Lẽ ra Trần Tuấn Anh phải bị cho nghỉ từ 7 năm trước

January 31, 2024

Trần Tuấn Anh

Kỷ luật Trần Tuấn Anh đến quá muộn. Dự án nhà máy thép chỉ là một vụ, một trong số những quyết định sai lầm, bất cận nhân tình mà ông đã làm. Nếu ngay từ thời điểm đó, với cái sai rõ ràng đó, nếu ông đã bị kỷ luật và cách chức bộ trưởng ngay, hẳn đất nước này đã không phải gánh thêm bao nhiêu cái sai, bao nhiêu thiệt hại nặng nề và lâu dài đến thế.

Hồi 2016, dự án 10,6 tỷ USD xây dựng Nhà máy thép Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, công suất 16 triệu tấn thép/năm do tập đoàn Tôn Hoa Sen đầu tư là không thể thực hiện được. Nếu nhắm mắt thực hiện, có xây xong, nhà máy cũng không thể vận hành, trước hết là vì không có nguồn nước ngọt cung cấp để làm mát chạy máy…

Phương án xây dựng nhà máy cung cấp nước từ đầu nguồn sông Dinh, dưới chân nhà máy thủy điện Đa Nhim, Ninh Sơn, xây đường ống dài hơn 30km theo đường chim bay đưa nước về nhà máy cũng không khả thi. Bởi lẽ, khi đi qua khu vực các xã Nhị Hà và Phước Hà, huyện Thuận Nam, cao trình địa hình sẽ bị hạ xuống, nâng lên [+/-] 26 – 32m, giải pháp kỷ thuật để tăng áp cho đường ống nước nằm ngoài khả năng kỹ thuật hiện tại.

Chưa kể, có làm được (mà chắc chắn là sẽ không làm được), nguồn nước này cũng chỉ có thể cung cấp 180.000 m3/ngày, mới đáp ứng 2/3 nhu cầu tiêu thụ nước tối thiểu để vận hành nhà máy, từ 260.000 -320.000m3/ngày. Ninh Thuận chỉ có duy nhất một sông Dinh cấp nước, nguồn cấp nước ngắn, ít, trữ lượng nước rất thấp. Dồn sạch nước cho nhà máy thép cũng chưa đủ cung ứng vận hành, nhưng gần 600.000 dân toàn tỉnh sẽ chết khát. Đồng bằng Panduranga nơi có lượng mưa thấp nhất toàn quốc, vốn khô khát, sẽ càng bị sa mạc hóa nhanh hơn, sản xuất nông nghiệp bị thủ tiêu hoàn toàn.


Phương án khoan nước ngầm cung cấp cho nhà máy càng tệ hại hơn. Từ xã Phước Nam đầu huyện Thuận Nam (trên quốc lộ 1) đến Cà Ná cuối huyện, vì thiếu nước nên toàn bộ địa hình, địa chất đều đã và đang bị sa mạc hóa. Từ Quán Thẻ vào đến Cà Ná, trước đó Bộ Công thương và các Bộ, ngành khác đã “bức tử đất” bằng việc cấp phép cho một dự án ngu xuẩn: bơm nước biển lên làm đồng sản xuất muối công nghiệp không mấy hiệu quả về kinh tế.

Nhiễm mặn, rừng hết, đất chết, địa hình địa chất bị thay đổi không thể hoàn nguyên, không thể tái tạo. Môi trường bị ô nhiễm, đời sống dân cư bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể họ đã bị quy hoạch treo trên diện rộng hơn 20 năm trươc đó. Thêm một nhà máy thép, một đại thảm họa môi trường là không thể tránh khỏi, thừa đủ để biến phần phía Nam tỉnh Ninh Thuận thành vùng đất chết. Nói tóm lại, dự án nhà máy thép chỉ có thể là thảm họa, không được phép làm và không thể làm được.


Tôi là người dân Ninh Thuận, tôi có thể biết rõ điều đó, dĩ nhiên các bộ, ngành, chính quyền, đội ngũ các nhà khoa học đang tư vấn cho chính phủ, chính quyền, doanh nghiệp… lại càng hiểu rõ, hiểu sâu hơn. Nếu đứng về phía quyền lợi quốc gia, xã hội và thực sự lo lắng cho quyền sống, phát triển của nhân dân, điều này đối ngược hoàn toàn với bất kỳ “quyết tâm chính trị” và “năng lực quản trị” nào. Thế nhưng, ở thời điểm đó, với cương vị bộ trưởng Công thương, Trần Tuấn Anh vẫn cam đoan sẽ làm, làm cho bằng được.

Nếu có bất kỳ rủi ro, thất bại nào, ông cam kết sẽ từ chức. Tôi cho rằng ông không được phép lấy chức vụ Bộ trưởng ra đánh cược với thảm họa sắp phủ trùm lên đời sống nhân dân. Cố lao theo là phục vụ lợi ích nhóm, là ủng hộ và tiếp tay cho chủ nghĩa tư bản thân hữu vươn vòi tác oai tác quái, bất chấp đời sống của nhân dân và xã hội. Ông không được phép, không có quyền từ chức, mà cần bị cách chức ngay!


Dĩ nhiên, không ai nghe tôi cả, thậm chí tôi còn bị liệt vào hàng đưa ý kiến phá hoại. Đầu năm 2017, trang cá nhân của tôi bị tấn công đánh sập mấy lần. Hàng loạt cuộc điện thoại phàn nàn, mắng mỏ gay gắt và yêu cầu gỡ bài ngay. Tất nhiên tôi không gỡ. Dịp Tết năm 2017, ở Ninh Thuận, rất nhiều bạn bè, người quen đã tỏ thái độ e dè khi ngồi cùng tôi, tránh bàn luận về chính vấn đề người dân cả tỉnh đang bức xúc. Một số bạn bè công tác trong chính quyền các cấp cho biết: không ra văn bản, song cán bộ các cấp đều được quán triệt: không được bàn lùi hay phê phán tính bất khả thi của dự án nhà máy thép. Ai vi phạm, dù chỉ là bàn bạc “gây hiểu lầm trong dư luận” cũng sẽ bị kỷ luật.

Đến cuối tháng 7/2020, Tập đoàn Hoa Sen đã ra thông cáo, xác nhận Ban lãnh đạo tập đoàn cho rằng tình hình khách quan hiện nay đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi Hoa Sen Group xúc tiến đầu tư các dự án. Do đó, dự án nhà máy thép 10,6 tỷ USD được ngừng vĩnh viễn. Chỉ là cách nói, nhưng phải thôi, đó là điều duy nhất cần và phải làm. Và sang năm sau, 2021, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng rời Bộ Công thương, tất nhiên không phải vì từ chức hay bị cách chức, mà nhận cương vị khác cho đến khi bị Ban kiểm tra Trung ương xem xét đề nghị kỷ luật nặng vào cuối năm 2023.


Những sai phạm khác của Trần Tuấn Anh, tôi không am tường nên sẽ không lạm bàn. Tai tiếng của vụ đưa xe vào sân bay đón vợ mà bản giải trình của ông bị tung đầy trên mạng xã hội, theo tôi cũng chỉ là cái sai vặt vãnh, không đáng quan tâm. Ngay cả mức độ kỷ luật đối với cá nhân ông, dù nặng nhẹ đến đâu – vì như dư luận cáo buộc là phá nát Bộ Công thương – tôi cũng nghĩ ai sai người ấy chịu trách nhiệm.

Tôi chẳng vui gì vì điều đó, mà thành thật chia buồn với thất bại của ông. Tôi cũng mong ông đừng buồn vì bị kỷ luật, bởi ai rồi cũng phải chịu trách nhiệm với chính việc mình đã làm. Nếu đã sai mà còn được đem thân ra nhận xử phạt thì cũng coi như trả sòng phẳng cho hết nợ nần, đó là được chứ không hẳn chỉ mất.


Nhưng tôi tiếc: kỷ luật đến quá muộn. Dự án nhà máy thép chỉ là một vụ, một trong số những quyết định sai lầm, bất cận nhân tình mà ông đã làm. Nếu ngay từ thời điểm đó, với cái sai rõ ràng đó, nếu ông đã bị kỷ luật và cách chức bộ trưởng ngay, hẳn đất nước này đã không phải gánh thêm bao nhiêu cái sai, bao nhiêu thiệt hại nặng nề và lâu dài đến thế.

Nguyễn Hồng Lam

Bài Liên Quan

Leave a Comment