Các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), hôm 02/02/2024, đã nhất trí thông qua nội dung dự luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), sau các cuộc đàm phán tập trung vào sự cân bằng giữa sáng chế và an toàn. Đây sẽ là công cụ pháp lý đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ mới mẻ này.
Đăng ngày: 03/02/2024
Theo AFP, đại sứ 27 nước thành viên EU, ngày hôm qua đã nhất trí thông qua thỏa thuận chính trị, đã đạt được hồi tháng 12 vừa qua giữa các nước thành viên và các nghị sĩ Châu Âu. Điều này có nghĩa là dự luật có thể được đưa qua bỏ phiếu thông qua tại Nghị Viện Châu Âu.
Ủy Ban Châu Âu đã trình dự luật mang tên « Act AI» từ hối tháng Tư năm 2021. Cuối năm 2022, OpenAI, công ty khởi nghiệp tại California của Hoa Kỳ, đã cho ra đời công cụ Chat GPT với khả năng vô cùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, được khai thác từ những tiến bộ công nghệ AI. Thực tế này càng cho thấy tầm quan trọng của của dự luật và thúc đẩy thảo luận sâu hơn về công cụ pháp lý này.
Công nghệ Trí tuệ nhân tạo ngày càng cho thấy có rất nhiều tiềm năng sáng tạo, ứng dụng nhưng cũng kèm theo những thách thức lớn về khía cạnh an ninh, nhân quyền…
Một số nước đã quan tâm đặt ra các quy định nhằm quản lý AI, chẳng hạn như Trung Quốc. Tuy nhiên bộ khung pháp lý « Act AI » của Châu Âu có quy mô toàn cầu.
Dự luật của Châu Âu đặt ra các quy định riêng cho các hệ thống AI tương tác với con người, áp đặt các kiểm soát an toàn cho các công ty.
Không có nhiều điều khoản cấm đoán, chủ yếu chỉ cấm các ứng dụng đi ngược các giá trị của Châu Âu, giống như hệ thống chấm điểm công dân hay giám sát đồng loạt người dân đã được sử dụng ở Trung Quốc, hay việc nhận dạng sinh trắc từ xa những người ở nơi công cộng.
Các nước cũng được miễn trừ cho một số nhiệm vụ của lực lượng an ninh như chống khủng bố.
Nghị Viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua lần cuối dự luật vào mùa xuân này. Một số quy định sẽ được áp dụng sáu tháng sau khi thông qua, một số điều khác phải chờ sau 2 năm.