- Nguyễn Hoàng Linh – 8 tháng 2, 2024
Một năm sau khi được cấp phép trở lại tại Việt Nam, ca khúc “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đột ngột được “vinh danh” trong “Giai điệu tự hào”, một chương trình được dàn dựng theo format của Nga – Xô vào Tháng Giêng, 2017, và rất được ưa chuộng ở trong nước.
Trong chương trình, Ban hợp ca Thăng Long gồm những nghệ sĩ danh tiếng đã trình bày “Ly Rượu Mừng” một cách kinh điển nhất, cũng đã được giới thiệu một cách trọng thị. Các “tham dự viên” của “Giai điệu tự hào” cũng đồng thanh ngợi ca hết lời bài hát này.
Nhân đó, tờ “Thanh Niên” đăng bài “tiết lộ” lý do khiến ca khúc bị cấm trong hơn 40 năm, kể từ biến cố 1975. Thật ra, cái sự “tiết lộ” này là thứ không cần nói ai cũng quá hiểu: bài hát chúc tụng hết thảy mọi ngành nghề lĩnh vực, không sao, nhưng đụng tới “đời lính” là gay rồi.
“Người lính là người lính nào?”. Một câu hỏi rất ngớ ngẩn được các ông quan văn hóa và kiểm duyệt đặt ra, để rồi dễ dàng có câu trả lời: lính… “ngụy”, do tác giả sinh sống trong Nam từ năm 1951. Một bài hát ca ngợi “ngụy quân”, đương nhiên phải cấm, miễn trình bày lôi thôi.
Và, theo nhà báo Nguyên Minh, để “giải oan” cho “Ly Rượu Mừng” với mục đích thu âm bài hát này, hãng Phương Nam phim đã phải cùng gia đình “tầm nguyên” các tư liệu cũ, để rồi rút ra kết luận rằng bài hát được sáng tác trong khoảng thời gian 1951-1953, thời chống Pháp.
“Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”…” ông Nguyên Minh kết luận. Và bài hát được… đắc thắng vang lên trong chương trình, với lối trình diễn mới của lớp trẻ, tuy bị nhiều người nhận xét là quá dở so với Thăng Long, nhưng… âu cũng là mới.
Thế nhưng, có thực là Phạm Đình Chương “Chúc người binh sĩ lên đàng – Chiến đấu công thành – Sáng cuộc đời lành – Mừng người vì Nước quên thân mình” là nhằm ca ngợi người chiến sĩ chống Pháp? Xét về nội dung và sự thể hiện trong ca khúc, rất ít có khả năng này.
Đầu thập niên 50, gia đình Phạm Đình Chương, cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đương thời rời kháng chiến, về thành rồi di cư vào Nam. Trong vòng chừng 5-6 năm, chính họ đã làm dấy lên sự hứng khởi trong đời sống văn hóa và tinh thần của miền Nam.
Mà không chỉ trong lãnh địa tinh thần, miền Nam của những năm 1955-56, trong mắt một chứng nhân đương thời là nhà văn Võ Phiến, đã được xem như sự thăng hoa của cả đời sống chính trị và kinh tế, như ông ghi lại trong “Văn học miền Nam – Tổng quan”.
Võ Phiến có thuật lại cảm xúc của những con người theo làn sóng di cư từ Bắc vô Nam thời đó, mà giới văn nghệ chiếm tỷ lệ không nhỏ, rất tương đồng với những gì Phạm Đình Chương phác họa trong ca từ “Ly rượu mừng”: khát vọng tự do, hòa bình, thăng tiến… (*)
Cảm hứng chủ đạo ấy, rất khó hình dung, lại nhằm vào để vinh danh người lính chống Pháp của Việt Minh phía bên kia. Làm hồi sinh một ca khúc bất hủ vốn “nằm lòng” trong người dân miền Nam từ trước tới hay là điều cần thiết, nhưng thiết nghĩ lịch sử cũng nên tôn trọng.
Bên cạnh đó, bất cứ người lính nào lên đường để bảo vệ quê hương, và hẹp hơn là bản quán của mình, cũng đều đáng được trân trọng và nhớ ơn. Vin vào một “binh sĩ” nào đó trong ca từ bài hát để cấm nó trong nhiều thập niên, là một hành vi vô văn hóa và lố bịch hiếm thấy.2
Trở lại câu chuyện “Ly Rượu Mừng”, một kỷ niệm cá nhân là mình có được tham gia vào sự dàn dựng ca khúc này trong một sự kiện cách đây đã hơn hai chục năm. Đó là vào dịp tết 1995, khi cộng đồng Việt ở Hungary lần đầu tiên có một chương trình văn nghệ mừng xuân lớn.
Dàn dựng chương trình kiêm đệm dương cầm là anh Tường Khải, người tinh thông nhạc lý. Ca sĩ chính gồm một số giọng ca vững vàng trong cộng đồng, đặc biệt có sự góp mặt rất nhiệt tình của ca sĩ Anh Khoa, góp phần thắp lửa và mang lại sự tự tin cho các thế hệ đàn em.
Ý tưởng đưa “Ly Rượu Mừng” làm tiết mục mở màn với sự hiện diện của tất cả các giọng ca, mình nghĩ cũng xuất phát từ “sáng kiến” của ca sĩ Anh Khoa, và chắc là thêm anh Tường Khải, hai người sinh sống ở miền Nam. Nhóm còn lại, có lẽ không mấy ai biết đến ca khúc này.
Tất nhiên, trong quá trình luyện tập diễn ra rất hào hứng, khi tới đoạn “đời lính” là theo phản xạ, ai nấy lại… giật mình, cho dù anh Anh Khoa đã lý giải rằng đó là… người lính nói chung mà thôi. May mà, lãnh đạo thời đó thế nào cũng “chiều” các “nghệ sĩ vườn”, và không bắt bẻ gì .
Rốt cục, hợp ca cộng đồng – với hai giọng ca chính là anh Anh Khoa và một bạn nữ giọng cao vút tên là Khánh, mà anh Anh Khoa có khen là “hơn hẳn khối ca sĩ… thứ thiệt”, đã rất thành công với “Ly Rượu Mừng” gây bất ngờ cho lớp trẻ.
Ngồi dưới khán phòng hôm đó, mình đã chăm chú theo dõi phản ứng trên nét mặt của cử tọa khi ban hợp ca hát tới đoạn ngợi ca… người lính. Cũng có những tiếng xì xào, nhận xét nho nhỏ này nọ, nhưng tựu trung là không ai “đi sâu” hơn, khiến tiết mục đã diễn ra suôn sẻ và hanh thông.
Và có lẽ, tác phẩm lớn của Phạm Đình Chương cũng là ca khúc “hải ngoại” đầu tiên được chính thức vang lên trong khuôn khổ một hoạt động văn nghệ “chính thống” của bà con Việt tại Hung, mà đại đa số là dân Bắc. Chuyện đã hai mấy năm, nhưng cảm xúc như vẫn còn đây…
(*) Nhà phê bình văn học Đặng Tiến có nhận xét trong trường hợp Võ Phiến, ký ức con người thường có thể thi vị hóa những mối tình đầu kèm “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, nhưng về căn bản tác phẩm của ông nhìn chung “là một biên khảo thành tâm, đứng đắn, ngay thẳng, đáng tin cậy”.