- Tác giả,Daniele Palumbo, Abdelrahman Abutaleb, Paul Cusiac & Erwan Rivault
- Vai trò,BBC Verify & BBC Ả Rập
Hơn một nửa số nhà cửa tại Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi Israel trả đũa đòn tấn công của Hamas vào ngày 7/10, theo phân tích mới nhất mà BBC có được.
Những hình ảnh quá khứ và hiện tại cũng cho thấy hoạt động ném bom vào miền nam và miền trung Gaza đã tăng lên như thế nào kể từ đầu tháng 12, trong đó thành phố Khan Younis hứng chịu phần lớn hậu quả từ hành động quân sự của Israel.
Israel đã nhiều lần yêu cầu người dân Gaza di chuyển xuống miền nam để đảm bảo an toàn.
Trên khắp Gaza, nhiều khu dân cư đã bị phá hủy, những con phố mua sắm một thời nhộn nhịp giờ chỉ còn là đống đổ nát, trường đại học bị phá hủy, đất canh tác bị xới tung, và những thành phố lều bạt mọc lên khắp một dải biên giới phía nam để dung chứa nhiều ngàn người mất nhà cửa.
Khoảng 1,7 triệu người (hơn 80% dân số Gaza) đã phải chạy nạn. Một nửa số này chen chúc nhau ở phía cực nam của Dải [Gaza}, theo thông tin từ Liên Hợp Quốc.
Phân tích chi tiết của BBC Verify (nhóm chuyên điều tra và kiểm chứng thông tin của BBC) chỉ ra mức độ hủy diệt đối với đất đai nông nghiệp, giúp xác định rõ hơn những khu vực bị tàn phá nặng nề.
Khi bị chất vấn về mức độ và phạm vi thiệt hại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ hiện đang nhằm vào cả lực lượng Hamas lẫn những “cơ sở hạ tầng của khủng bố”.
Ở thời điểm hiện tại, dữ liệu từ vệ tinh mà BBC thu được cho thấy chính xác quy mô rộng lớn của sự hủy diệt.
Từ 144.000 đến 175.000 số nhà cửa trên khắp Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề. Con số này tương đương với 50% đến 61% tổng số nhà cửa ở Gaza.
Bản phân tích, do Corey Scher của Đại học Thành phố New York và Jamon Van Den Hoek của Đại học Oregon thực hiện, so sánh nhiều hình ảnh cho thấy những thay đổi đột ngột về độ cao hay cấu trúc của các tòa nhà – dấu hiệu cho thấy sự hư hại.
Sự tàn phá dịch chuyển xuống phía nam
Thành phố Khan Younis ở miền nam đã hứng chịu sự tàn phá nặng nề trong những tuần gần đây. Theo phân tích, số lượng nhà bị phá hủy hoặc hư hại đã lên tới hơn 38.000 (46% tổng số tòa nhà).
Chỉ trong hai tuần qua, hơn 1.500 nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Có thể thấy trong hình ảnh trước và sau ở phía dưới, Al-Farra – tổ hợp chung cư 16 tầng tại trung tâm thành phố và là tòa nhà cao nhất trong khu vực – đã bị sập vào ngày 9/1.
Phần lớn khu vực xung quanh tòa nhà cũng đã bị các đợt tấn công của Israel san phẳng kể từ cuối tháng 12.
“Quân Israel nhằm vào các khu dân cư, đặc biệt là ở khu vực trung tâm của Khan Younis,” Rawan Qaddah cho biết. Cô là một cư dân 20 tuổi phải chạy nạn và đã mất liên lạc với gia đình.
Cô cho biết trong số nhà cửa bị hư hại còn có các trường học. Một vài ngôi trường hiện đang được sử dụng để làm nơi ở tạm cho dân chạy nạn.
Nhìn từ các đường phố có thể thấy mức độ thiện hại rõ ràng. Các con phố nhộn nhịp ngày nào giờ đã bị bỏ hoang hoặc bị phá hủy.
Những hình ảnh dưới đây cho thấy khu mặt tiền nhà hàng Shawarma Sanabel trước khi Israel tấn công và tình trạng nơi đây hồi tháng Một sau những đợt bắn phá dồn dập vào khu vực.
IDF đã nhiều lần biện minh cho hành động của mình bằng cách nói rằng Hamas cố tình trà trộn vào các khu vực dân sự và giải thích việc phá hủy các tòa nhà là do họ nhằm vào các chiến binh Hamas mà thôi.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về hành động phá hủy những tòa nhà vốn đã được IDF kiểm soát chắc chắn.
Đơn cử như vụ Đại học Israa ở miền bắc Gaza. Một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội quay cảnh ngôi trường bị hư hại nặng nề, chỉ giây lát trước khi nó biến mất hoàn toàn trong một vụ nổ lớn có vẻ được kiểm soát cẩn thận.
IDF cho biết hiện đang được điều tra quy trình phê duyệt vụ nổ.
Nhiều di tích lịch sử của Gaza cũng chịu hư hại nặng nề, bao gồm Nhà thờ Al-Omari được xây dựng từ thế kỷ thứ bảy.
Ông Scher, một trong những học giả tham gia vào công tác đánh giá thiệt hại ở Gaza, cho biết nó khác hẳn so với các vùng chiến sự khác mà ông đã phân tích.
“Chúng tôi đã phân tích Ukraine, chúng tôi cũng đã xem xét Aleppo và nhiều thành phố khác, nhưng mức độ và tốc độ thiệt hại [tại đây] là ngoại lệ. Tôi chưa bao giờ thấy mức thiệt hại lớn như vậy mà lại xảy ra nhanh đến vậy.”
Các vùng canh tác ở Gaza bị hủy hoại
Phân tích chi tiết của BBC Verify cho thấy những khu vực từng là đất đai canh tác lớn trên khắp Gaza đã bị tàn phá nặng nề.
Như có thể thấy trong các hình ảnh vệ tinh bên dưới, một số khu vực tại Gaza bị ảnh hưởng từ những cuộc tấn công và bắn phá của Israel.
Dù phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu trước khi chiến tranh nổ ra, một lượng lớn thực phẩm của Gaza đến từ nông nghiệp và hoạt động sản xuất tại chỗ. Các tổ chức cứu trợ cho biết một nửa dân số Gaza đang đối mặt với nguy cơ chết đói.
BBC Ả Rập đã nói chuyện với một nông dân tên Saeed, là cư dân Beit Lahia ở miền bắc Gaza đã di tản về miền nam vào giữa tháng 11.
Người đàn ông 33 tuổi này từng trồng ổi, vả, chanh, cam, cây bạc hà, húng cây và kiếm được khoảng 6.000 USD (tương đương 146 triệu VND) mỗi năm từ hoa màu – đây là nguồn thu nhập duy nhất của cả ông, người cha của ông và em gái ông. Ông được thừa kế mảnh đất đó từ ông bà mình và đã chăm sóc nó được 15 năm.
Nhưng chỉ vài ngày sau khi chạy nạn, ông được một người thân báo tin rằng khu trang trại, cùng 5 ngôi nhà xung quanh của bà con, đã bị IDF phá hủy.
Ở miền bắc và trung tâm Gaza, khu vực tập trung hoạt động sản xuất nông nghiệp thời trước chiến tranh, phần lớn diện tích đất đai dường như đã bị hủy hoại.
Tại nhiều nơi, sau khi đất đai canh tác bị tàn phá, các công sự tạm thời của quân đội Israel được dựng lên, cùng với đó là các bờ đất được đắp để bảo vệ xe thiết giáp và các khu vực xung quanh được phát quang.
Theo nhận định của BBC, một số nông dân đã mất hoa màu ngay cả khi khu đất của họ không bị tấn công trực tiếp.
Mohamed al-Messaddar, một nông dân ở Deir al-Balah thuộc miền trung Gaza, mới chỉ có thể đến trang trại của mình một lần từ khi chiến tranh bắt đầu.
Khi đến thăm trang trại trong khoảng thời gian đình chiến hồi tháng 11/2023, ông thấy cam nằm rải rác và mục nát khắp mặt đất. “Vụ thu hoạch cam trùng với thời điểm bắt đầu của chiến tranh. Chẳng ai dám đến đó cả.”
Ông cho biết đã mất hơn 90% số cam của mình.
Ngoài việc cấu trúc đất bị ảnh hưởng do hoạt động san lấp để làm đường và đắp công sự, đã có những cáo buộc về việc hủy hoại có chủ ý của IDF.
Trong một video phỏng vấn từ Gaza được đăng tải ngày 4/11, đại tá Yogev Bar-Shesht, Phó trưởng ban Quân quản Gaza, cho biết: “Bất cứ ai quay lại, nếu sau này họ quay lại, họ sẽ chỉ thấy hoang tàn. Không có nhà, không có nông nghiệp, hay bất cứ thứ gì. Không có tương lai cho họ.”
IDF cho biết đã phát hiện nhiều lối vào đường hầm của Hamas và địa điểm phóng tên lửa ở các khu vực nông nghiệp và nói thêm rằng “những địa điểm này phải bị phá hủy hoặc công phá để phục vụ cho nhu cầu hoạt động”.
“Giao tranh có thể gây thiệt hại tới môi trường.”
Các chuyên gia cứu trợ lo ngại tổn thất nông nghiệp ở Gaza sẽ còn kéo dài.
Các cuộc xung đột trước đây ở Syria hoặc Ukraine cho thấy việc phục hồi đất đai là vô cùng khó khăn.
Vũ khí chưa phát nổ cũng khiến cho việc nông dân quay lại và làm việc trở nên nguy hiểm.
Thêm vào đó, những khó khăn trong việc làm sạch đất ô nhiễm và xây dựng lại hạ tầng như hệ thống nước, năng lượng và vận tải.
Thành phố lều bạt mọc lên
Sự thay đổi rõ rệt cuối cùng ở Gaza có thể thấy từ trên cao là sự bùng nổ những căn lều và các công trình tạm khác làm nơi ở cho người chạy nạn ở miền nam.
Khu vực gần biên giới Ai Cập xuất hiện thêm nhiều lều mới từ đầu tháng 12 tới giữa tháng 1, bao phủ một diện tích khoảng 3,5 km², tương đương gần 500 sân bóng đá Ngoại hạng Anh.
Hình ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 3/12/2023 và 14/1/2024 cho thấy một sự thay đổi đáng kinh ngạc – giờ đây, gần như bất cứ khoảnh đất nào chưa có công trình xây dựng và có thể tiếp cận được ở một khu vực tại Rafah đều biến thành nơi trú ẩn cho người tị nạn.
Khi bắt đầu chiến dịch nhằm vào Hamas, Israel đã kêu gọi người Palestine sống ở miền bắc và trung tâm Gaza di chuyển về phía nam vì sự an toàn của họ.
Thế rồi nhiều người đã tới Rafah và lại đối diện với một tương lai bất định.