do, không có lợi ích địa chính trị, kinh tế, chính trị và quân sự để so găng với các nước NATO ». Hai tháng trước đó, tổng thống Volodymyr Zelensky báo động nếu Putin thắng ở Ukraina, Matxcơva sẽ trong tư thế « sẵn sàng » tấn công tiếp các nước láng giềng trong vùng Baltic. Kịch bản đó sẽ xảy ra trong chưa đầy « trong 5 năm sắp tới ». Dự báo này đã được các lãnh đạo trong Liên Âu lắng nghe.

Quân đội Đức đã soạn hẳn một kịch bản cho các bài tập quân sự để đối phó trong trường hợp Nga đánh vào thành phố Suwalki, đông bắc Ba Lan, sát biên giới với Litva vào quãng cuối 2024 và đầu 2025. Trong trường hợp đó ba nước vùng Baltic bị « cắt đứt với phần còn lại của châu Âu ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius không loại trừ khả năng Putin trực tiếp nhắm vào một thành viên NATO trong vòng « từ 5 đến 8 năm sắp tới ».

Antonio Missiroli, cựu phó tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, từng lưu ý rằng, chỉ nội việc  Mỹ muốn « giảm nhẹ » hay « mập mờ » trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu cũng đủ để khuyến khích điện Kremlin nhắm tới một thành viên NATO như Estonia.

Ba năm để phục hồi khả năng tự vệ ?

Trong bối cảnh đó Laura Kayali cho rằng hiển nhiên châu Âu cần có những bước « chuẩn bị trước khi quá trễ ». Nhưng chuẩn bị như thế nào và châu Âu có bao nhiêu thời gian để nâng cấp khả năng phòng thủ ? 

Nhiều nguồn tin quân sự của Na Uy, Ba Lan… được tác giả trích dẫn đồng loạt trả lời: Châu Âu có chừng 3 năm để củng cố khả năng phòng thủ, trong đó bao gồm luôn cả khả năng răn đe hạt nhân. 

Một nhận định khác đáng lo ngại hơn là « ở thời điểm hiện tại, châu Âu không sẵn sàng đối mặt với chiến tranh ». Nếu không dựa vào Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu « không có trang thiết bị quân sự, không có luôn cả các nguồn nhân lực để đối mặt với Matxcơva trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột với cường độ cao ». « Châu Âu không có khả năng tự vệ ». Ngay cả vào lúc mà lực lượng của Nga đã hao mòn vì chiến tranh Ukraina, xét về số lượng (chứ không phải về chất lượng) thì xe tăng, thiết giáp, hệ thống pháo binh, máy bay phản lực…  của Nga vẫn « đông hơn so với của tất cả các nước châu Âu trong gia đình NATO ». Năm nay, Matxcơva dành đến 4,4 % GDP cho các chi phí quân sự, nhưng theo tờ báo Politico, ngân sách quốc phòng của Nga « cao hơn nhiều » so với con số chính thức được đưa ra.

Châu Âu trông đợi quá nhiều vào Mỹ ? 

Trong khi đó thì châu Âu từ nhiều thập niên nay vẫn ỉ lại, cho rằng sự hiện diện của khoảng 100.000 lính Mỹ tại châu Âu là một « lá bùa hộ mạng » đủ để không ai dám động chạm đến khối này. An tâm với ô dù của Mỹ, các nước châu Âu lần lượt dẹp bỏ các chương trình nghĩa vụ quân sự, giảm quân số, giảm đầu tư vào công nghệ quốc phòng…

Thực ra từ 2014, khi Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina, một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã « giật mình » và bắt đầu thức tỉnh. Estonia, Litva và Latvia, hay Ba Lan đã bắt đầu tuyển thêm quân, nhưng xem ra vẫn chưa đủ  trong trường hợp bị Nga tấn công. 

Từ 2006, NATO đã đồng ý cùng nhau nâng ngân sách quốc phòng và đề ra mục tiêu phải dành ít nhất 2 % GDP cho chi tiêu quân sự. Thế nhưng, mãi đến năm ngoái vẫn mới chỉ có 11 thành viên trong đại gia đình NATO thực hiện được mục tiêu đó. Tại các nền dân chủ phương Tây, không dễ để thuyết phục cử tri về việc tăng ngân sách an ninh, bởi chi thêm cho quân sự có nghĩa là giảm đầu tư vào kinh tế và các chương trình xã hội. Chính vì thế mà « hứa hẹn cung cấp cho Ukraina 1 triệu đạn pháo từ nay tới tháng 3/2024 gần như chắc chắn không thực hiện được ».

Ở góc đài bên kia, Vladimir Putin có chiến đũa thần, ngay cả « các hiệu bán bánh mì dưới phép lạ của Kremlin cũng có thể chế tạo drone tự sát ». Chính vì thế mà « chỉ trong vòng một năm Nga sản xuất được 2 triệu đạn pháo ».  

Vũ khí hạt nhân và một chính sách răn đe chung

Chính trong bối cảnh này kế hoạch phòng thủ chung của Liên Âu được hồi sinh và lần này câu hỏi liên quan đến vũ khí hạt nhân và khả năng răn đe chung của toàn khối cũng đã được đặt ra. 

Hiện tại, trên châu lục này, Anh và Pháp là hai nước duy nhất có vũ khí hạt nhân : Luân Đôn nắm giữ khoảng 200 quả bom nguyên tử, Pháp khoảng 300. Nhưng cả Luân Đôn lẫn Paris đều đã nhiều lần nhắc nhở kho vũ khí này chỉ  nhằm « bảo đảm cho an ninh quốc gia » của Anh và Pháp. 

Nhà báo Laura Kayali trích dẫn một số chuyên gia nêu lên câu hỏi : Liệu Paris hay Luân Đôn có « chia sẻ ô dù hạt nhân cho các đồng minh châu Âu hay không », hay là phải tính đến giải pháp một kho vũ khí hạt nhân chung cho toàn khối ? Đây là ý tưởng mà tổng thống Macron từng đề xuất với các đối tác châu Âu, đứng đầu là Đức, nhưng rồi trong số 26 thành viên còn lại của Liên Âu, « chẳng mấy ai quan tâm » đến sáng kiến của Paris. Mãi đến gần đây, cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fischer mới cho rằng đã đến lúc Liên Âu « cần tự lập » về vũ khí hạt nhân.

Một cựu quan chức tình báo Ba Lan cũng hưởng ứng đề xuất của tổng thống Macron. Cùng lúc, tại Washington, « một số tiếng nói » cũng phụ họa thêm, khuyến khích Liên Hiệp Châu Âu bớt dựa vào Mỹ. 

Nhà báo Laura Kayali của tờ Politico kết luận : Có nhiều khả năng ý tưởng Liên Âu trang bị vũ khí hạt nhân sẽ được đẩy mạnh thêm nữa, nếu sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2024, Donald Trump trở lại cầm quyền.

Bài Liên Quan

Leave a Comment