- Thì Thầm – 5 tháng 2, 2024
Các kiểu cây nêu (Ảnh HV)
Hai câu này giờ ít còn nghe ai hát ru con, nhưng lại là hình ảnh nhắc người ta chuẩn bị lo ăn Tết:
“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.”
Ba tiếng cu kêu là sự nhắc nhở cho Tết sắp về. Mọi người nên mau chuẩn bị mọi việc để đón Xuân.
Tết mang tính linh thiêng và là một lễ truyền thống rất quan trọng đượm tính gia đình đối với những người con xứ Việt đang ở khắp nơi.
Mong chờ háo hức Tết đến để ăn chè là niềm ước mơ đơn giản, dễ thương của những ai đã từng trải qua cái tuổi thơ ấu này. Tết đã trở thành một phong tục truyền thống với đủ thứ lễ nghi để ăn chơi như mọi người đều biết.
Huyền thoại dùng gậy cắm xuống đất, lấy nón úp lên để hóa phép làm nơi trú ngụ và cứu nhân độ thế, của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, được dân gian nhắc nhở qua hình ảnh cây tre dựng nêu trong dịp Tết.
Cái Nón úp trên và cây Gậy cắm xuống là biểu trưng của sự giao hòa giữa Đất và Trời mà con người ý thức được về cái biến hoá siêu nhiên của vũ trụ. Từ đó việc khám phá vũ trụ và cải thiện đời sống nhân sinh của con Rồng cháu Tiên tiến dần phát triển theo chiều dài lịch sử của Việt Nam.
Dựng nêu ngày Tết
Hồng Bàng là thủy tổ của dân tộc Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là biểu trưng cho nguồn gốc của người Việt. Cây nêu ngày Tết Việt được xem như là cây nối liền đất với trời. Nó biểu hiện cho sự thay đổi thời gian giữa năm cũ và năm mới với niềm mong muốn mang lại hạnh phúc an bình cho mọi gia đình.
Cây nêu của xứ Việt mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn và Khôn nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh.
Theo truyền thuyết cây Nêu được dựng trước nhà vào những ngày Tết Nguyên Đán, không ngoài mục đích gì hơn là ngăn ngừa Quỷ từ biển Đông vào đất liền xâm phạm đến người, qua hình ảnh Đức Phật hóa phép cho cây Nêu cao thêm và cái bóng của chiếc áo cà sa lan ra càng xa. Cây nêu thường được làm bằng tre, bởi vì cây tre có tính kiên định, dẻo dai, chịu đựng… và cũng là một trong những đặc trưng cho phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt.
Cây nêu ngày Tết của xứ Việt mang nhiều ý nghĩa có tính chất biểu tượng tùy theo các phong tục địa phương, trên mảnh đất hình chữ S. Trên ngọn nêu có đeo một vòng tròn nhỏ và các đồ lễ treo, mang dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, xua đuổi những cái xui năm cũ và đem lại điều may mắn cho năm mới.
Ngày xưa, cây nêu cũng là biểu hiện quyền lực của mỗi gia đình trong làng xã, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất.
Ngày nay, tục lệ dựng nêu ngày Tết đã dần mất đi, chỉ còn thấy ở những nơi đền, chùa, đình, miễu. Tuy nhiên nơi nào thấy có cây Nêu là nơi đó có đàn con Việt.
Câu chuyện huyền thoại về cây nêu hay bánh dày bánh chưng là điều minh chứng cho một nền văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của Họ Hồng Bàng, người dựng nên đất nước Văn Lang.