Ấn Độ sắp trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, trong khi Trung Quốc đang bám trụ ở vị trí thứ hai.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) bắt tay lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 04/09/2016. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)
Andrew Moran
Thứ bảy, 03/02/2024
Ông Kyle Bass, giám đốc đầu tư (CIO) tại Hayman Capital Management, gần đây đã nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn: “Đầu tư vào cộng sản không bao giờ mang lại hiệu quả.”
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải chật vật với nhiều khó khăn có thể dẫn tới những vấn đề đau đầu trong dài hạn.
Nhà phát triển địa ốc gặp khó khăn tài chính China Evergrande Group (Tập đoàn Hằng Đại Trung Quốc) đã nhắc nhở thị trường tài chính Trung Quốc cũng như toàn cầu về những thách thức nợ nần của Bắc Kinh.
Một tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý Evergrande, công ty mắc nợ nhiều nhất thế giới, với khoản nợ khoảng 330 tỷ USD. Gần hai năm sau khi vỡ nợ, Thẩm phán Trần Tĩnh Phần (Linda Chan) của Hồng Kông đã ra phán quyết “vậy là quá đủ” vì Evergrande đã không đưa ra các giải pháp, cung cấp thông tin liên lạc hiệu quả, hoặc hoàn thành các nỗ lực tái cấu trúc.
Bà Trần nêu trong một phán quyết mang tính bước ngoặt: “Đối với tôi, có vẻ như lợi ích của các chủ nợ sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu tòa án thực hiện việc thanh lý công ty, để các nhà phát mại độc lập có thể nắm quyền kiểm soát công ty.”
Cổ phiếu của Evergrande đã ngừng giao dịch sau khi sụt giảm hơn 20% do phán quyết của tòa án tối cao.
Quyết định này được đưa ra khi thị trường tài chính nhìn chung đang ở trong tình trạng ảm đạm.
Trong năm qua, chỉ số Shanghai Composite đã giảm khoảng 15% và chỉ số Hang Seng đã giảm gần 30%.
Kể từ khi đạt mức cao nhất ba năm trước, khoảng 6 ngàn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông.
Các nhà chức trách đã chú ý diễn biến này, thúc đẩy Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đưa ra các quy định mới nhằm hạn chế việc bán khống một số loại chứng khoán cụ thể.
Chiến lược giao dịch này — một quá trình mà trong đó nhà đầu tư đặt cược rằng một cổ phiếu sẽ giảm giá, do đó đi ‘vay’ cổ phiếu này để đem bán ngay lập tức với mục tiêu mua lại cổ phiếu đó sau này với giá thấp hơn để trả lại cho chủ sở hữu và bỏ túi khoản chênh lệch — đã có hiệu lực từ ngày 29/01.
Tuy nhiên, sự biến động trong lĩnh vực chứng khoán chỉ là một triệu chứng của một nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả.
Kinh tế Trung Quốc
Dữ liệu được công bố trong suốt tháng Một mô tả bối cảnh trì trệ của một nền kinh tế luôn trong tư thái muốn vượt Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát trong bối cảnh nhu cầu trong nước sụt giảm, xuất cảng yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng cao hơn, và tăng trưởng GDP yếu hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế. Ngoài ra, hoạt động sản xuất đã giảm trong chín trên 10 tháng qua.
Các chuyên gia tin rằng Bắc Kinh sẽ xoay chuyển được tình thế bất chấp mọi chuyện đã xảy ra bằng cách tung ra các biện pháp kích thích kinh tế và giải cứu quan trọng hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố dự báo mới nhất về nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4.6% vào năm 2024 và 4.1% vào năm 2025. Họ cũng cảnh báo rằng “những khó khăn ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực địa ốc… cũng có thể gây ra những thất vọng về tăng trưởng.”
Để so sánh, nền kinh tế Hoa Kỳ được dự đoán sẽ tăng trưởng 2.1% trong năm nay và 1.7% vào năm 2025.
Một nhà kinh tế của ING đang chuẩn bị nhận thêm trợ cấp của nhà nước.
Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng khu vực Greater China tại ING, cho biết trong một ghi chú phân tích: “Mặc dù chúng tôi đã thấy nhiều chính sách hỗ trợ từng phần nhắm vào các lĩnh vực cụ thể được ban hành trong vài tháng qua, đã giúp ổn định được phần nào tăng trưởng, nhưng các thị trường đang hướng tới Kỳ họp Lưỡng hội với kỳ vọng về một gói chính sách quy mô lớn hơn.”
Ông Song nói thêm, việc giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hay RRR, vào tuần trước (22-28/01) “có thể được xem là một tín hiệu về các chính sách trợ giúp quan trọng hơn sắp tới.”
Nhưng liệu Trung Quốc có đủ khả năng để thực hiện thêm các biện pháp kích thích và giải cứu không? Khoản nợ rất to lớn của quốc gia này đang tác động đến mọi cấp chính quyền, nâng tỷ lệ nợ trên GDP lên mức cao nhất mọi thời đại là 286% hồi năm ngoái.
Hồi tháng Mười Hai, Moody’s Investor Service đã điều chỉnh triển vọng nợ của Trung Quốc thành “tiêu cực”, ám chỉ mức nợ cao của chính quyền khu vực và địa phương trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Tổ chức này cho biết trong một báo cáo “Việc thay đổi sang triển vọng tiêu cực phản ánh bằng chứng ngày càng tăng rằng chính quyền và khu vực công rộng hơn sẽ cung cấp viện trợ tài chính cho các chính quyền khu vực và địa phương cũng như các Doanh nghiệp Nhà nước đang gặp khó khăn về tài chính, gây ra rủi ro suy giảm lớn đối với sức mạnh tài khóa, kinh tế, và thể chế của Trung Quốc.”
“Sự thay đổi về triển vọng cũng phản ánh những rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục về mặt cấu trúc cũng như sự thu hẹp quy mô liên tục của lĩnh vực địa ốc.”
Trong khi cộng đồng quốc tế quan sát thấy một cường quốc kinh tế đang trên đà suy thoái thì mọi người lại đang chứng kiến sự trỗi dậy của một quốc gia Á Châu khác: Ấn Độ.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ
Bộ Tài chính Ấn Độ dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức bằng hoặc trên 7% vào năm 2024 và 2025 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, với GDP là 5 ngàn tỷ USD.
“Tuy nhiên, chính phủ đã đặt mục tiêu cao hơn việc trở thành một ‘quốc gia phát triển’ vào năm 2047,” ông V. Anantha Nageswaran, cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ, cho biết trong một báo cáo của chính phủ. “Sự mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, cụ thể là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, bắt nguồn từ những cải tổ và biện pháp được chính phủ thực hiện trong mười năm qua.”
Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm, sau Nhật Bản và Đức.
Giám đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das cũng ủng hộ dự báo tăng trưởng của chính phủ, đề cập đến “động lực mạnh mẽ của hoạt động kinh tế” ở đất nước ông.
Các nhà kinh tế và chuyên gia thị trường đều lạc quan và thận trọng.
Ông Vijay Marolia, đối tác quản lý và giám đốc đầu tư của Regal Point Capital và người sáng lập Dharma Investing, cho biết, “Chắc chắn có khả năng” là Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và nói với Epoch Times rằng thời điểm này là “cơ hội của họ.”
Ông Marolia nói: “Miễn là họ tiếp tục làm những gì họ đang làm, và tập trung vào những thế mạnh của họ, nếu họ khắc phục được những điểm yếu, thì họ có thể đạt được điều đó.”
Ông giải thích thêm rằng thật khó để tìm được một quốc gia khác cũng phát triển, tăng trưởng nhanh, và dựa trên hệ thống thông luật của Vương quốc Anh như Ấn Độ, đồng thời nói thêm rằng sự tăng trưởng của Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu.
Ông Marolia nói: “Các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung như Trung Quốc không phải là nơi lý tưởng cho phần còn lại của thế giới.”
Các nhà kinh tế khẳng định rằng sự đi lên nhanh chóng của Ấn Độ là hình ảnh phản chiếu những gì Trung Quốc đã trải qua vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Hoạt động của nhà máy rất mạnh mẽ vào thời điểm thương mại quốc tế sụt giảm. Xuất cảng đã vượt quá mức trước đại dịch. Mức năng suất đã tăng vọt trong thập niên qua. Các khoản đầu tư cũng rất đáng kể và dự kiến sẽ ổn định trong vài năm tới.
Ông Surjit Bhalla, cựu giám đốc điều hành IMF, viết trong một phân tích của Viện Brookings, “Tỷ lệ đầu tư tổng hợp cao ở Trung Quốc được thiết lập giảm xuống dưới mức 40+ trong hai thập niên qua — và mức đầu tư của Ấn Độ sẽ tăng trên mức 30+. Ở Trung Quốc, đầu tư vào lĩnh vực nhà ở đang là lực cản; ở Ấn Độ, đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng là một điểm cộng rất lớn.”
“Tỷ lệ đầu tư cao hơn sẽ tăng thêm khoảng 0.75% tăng trưởng hàng năm cho Ấn Độ; tỷ lệ đầu tư thấp hơn sẽ làm giảm khoảng 0.75% tăng trưởng hàng năm đối với Trung Quốc.”
Thật vậy, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn ngoại quốc chảy ra cao hơn trong năm qua trong bối cảnh lo ngại về địa chính trị, xung đột thương mại, và lo ngại về sự can thiệp của chính quyền.
S&P Global và JPMorgan Chase cũng tin rằng Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.
“Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2030, và chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong ba năm tới,” S&P đã nêu rõ trong báo cáo Triển vọng Tín dụng Toàn cầu 2024. “Bài kiểm tra quan trọng nhất sẽ là liệu Ấn Độ có thể trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu lớn tiếp theo hay không, đây là một cơ hội to lớn.”
Trong một báo cáo khác, S&P Global lưu ý rằng “Ấn Độ được xem là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm các quốc gia lớn G20.”
JPMorgan lập luận rằng sự phân bổ dân số theo các nhóm tuổi của quốc gia này ủng hộ “những triển vọng tăng trưởng thuận lợi.”
JPMorgan viết: “Đất nước này gần đây đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao, lương thấp của họ khiến cả thế giới phải ghen tị.”
Mặc dù có sự lạc quan ngày càng tăng, nhưng các nhà kinh tế của HSBC không tin rằng Ấn Độ sẽ lật đổ được vị trí của Trung Quốc để trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu.
“Các con số không thực sự cho thấy kết quả chính xác như vậy,” các nhà kinh tế Frederic Neumann và Justin Feng tuyên bố trong một ghi chú nghiên cứu vào tháng 10/2023, đồng thời nói thêm rằng Ấn Độ “có quá ít trụ cột” và rằng Trung Quốc “chỉ đơn giản là quá lớn để có thể dễ dàng bị lu mờ về tầm quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.”
Ngày nay, GDP của Trung Quốc là khoảng 17 ngàn tỷ USD, vì vậy Ấn Độ sẽ còn một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có cơ hội để Ấn Độ thế chỗ các quốc gia hàng đầu khác, dù là Nhật Bản hay Đức.
Nhật Thăng biên dịch