4 tháng 2 2024
Việc Houthi tấn công tàu thương mại trên Biển Đỏ và sự đáp trả của quân đội Anh, Mỹ đã khiến hoạt động vận tải biển gặp khó khăn. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Biển Đỏ là thủy đạo duy nhất nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải, thông qua kênh đào Suez. Đây là con đường thủy ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu.
Kể từ khi Houthi tấn công tàu thương mại trên Biển Đỏ, hành động mà lực lượng này gọi là để đáp trả việc Israel tấn công Gaza, tuyến hải vận này trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Maersk, công ty vận tải biển khổng lồ của Đan Mạch, cho biết đã ngưng tuyến vận tải qua Biển Đỏ. Nhiều công ty tàu biển lớn cũng có hành động tương tự, theo BBC.
Ông Vincent Klerk, CEO của Maersk, cho biết việc tàu vận tải ngưng đi qua Biển Đỏ có thể kéo dài ít nhất 2-3 tháng.
Với căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ, các công ty vận tải hàng hải giờ đây đứng trước một trong hai lựa chọn trên hành trình Á-Âu: hoặc chọn tuyến đường xa hơn bằng cách đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi, hoặc tiếp tục đi qua Biển Đỏ với rủi ro cao hơn.
Cả hai cách đều làm tăng chi phí vận tải hàng hóa.
Theo Bangkok Post, Bộ Thương mại Thái Lan vào giữa tháng 1 cho biết cước phí vận tải hàng hóa từ Thái Lan qua châu Âu đang tăng cao chưa từng thấy, lên tới từ 3.000 đến 5.000 USD mỗi container, so với mức phí 1.000 USD hồi tháng 11/2023.
Tàu biển chạy từ Trung Quốc qua châu Âu có thời gian kéo dài thêm ít nhất 4 ngày so với trước đây, còn từ Đông Nam Á sang bờ đông nước Mỹ kéo dài thêm 2,5 ngày.
Điều này có tác động lớn đối với thị trường thế giới, khi mà hải trình qua Biển Đó chiếm gần 15% lưu lượng vận tải đường biển toàn cầu.
Theo tính toán của Verson Nautical, một chuyến tàu đi từ Anh sang Đài Loan, nếu sử dụng tuyến Địa Trung Hải – kênh đào Suez – Biển Đỏ sẽ mất 25,4 ngày trên hải trình 18.555 km. Còn nếu đi bằng đường vòng xuống Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi thì sẽ mất 34 ngày với chiều dài 24.858 km.
Đối với Việt Nam, thị trường châu Âu chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu năm 2023, trong đó hàng xuất khẩu đi bằng đường biển là chủ yếu.
Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang châu Âu như dệt may, giày dép,… có thể chịu ảnh hưởng do sự kết hợp giữa thời gian giao hàng kéo dài và giá cước tăng, chi phí bảo hiểm tăng, tạo ra rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cước phí vận tải đường biển tăng cũng góp phần khiến cước phí vận tải hàng không tăng. Theo Baltic Air Freight Index, một số tuyến vận tải hàng không đã tăng giá tới 6,4% trong những ngày đầu tháng 2/2024.
Chi phí vận tải tăng cao gây lo ngại về lạm phát.