– Lê Thiếu Nhơn
Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường (sinh năm 1912, mất năm 1946) chính là cha đẻ của chiếc áo dài Việt Nam. Từ kiểu áo Lemur của Nguyễn Cát Tường, chiếc áo dài tiếp tục được cải tiến và dần dần trở thành trang phục truyền thống tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ nước ta. Thế nhưng, ít ai biết rằng, một trong những người đầu tiên góp công phô diễn chiếc áo dài của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, chính là vợ ông – bà Nguyễn Thị Nội.
Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây – Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường cộng tác với báo Phong Hoá do nhà văn Nhất Linh làm chủ biên. Bằng con mắt liên tài, nhà văn Nhất Linh nhận ra chàng hoạ sĩ trẻ Nguyễn Cát Tường ngoài sở trường vẽ tranh minh hoạ còn có khả năng đưa ra những ý kiến bổ ích để tư vấn làm đẹp cho phái nữ. Vì vậy, trên báo Phong Hoá số 85 ra ngày 11/02/1934, nhà văn Nhất Linh mở chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà, các cô” và giao cho hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường phụ trách. Sau 4 số báo nhẩn nha phân tích về trang phục phụ nữ Việt, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường nhấn mạnh : “Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Bộ quần áo rồi sẽ phải như thế nào ? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ thẩm mĩ lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn”.
Với quan niệm ấy, trên báo Phong Hoá số 90 ra ngày 23/03/1934, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã công bố bản vẽ chiếc áo dài đầu tiên, đặt tên là áo dài Lemur. Nhà văn Thạch Lam đã lên tiếng ủng hộ áo dài Lemur rất nồng nhiệt : “Sự cải cách y phục của phụ nữ ta có thể bởi cái nguyên nhân sau : cái dáng điệu tự nhiên của thân thể người ta mà các hoạ sĩ biết thưởng thức. Biết sự mềm mại tha thướt của dáng điệu, rồi làm thế nào cho cái ống quần, cái tà áo theo cái mềm mại tha thướt đó, để làm tăng vẻ đẹp của thân hình cô thiếu nữ trẻ trung”.
Để chiếc áo dài Lemur bước từ trang báo ra cuộc đời, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu may Cử Chung ở số 100 phố Hàng Bông – Hà Nội và hiệu may Phạm Tá ở số 23 phố Bờ Hồ – Hà Nội để khuyến khích phụ nữ trưng diện trang phục này. Đích thân hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã đi tìm những phụ liệu nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc áo dài. Và một lần ra ga Hàng Cỏ để gặp một ông chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh lên, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã nhận được món quà nhân duyên lớn nhất đời mình. Khi tàu từ Bắc Ninh vào ga Hàng Cỏ, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường chờ mãi không thấy ông chủ xưởng dệt ren đã có hẹn với mình. Đang mắt trái mắt phải ngó nghiêng kiếm tìm, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường sửng sốt khi phát hiện một cô gái đi ngang. Không trang điểm, trên đầu lại chít khăn xô đại tang, nhưng nhan sắc của cô gái làm hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường ngơ ngẩn. Sau mấy phút choáng váng, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường hoàn hồn và chạy theo cô gái. Lễ nghi lúc ấy không cho phép trai gái làm quen sỗ sàng, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường dò la biết được cô gái kia tên là Nội cũng ở Bắc Ninh và là con gái một chủ xưởng dệt ren vừa qua đời. Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường xã giao với người kéo xe của cô Nội để nhờ đưa thư. Sau mấy lần thư đi thư lại và thưởng không ít bạc cho người kéo xe, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường được thông báo rằng cô Nội hẹn ông ở chuyến tàu Bắc Ninh – Hà Nội dịp cuối tuần. Đúng giờ, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường chưng diện bảnh bao để đứng đợi cô Nội ở ga Hàng Cỏ. Cô Nội xuống tàu thật, với hai chiếc va-li to đùng. Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường nhào đến, cúi chào cô Nội rất điệu đàng kiểu quý ông. Cô Nội hơi ngơ ngác nhưng vẫn không tỏ thái độ gì, chỉ nhìn xuống … hai cái va-li. Dù không phải loại người khoẻ mạnh, nhưng hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường cũng tỏ ra ga- lăng, hai tay nhấc bổng hai cái va-li lên. Cứ thế, nàng nhẹ nhàng đi trước, chàng hổn hển theo sau. Ra khỏi cổng ga, nàng đi thẳng vào … đồn cảnh sát. Hơi khó hiểu, nhưng chàng cũng vào luôn và hồn xiêu phách tán khi nghe nàng tố giác tội phạm : “Ông này lấy cắp hai cái va-li của tôi !”. Nhân chứng và vật chứng đều có đủ, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường không biết cách nào biện hộ cho bản thân, đành lấy mấy lá thư của cô Nội mà mình lúc nào cũng mang bên mình để chứng minh cả hai có quan hệ với nhau. Cô Nội khăng khăng “Không phải chữ của tôi !”, và mượn giấy bút của cảnh sát để biểu diễn chữ viết hoa mĩ gấp trăm lần thứ chữ viết mà hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường nhận được. Trời đất như sụp đổ dưới chân hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường. Cô Nội thì nhận lại hai cái va-li để đi xa rồi, còn hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường phải ngồi ở đồn cảnh sát để tường trình sự việc và chờ người của báo Phong Hoá đến bảo lãnh. Tất nhiên, thuở đó nhà văn Nhất Linh – chủ báo Phong Hoá cũng là nhân vật có quyền lực, nên hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường nhanh chóng thoát nạn. Bấy giờ, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường mới vỡ lẽ bị người kéo xe giở trò lừa đảo. Cái gọi là thư của cô Nội, đều do người kéo xe tự viết để mong có mấy đồng tiền thưởng từ hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường.
Oan gia ngõ hẹp, mấy ngày sau hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường nhận được trát của toà án. Lí do, cô Nội về nhà kể lại cho mẹ nghe những điều đã xảy ra trên Hà Nội. Và bà goá chủ xưởng thêu ren ở Bắc Ninh quyết không buông tha kẻ đã bôi nhọ thanh danh con gái cưng của mình bằng sự vu vạ “viết thư cho trai”. Thủ phạm là người kéo xe bị vạch mặt, nhưng hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường vẫn thua kiện và phải “bồi thường một đồng danh dự” cho cô Nội.
Hình ảnh cô Nội ngỡ đã tan thành mây khói trong giấc mộng của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, thì cái câu “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ” lại ứng nghiệm. Tuy chồng đã qua đời, nhưng cam kết cung cấp nguyên liệu cho việc may áo dài vẫn được người vợ thừa kế xưởng dệt ren thực hiện. Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường được mời xuống Bắc Ninh để gặp mặt tiếp tục thoả thuận cho một thương vụ êm thắm. Thật bất ngờ, cô gái của bà chủ xưởng thêu ren thay mẹ rót trà mời khách, không ai khác, chính là cô Nội. Không giống như sự giận dữ trước đây đối với kẻ xúc phạm con gái mình, mẹ của cô Nội hết sức khen ngợi tài năng của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường và không giấu giếm ý muốn nhận hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường làm con rể. Cuối năm 1936, sau khi mãn tang thân phụ, Nguyễn Thị Nội xuất giá. Đám cưới được tổ chức tưng bừng ở Bắc Ninh. Trong ngày vu quy, cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc chiếc áo dài do tân lang Nguyễn Cát Tường thiết kế.
Vốn có gien kinh doanh của gia tộc, Nguyễn Thị Nội từ ngày làm vợ hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, đã giúp chồng phát triển thương hiệu áo dài Lemur rất thịnh vượng tại Hà Nội. Hiệu may Lemur với đặc sản áo dài được mở tại số 16 phố Lê Lợi, trở thành địa chỉ nổi tiếng nhất về y phục phụ nữ. Bà chủ Nguyễn Thị Nội không chỉ khéo léo chiều chuộng khách hàng, mà còn là người mẫu thuyết phục nhất để người ta yêu thích chiếc áo dài. Cũng nhờ người mẫu Nguyễn Thị Nội, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường có cảm hứng sáng tạo rất nhiều mẫu áo dài, để in thành cuốn sách “50 mẫu y phục phụ nữ Lemur” do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành. Năm 1939, hiệu may Lemur chuyển về số 14 phố Hàng Da. Và tại địa chỉ này, bà Nguyễn Thị Nội đã mở phòng trà Thiên Hương quy tụ những nghệ sĩ lừng lẫy nhất thủ đô hội ngộ hàng đêm.
Bà Nguyễn Thị Nội sinh cho hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường cả thảy 5 người con, 3 trai 2 gái. Ngày 17/12/1946, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường qua đời, hiệu may Lemur cũng đóng cửa.
Sau năm 1954, bà Nguyễn Thị Nội đưa gia đình vào Sài Gòn, và một mình làm lụng nuôi các con khôn lớn. Bây giờ bà Nguyễn Thị Nội cũng đã thành người thiên cổ, nhưng những ngày bà cùng chồng mình – hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường – quảng bá chiếc áo dài, xứng đáng được thế hệ sau truyền tụng. Bởi lẽ, tình yêu của họ đã giúp người Việt Nam có được một trang phục truyền thống mang vẻ đẹp quyến rũ, như nhà thơ Nguyên Sa bồi hồi : “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió nổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”, hoặc như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên xao xuyến : “Tháng giêng em áo dài trang nhã/ Tỉnh lị còn nguyên nét Việt Nam/ Đài các chân ngà ai bước khẽ/ Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.