- An Vui – 27 tháng 1, 2023
Hành lý cồng kềnh vì có khi phải chứa nhiều quà cáp cho thân nhân khi kiều bào về quê ăn Tết 2023 – Ảnh: Thanh Niên
Về quê hương đón Tết cổ truyền ai cũng mong muốn, nhưng “gánh nặng” phải biếu xén thân nhân trong nước (bằng quà hay bằng tiền) khiến họ ngán ngẩm.
Podcast “Áp lực quà cáp của Việt kiều khi về nước” phát trên VnExpress hôm 27 Tháng Giêng 2023 đã nêu ý kiến của hai kiều bào hiện sinh sống tại Mỹ. Một người tên Thư (sống ở tiểu bang California) kể: Trong hai tuần ở Việt Nam, cha mẹ của cô đã phải chi $20,000, số tiền tích góp dành dụm vài năm, bao gồm quà cáp, phong bao lì xì và tất cả tiệc ăn uống cho gia đình hai bên nội/ngoại… Quà cáp và lì xì cho thân nhân mỗi lần về Việt Nam nhiều quá khiến gia đình Thư không mặn mà về Việt Nam ăn Tết, đành chọn cách gọi Facetime.
Nhi (sinh sống tại Mỹ, quê Bình Dương) sống ở vùng có khí hậu lạnh, mùa đông kiếm tiền rất vất vả, phải lên kế hoạch tích góp trong tám tháng mới dám về Việt Nam. Một ngày Nhi phải làm 10 tiếng, đi làm rồi về nhà, không có thời gian đi chơi, để có đủ số tiền $15,000. Nhi được họ hàng thấu hiểu phần nào vì phần lớn gia đình đã định cư ở Mỹ, nhưng mỗi lần về quê thì sự trông mong của mọi người vẫn gây áp lực cho Nhi. Nữ giới ở quê thích mỹ phẩm, nam giới thích quần áo, giày dép… rồi mỗi người phải lì xì $100.
Thảo, một kiều bào khác cho rằng đã đến lúc không nên sĩ diện, đừng gây áp lực cho chính mình. Nếu mình không có thành tựu gì ở hải ngoại thì nên tự “cởi trói” mình, nên nói thật hoàn cảnh với thân nhân, bản thân không đeo vàng, không mang đồ hiệu… và nên lùng kiếm những món đồ giá rẻ ở hải ngoại mà rất đắt ở Việt Nam để mang về làm quà.
Bạn đọc Cao Thanh Dũng nhận định: “Mong quý vị đừng tự tạo áp lực khi về quê hương nữa, phần đông người ở đây bây giờ cuộc sống cũng không đến nỗi nào, chỉ mong mọi người về để gia đình cùng đoàn tụ thôi, những trường hợp mà quý vị nêu trong phóng sự chỉ là cá biệt thôi, như tôi có ông anh ở Úc vừa về Tết đây thôi, rất vui vẻ, ngày Tết anh ấy cũng đi chúc Tết và lì xì cho người già và trẻ nhỏ ở mức tượng trưng thôi”.
Còn người trong cuộc có ý kiến thế nào? Bạn Hoa viết: “Lần đầu tiên tôi cũng hơi lo lắng vì áp lực quà, lì xì và các khoản tiệc tùng khi gặp mặt. Nhưng may mắn gia đình và bạn bè tôi là những người rất hiểu biết, hiểu chuyện nên thậm chí tôi lại được quan tâm tiếp đãi nhiều hơn. Khi phải họp mặt đại gia đình, mẹ tôi treo các bao lì xì lên cành mai để mọi người đến chọn và bảo rằng là lì xì của gia đình gởi mọi người. Trong đó là phần góp của tôi và các em. Khi đến thăm bạn bè có con nhỏ, tôi lì xì từ 50-100k, ai lời ra tiếng vào thì năm sau tôi không đến nữa. Vì những tờ tiền lì xì mà đánh giá nhau thì cũng chẳng cần những mối quan hệ ấy”.
Hồi năm 2016, Dương Quỳnh Tâm – một phụ nữ có chồng ở Singapore – đã phàn nàn trên Facebook về vấn đề quà cáp cho thân nhân bạn bè ở Việt Nam mỗi lần về chơi, làm dậy sóng bình luận. Bà Tâm viết: “Cứ mặc định Việt kiều là phải sang chảnh, phải mừng tuổi nhiều hơn, quà cáp nhiều hơn, là cái máy ATM ai thích vay là được à? Chán lắm, về làm nông dân cho nó sướng, đỡ ai trách móc, đỡ ai tưởng bở”.
Đầu Tháng Mười 2019, một kiều bào Úc viết trên trang thông tin SBS tiếng Việt ở Úc:
“Xa Việt Nam đã gần 10 năm trời, nhưng số lần về thăm quê của tôi đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần từ Úc về Việt Nam, tôi thường canh vé giá rẻ trước cả nửa năm trời, với ước mong tiết kiệm được vài trăm đô tiền vé. Một mẹ một con, nhiều khi phải quá cảnh vài tiếng ở Singapore chỉ để có giá vé thấp hơn vài chục đồng. Tiền vé cả ngàn đô cho một chuyến bay về Việt Nam không khiến tôi khiếp đảm bằng số tiền quà cáp, biếu xén cho bà con dòng họ.
Mua quà cáp không chỉ tính toán đến chuyện tiền nong, mà phải cân đong đo đếm xem thứ nào gọn nhẹ để tiện bề vận chuyển. Chồng tôi, một người Úc gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Úc, không thể nào hiểu nổi tại sao mỗi lần tôi về Việt Nam lại thùng to thùng nhỏ, trùng trùng lớp lớp, tay xách nách mang nhiều đến như vậy. Ngay từ Úc trở về Việt Nam, tôi bỗng nhiên nhận ra mình có nhiều bạn bè lâu không liên lạc quay lại hỏi thăm, và số lượng bà con tự nhiên cũng đông lên “ngùn ngụt”.
Dường như hiện tượng trên đang trên đà giảm, khi năm nay, ngoài VnExpress, không còn tìm thấy báo nào đăng những chuyện phàn nàn tương tự của kiều bào về quê đón Tết.