Vàng Đức Sơn kể chuyện tạm lánh cộng sản ở Thái Lan

February 1, 2024

Ông Vàng Đức Sơn

Ở đất Thái Lan thì không có bảo vệ người tị nạn, cho nên cũng có rất nhiều người bị chính quyền Cộng sản đến bắt và gửi về Việt Nam.

Vàng Đức Sơn cùng gia đình tám người đến Mỹ định cư hồi tháng 9/2023, sau gần 12 năm đào thoát khỏi Việt Nam và tị nạn ở Thái Lan.

Trước khi rời khỏi Việt Nam, ông Sơn là một tín đồ theo đạo Tin Lành người sắc tộc H’Mông sinh sống ở huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ông đã rất nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, câu lưu và không cấp giấy tờ tuỳ thân chỉ vì niềm tin tôn giáo của mình.

Tháng 5/2011, ông Sơn cho biết mình bị công an truy lùng sau khi cùng với khoảng 7.000 người H’Mông khác biểu tình phản đối chính quyền thu đất của người H’Mông giao của các doanh nghiệp. Vụ việc này khiến ông Sơn phải quyết tìm đường chạy khỏi Việt Nam.

Ngày 30/1, ông Sơn có mặt tại Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2024 để lên tiếng về thực trạng chính quyền Việt Nam đàn áp người sắc tộc H’Mông theo đạo Tin Lành ở Việt Nam như thế nào. Sau đó, ông cũng dành cho RFA một cuộc phỏng vấn để chia sẻ rõ nét hơn về câu chuyện của mình.

Ông Vàng Đức Sơn cho biết:

Hiện tại, bây giờ tôi rất vui vì gia đình đã qua đây sau đời sống rất khó khăn 11 năm tị nạn ở Thái Lan hiện tại thì gia đình Cũng đang rất vui.

Việc tôi rời khỏi đất nước Việt Nam là quê hương của tôi, vì sao tôi phải chạy trốn đi xin tị nạn, đó là vì tôi là một thầy giảng đạo trong Hội thánh. Tôi đã nhiều lần bị chính quyền và công an đàn áp bắt bớ về việc tôi là một thầy truyền đạo, phụ trách một nhóm một hội thánh nhỏ ở trong đất nước Việt Nam.

Tôi bị đàn áp nặng hơn là bởi vì tôi thường xuyên nói với chính quyền về Luật tôn giáo. Từ năm 2004 là chính quyền đã có chỉ thị về tôn giáo thì tôi cũng đã nhiều lần nói với chính quyền những khi tôi bị bắt và họ nói là chúng tôi vi phạm.

Chúng tôi lấy kinh thánh, vì chúng tôi là người H’Mông cho nên chúng tôi sẽ sử dụng bằng tiếng H’Mông. Đó là cái mà chính quyền quy tội chúng tôi rằng lấy tài liệu trái phép, tài liệu không có nguồn gốc xuất xứ, vì trong đất nước Việt Nam thì chính quyền không cho in kinh thánh bằng tiếng H’Mông.

Các kinh thánh H’Mông đó đều là do các mục sư và các thầy truyền đạo gửi từ Mỹ qua. Chúng tôi cũng thường xuyên sử dụng cả kinh thánh Việt Nam đối chiếu với nhau cho chính quyền nhưng mà họ vẫn không tin.

Hồi năm 2012, chúng tôi bị chính quyền cấm không cho hoạt động tôn giáo và chúng tôi cũng bị chính quyền huyện Mường Nhé cướp đất của chúng tôi cho các công ty đến trồng cây cao su.

Trong tháng 5/2011, các tổ chức của người H’Mông, các hội thánh đứng lên để biểu tình ở chỗ huyện Mường Nhé. Tôi cũng là một người bị chính quyền đàn áp rất là nhiều.

Mình thấy là mình cũng nên lên tiếng thì tôi có đi dự các buổi biểu tình ở Mường Nhé. Sau đó chính quyền truy bắt tôi, tôi không sống được ở Việt Nam và đó là lý do tôi chạy sang Thái Lan.

Cuộc sống tị nạn ở Thái Lan thì rất là khổ. Mình không thể đi làm được vì đất nước Thái Lan họ không ký vào công ước cho người tị nạn.

Cao ủy tị nạn ở Thái Lan nhưng mà họ không thể bảo vệ được mình và cảnh sát Thái Lan muốn bắt mình khi nào thì họ bắt.

Mình không thể đi làm được. Tôi phải đi làm chui, nếu gặp được những chủ nào tốt bụng thì họ sẽ trả tiền cho mình, còn những chỗ nào mà họ xấu thì mình đi làm một tuần thì họ chỉ trả có ba ngày thì mình cũng không nói được cái gì, vì mình không có giấy tờ gì hết.

Tôi có nhiều lần bị bắt. Đi làm bị cảnh sát bắt, phạt tiền. Có lúc ông chủ cũng giúp thì mình mới thoát. Tôi có bị bắt hai lần. Có một lần bị đi vào ở trong trại giam ba đêm và có một lần ở một đêm. Nhưng mà may là lúc đó gặp được ông chủ tốt thì họ cũng đi bảo lãnh.

Lúc đến Thái Lan thì tôi cũng đi nhóm nhà thờ Thái, ở Thái Lan thì có tự do tôn giáo.

Tất cả đều rất khó khăn. Trong thời gian xin tị nạn là khó khăn nhất, bởi vì mình sống bất hợp pháp trên đất nước của người ta, mình không thể đi kiếm ăn được. Và ở đất Thái Lan thì không có bảo vệ người tị nạn, cho nên cũng có rất nhiều người bị chính quyền Cộng sản đến bắt và gửi về Việt Nam. Đó là một cái khổ nhất.

Tôi đã biết là mình không thể quay về Việt Nam được. Mình đã bị chính quyền truy bắt, tôi không thể quay lại Việt Nam được.

(Theo RFA)

Bài Liên Quan

Leave a Comment