Theo dự báo, nền kinh tế Bắc Triều Tiên, quốc gia bị cô lập nhất thế giới, năm nay 2024, có thể tăng trưởng trở lại kể từ trước đại dịch. Các thỏa thuận cung cấp vũ khí đạn dược cho Nga sẽ tạo ra một động lực mới cần thiết, giúp Bình Nhưỡng ổn định tài chính trong bối cảnh bị quốc tế trừng phạt do các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Đăng ngày: 12/02/2024
Đại dịch Covid-19 bùng phát buộc Bắc Triều Tiên có biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm cho tăng trưởng kinh tế – vốn đã yếu kém do các lệnh trừng phạt của quốc tế năm 2016 đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng – suy giảm mất 4,5% trong năm 2020. Những cuộc khủng hoảng này đã đẩy hơn 60% dân số Bắc Triều Tiên sống dưới ngưỡng nghèo khổ.
Công nghiệp quốc phòng : Động lực tăng trưởng ?
Theo trang mạng thông tin Deutsche Welle (DW) của Đức ngày 01/02/2024, các thỏa thuận vũ khí giữa lãnh đạo Kim Jong Un và tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thúc đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế kế hoạch tập trung của Bình Nhưỡng, có tổng sản phẩm quốc nội khoảng 24,5 tỷ đô la trong năm 2022, theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
Anwita Basu, giám đốc khu vực châu Âu thuộc Country Risk at Fitch Solutions, nhận định, sau 5 năm suy giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế của Bắc Triều Tiên sẽ trở lại mức khoảng 1% trong năm 2024 nhờ vào thỏa thuận vũ khí mới với Nga.
Chuyên gia này lưu ý thêm, đây chỉ là những phỏng đoán do Bình Nhưỡng không công bố số liệu, và chỉ được dựa vào những con số thống kê thu thập được từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và các đối tác thương mại của Bắc Triều Tiên.
Công nghiệp quốc phòng là một trong số các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất tại Bắc Triều Tiên, với ước tính khoảng hai triệu công nhân trên tổng số dân là 26 triệu người. Có thể nói, cùng với nông nghiệp, ngành này đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên.
Ban đầu chỉ là nhà cung cấp vũ khí và đạn dược chính cho quân đội trong nước, Bắc Triều Tiên đã tìm được một số khách hàng quan trọng ở nước ngoài – chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô cũ hoặc các nước ở châu Phi cận Sahara. Và hầu hết các linh kiện rời được nhập khẩu từ nhiều quốc gia bị trừng phạt nặng nề khác, bao gồm cả Iran và Trung Quốc.
Theo phân tích của chuyên gia Anwita Basu với DW, « Bình Nhưỡng muốn hai điều : Thứ nhất là tính chính đáng với tư cách là một quốc gia, điều mà họ vẫn chưa có được vì Chiến tranh Triều Tiên (1950 -1953) vẫn chưa kết thúc. Thứ hai là một nền quốc phòng và quân sự bền vững, những công cụ cho phép bảo vệ chủ quyền của họ ». Thế nên, thỏa thuận với Nga càng giúp củng cố hai điều này.
Từ thỏa thuận đạn dược đến liên minh chặt chẽ…
Theo Cơ quan Tình báo Hàn Quốc và dựa vào các hình ảnh vệ tinh của Mỹ, kể từ tháng 08/2023, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga khoảng một triệu quả đạn pháo trong 10 chuyến giao vũ khí cũng như là nhiều loại tên lửa đạn đạo. Trang mạng Bloomberg News trong tuần dự phóng Bắc Triều Tiên sẽ thu được ít nhất một tỷ đô la từ việc bán đạn pháo cho Nga trong khi tên lửa do Matxcơva đặt mua thường có giá vài triệu đô la.
Nếu như giới chuyên gia nghi ngờ về khả năng người dân Bắc Triều Tiên sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận vũ khí Nga – Triều này, thì còn có một câu hỏi lớn được đặt ra : Bao nhiêu phần trăm của thỏa thuận này được thanh toán bằng tiền mặt hay một phần của thỏa thuận trao đổi để có được các kỹ thuật quân sự tiên tiến và viện trợ kinh tế từ Nga ?
Nữ chuyên gia kinh tế tại Fitch Solutions còn lưu ý thêm rằng thỏa thuận đạn dược có thể dẫn đến liên minh chặt chẽ hơn giữa hai nước trong lĩnh vực tấn công mạng. Nga cùng với Bắc Triều Tiên được biết là có năng lực tấn công mạng tiên tiến với việc Nhà nước đào tạo hàng ngàn tin tặc.
Dấu hiệu cho thấy là Bình Nhưỡng và Matxcơva đang tìm cách siết chặt hơn nữa mối quan hệ là tổng thống Nga Vladimir Putin « bày tỏ sẵn sàng đến thăm Bắc Triều Tiên trong sắp tới ». Đây sẽ là chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên của nguyên thủ Nga trong hơn 10 năm qua. Hồi tháng 09/2023, Vladimir Putin và Kim Jong Un đã có cuộc đàm phán song phương ở vùng Viễn Đông của Nga.