Bắc Hàn: Người đào tẩu nói ‘chưa bao giờ được nhận lương thực từ chính phủ’

Một ngày hội việc làm được tổ chức tại Hàn Quốc cho những người đào tẩu Bắc Hàn
Chụp lại hình ảnh,Một ngày hội việc làm được tổ chức tại Hàn Quốc cho những người đào tẩu Bắc Hàn

8 tháng 2 2024

Hầu hết những người đào tẩu Bắc Hàn đang tái định cư tại Hàn Quốc trong thập kỷ qua cho biết họ chưa bao giờ nhận được lương thực từ chính quyền Bắc Hàn và phải dựa vào một thị trường phi chính thức, theo nghiên cứu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Báo cáo dài 280 trang về tình hình kinh tế và xã hội của Bắc Hàn được công bố hôm nay (6/2) dựa trên việc phỏng vấn hơn 6.300 người đào tẩu khỏi Bắc Hàn trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc bắt đầu các cuộc khảo sát như vậy từ năm 2010, nhưng đây là lần đầu tiên kết quả được công khai.

Bắc Hàn đã nhiều lần đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả nạn đói những năm 1990, và thường xuyên trở nên tồi tệ hơn do tác động của thảm họa thiên nhiên.

Nền kinh tế cũng chịu nhiều ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt quốc tế và sự suy giảm của thương mại biên giới trong thời gian đại dịch.

Nghiên cứu cho thấy hơn 72% số người đào tẩu đến Hàn Quốc giai đoạn năm 2016-2020 cho biết họ chưa bao giờ nhận được lương thực từ chính phủ Bắc Hàn, so với 62% số người đào tẩu giai đoạn trước năm 2000.

Khoảng một nửa số người đào tẩu đến Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020 cho biết họ không nhận được lương hay thức ăn từ nơi làm việc, tăng khoảng 30% so với số liệu giai đoạn trước năm 2000.

Gần 94% người được hỏi nói rằng họ có thể kiếm tiền từ các “chợ”.

Những người đào tẩu giai đoạn 2016-20 nói rằng 69% thu nhập của gia đình được tạo ra thông qua các kênh phi chính thức, so với con số 39% từ nhóm đào tẩu trước giai đoạn năm 2000.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng môi trường sống của cư dân Bắc Hàn, từ nhà ở, y tế, đến giáo dục vẫn còn kém phát triển và tiếp tục xảy ra tình trạng thị trường hóa nhiều lĩnh vực để có thể tồn tại,” Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho nói.

37% những người được hỏi cho biết họ bị mất ít nhất 30% thu nhập của mình cho phía chức trách.

Con số này tăng lên thành 41% sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, theo thông tin trong báo cáo.

Hơn 54% người đào tẩu giai đoạn 2016-20 cho biết họ đã từng hối lộ nhà chức trách, so với 14% trước giai đoạn năm 2000.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh trong một cuộc họp của Đảng Lao Động Bắc Hàn rằng việc không cung cấp cho người dân các nhu cầu sống cơ bản, bao gồm lương thực, là một “vấn đề chính trị nghiêm trọng,” theo báo cáo của truyền thông nhà nước.

Khi được hỏi về chính trị, 56% những người đào tẩu sau năm 2016 có cái nhìn tiêu cực về việc nắm quyền của ông Kim và 26% xem việc kế vị của ông là hợp pháp.

Ít hơn 30% số người được hỏi ủng hộ việc kế vị theo huyết thống, so với con số 57% từ những người đào tẩu trước năm 2000.

Báo cáo cũng chỉ ra sự gia tăng ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài – 83% những người đào tẩu sau năm 2016 cho biết đã xem những nội dung giải trí nước ngoài như các bộ phim truyền hình Trung Quốc hay Hàn Quốc, tăng lên từ khoảng 8% trước năm 2000.

Bài Liên Quan

Leave a Comment