February 3, 2024
SRINAGAR, Ấn Độ (NV) – Liên tục trong nhiều thập niên, Ấn Độ tập trung chính sách quốc phòng trên biên giới đất liền với các kình địch Pakistan và Trung Quốc. Giờ đây, khi tham vọng toàn cầu của quốc gia này mở rộng, Ấn Độ đang bắt đầu phô trương sức mạnh hải quân trên các vùng biển quốc tế, gồm có các cuộc tuần tiễu chống cướp biển và chiến dịch điều động được ban bố rộng rãi gần Biển Đỏ giúp bảo vệ thương thuyền khỏi các cuộc công kích trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, hãng tin AP đưa tin hôm Thứ Sáu, 2 Tháng Hai.
Ấn Độ huy động ba khu trục hạm có hỏa tiễn điều khiển vô tuyến và phi cơ trinh sát vào Tháng Mười Một khi lực lượng Houthi chiếm đóng tại Yemen bắt đầu nã hỏa lực vào các thương thuyền hòng bày tỏ tình đoàn kết với Hamas, gây ra sự gián đoạn trong tuyến đường huyết mạch thông thương khoảng 12% năng lực thương mại toàn cầu.
Việc khai triển hải quân Ấn Độ nêu bật quốc gia này là “bên đóng góp tích cực” cho sự ổn định hàng hải quốc tế, Phó Đô Đốc Anil Kumar Chawla, viên chức nghỉ hưu vào năm 2021 với cương vị là nhà lãnh đạo bộ chỉ huy hải quân miền Nam Ấn Độ cho biết.
Ấn Độ đang ngày càng làm rõ chiến dịch khai triển hải quân, cho thấy mong muốn đảm nhận trọng trách lớn hơn về an ninh hàng hải với thế giới và tham vọng hàng hải ngày càng gia tăng của quốc gia này trước Trung Quốc, đối thủ trong khu vực.
Hải quân Ấn Độ từng tương trợ ít nhất bốn tàu, ba trong số đó bị dân quân Houthi công kích và một tàu khác mà Washington đổ lỗi cho Iran, cáo buộc vốn bị Tehran phủ nhận. Hải quân Ấn Độ cũng thực hiện một số nhiệm vụ chống cướp biển.
Lực lượng Houthi do Iran chống lưng nhắm hỏa lực vào hàng chục thương thuyền tại Biển Đỏ, nói rằng họ làm vậy vì đang tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Hoa Kỳ và các đồng minh cũng đáp ứng bằng nhiều đợt không kích vào các cứ điểm của Houthi. Ấn Độ vẫn chưa tham chiến với lực lượng do Hoa Kỳ dẫn đầu chiến đấu chống Houthi.
Ngày 26 Tháng Giêng, khu trục hạm Ấn Độ có hỏa tiễn điều khiển vô tuyến, INS Visakhapatnam, hỗ trợ thủy thủ đoàn của tàu chở dầu treo quốc Quần Đảo Marshall dập tắt hỏa hoạn sau khi con tàu bị trúng hỏa tiễn ở Vịnh Aden. Khoảng 10 ngày trước đó, khu trục hạm Visakhapatnam phản ứng trước cuộc gọi khẩn cấp của thương thuyền Genco Picardy do Hoa Kỳ sở hữu sau một cuộc không kích bằng máy bay không người lái trong cùng hải phận.
Trung Quốc tham vọng gầy dựng sự hiện diện của họ trong nhiều năm tại Ấn Độ Dương, tuyến hải trình quan trọng để cung cấp năng lượng cho họ. Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng chiến hạm, nhiều hơn gấp ba lần quy mô của hải quân Ấn Độ. Trung Quốc cũng vận hành một hải đội tuần duyên hùng mạnh và lực lượng với danh xưng lực lượng dân quân hàng hải gồm có các ngư thuyền hợp tác với lực lượng tuần duyên trong việc khẳng định các yêu sách lãnh hải tại Biển Đông.
Bắc Kinh ngày càng nhúng tay sâu vào Ấn Độ Dương, phần lớn thông qua các thỏa thuận hạ tầng cơ sở với các quốc láng giềng của Ấn Độ, gồm có Bangladesh, Sri Lanka và gần đây nhất là Maldives.
“Trung Quốc đang ngày càng mưu cầu nhiều căn cứ hải quân tại Ấn Độ Dương rộng lớn,” Trung Tướng D. S. Hooda, cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ và đang là chuyên gia sách lược, cho biết. “Thấy được điều đó, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng cường uy lực của chính mình.”
Chính phủ Maldives tuần trước cho phép một tàu nghiên cứu Trung Quốc cập cảng quốc gia này. Tàu thuyền tương tự của Trung Quốc cũng ghé qua hải cảng Sri Lanka trong năm 2022 và 2023 trong bối cảnh Ấn Độ lo ngại rằng số tàu thuyền đó có thể được dùng như công cụ theo dõi diễn tiến trong khu vực. Những lo ngại của Ấn Độ làm cho Sri Lanka hồi đầu năm nay phải ban bố lệnh cấm một năm với các tàu nghiên cứu ngoại quốc đi vào hải phận Sri Lanka.
Các chuyên gia cho rằng mức độ cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gia tăng đang thúc đẩy Ấn Độ mua thêm chiến hạm, tàu ngầm và phi cơ cơ tân tiến hơn cũng như đầu tư nhiều hơn vào kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở. Tỷ trọng của hải quân Ấn Độ trong ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, đạt $72.6 tỷ vào năm ngoái, tăng từ khoảng 14% lên 19%. Theo truyền thống thì lục quân Ấn Độ là lực lượng nhận được phần lớn ngân sách quốc phòng.
Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản là thành viên của liên minh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tên Quad. Quad nhiều lần cáo buộc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đông và đòi hỏi một cách trịch thượng các yêu sách về lãnh hải. Hải quân của bốn quốc gia Quad thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận được coi là một phần của sáng kiến nhằm chống lại sự cường hào không dứt của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Với các nhà hoạch định hải quân Ấn Độ, Biển Đông vẫn là mối quan tâm tiên quyết, với khoảng 60% hàng hóa của Ấn Độ đi qua các tuyến hải trình trong khu vực do Bắc Kinh thống trị.