Posted on June 9, 2021 by dongsongcu
onnguonsuviet.com
CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ – QUÂN LỰC VNCH :
TRẬN PLEIME & IA DRANG 19/10/1965 .
Plei Me fight stands as war turning point – News – Stripes
Ngay từ đầu tháng 9 năm 1965 ,Đại Tướng Westmoreland đã thấy rằng các sự ước tính của đồng minh đều sai lạc : Cộng sản sẽ đánh lớn ở miền nam Việt Nam trước khi quân đồng minh hoàn tất sự tăng cường quân sự tại nam Việt Nam . Trong khi thế giới bên ngoài chờ xem Hoa Kỳ sẽ làm được gì ở VN để giúp nam Việt Nam thì Cộng sản tại Hà nội muốn tìm một trận Điện Biên Phủ thứ hai tại cao nguyên Trung Phần VN . Sau này , chính tướng Westy ( tên tắt của Westmoreland ) thố lộ rằng : ” lúc ấy ( tức vào cuối năm 1965 ) , một sự bại trận của quân lực Hoa Kỳ tại miền nam VN sẽ rất tai hại cho tinh thần của miền nam VN .”
Sư Đoàn Đệ Nhất Không Kỵ của Hoa Kỳ tới Việt Nam đúng vào lúc Cộng sản mở chiến dịch Đông Xuân ( cuối 1965 – đầu 1966 ) với mục tiêu sơ khởi là cắt miền nam Việt Nam làm hai dọc theo quốc lộ 19 ( PleiKu – An Khê – Qui Nhơn ) tướng chỉ huy cao cấp CS là Võ Nguyên Giáp sẽ tung ra 3 Sư Đoàn thiện chiến tiến đánh theo trục Tây – Đông vừa nói …
Cộng sản HCM tin là sẽ thắng lợi , vì có nhiều điều thuận lợi . Thí dụ : tỉnh Bình Định từ lâu vẫn được coi là có rất nhiều phần tử thân cộng – địa thế dọc theo quốc lộ 19 đều là rừng núi rất hiểm trở , làm cho cơ giới quân đội Mỹ khó điều động và máy bay khó yểm trợ tác chiến .
Tướng CS Võ Nguyên Giáp tin là 3 Sư Đoàn của ông ta xuất phát từ căn cứ trên đất Cao Miên – KamPuChia , lại còn được các đơn vị địa phương ém ổ của cộng sản tăng cường thì sẽ tạo ra một ưu thế lực lượng mạnh hơn bất cứ một sự tập trung nào của liên quân Việt – Mỹ trong vùng . Trong khi tướng Giáp cho tấn công dọc theo quốc lộ 19 thì cộng quân sẽ tấn công nghi binh dọc theo vĩ tuyến 17 , và quấy rối tại nhiều nơi khác của miền nam VN để cầm chân các lực lượng trừ bị của QLVNCH , đồng thời làm cho nam VN khó đoán được đâu là nỗ lực chính của CSHCM . Cộng sản cho rằng sau khi miền trung bị cắt đôi thì miền nam VN sẽ vô cùng rối loạn rồi sụp đổ .
Tình báo chiến lược Việt – Mỹ biết rõ rằng Cộng quân sắp mở chiến dịch lớn , đoán được mục tiêu của CSHCM và thời gian bắt đầu triển khai chiến dịch . Chỉ còn câu hỏi là nên dùng lực lượng nào để phá vỡ , bẻ gãy chiến dịch của cộng sản HCM, vì đây là chiến dịch do CS lựa chọn địa thế , và chìa khóa đưa tới chiến thắng cho chiến trường Cao Nguyên ở miền Trung Phần VN là sự lưu động .
Cả hai phía đều biết rõ điều sinh tử ấy . CSHCM tin là sự lưu động bằng chân của cộng quân tại chiến trường được chọn lựa sẽ đưa tới chiến thắng . Phía liên quân Việt – Mỹ thì tướng Westy tin là sự lưu động bằng cơ giới và kỹ thuật sẽ triệt hạ sự lưu động bằng chân của địch quân CS . Khí giới lý tưởng để tướng Westy sử dụng hữu hiệu là Sư Đoàn Đệ Nhất Không Kỵ ( tức là Kỵ Binh Không Vận ).
Ý định của Võ Nguyên Giáp là tấn công từng giai đoạn để đạt một chiến thắng địa phương lẫy lừng trong vùng PleiKu thuộc cao nguyên Gia Lai , bắc Tây Nguyên . Trong đợt đầu , tướng cộng sản Chu Huy Mân điều khiển Sư đoàn gồm các Trung đoàn 32 , 33 và 66 , còn được nhiều đơn vị CS địa phương tăng cường . Sư đoàn này có nhiệm vụ làm suy yếu liên quân Việt – Mỹ và buộc liên quân ấy phải tung lực lượng trừ bị ra sớm . Viên tướng Chu này dùng chiến thuật quen thuộc của cộng sản là ” công đồn đả viện ” Trung đoàn 66 mới từ Bắc Việt vào sẽ là lực lượng sẵn sàng tiêu diệt bất cứ lực lượng nào của VNCH và Hoa Kỳ đang ở vào thế yếu : Trung đoàn ấy cũng có thế chiếm bất cứ tỉnh lỵ nào hay quận lỵ nào sơ hở trong thời gian này . Khi kiểm soát được vùng PleiKu rồi thì Sư đoàn của Chu Huy Mân sẽ phối hợp với hai sư đoàn kia để thực hiện mục tiêu chót là tiến chiếm vùng bờ biển Quy Nhơn và Bình Định .
Trận mở màn là trận tấn công đồn Plei Me , do lực lượng đặc biệt của VNCH trấn giữ , – ở cách PleiKu 25 dặm ( Mile ) về phía tây nam . Trong lúc Trung đoàn 33 của cộng quân vây hãm Plei Me thì Trung đoàn 32 sẵn sàng cho tiêu diệt bất cứ đoàn quân tiếp viện nào của đồng minh . Khi diệt được quân tiếp viện rồi thì trung đoàn 32 sẽ quay lại hợp lực với trung đoàn 33 để diệt đồn Plei Me .
Cộng quân theo dõi việc Sư đoàn Đệ Nhất Không Kỵ lập căn cứ tại An Khê phía tây Bình Định , nhưng điều đặc biệt phải ghi nhận là trong sự lập kế hoạch chiếm đóng tỉnh lỵ PleiKu – cộng sản HCM không tính tới việc Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận ( tức Không Kỵ ) của quân đội Mỹ sẽ can thiệp để giải cứu PleiKu.
Cộng quân biết là quân đội Mỹ đã đưa Sư Đoàn Kỵ Binh ấy tới An Khê , nhưng cho rằng từ An Khê tới PleiKu và Plei Me xa quá – cho nên Sư Đoàn ấy sẽ không thể di chuyển mau để tiếp cứu hai nơi ấy . Đó là sự ước tính sai lầm nghiêm trọng nhất của cộng quân trong trận này . Do đó , kế hoạch hành quân sơ khởi của cộng quân sau khi Sư Đoàn Không Kỵ Mỹ trú đóng tại An Khê rồi vẫn không được sửa đổi .
Sự sai lầm nghiêm trọng ấy rất dễ hiểu vì cộng quân không hiểu các khả năng quân sự ghê gớm của Sư Đoàn Không Kỵ . Tổng số trực thăng của Sư Đoàn này là 450 chiếc . Đây là một quan niệm tổ chức quân sự rất tân tiến vào năm 1965 vì , số trực thăng này làm cho Sư Đoàn lưu động 100 phần trăm . Ngay cả đến nhà bếp và các đơn vị hành chánh cũng được di chuyển bằng trực thăng . Dĩ nhiên là các hoạt động quân sự của các đơn vị chiến đấu của sư đoàn cần di chuyển đều hoàn toàn thực hiện bằng trực thăng .
Rừng núi cao nguyên VN có rất ít đường giao thông cho nên mọi cuộc di chuyển bằng cơ giới gặp rất nhiều trở ngại . Nhưng các trở ngại ấy đã thành vô nghĩa trước khả năng lưu động trên không của Đệ Nhất Sư Đoàn Kỵ Binh không vận . Vì khả năng lưu động một trăm phần trăm ấy cho nên Sư Đoàn này đặt bản doanh tại An Khê , nằm ở giữa đường từ PleiKu đến Quy Nhơn . Vùng đất chiến thuật giao phó cho Sư Đoàn này phụ trách rộng tới 900 dặm vuông , tương đương với diện tích tiểu bang Rhode Island của Hoa Kỳ .
Cộng quân bắt đầu vây hãm Plei Me ngày 19/10/1965 . Quân trú phòng vẫn giữ vững vị trí , nhưng đã phải lãnh rất nhiều phát đại bác và đạn súng cối của địch quân CS , nên bị thiệt hại khá nặng . Vì bình tĩnh nên bộ tư lệnh Quân Đoàn 2 VNCH tại PleiKu không hấp tấp gửi quân tiếp viện cho Plei Me . Nhưng sau nhiều ngày theo dõi , bộ tư lệnh thấy cần phải giải cứu Plei Me . Sau cuộc thảo luận giữa các cấp chỉ huy QLVNCH và quân đội Mỹ , một tiểu đoàn của Không Kỵ được trực thăng vận tới giữ PleiKu để Quân Đoàn 2 VNCH rảnh tay hành quân tăng phái Plei Me .
Ngày 23/10/1965 , một đoàn quân hùng hậu của VNCH , có thiết giáp mở đường , hành quân để giao tiếp với Plei Me . Sẵn sàng chờ đợi phục kích của cộng quân ở dọc đường , đoàn quân này chạm địch quân CS lúc gần chiều tối ở cách Plei Me 5 dặm . Trung đoàn 32 cộng quân bị đơn vị VNCH giáng cho một trận thật dữ dội , khiến cho cộng quân bị thiệt hại khá nặng . Tuy vậy , phía quân bạn VNCH cũng bị thiệt hại nên phải dừng chân tại chỗ . Ngay trong đêm ấy , toàn thể một lữ đoàn không kỵ được trực thăng vận tới PleiKu . Mờ sáng hôm sau , trực thăng đã chở pháo binh tới yểm trợ đoàn quân VNCH đang giải vây . Một ngày sau , thiết giáp VNCH phá tan được vòng vây của cộng quân tại chung quanh Plei Me .
Sau hơn mười ngày giao tranh đẫm máu , cả 3 trung đoàn cộng quân đều bị thiệt hại rất nặng . Khi các đơn vị CSHCM lui về phía tây , chui sâu vào rặng núi Chu Prong sát với biên giới Cao Miên – để băng bó các vết thương , cộng quân còn được nhận lãnh những trận mưa bom từ các pháo đài bay B-52 liên tiếp . Và khi quân CS mon men định di chuyển ra biên giới Việt Nam – Cao Miên ở gần đó thì khốn khổ lại gặp những đòn trời giáng của 6 tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH- được không vận cấp tốc từ Sài Gòn lên cao nguyên Gia Lai để khóa chặt biên giới Việt – Miên . Tại vùng biên giới này , tàn quân của tướng cộng sản Chu Huy Mân đã phải lãnh đủ các thứ đòn quyết liệt nhất của lực lượng Nhảy Dù nam Việt Nam .
Riêng đếm tại trận địa , quân bạn đã tìm thấy trên 600 xác cộng quân . Chắc chắn là số chết và bị thương được đồng bọn mang đi không phải là ít . Phía sư đoàn Không Kỵ có 79 binh sĩ tử trận .
Trận Plei Me – Ia Drang là cuộc thử thách giữa một bên là Lưu Động và Hỏa Lực , và phía bên kia là Chiến Thuật Biển Người và Sự Chọn Lựa Trước Địa Thế Sẵn Sàng . Chiến thuật của cộng quân trước đây đã gây tổn thất nặng Lữ Đoàn 100 – quân đội viễn chinh Pháp ngày 2 tháng 7 năm 1954 tại đèo Mang Yang trên quốc lộ 19 . Nhưng đã thảm bại trước các tiến bộ kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ.
Nhưng cũng phải thừa nhận mức độ yểm trợ hoả lực dành cho các tiểu đoàn khinh binh của sư đoàn không kỵ . Đó là sự yểm trợ tối đa . Thí dụ : các pháo đội 105 ly đã được trực thăng vận , đổi chỗ tác xạ tới 67 lần , và đã bắn tất cả 33.108 trái đạn đại bác 105 ly . Trực thăng túc trực bất kể ngày đêm nên lúc nào cần viện binh là đã có trực thăng chở tới ngay . Việc không vận cùng một lúc tới 6 tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH từ Sài Gòn cách mặt trận Ia Drang trên 200 dặm là một thành tích lớn về sự lưu động chiến thuật và chiến lược trong cuộc chiến tranh VN .
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng -Tư lệnh Quân Đoàn 1 VNCH và Four-Star General H . Norman Schwarzkopf Jr – Commander of United States Central Command – Coalition Forces in the Gulf War 1991 : khi đang thời trai trẻ , đã tham dự vào cuộc hành quân tại biên giới Chu Prong – thung lũng Ia Drang trong lực lượng của 6 tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH .
Điều đáng chú ý hơn nữa là tác dụng của khả năng chiến thuật của Sư đoàn Không Kỵ . Vì sư đoàn có khả năng lưu động rất cao cho nên mỗi lữ đoàn của sư đoàn có thể hoạt động rất xa bản doanh của sư đoàn . Trong khi đơn vị thám sát của sư đoàn theo dõi chặt chẽ các cuộc chuyển quân CS từ biên giới vào nam VN , hoặc từ bên trong ra biên giới thì các tiểu đoàn không kỵ gửi các toán tuần thám đi rất xa mà không sợ bị yếu thế , vì trực thăng luôn luôn túc trực để không vận pháo binh đến thật gần trận địa .
Mỗi đơn vị khinh binh của sư đoàn đều có một đơn vị yểm trợ hỏa lực lưu động . Điều làm cho các quân sự gia hết sức ngạc nhiên là lực lượng trừ bị hùng hậu và rất linh động của sư đoàn không kỵ này . Các lữ đoàn của sư đoàn đều không có lực lượng trừ bị . Mỗi khi có chạm địch thì đơn vị nào chưa có giao tranh sẽ đương nhiên trở thành trừ bị , và sẵn sàng được trực thăng vận tới trận địa để tiếp viện hoặc để tăng cường .
Phải nói rằng quan niệm thiết lập và sử dụng trừ bị mềm dẻo như vậy làm đảo lộn rất nhiều quan niệm và nguyên tắc cổ điển của chiến tranh . Yếu tố mới mẻ này đã làm cho các sư đoàn cộng sản tấn công tại cao nguyên Trung Phần VN trong trận Ia Drang rất bất ngờ và do đó đã hứng lấy những thiệt hại nặng nề và thất bại toàn bộ chiến dịch chia cắt Trung-Trung Phần VN ./.
ĐỌC TRANG HỒI KÝ .
General H. Norman Schwarzkopf Jr-Đại Tướng Schwarzkopf kể lại sự tham gia của ông trong trận đánh này với tư cách một cố vấn của Trung Tá Ngô Quang Trưởng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Dù, trong cuốn hồi ký “It Doesn’t Take a Hero” (2002):
Quân Dù được lệnh ngăn chận các trung đoàn CS bị đánh bại ở Thung Lũng Ia Drang đang lẩn trốn trở qua Cam Bốt – Cao Miên- KamPuChia . Tôi đang chập chờn ngủ sau một bữa ăn no nê đánh chén cà ri gà và rượu bia thì bị đánh thức phải đi ra phi trường. Trưởng đã tụ tập một lực lượng to tát khác thường với khoảng chừng 2000 binh sĩ Dù để đi tới Ia Drang sáng hôm sau, và đã chọn tôi làm cố vấn cho ông. Chúng tôi được máy bay vận tải đưa tới sân bay vùng đất đỏ Đức Cơ, nơi tôi đã từng đồn trú trước đây, và từ đó trực thăng chở chúng tôi xuôi Nam xuống vùng thung lũng. Ngay khi chúng tôi nhảy xuống khỏi trực thăng, chúng tôi liền đụng độ giao tranh với địch. Thung lũng rộng khoảng 12 miles tại địa điểm Thung Lũng Ia Drang chảy theo hướng Tây về phiá Cam Bốt – và đâu đó trong vùng rừng già đó đại đơn vị địch quân đang di động lẩn trốn. Chúng tôi đã đáp xuống phiá Bắc, và Trưởng ra lệnh cho các tiểu đoàn băng qua sông Ia Drang và đóng chốt dọc theo rặng núi Chu Prong với những sườn núi cao chạy hướng về phiá Nam. Thật là hấp dẫn quan sát cách Trung Tá Trưởng hành quân. Đang khi chúng tôi lần bước, ông bỗng ngừng lại nghiên cứu bản đồ, và thỉnh thoảng ông lại chỉ ngón tay trên bản đồ và nói, “tôi muốn anh cho nã pháo vào đây.” Thoạt tiên tôi ngờ vực, nhưng vẫn cứ kêu gọi pháo binh bắn theo lời yêu cầu; khi chúng tôi tới vùng đó, chúng tôi thấy xác địch nằm ngổn ngang. Chỉ bằng cách hình dung địa thế và dựa vào 15 năm kinh nghiệm đánh giặc, ông chứng tỏ khả năng đặc biệt tiên đoán ý đồ địch.
Khi bộ chỉ huy lập trại đóng quân đêm đó, Trưởng mở bản đồ ra, châm một điếu thuốc, và phác họa kế hoạch chiến trận của mình. Khoản rừng giữa vị trí chúng tôi đang đóng quân tại các sườn núi và con sông, Trưởng giải thích, tạo nên một hành lang thiên nhiên – con đường cộng quân thể nào cũng chui đầu vào. Trưởng nói, “Tảng sáng, chúng ta sẽ phái một tiểu đoàn tới địa điểm này, về phiá trái, làm lực lượng nút chận giữa sườn núi và con sông. Vào khoảng 8 giờ sáng ngày mai, tiểu đoàn này sẽ đụng độ mạnh với địch quân. Tiếp đó tôi sẽ gửi một tiểu đoàn khác tới địa điểm này, về phiá phải. Tiểu đoàn này sẽ chạm địch vào khoảng 11 giờ. Tôi muốn anh ra lệnh pháo binh sẵn sàng nã vào vùng này, về phiá trước mặt chúng ta,” Trưởng nói, “và rồi chúng ta sẽ tấn công với tiểu đoàn thứ ba và thứ tư của chúng ta đánh xuống mạn sông.
Tôi chưa từng nghe thấy điều lạ lùng như vậy tại West Point. Tôi nghĩ bụng, “Cái gì mà 8 giờ rồi 11 giờ? Làm sao mà có thể hoạch định thời khóa biểu cho trận đánh như vậy được?” Nhưng tôi cũng nhận ra kế hoạch của Trưởng: Trưởng đã tái tạo chiến thuật Hannibal đã dùng vào năm 217 trước tây lịch, khi Hannibal bao vây và tiêu diệt các đơn vị viễn chinh La Mã tại bờ sông Trasimene.
Nhưng, Trưởng nói thêm, chúng ta có một điều khó xử: quân Dù Việt Nam được đưa vào chiến dịch này vì cấp trên lo ngại các lực lượng Mỹ khi đuổi theo địch quân có thể mạo hiểm tiến tới quá sát ranh giới Cam Bốt. Trưởng nói, “Theo bản đồ của anh, biên giới Căm Bốt nằm tại đây, 10 cây số về phiá Đông nếu so với bản đồ của tôi. Để có thể thực hiện kế hoạch của tôi, phải dùng bản đồ của tôi thay vì của anh, nếu không chúng ta không tài nào đánh vòng sâu đủ để đặt lực lượng nút chận đầu tiên của chúng ta. Như vậy, Thiếu Tá Schwarzkopf, anh cố vấn sao đây?”
Viễn ảnh để địch quân chạy thoát trở lại khu an toàn, để rồi khi hồi phục lại sức, chúng lại tấn công trở lại khiến tôi sôi gan lên cũng giống mọi quân sĩ khác. Một số địch quân này đã đụng độ với tôi bốn tháng trước đây tại Đức Cơ; tôi không muốn phải giao tranh lại với chúng bốn tháng tới đây. Như vậy tội gì tôi phải cho là bản đồ của tôi chính xác hơn bản đồ của Trưởng cơ chứ?
“Tôi cố vấn chúng ta dùng lằn biên giới vạch theo bản đồ của Trung Tá.”
Sau khi ban bố các lệnh tấn công, Trưởng ngồi nghiên cứu bản đồ với điếu thuốc lá trên môi. Chúng tôi duyệt đi duyệt lại kế hoạch thâu đêm, mường tượng mọi diễn tiến của trận đánh. Khi trời hừng sáng, chúng tôi phái Tiểu Đoàn 3 tiến quân. Họ tới vị trí và, y như là, đúng 8 giờ sáng, họ gọi điện về báo cáo đụng địch mạnh. Trưởng phái Tiểu Đoàn 5 tiến về hướng phải. Vào 11 giờ, họ báo cáo chạm địch mạnh. Đúng như Trưởng tiên đoán, trong khu rừng phiá dưới chúng tôi, địch đụng đầu với Tiểu Đoàn 3 tại ven bờ và quyết định, “Tụi mình không thể thoát ngã này. Tụi mình sẽ lộn trở lui.” Quyết định này trái nguyên tắc căn bản của thế tháo lui và lẩn tránh, tức là chọn con đường bất tiện nhất để giảm thiểu nguy cơ chạm trán với địch quân CS đang nằm chờ. Nếu chúng chọn leo rặng núi Chu Prong ra khỏi thung lũng thì có lẽ chúng thoát được nạn. Trái lại, chúng đã lần theo thung lũng, đúng như Trưởng tiên đoán, và do đó bị chúng tôi đóng vào hộp. Trưởng nhìn tôi và nói, “Hãy cho nã pháo của anh.” Chúng tôi pháo nửa tiếng. Tiếp đó Trưởng ra lệnh hai tiểu đoàn còn lại đánh xuống sườn đồi; súng ống khai hỏa rất nhiều trong khi chúng tôi theo đoàn quân tiến xuống.
Vào khoảng 1 giờ trưa, Trưởng tuyên bố, “Ô-kê, chúng ta dừng chân tại đây.” Trưởng chọn một bãi quang xinh xắn, và chúng tôi ngồi xuống ăn trưa cùng với ban tham mưu! Đang ăn nửa chừng , Trưởng bỗng đặt bát đũa xuống và ra lệnh vào máy phát thanh. “Trung Tá làm gì vậy?” tôi hỏi. Trưởng ra lệnh cho binh sĩ lục lạo chiến trường để thu lượm súng ống: “Chúng ta triệt hạ nhiều địch quân, những đứa thoát chết vứt bỏ lại súng ống khi tháo chạy.”
Lạ nhỉ, Trưởng có nhìn thấy cái quái gì đâu! Mọi điều đều bị rừng cây che đậy. Nhưng chúng tôi ở nán lại bãi quang trọn ngày còn lại, và quân lính ôm về từng bó súng ống chất thành đống trước mặt chúng tôi. Tôi khoái quá – chúng ta đã gặt hái một chiến công hiển hách! Nhưng Trưởng thì lại ngồi yên, thản nhiên hút thuốc…