HÌNH TƯỢNG RỒNG

TRONG 3 NỀN VĂN HOÁ:

CHAMPA- KHMER- VIỆT

Rồng, một biểu tượng văn hóa, ra đời từ sự nỗ lực của con người trong việc tìm hiểu và nhận thức thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, ở hai nền văn hóa Đông và Tây, sự nhìn nhận về rồng lại được quyết định bởi bản chất và đặc thù của mỗi nền văn hóa.

Trong khi phương Đông, do tính chất văn hóa nông nghiệp mà xem rồng là chủ nguồn nước, canh giữ các suối, sông, biển, hồ; rồi sau này trở thành ý nghĩa nguồn gốc dân tộc, ý nghĩa vương quyền, ý nghĩa tượng trưng cho những gì cao quý tốt đẹp nhất trong đời sống con người; thì ở phương Tây, nơi mà người ta không quan tâm lắm tới việc có đủ nước mưa hay không cho vườn tược và đồng cỏ của mình, rồng lại mang ý nghĩa ngược lại, đó là sự phá hủy, độc ác và xấu xa.

1. RỒNG TRONG VĂN HOÁ CHAMPA

Từ hơn 1500 năm trước Công nguyên, hình ảnh con rồng được đề cập trong thánh thư Rig Veda, một văn bản cổ nhất của nền văn học Ấn Độ. Trong triết học Ấn Độ, cũng tương tự như nhiều nền văn hoá khác, nước là biểu trưng cho nguồn sống, trí tuệ, may mắn, thịnh vượng; nước phản ảnh cội nguồn tâm thức của con người và là mối liên kết tất cả tạo vật trên trần gian. Vì thế, con rồng chính là linh thú tiêu biểu mang lại nguồn nước hay nguồn sống cho nhân loại. Cũng vậy, trong Bà-la-môn giáo linh thú gần gũi nhất với nước là rồng-makara. Rồng-makara được mô tả có đầu voi, mình cá sấu và đuôi rắn trở thành linh vật của thần Bảo tồn Vishnu và Thủy thần Varuna. Trong nghệ thuật thị giác, rồng-makara được cách điệu với hình tượng giống như một con kình ngư há rộng mồm gợi lên hình ảnh chiếc hàm của cá sấu, được bài trí những nơi trang trọng nhất, như trên góc mái tháp hoặc trước lối vào chính, một biểu trưng mang ý nghĩa tốt đẹp nhất nhằm bảo hộ cho ngôi đền trên nhiều phương diện ( x ảnh 1 & 2 ).

2. RỒNG TRONG VĂN HOÁ KHMER

Qua nghiên cứu, được biết rồng Khmer chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Theo ý kiến của GS.TS. Trần Lâm Biền, thì thực chất Rồng là loài rắn khổng lồ có tên gọi ban đầu là Mux-hut, xuất hiện từ rất xa xưa ở khu vực Trung Cận Đông đã du nhập vào nền văn hóa Ấn Độ và từ đó lan truyền sang các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có người Khmer.

Theo GS.TS. Michel Tranet (2009) trong tác phẩm “Văn hóa văn minh Khmer – Tôn giáo tín ngưỡng của người Khmer thời tiền sử” cho rằng, rồng xuất hiện đầu tiên trong nghệ thuật Khmer vào khoảng thế kỷ thứ VII (theo phong cách Som-bô-pry-kut) tại một “bức rèm” phía trên khung cửa của ngôi đền tại tỉnh Kom-pong-thom, Campuchia.

Xét về biểu hình, rồng Khmer có một phong cách khác biệt so với hình tượng rồng của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Dựa trên các bức vẽ hoặc các tác phẩm điêu khắc, người ta thấy rồng Khmer thường có một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu hoặc chín đầu, đôi khi rồng được biểu hiện với những cặp mắt rất lạ, hoặc những chiếc vẩy khác thường, thậm chí có cả chân, mặc dù trên thực tế rồng Khmer hoàn toàn giống rắn, không hề có chân. Người Khmer tin rằng, rồng là loài có sức mạnh thiêng, nhiều quyền năng, có thể biến hóa thành người hoặc những hình tượng khác nếu muốn, chẳng hạn nửa người, nửa rồng ( nguồn: ths Hứa Sa Ni ).

3. RỒNG TRONG VĂN HOÁ VIỆT

Hình ảnh Rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Trong văn hóa phương Đông, hình tượng con Rồng được biểu trưng hóa thành cái tuyệt mỹ, là biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối và cũng là biểu tượng của hạnh phúc song toàn, trọn vẹn. Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, rồng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “con Rồng – cháu Tiên”.

Trong 12 con giáp, chỉ có con Rồng là con vật huyền thoại. Rồng không thuộc thế giới động vật mà con người có trong tay để thuần dưỡng, nuôi nấng. Theo các nhà nghiên cứu, Rồng (Thìn) chỉ là một con vật tưởng tượng không có thật trong đời sống thực tế, cho dù thực tế cổ xưa đi nữa.

Con Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Bốn con vật này tạo ra vẻ đẹp hoàn mỹ, tượng trưng cho thế giới phẩm hạnh trọn vẹn được sắp xếp theo trật tự từ trên trời – dưới đất, trên cạn – dưới nước, vừa có con bò lại vừa có con chạy, lại vừa có con bay. Rồng được đứng đầu vì nó vừa bay được trên không, vừa là chủ của thế giới thủy cung, lại có thể hóa thành thân kiếp khác để đi ngao du trên cạn, nghĩa là một con vật toàn tài nhất. Rồng là một đại diện mang đến nhiều sự may mắn, thịnh vượng và tài lộc theo quan niệm phong thủy.

Trong tâm thức của người Việt truyền thống và ngay cả ngày nay, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm – dương, trời – đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước- một nghề tối cổ trên đất Việt được hình thành trên cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước.

Tổ tiên người Việt bắt nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân (vốn là rồng) lấy bà Âu Cơ (dòng dõi tiên). Bà Âu Cơ sinh được trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, lập nên nước Đại Việt, lấy hiệu là Hùng Vương. Từ đó, người Việt Nam luôn tự hào vì dòng dõi tiên rồng của mình.

Bài Liên Quan

Leave a Comment