Đăng ngày: 12/02/2024
Rồng là một biểu tượng phổ biến, lâu đời ở châu Á. Khác với một sinh vật huyền thoại có những biểu hiện tương tự trong văn hoá phương Tây, thường cũng được dịch là ‘‘Rồng’’ nhưng hiện thân cho sức mạnh ác độc, với đông đảo người Việt, Rồng không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh vô song, mà còn mang khát vọng về sự chiến thắng của chính nghĩa, sức sáng tạo siêu việt, sự hoàn hảo.
Hình tượng Rồng gắn bó với nhiều cộng đồng dân cư trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Thủ đô nước Việt Nam thời trung đại từng mang tên “Thăng Long”, tức Rồng cất cánh. Thắng cảnh bậc nhất Việt Nam mang tên vịnh ‘‘Hạ Long’’, hay Rồng hạ cánh. Vùng đồng bằng màu mỡ bậc nhất thế giới ở miền nam Việt Nam được bồi đắp bởi sông Cửu Long, hay “chín con Rồng”, tức phần hạ lưu của dòng Mêkông dài 5.000 km bắt nguồn từ dãy núi Himalaya, xuyên qua 6 quốc gia, con sông mà người Thái và người Lào gọi là ”Mẹ của các sông‘ (Mae Khong). Rồng hiện diện ở vị trí trung tâm trong các công trình kiến trúc của các triều đại một thời, nhưng cũng có mặt trong đình, chùa, đền miếu, nhà dân.
Mời nghe Tạp chí Năm Thìn nói chuyện Rồng Tiên
Linh vật hội tụ mọi ước vọng
Trả lời RFI tiếng Việt, phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, trưởng khoa văn hóa học, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tác giả cuốn ‘‘Hình tượng rồng trong văn hóa phương Đông’’ (NXB Chính trị Quốc gia), nhận định:
‘‘Biểu tượng rồng nhìn chung cho đến nay trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau, có thể bị chi phối bởi nhiều quyền lực khác nhau, nhưng tựu chung lại nó vẫn là biểu tượng hội tụ của tất cả những nguyện ước bình dân nhất của người dân Việt chúng ta, đó là ước mong mọi sự thịnh vượng, giàu có, hạnh phúc, thành đạt, ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng như một xã hội hài hòa’’.
Trong một thời gian dài, năm Thìn trong hệ đếm 12 năm đã không hề đồng nghĩa với Rồng. Chữ Thìn (辰) bí hiểm ngay cả với chính người Hán. Theo một số chuyên gia, như Jerry Norman, Thìn (người Hoa hiện nay phát âm là ‘‘chén’’) rất có thể bắt nguồn từ tiếng mà người Đông Nam Á thời cổ dùng để chỉ loài rắn lớn, hay loài bò sát lớn như cá sấu (1). Trong số 12 con giáp (2), tức các con vật biểu tượng cho chu kỳ 12 năm theo lịch pháp cổ truyền Đông Á, Rồng là loài duy nhất không có thực.
Linh vật vừa bay bổng trên trời như chim, vừa như cá trong nước với quyền năng mầu nhiệm này dường như có thể chuyển tải hết thảy những ước vọng tốt đẹp nhất của cõi nhân sinh. Chữ ”Thìn” – trong Hán tự có nghĩa là Long, là Rồng – trong tiếng Hoa còn dùng để chỉ buổi sáng sớm, những dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân, và đồng thời cũng để chỉ ngày tháng, thời gian, các vì tinh tú… Năm Thìn là một dịp để các cư dân châu Á, cùng với con rồng, bay bổng với thời gian, hướng về nguồn cội, trở lại với những khát vọng nguyên sơ, sâu thẳm của con người. Nói chuyện về rồng, âu cũng là một dịp để con người được sống trọn vẹn với thế giới của những ước mơ, khát vọng.
Rồng, biểu tượng của các đế chế
Đối với thế giới Đông Á trong hàng ngàn năm, và kể cả ở trong tâm tưởng của nhiều người hiện nay, hình tượng rồng thường gắn nhiều với quyền lực quân chủ, đặc biệt là tại Trung Quốc. Nhà văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ nhận xét:
‘‘Khi các nhà nước trung ương tập quyền hình thành, Trung Quốc cũng vậy, Việt Nam cũng vậy, Triều Tiên cũng vậy, Nhật Bản cũng vậy. Với sức mạnh và nhu cầu thống nhất văn hóa và tư tưởng, cùng với sức sáng tạo của tầng lớp trí thức, họ bắt đầu gom góp tất cả các bộ phận mang tính ưu việt nhất của các loài hoặc của các biểu tượng, tái cấu trúc thành một biểu tượng hoàn chỉnh hơn. Người ta hình dung ra một con rồng, thoát thai từ các linh vật có trước, được chắt lọc, tinh gọn, ‘‘chuẩn hóa’’ để có được cái hình hài mà chúng ta có thể thấy ngày hôm nay. Ví dụ như đầu thì giống cá sấu, thân giống rắn, vảy giống cá, chân thì giống hổ, sừng thì giống hươu nai. Ngoài hình dáng được hoàn thiện, có thêm một lớp văn hóa mới : văn hóa cung đình.
Rồng – Tiên và ý thức độc lập của người Việt thời cận đại
Con Rồng gắn liền với quyền lực của nhà nước tập quyền Trung Hoa cũng như những chế độ chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Thế nhưng đối với đông đảo người Việt, Rồng không chỉ gắn với quyền lực quân chủ, mà biểu tượng Rồng thấm sâu trong xã hội, đặc biệt với huyền thoại về con Rồng, cháu Tiên. Trả lời RFI, nhà dân tộc học độc lập Nguyễn Mạnh Tiến, tác giả cuốn ‘‘Khai nguyên Rồng Tiên’’ (Nxb Văn học), chia sẻ về huyền thoại Rồng – Tiên sâu nặng trong nhiều cộng đồng người Việt:
‘‘Quốc gia với người Việt Nam là non sông, núi và nước, đất nước. Sau này, từ ngữ Hán hóa gọi là ‘‘giang san’’. Sông núi giống như nơi sinh ra mình, như là cha, là mẹ. Tinh của sông biển chính là Cha, loài sống ở Nước, mà bá chủ của loài sống ở nước là rồng, rắn lớn. Còn tinh của mẹ chính là Núi, sẽ hiện hữu qua các loài chim, trong trống đồng là chim lạc, sau này là tiên. Rồng tiên cũng chính là Núi và Nước. Người Việt không cần phải biết đến người Hán mới biết đến câu chuyện này’’.
Cho đến đầu thế kỷ 20, niềm tin mình là huệ duệ của Rồng và Tiên có lẽ đã phổ biến rất rộng rãi trong nhiều cộng đồng người Việt Nam, không chỉ của sắc tộc Việt đa số. Với đông đảo người Việt Nam, Rồng không đơn độc mà gắn bó khăng khít với Tiên.
Truyền thống Rồng – Tiên sâu nặng ở người Mường, người Thái
Các truyền thuyết rồng – tiên rất đa dạng có mặt rộng khắp trong các cộng đồng sắc tộc thiểu số Mường và Thái bản địa, những cộng đồng đã từng sát cánh với sắc tộc Việt đa số trong cuộc kháng chiến đánh bật quân xâm lược nhà Minh đầu thế kỷ XV, khẳng định nền độc lập mới. Tuy nhiên, các truyền thống Rồng – Tiên ở thiểu số người Mường, người Thái là điều dường như vẫn rất ít được biết đến, như ghi nhận của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến :
‘‘Trong nước Việt Nam đa tộc người, người Mường, người Thái cũng đã biết rất sâu sắc câu chuyện này. Biểu đạt Rồng Tiên trong văn hóa Việt thì mọi người thấy quá là cụ thể rồi. Thứ nhất là với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ đã quá phổ biến, thứ hai là trong việc tôn thờ quốc tổ Hùng vương, người con đầu tiên của Lạc Long Quân Âu Cơ. Sau đó lại tiếp tục thờ những người con của Hùng vương… Nhưng câu chuyện đặt ra là người ta xưa nay gần như không hề biết là với người Mường, người Thái, câu chuyện này cũng rất là rõ ràng.
Người Mường thường nói ‘chúng tôi là hậu duệ của công chúa Hươu sao, còn có tên khác là Ngu Cơ, với chàng cá chép Lương Vương’. Cuộc hôn phối của mẹ Hươu ở núi cao và bố Cá, một giống ở núi cao, và một giống ở nơi thấp, ra kết quả là 100 người con. Họ cũng là 100 người con. Sau đó xích mích xảy ra, bà mẹ dẫn 50 người con lên miền núi đồi khai sinh ra dòng vua áo Đen, là tổ tiên người Mường. Và chàng Cá, tiếng Hán Việt là ‘Lương Vương’, tức rồng (cá chép và rồng đôi khi là hai biến thể của một biểu đạt, cá chép hóa rồng khi ‘vượt vũ môn’). 50 con về miền cửa sông sinh ra dòng vua áo Vàng, chính là người Việt. Người Mường vẫn tin rằng người Mường với người Việt là anh em, tách ra từ đàn 100 con, mẹ ở Núi và bố ở Nước.
Ngành Thái Trắng ở Tây Bắc thì tổ tiên có ‘‘hiệu kỳ’’ là chim én (‘‘hiệu kỳ’’ giống như cờ tổ quốc bây giờ), còn ngành Thái Đen biểu tượng là con rắn hổ mang. Chẳng khác gì đối với người Việt, người ở núi có mẹ Tiên, người ở sông biển có bố Rồng. Ở vùng Thanh Hóa, huyền thoại của người Thái cho rằng mẹ Rồng – bố Chim, tức ngược lại, nhưng vẫn là một cặp Tiên Rồng. Miền núi Thanh Hóa còn rất nhiều điểm gọi là ‘‘xuốm Náng – buồng Nàng’’. Đấy là nơi mẹ Rồng ở, là những vực xoáy lớn, thường phần lớn ở đó họ có những đền thờ. Ở đấy có dòng sông ngầm thông lên ngọn thác trên đỉnh núi chảy xuống. Đỉnh thác là nơi cha Chim ở. Một năm người Thái tin rằng cha Chim, mẹ Rồng sẽ gặp nhau. Rồng Tiên kết hợp rất chặt. Cho đến tận bây giờ người bản địa họ vẫn có thể đưa khách trực tiếp đến chụp ảnh những địa điểm như vậy. Nhiều vùng người ta vẫn tiếp tục cúng tế Mẹ Rồng nước…’’.
Huyền thoại thấm vào đời sống, con người gắn bó với thiên nhiên
Theo nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, với nhiều cộng đồng người Việt, đặc biệt là các cộng đồng thiểu số sống ở núi rừng, huyền thoại Rồng – Tiên không chỉ là câu chuyện được đúc lại trong sách vở với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ. Rồng – Tiên gắn bó với đời sống hàng ngày, với các tập tục bảo vệ thiên nhiên, cũng chính là bảo vệ những cội nguồn của sự sống:
‘‘Xét về tư duy nguyên thủy, tư duy huyền thoại, trong tôi đã có anh, trong cái cây đã có ta, trong ta đã có cây. Với một tộc người, việc rồng biến thành chim, chim biến thành rồng rất là bình thường thôi. Khi họ chặt một cái cây, họ phải đặt một hòn đá để linh hồn cây di chuyển sang hòn đá chẳng hạn. Trong tất cả mọi thứ luôn luôn có một thế lực thiêng liêng ngự trị mà họ rất là tôn kính.
Càng lùi về các đời sống còn giữ nhiều truyền thống cổ xưa, thiên nhiên và con người không hề chia tách. Đầu tiên là trong các tập quán pháp của họ, họ quy định rất là chặt. Ví dụ như cần phải bảo vệ những khu rừng, cần phải bảo vệ những nguồn nước, bởi vì không chỉ hiểu theo nghĩa thuần túy đấy là những nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, nguồn nước uống, mà ở đấy còn có những vị thần, còn có những thứ linh thiêng khác. Chính là nơi ở của Cha Mẹ của mình đấy.
Ví dụ như là các ngọn núi chủ của họ, họ không bao giờ phá một cách vô tội vạ, vì đây là nơi ở của Cha. Những dòng nước cũng vậy, cố gắng giữ để cho nó không ô nhiễm, không bị cạn kiệt. Vì Mẹ nằm, Cha nằm ở đấy. Có thể nói về một mặt nào đó, đấy chính là đời sống hàng ngày của họ. Hàng ngày đi qua ‘‘xuốm Náng’’ biết nơi đây là Mẹ Rồng nằm, hàng ngày đi qua ngã ba sông biết đây là nơi có rồng ở. Núi nào là nơi chim Tùng, chim Tót đẻ ra con. Bất cứ một người Mường nào cũng có thể chỉ ra ngọn núi nào là ngọn núi trong Đẻ Đất Đẻ Nước, đâu là ngọn núi mà từ đấy trứng sinh ra người. Nó rất là cụ thể, rất là phổ biến, khá là gần gũi đấy, không hoàn toàn chỉ là một huyền thoại xa vời đâu’’.
Sức sống của dòng sông, ước nguyện nguyên sơ
Với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, một khi đã thoát khỏi độc quyền kiểm soát của hệ tư tưởng quân chủ, Rồng sẽ trở lại với cội rễ nguyên sơ, biểu tượng cho mối quan hệ sâu nặng của dân cư nông nghiệp với các dòng sông:
Về nguyên mẫu, Rồng là sự thoát thai của ước nguyện của các dân tộc sống bên những dòng sông. Dòng sông chở nặng phù sa mang nước về tưới tiêu cho đồng bằng tạo nên sự sống, sự thịnh vượng, và từ đó rồng mới đi vào tâm thức của họ như biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng, sự vươn lên. Sau cái giai đoạn quân chủ, biểu tượng Rồng bước vào quá trình ‘‘giải cấu trúc’’. Ý nghĩa của cái gọi là quyền lực của nhà vua, biểu trưng cho sự thống nhất về tư tưởng không còn nữa, thì rồng hoàn nguyên trở lại với ý nghĩa của mong ước về sự thịnh vượng, may mắn, ước mơ phát triển, mưa thuận, gió hòa…
Hơn hết, rồng vẫn là thoát thai từ sự ứng xử của con người với tự nhiên, cụ thể là với những dòng sông. Con người phải học cách để sống với các dòng sông. Mối quan hệ giữa dòng sông hay tự nhiên – sinh thái đối với con người là mối quan hệ hữu cơ. Không bao giờ có một thứ khác để thay thế. Chúng ta phải chọn một cách sống hài hòa, có trách nhiệm với môi trường sinh thái, với cuộc sống của chúng ta, trách nhiệm của mình với con cháu. Con cháu ở đây là con cháu chung, không chỉ là riêng của một cộng đồng’’.
Đi tìm một biểu tượng văn hóa chung cho Đông Bắc Á và Đông Nam Á
Nhân loại đang bước vào một kỷ nguyên chưa từng có trong lịch sử, khi các hoạt động kinh tế của con người làm biến đổi sâu sắc môi trường sống, mưa thuận gió hoà ngày càng khó được duy trì, chưa kể thế đối đầu giữa nhiều khối quốc gia đang ngày trở nên quyết liệt, đe dọa hòa bình thế giới. Huyền thoại về Rồng có thể mang lại những ý nghĩa gì cho xã hội đương đại, nhà văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ :
‘‘Ngày hôm nay, chúng ta nhận được các hậu quả của sự thay đổi khí hậu, biến đổi của các dòng sông. Có lẽ chúng ta có thể học được những bài học đó. Con rồng cũng nên được hiểu theo dạng thức nguyên mẫu của nó, theo cách thức mà nó được hình thành. Đó là sản phẩm chung của nhiều dân tộc ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Vì vậy, chúng ta nên chăng cũng giảm đi cái dân tộc tính trong việc khẳng định biểu tượng này mang màu sắc abc, hoặc biểu tượng rồng là do dân tộc xyz sáng tạo ra. Điều đó là không phù hợp với khoa học, và cũng không cần thiết.
Thay vì như vậy, chúng ta cũng nên suy nghĩ về một biểu tượng gắn kết một cách hài hòa và có trách nhiệm con người với môi trường, đặc biệt là môi trường sông nước, môi trường của đời sống sản xuất, một nét đặc thù của căn tính văn hóa của con người Việt Nam và các dân tộc Đông Á và Đông Nam Á. Và có thể coi đây là một biểu tượng chung của thế giới văn hóa Đông Á chẳng hạn, để các dân tộc có thể cùng nhau cộng cảm, chia sẻ, cùng sở hữu và cùng tương tác với biểu tượng rồng, và thông qua biểu tượng rồng cũng như các biểu tượng khác để có thể hiểu nhau hơn, để có thể cùng giao tiếp với nhau, chia sẻ với nhau, có trách nhiệm với nhau trong việc bảo vệ cuộc sống của nhau, và trước hết là bảo vệ những dòng sông, những con suối, bảo vệ những ngọn núi, và đâu đó hàm chứa ý tưởng về (bảo vệ) sự hòa bình cho thế giới’’.
Tạm kết
Với những ai từng đứng trên đỉnh núi, hay từ máy bay hướng về mặt đất, không hiếm khi các dòng sông quanh co uốn lượn hiện ra như những con rồng. Hầu hết mọi dòng sông đều bắt nguồn từ núi. Cây có rễ, người có gốc. Mọi sự thịnh vượng, siêu việt đều có nguồn, có cội. Năm Rồng cũng là dịp để nghĩ về nguồn cội, về những gì là cội nguồn cho sự sống, cho sự thịnh vượng, cho sự phát triển diệu kỳ. Nói chuyện rồng, chuyện sông, chuyện nước, không thể quên chuyện núi, chuyện rừng, chuyện tiên. Nói về người miền xuôi, không thể quên người mạn ngược.
Tưởng tượng về Rồng Tiên, ước mơ hòa bình, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa từng hòa quyện trong thế giới biểu tượng của người xưa, và của không ít cộng đồng bản địa tại Việt Nam và nhiều nơi khác hiện nay. Nhưng, sông giờ đây đang bị nghẽn vì đập xây tràn lan (3) ; rừng bị tàn phá ; khí hậu bị hâm nóng ; băng các cực tan chảy ; đại dương ô nhiễm có nguy cơ không còn đảm nhiệm được vai trò cỗ máy điều hòa khí quyển, giúp cho mưa thuận gió hòa (4). Trở lại với thế giới Rồng Tiên, thế giới mơ ước một thời ấy sẽ giúp bài học ứng xử nào cho các cộng đồng châu Á, cho nhân loại hiện nay, đang phải đối mặt với những khủng hoảng thách thức chưa từng có ?
Ghi chú :
(1) Người Hoa gọi Rồng là ‘‘Lung” (tức Long), người Thái Lan cùng một bộ phận người Lào gọi Rồng là Marong (‘‘rong’’ đọc gần giống với rồng trong tiếng Việt). Theo chuyên gia các ngôn ngữ Trung Hoa và Đông Nam Á thời cổ đại người Mỹ William H. Baxter (1949 -), chữ ‘‘long’’ (龍) thời xa xưa trong tiếng Hoa cũng được đọc gần giống với âm ‘‘rong’’, để chỉ con rồng, như trong nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á hiện nay.
(2) Trái với cách hiểu của nhiều người, hệ đếm 12 con giáp và lục thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm của lịch pháp Trung Hoa) không hề là một sản phẩm độc nhất vô nhị của nền văn minh Trung Hoa. Vòng quay 60 năm là phát kiến của nền văn minh Sumer vùng Tây Á hơn 3.000 năm trước công nguyên, với các di sản để lại như một giờ 60 phút, một phút 60 giây. Hệ đếm 12 năm là vòng đếm theo đốt ngón tay trên một bàn tay của người dân của cả một khu vực rộng lớn miền nam lục địa châu Á. Trong lịch sử Trung Hoa, giới chuyên gia ghi nhận các dấu hiệu của chu kỳ 12 năm chỉ được gắn với các con vật khá muộn, vào khoảng đời Đông Hán (từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ hai sau Công nguyên). Nhà Hán học Jerry Norman, tác giả một nghiên cứu rất được chú ý về nguồn gốc của 12 con giáp, đưa ra giả thiết xã hội Trung Quốc thời cổ đại có thể đã tiếp nhận hệ lịch 12 con vật từ một cộng đồng người Đông Nam Á không thuộc văn hóa Hoa, sinh sống tại miền nam Trung Quốc hiện nay.
(3) ”Hoành hành của Trung Quốc: Liệu sông Mêkông có trở thành Biển Đông ?“, RFI, 11/10/2022.
(4) ‘‘Kiểm tra sức khỏe định kỳ’’: Bệnh tình Trái đất trầm trọng hơn trong năm 2022, RFI, 22/04/2023.
RỒNG, BIỂU TƯỢNG MỘT THỜI CHO QUYỀN LỰC TOÀN NĂNG CỦA HOÀNG ĐẾ
(Theo nhà văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ)
‘‘Rồng nhiều khi thoát khỏi ước mơ bình dân, của người dân làm nông nghiệp, để trở thành một công cụ, hoặc biểu tượng của quyền lực tập quyền. Trong văn hóa Trung Hoa, Việt Nam… đều có những điều cấm kỵ. Chẳng hạn như con rồng của vua thì phải hoàn chỉnh từng đường nét, số vảy (9×9=81 vảy), rồi cơ bắp phải cuồn cuộn, mạnh mẽ, mỗi chân mọc 5 móng đủ đầy (rồng trang trí đình đền chùa miếu mạo chỉ có 4 móng, trong dân gian chỉ được dùng rồng 3 móng mà thôi). Thế của rồng cung đình cũng phải uy nghiêm, gương mặt nhìn thẳng, trực diện, tỏa ra một cái gì đó rất uy lực. Hoặc số móng chân phải đủ 5. Hoàng đế cấm dân gian được sử dụng con rồng hoàn chỉnh này. Trong khi đó, thần, Phật hoặc các đối tượng được thờ cúng, mặc dù là thần linh của thế giới siêu nhiên nhưng cũng không được phép sử dụng con rồng hoàn chỉnh. Nói chung, biểu tượng rồng từ đó trở thành đối tượng bị lũng đoạn bởi các tập đoàn quân chủ Việt Nam và Đông Á thời cổ – trung đại.
Vô hình chung tạo ra một làn sóng là các cộng đồng khác nhau ở trung tâm lẫn ngoại vi, đều có một xu hướng là phải thay đổi linh vật chứa đựng ước vọng của mình để làm sao con rồng nhất (tức con rồng theo mô hình của nhà nước quân chủ), để được tham gia vào như một bộ phận của rồng thì càng tốt, nếu không thì phải trở thành một thành viên của đại gia đình nhà rồng. Chính vì thế ở phương Đông, đặc biệt là văn hóa Trung Hoa đã bắt đầu xuất hiện quan niệm là rồng có 9 con (Thạch long quy (hay Bị hí), Li vẫn (hay Si vẫn), Bồ lao, Bệ ngạn, Thao thiết, Công phúc, Nhai xế, Toan nghê, Tiêu đồ), thậm chí là 81 cháu nội, tạo nên một đại gia tộc lớn mạnh. Nhìn sơ qua thì thấy biểu tượng rồng này rất phồn sinh, được đơm hoa, kết trái. Nhưng nhìn ngược lại chúng ta thấy các địa phương đang mất dần bản sắc của mình một cách không cần thiết khi cố gắng gọt giũa văn hóa địa phương cho giống rồng, giống cung đình. Người ta làm như vậy chẳng qua là để thể hiện lòng trung thành với Hoàng đế’’.