February 6, 2024
“Ý nguyện lớn nhất của mình là được một nước thứ ba chấp nhận. Còn ở Thái Lan ngày nào thì còn nguy hiểm ngày đó,” ông Lù A Da chia sẻ.
Một nhà hoạt động nhân quyền người H’mong tố cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đe doạ sẽ đưa ông về nước sớm khi đang bị tạm giam tại Bangkok, Thái Lan.
Ông Lù A Da, người đang cùng gia đình tìm kiếm quy chế tị nạn ở Thái Lan từ 2020, bị cảnh sát bắt giữ ngày 07/12/2023 khi đang ở phòng trọ và bị đưa vào giam giữ ở Trung tâm giam giữ người nhập cư bất hợp pháp ở Bangkok (IDC) và bị đưa ra toà với tội danh “nhập cư bất hợp pháp và cư trú bất hợp pháp.”
Cao uỷ về Người tị nạn của LHQ (UNHCR) ở Thái Lan trước đó từ chối hồ sơ của gia đình ông, tuy nhiên đã đồng ý cấp quy chế tị nạn khi ông đang bị tạm giam.
Hôm 2/2, mục sư Ponchai bảo lãnh ông tại ngoại, phải đóng tiền phạt 6.000 baht Thái (hơn 4 triệu đồng) và được tổ chức BPSOS hỗ trợ nộp tiền bảo lãnh 50.000 baht (gần 35 triệu đồng).
Trong ngày 06/2, ông Lù A Da – nhóm trưởng của tổ chức xã hội dân sự Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition) cho biết, một cán bộ tên Hải của Sứ quán Việt Nam đến gặp ông ở IDC vào ngày 28/12/2023.
Trong một phòng riêng khi chỉ có hai người, ông Hải nói sẽ làm thủ tục nhanh để đưa ông Lù A Da sớm về nước, trước tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Khi ông Lù A Da từ chối và nói “không cần sự trợ giúp” của Sứ quán Việt Nam thì ông Hải buông lời đe doạ. Nhà hoạt động nhân quyền người H’mong kể lại:
“Ông biết tôi là nhà hoạt động nhân quyền thì ông nói là ‘anh ở Thái Lan tôi thích làm cái gì thì làm nhưng mà hãy nghĩ đến người thân của mình bên Việt Nam.’ Ý của ông Hải là ông lấy người thân của tôi ở Việt Nam dọa để tôi không được hoạt động về nhân quyền nữa.”
Tuy nhiên, cả hai bên đều không ghi lại biên bản cuộc nói chuyện, ông Lù A Da cho biết. Ông cũng không rõ chức vụ của ông Hải trong cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Thái Lan, tuy nhiên người này và một thuộc cấp tên Linh thường đến IDC để làm việc với những người Việt bị tạm giam ở đây.
Ông Lù A Da cho biết vì các hoạt động nhân quyền của ông ở Thái Lan, chính quyền ở tỉnh Lai Châu đã gây khó khăn cho cuộc sống của anh ruột ông.
Người anh này trước đây làm trưởng bản Sàn Phàng Thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, và có cơ hội được điều động làm cán bộ xã. Tuy nhiên, sau khi gia đình ông Lù A Da chạy sang Thái Lan, người anh không còn được tin tưởng nữa và người này phải bỏ quê hương đi làm thuê ở Quảng Ninh.
Ông Lù A Da, người điều phối hoạt động của nhóm nhân quyền người H’mong, bày tỏ nghi ngờ việc ông bị cảnh sát Thái bắt giữ cách đây gần hai tháng có sự can thiệp của ĐSQ và an ninh Việt Nam vì các hoạt động của mình trợ giúp người H’mong trong nước.
Liên minh Nhân quyền Người H’mong là tổ chức phi chính phủ đấu tranh về nhân quyền và thu thập các bằng chứng về vấn đề kỳ thị một cách có hệ thống của Nhà nước Việt Nam với người H’mong, đặc biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, đất đai, và giấy tờ tùy thân ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Nhóm này cũng hỗ trợ người H’mong trong việc tìm hiểu luật pháp Việt Nam thông qua các lớp học xã hội dân sự tổ chức bởi Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS), một tổ chức dân sự có trụ sở ở Hoa Kỳ.
Hơn một tuần trước ngày bị cảnh sát Thái bắt giữ, trong ngày 29/11, trước phiên rà soát Nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, ông Lù A Da xuất hiện trong một chương trình vận động của BPSOS và phát biểu về sự đàn áp một cách có hệ thống đối với cộng đồng người sắc tộc trong nhiều năm qua.
Trong video phát biểu, ông Lù A Da cho biết hàng chục ngàn người H’mong ở trong nước không được cấp giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh, và giấy chứng nhận kết hôn. Hệ quả là trẻ em không được đi học, người lớn không thể đi làm, còn người già không được hưởng các chính sách hỗ trợ về sức khỏe như người Kinh.
Tuy vừa được tại ngoại, ông bày tỏ sự lo lắng cho an nguy của gia đình, viện dẫn những trường hợp từng bị bắt cóc bởi an ninh Việt Nam, như đã từng xảy ra với blogger Đường Văn Thái năm ngoái hoặc blogger của RFA Trương Duy Nhất đầu năm 2019.
Ông mong muốn sớm được quốc gia thứ ba tiếp nhận định cư sau khi đã được Văn phòng Cao ủy về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc cấp quy chế cho cả gia đình trong thời gian gần đây.
“Ý nguyện lớn nhất của mình là được một nước thứ ba chấp nhận. Còn ở Thái Lan ngày nào thì còn nguy hiểm ngày đó,” ông chia sẻ.
Ông Lù A Da là người truyền đạo thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Tuy nhiên, ông bị ngăn cản trong việc thực hành quyền tự do tôn giáo nên đưa cả gia đình trốn sang Thái Lan trong năm 2020.
Theo Liên minh Nhân quyền Người H’mong, do bị đàn áp tôn giáo và bị phân biệt đối xử ở Việt Nam nên hiện có khoảng 1.000 người H’mong đã đào thoát sang Thái Lan xin tị nạn.
Ngoài ra, còn có hơn 1.500 người Thượng ở Tây Nguyên cũng đang sống ở quốc gia này, hàng trăm người trong số họ vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn.
(Theo RFA)