Đăng ngày: 08/02/2024
Ngày 08/01/2024, giáo hoàng Phanxicô đã có buổi gặp gỡ đầu năm với những đại diện ngoại giao của các nước có quan hệ chính thức với Tòa thánh Vatican. Một ngày trước đó, một báo cáo tổng kết về các mối quan hệ ngoại giao của Tòa Thánh cũng đã được công bố. Từ Liège, Bỉ, linh mục Phạm Hoàng Dũng có bài nhận định.
Theo báo cáo nói trên, quốc gia nhỏ bé này có quan hệ chính thức với 184 quốc gia và hai tổ chức là Liên Hiệp Châu Âu và Dòng Malta. Tòa Thánh chưa có quan hệ với 11 quốc gia. Bảy quốc gia trong số này không có đặc sứ Vatican hiện diện (Afghanistan, Ả Rập Xê Út, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Tuvalu). Các nước còn lại đều đã có sự hiện diện của vị đại diện thường trú của Tòa Thánh, mà mới nhất là Việt Nam.
Trong số các quốc gia mà Tòa thánh có quan hệ ngoại giao, còn có Trung Hoa Dân Quốc hay Đài Loan. Tuy nhiên, kể từ năm 1972, không còn có sự hiện diện của vị Sứ thần Tòa Thánh tai hòn đảo này nữa, mà chỉ có một « đại biện lâm thời ».
Trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc dẫn đến Thỏa thuận tạm thời và một phần lịch sử về việc bổ nhiệm giám mục vào tháng 9 năm 2018, được gia hạn thêm hai năm nữa vào năm 2020 và sau đó một lần nữa vào tháng 10 năm 2022, vấn đề quan hệ ngoại giao dường như vẫn chưa được giải quyết.
Về phía Đài Loan, tòa đại sứ duy nhất của họ còn lại trên đất châu Âu là bên cạnh Tòa Thánh. Nhưng trong niên giám ngoại giao của Tòa Thánh Vatican, Đài Loan hay Trung Hoa Dân Quốc vẫn được ghi dưới danh mục Trung Quốc.
Tương quan giữa Vatican và « HAI » Trung Quốc ?
Trước tiên, khi nói đến Tòa Thánh, chúng ta liên tưởng ngay đến một tổ chức của Giáo hội Công Giáo. Tổ chức này không giới hạn về mặt địa lý ở 40 ha giữa lòng thủ đô Roma của nước Ý, mà đó là một mối liên hệ thiêng liêng của người đứng đầu Giáo Hội, hiện là Đức giáo hoàng Phanxicô, với hơn một triệu tín hữu Công Giáo trên khắp thế giới bao gồm cả Trung Quốc và Đài Loan. Cho dù có sự ngăn cản về mặt chính trị, như ta thấy ở Trung Quốc lục địa, không giới hạn hay cản trở đức tin của những tín hữu này.
Khi ta nói đến « HAI » nước Trung Quốc, điều này không chỉ có nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), mà chúng ta cũng nói đến sự hiện hữu song song ngay tại Trung Quốc Lục Địa, hai giáo hội Công Giáo, một của Nhà Nước (gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước) và một giáo hội quen gọi là “thầm lặng”, không được nhà nước Trung Quốc công nhận.
Sự tồn tại song song của hai thực thể này đã có thể được giải quyết sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh năm 2018 và được tái ký kết vào tháng 10/2022. Theo thỏa thuận, Vatican sẽ là bên quyết định quyền bổ nhiệm các giám mục mà nhà nước Trung Quốc không có quyền can thiệp vào. Nhưng gần đây, Bắc Kinh lại can thiệp vào việc bổ nhiệm giám mục Thượng Hải và Hồng Kông, cũng như bắt bớ giám mục Peter Shao Zhumin của giáo phận Ôn Châu, chỉ được thả ra khỏi nơi giam giữ vài ngày trước lễ Giáng sinh.
Vatican và Trung Quốc
Về mặt chính thức là một quốc gia vô thần, Trung Quốc cho phép nhiều tôn giáo tồn tại, mặc dù mỗi tôn giáo đều chịu sự giám sát chặt chẽ của Cục Tôn giáo Nhà nước, và các tín đồ tôn giáo phải « phụ thuộc và phục vụ lợi ích chung của quốc gia và nhân dân Trung Quốc… và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. »
Đối với Giáo hội Công Giáo, điều này có nghĩa là các giám mục Công Giáo phải được bổ nhiệm bởi Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, thay vì Vatican. Chính sách này đã dẫn đến việc Vatican đã từng rút phép thông công bảy giám mục Trung Quốc được Bắc Kinh bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican.
Theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh năm 2018, Bắc Kinh công nhận giáo hoàng Phanxicô là người đứng đầu Giáo hội Công Giáo ở Trung Quốc, trong đó giáo hoàng có tiếng nói cuối cùng trong việc bổ nhiệm các giám mục và Vatican cuối cùng đã công nhận bảy giám mục « bất hợp pháp ». Thỏa thuận này đã được tái ký hai lần vào những năm 2020 và 2022. Theo lịch trình thì vào tháng 10 tới, hai bên sẽ xem xét việc tái ký kết.
Theo trang The Pillar của Hoa Kỳ, không chỉ có các giám mục ở Hồng Kông và Thượng Hải được bổ nhiệm không có sự đồng ý từ Toà Thánh, mà ở nhiều nơi, Bắc Kinh đang cho vẽ lại bản đồ các giáo phận và qua đó đưa các linh mục của Hội Công Giáo yêu nước vào nắm giữ điều hành các giáo xứ và các giáo phận. Như trường hợp của giáo phận Ôn Châu. Và như thế khi vào thương thảo với Vatican thì mọi chuyện coi như đã rồi.
Vatican và Đài Loan
Năm 1949, Tưởng Giới Thạch rút lui ra đảo Đài Loan để lập nên Trung Hoa Dân Quốc. Đi theo ông có khoảng 800.000 binh sĩ và một triệu người dân, trong đó có đông người Công Giáo. Trong mười năm, từ 1950-1960, Đài Loan đã chứng kiến sự gia tăng vượt bực về số lượng linh mục tu sĩ Công Giáo và những hoạt động sinh hoạt tôn giáo do giới Công Giáo điều hành, như trường học, bệnh viện, v.v… Đài Loan từ đó là điểm đến lý tưởng cho những nhà truyền giáo và các dòng tu Công Giáo, với hy vọng một ngày nào đó sẽ từ đây bước chân sang Trung Hoa Lục Địa.
Tưởng Giới Thạch và sau này là con trai đã thiết lập nên chế độ cai trị quân sự trong suốt nhiều thập niên, gây nên nhiều chia rẽ trong sinh hoạt chính trị và đời sống xã hội của người dân Đài Loan, giữa người Hoa đến từ lục địa và người Đài địa phương. Giáo hội Đài Loan tuy hoạt động mạnh mẽ và độc lập với chính phủ Quốc Dân Đảng dưới thời Tưởng Giới Thạch, nhưng đôi lúc cũng bị kết án là ủng hộ Quốc Dân Đảng, điều không thể tránh khỏi nếu những linh mục tu sĩ có nguồn gốc gia đình ở Trung Quốc. Mặt khác, Giáo hội Đài Loan đã được truyền giáo từ thế kỷ XVII bởi các nhà truyền giáo Dòng Đa Minh Tây Ban Nha.
Nhưng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phủ bóng đen lâu dài. Chính trị, các mối quan hệ gia đình và các ưu tiên của Giáo hội đều bị ảnh hưởng bởi câu hỏi: Mối quan hệ giữa « HAI » nước Trung Quốc sẽ tiến triển như thế nào? Chính phủ hiện tại tuyên bố độc lập trên thực tế, nhưng Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh “bất hảo” và thực hiện các chính sách công khai để đặt hòn đảo này dưới sự kiểm soát của mình.
Có một trò chơi kéo co trên đảo giữa hội nhập và độc lập, tác động đến cuộc tranh luận trong công chúng ở mọi cấp độ. Tòa Thánh, quốc gia châu Âu duy nhất công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, cũng có liên quan.
Trong khi đó, Giáo hội địa phương cố gắng giữ vững lập trường của mình. Vì nhiều lý do, Giáo hội này đã không phát triển. Số thành viên dao động trên dưới 300.000, mặc dù dân số đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1950 lên 23,6 triệu.
Dưới thời Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội Đài Loan được xem là nơi đào tạo các linh mục tu sĩ không chỉ cho Trung Quốc và chuẩn bị cho việc Trung Quốc mở cửa về mặt chính trị và tôn giáo sau việc mở cửa kinh tế. Đại học Phụ Nhân là một ví dụ. Đại học này vốn được thành lập ở Trung Quốc từ những năm 1920, nhưng sau khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền thì Đại học này chuyển sang Đài Loan và được điều hành bởi các tu sĩ Dòng Tên và Dòng Ngôi Lời, dưới sự bảo trợ của Tòa Thánh. Và hiện nay, đại học này đã có những chi nhánh ở Trung Quốc.
Tuy vẫn giữ vị thế độc lập bên cạnh các chế độ chính trị của Đài Loan, vì tự chủ về tài chính, Giáo hội Công giáo đôi khi bị cho là không quan tâm đến những người dân Đài Loan, mà chỉ chú trọng vào Trung Hoa Lục Địa, chẳng hạn số lượng linh mục tu sĩ người Đài sinh ra và lớn lên tại hòn đảo này vẫn là thiểu số so với các linh mục tu sĩ đến từ Trung quốc, hay có mối liên hệ gia đình từ lục địa, hay như vị giám mục duy nhất người Đài mới chỉ được truyền chức vào năm 1985. Hay dưới chính quyền quân phiệt, nhiều linh mục tu sĩ bị coi là ủng hộ chế độ quân sự của tổng thống Tưởng Giới Thạch.
Đài Loan trong thế bao vây ngoại giao của Trung Quốc
Trung Quốc vốn xem Đài Loan như một tỉnh nổi loạn cần phải được hợp nhất, nên Bắc Kinh đã thực hiện chính sách ngoại giao bao vây đối với Đài Loan trên bình diện quốc tế, nhằm thực hiện chính sách một nước Trung Hoa duy nhất. Mặt khác, Đài Loan cũng phải cố duy trì những mối tương giao của mình với các nước và các tổ chức quốc tế, để có được một không gian quốc tế nhằm củng cố vị thế của mình.
Trong nhiệm kỳ của tổng thống Mã Anh Cửu, không gian quốc tế của Đài Loan đã được duy trì ổn định nhờ vào một « thoả thuận đình chiến ngoại giao ngầm » với Bắc Kinh: Trung Quốc sẽ không tìm cách thuyết phục bất kỳ đối tác ngoại giao trong 23 nước vẫn giữ quan hệ với Đài Bắc chuyển sang phía Bắc Kinh. Chỉ có ngoại lệ là Gambia, nhưng nước này không được Trung Quốc chấp nhận dù đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Khi duy trì những mối quan hệ quốc tế này, Đài Loan không thu được nhiều lợi ích về mặt kinh tế, nếu không muốn nói là những quan hệ đó trở thành gánh nặng tài chính và nguyên nhân bất ổn chính trị cho chính phủ Đài Loan. Nhưng việc duy trì và bảo vệ những mối quan hệ chính thức này là vấn đề quan trọng cho Đài Loan nhằm giữ được vị thế của nước này trên bình diện quốc tế, điều mà Bắc Kinh hoàn toàn không mong muốn.
Vì thế, trong hai nhiệm kỳ tổng thống của bà Thái Anh Văn, Đài Bắc đã mất đi phân nửa số đối tác ngoại giao chính thức của mình. Gần đây nhất là đảo quốc Nauru ở Thái Bình Dương đã quy hàng về Bắc Kinh hôm 15/01/2024, chỉ hai ngày sau thắng lợi của ứng cử viên tổng thống Lại Thanh Đức. Ông là người theo đường lối của tổng thống mãn nhiệm chống lại Bắc Kinh. Đó cũng là dấu hiệu của Bắc Kinh dành cho tổng thống tân cử. Như đã từng xảy ra khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, hàng loạt các đối tác ngoại giao chính thức của Đài Bắc tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao để bắt tay với Bắc Kinh.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ nhắm vào Vatican, nơi Trung Quốc có đòn bẩy vì hàng triệu người Công Giáo Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ được cải thiện giữa Tòa Thánh và CHND Trung Hoa. Mất Vatican sẽ là một đòn rất đau đối với yếu tố dựa trên quan hệ ngoại giao trong tuyên bố của Đài Loan về không gian quốc tế. Với vai trò của giáo hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người Công Giáo, Vatican có ý nghĩa chính trị quốc tế vượt xa quy mô nhỏ bé của mình.
Mối quan hệ chính thức của Đài Loan với Vatican cũng cộng hưởng với một thành phần quan trọng của nhân quyền quốc tế: tự do tôn giáo, một lĩnh vực mà những thành tựu trong nước của Đài Loan là chủ đề quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm vị thế quốc tế của Đài Loan, được đề cập cụ thể trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của bà Thái Anh Văn.
Vatican cũng là đối tác ngoại giao cuối cùng của Đài Loan ở châu Âu và bên ngoài thế giới đang phát triển. Đối mặt với những lo lắng này, chính phủ của bà Thái Anh Văn đã nỗ lực duy trì mối quan hệ với Vatican. Điều này đã được Vatican đảm bảo trong những lần ký kết và tái ký thoả hiệp với Trung Quốc vào những năm 2018, 2020, 2022 và có thể vào tháng 10 này.
Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn đã giành được chiến thắng trong việc xây dựng mối quan hệ không chính thức với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác. Nhưng sự tiến bộ còn hạn chế, không đồng đều, mong manh và mang tính ngẫu nhiên. Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Thái Anh Văn, như trước đây, Đài Loan đã chơi tốt ở thế yếu, áp dụng chiến lược đa phương nhằm theo đuổi những cơ hội tương đối hứa hẹn và phát huy thế mạnh tương đối của Đài Loan. Hoàn cảnh đã thay đổi, trong đó có nhiều bất lợi cho Đài Loan trong những năm gần đây. Nhưng những thay đổi này không hoàn toàn xấu đối với Đài Loan, cũng như các xu hướng tiêu cực chưa chuyển biến về chất hoặc chưa nhất thiết không thể đảo ngược.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Linh mục Phạm Hoàng Dũng.
RFI