BÀ HUYỆN THANH QUAN – MỘT MẢNH TÌNH RIÊNG, TA VỚI TA.

Sinh năm một ngàn tám trăm lẻ năm và mất năm một ngàn tám trăm bốn mươi tám, Bà Huyện Thanh Quan là một thi sĩ nổi tiếng của thế kỷ thứ mười chín.

Gọi Bà Huyện Thanh Quan, là bởi vì chồng bà làm tri huyện Thanh Quan. Thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh, giữ chức Cung Trung Giáo Tập, dạy học cho công chúa cùng các cung phi. Khi chồng mất, bà xin nghỉ dạy, lui về quê và ở đó đến hết đời.

Các sáng tác của bà hầu hết bằng chữ Nôm. Giáo sư Dương Quảng Hàm từng nhận xét: Những bài thơ Nôm của bà, phần nhiều là tả cảnh, tả tình. Bài nào cũng hay và tỏ ra, bà là người đoan chính, thanh tao, có học thức, thường nghĩ ngợi đến nước đến nhà. Lời thơ trang nhã, điêu luyện.

******

Bà cũng là người có nhiều giai thoại. Những người quá nổi tiếng, quá đặc biệt, quá độc đáo, thêm vào đó, hoặc là quá ẩn mình, hoặc là quá quái chiêu, thì người ấy thường có nhiều giai thoại.

Giai thoại là những câu chuyện hấp dẫn, thú vị, ban đầu, được dựa trên một vài phần sự thật, nhưng vì truyền miệng qua nhiều năm tháng, một ít sự thực ấy cũng bị mòn dần, thay vào đó, là những thêm bớt, riết rồi thành những bản truyền tụng, vừa khác nhau, vừa hoang đường và vô lý.

**

Sâm Cầm Hồ Tây

Giữa thế kỷ mười chín, ở Nghi Tàm, khu vực Hồ Tây (Nghi Tàm là nơi mà rất nhiều văn nhơn, mặc khách ở nơi này, như Xuân Hương, như Nguyễn Du), nổ ra cuộc đấu tranh, chống lại lệ nộp Sâm Cầm – kiểu như con gà nước. Dân chúng họ làm đơn, tố cáo với triều đình về nạn hạch sách, nhũng nhiễu của bọn quan tham. Xem xong đơn, vua Tự Đức đã ra lệnh bãi bỏ lệ này.

Lá đơn ấy là do Bà Huyện Thanh Quan soạn thảo.

Kẻo Mai Nữa Già

Bữa nọ, chồng bà, Lưu Nghi đi vắng. Có một cô tên Nguyễn Thị Đào, đệ đơn lên xin được ly dị để lấy chồng khác, vì người chồng hiện tại đã ruồng bỏ cô. Thương cảm, Bà Huyện Thanh Quan đã thay chồng, phê vào đơn kiện của cô Đào, cho phép cô được ly hôn, bằng bài thơ như sau:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào

Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?

Chữ rằng: Xuân bất tái lai

Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Làm Trâu

Có một ông nọ, thi đỗ Hương Cống, viết đơn lên quan tri huyện, xin được mổ trâu để làm giỗ cho cha, vì thời gian này, triều đình ngăn cấm, hạn chế việc mổ trâu để phát triển canh nông. Chồng Bà Huyện lúc ấy vắng nhà, nhưng cảm động trước hiếu hạnh của ông Cống (một kiểu gọi tên theo bằng cấp khi xưa), bà phê vào đơn câu thơ:

Người ta thì chẳng được đâu

Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm.

“Làm” ở đây, vừa có nghĩa là “mổ”, mổ trâu, thịt trâu, mà cũng vừa có nghĩa là “hóa thành, biến thành”, thành con trâu.

Biết là Bà Huyện có ý dùng chữ để cợt mình nhưng thấy được việc, ông ta cũng vui vẻ chào rồi ra về.

Mới thấy, Bà Huyện Thanh Quan, khi có dịp, cũng nghịch lắm, chớ nào phải hiền đâu!

******

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, định đô tại Huế, thì Thăng Long trở nên hoang phế. Chỉ còn là một tỉnh, nên Hà Nội bị mất đi vị trí, giá trị trung tâm của mình, vốn kéo dài suốt từ thời nhà Lý đến nhà Lê.

Thăng Long Hoài Cổ có nghĩa là nhớ thành Thăng Long xưa, được Bà Huyện Thanh Quan viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, tả cảnh tang thương để ngụ tình hoài niệm.

Bà trách ông trời sao lại biến cuộc đời thành sàn diễn của những đổi thay, thay đổi bởi con người. Đến núi sông kia là vật vô tri mà cũng còn trơ gan, thách thức, cau mặt, chẳng vui, huống hồ gì. Soi vào tấm gương mới cũ, thấy cảnh, thấy người, chỉ vừa mới qua nay thôi, mà biết bao đổi dời, tan vỡ, nghe lòng như ai cắt, nghe lòng như ai xé, đứt cả ruột gan, buồn sao mà quá đỗi.

THĂNG LONG HOÀI CỔ

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường

Đến nay thấm thoát mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

**

Hý trường: Sân khấu diễn tuồng. Cuộc đời ví như sân khấu tuồng, hết lớp này thì đến lớp khác, thay đổi xoành xoạch.

Tinh sương: Một năm.

Thu thảo: Cỏ mùa thu.

Tịch dương: Bóng mặt trời lúc chiều tà.

Tuế nguyệt: Năm tháng.

Tang thương: Lấy từ câu “tang điền thương hải”, ruộng dâu biến thành biển xanh, thay đổi luôn luôn.

Đoạn trường: Đau lòng đứt ruột. Truyện xưa, có người giết một con vượn con, vượn mẹ trông thấy gào khóc cho đến chết, lúc mổ ra thì thấy ruột đứt hết cả.

**

Khi bình luận về tác phẩm Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan, ông Chế Lan Viên, ổng viết thế này, thoạt đọc, thì thấy như có vẻ ngồ ngộ, nhưng đọc hai, ba lần, thấy ổng cũng có lý chớ chẳng phải không: Đức Phật nói rằng, mạt pháp, cư sĩ sẽ hơn tăng già, phụ nhân sẽ hơn cư sĩ. Thi nhân (tức là Chế Lan Viên), cũng có thể nói rằng, đến đời mạt pháp (chỗ này, đáng lý, Chế Lan Viên phải thay thành “mạt chữ”, chớ nhỉ), những người dốt chữ sẽ hiểu được thơ, được đạo cả, hơn các ông cụ khệnh khạng làm sách giáo khoa.

Chế Lan Viên nói tiếp: Cái hay của một câu thơ, không chính là câu thơ đó, mà là chút linh hồn bao quanh câu thơ. Thơ không phải là thứ thấy ở trước mặt hay đang trên tay. Bởi thế cho nên, Đức Phật lại nói: Y kinh giảng giải, tam thế Phật oan.

Nghĩa là, ông Chế Lan Viên, ông ấy chống lại việc áp đặt bài giảng của người dạy đối với người học. Ông không thích dạy trò theo một khuôn như đúc, rằng xưa là lối xe ngựa, nay là lối cỏ thu; rằng xưa là lâu đài nay chỉ có bóng mặt trời sắp lặn; rằng Bà Huyện đã đến Thăng Long vào một chiều mùa thu, vân vân và mây mây.

Vẫn là ông Chế Lan Viên đang nói: Cứ giảng theo sách giáo khoa như vậy, thì thảo nào, lại không cho rằng, thơ Đường chỉ là thơ tả cảnh.

Tức là, theo ông Lan Viên, cảnh không đơn thuần là cảnh, cảnh khi đã vào thơ rồi, thì tất thảy cảnh ấy đều là tình. Không đợi đến mùa thu, ngay cả cảnh xuân vui tươi, sinh động, cũng có thể khiến người ta vương vương lòng hoài cổ, nhung nhớ chuyện xưa, ủ mặt cau mày.

Ông kết luận: Phải có trăm nghìn nghĩa như trăm nghìn con dao đâm ngang dọc bài thơ thì mới mong ráo nghĩa bài thơ. Bà Huyện Thanh Quan viết bài thơ, thì cứ sau mỗi câu thơ là một tâm hồn. Mỗi tâm hồn là một bầu trời. Mỗi bầu trời lại dọc ngang biết bao nhiêu hướng. Hãy dọc ngang để cho chim bay. Hãy tung hoành để cho chim bay. […] Cứ sau một cảnh tàn phá bày ra trước mắt, Bà Huyện Thanh Quan chợt thấy cả bao nhiêu chuyện phế hưng từ trước tới giờ.

Tự do. Đấy chính là tự do. Điều mà ông Chế Lan Viên khi bình giảng bài thơ này, muốn nhấn mạnh, là hãy để sự cảm thụ văn chương được tự do. Thầy giáo rất không nên áp đặt một kiểu hiểu duy nhứt. Thầy giáo chỉ hỗ trợ, giải thích, gợi mở. Và xin nhắc lại một lần nữa, câu phát biểu rất hay của ông ấy: Phải có trăm nghìn nghĩa như trăm nghìn con dao đâm ngang dọc bài thơ, thì mới mong ráo nghĩa bài thơ.

******

Xuất thân trong một gia đình quan lại, có nhan sắc, có học, có tài thơ, giỏi nữ công gia chánh, nên bà được vua Minh Mạng cho vời đến kinh đô làm nữ quan Cung Trung Giáo Tập. Trên đường ra Phú Xuân, bà đến Đèo Ngang, đúng vào lúc hoàng hôn đang buông xuống, mặt trời đã nằm ngang sườn núi, ánh vàng hắt nghiêng xuống, chênh chênh.

Đèo Ngang, con đường đèo lãng mạn và đậm chất thơ nhất Việt Nam nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đèo Ngang có mặt nhiều lắm, không chỉ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, mà còn trong thơ của Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát.

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

**

Tiều: Người kiếm củi.

Chợ: Nhiều người cho rằng, chỗ này phải là “rợ” mới đúng.

Quốc quốc: Từ đồng âm. Là con chim Cuốc, còn gọi là Tử Quy, Đỗ Vũ, Đỗ Quyên. Tương truyền, Thục Đế và Đỗ Vũ gặp lúc biến lên núi ở ẩn, sau chết, hồn hóa ra chim Cuốc, vì còn nhớ nước cũ, nên cứ kêu quốc quốc.

Gia gia: Từ đồng âm. Là con chim đa đa. Gà rừng. Gà Gô.

**

Tâm trạng của bà khi đến kinh đô nhận nhiệm vụ, là tâm trạng của một lữ khách – khách đường xa – ngổn ngang trăm mối. Mối nhà, mối nước, mối nào cũng là gánh quá nặng ở trên vai.

Những đá những lá những tà những hoa, líu ríu, chen vào nhau, làm bối rối thêm, làm lúng túng thêm, điều này xọ điều kia, hệt như tơ vò.

Giữa khung cảnh rộng lớn, mênh mông, lạnh lẽo, ngút ngàn đến như vậy, mà chỉ tiều vài chú, mà chỉ chợ mấy nhà, nên nhận ra, chỉ ta với ta, hỏi sao không nghe lòng nao nao, vời vợi, hỏi sao không cảm thấy bồn chồn, chẳng thể nào yên trong dạ.

Tiếng kêu xa xót, ray rứt, khắc khoải của con chim cuốc rồi tiếng gào đớn đau đến khản cổ của con đa đa đã làm lòng tác giả xuyến xao lại càng thêm bồi hồi, xao xuyến, đã nhớ thương lại càng thêm tha thiết thương nước nhớ nhà.

Bài thơ là nỗi buồn xa vắng, nỗi cô đơn, nỗi lạc lõng, nỗi u hoài khôn nguôi của tác giả trong một khung cảnh vừa thưa thớt vừa cô liêu đến hoang sơ, tĩnh mịch, vừa trống vắng vừa héo hắt đến tàn tạ, đìu hiu.

**

Cũng “ta với ta”, nhưng ở Nguyễn Khuyến trong bài Bạn Đến Chơi Nhà, thì khác: bác đến chơi đây, ta với ta. Ta này là Nguyễn Khuyến. Ta kia là bạn của ổng. Ta này cộng ta kia là hai. Hai người.

Còn: một mảnh tình riêng, ta với ta – thì khác. Ta này là thân xác. Ta kia là tâm hồn, tình cảm. Nói cho sang, nói cho oai, nói cho bớt buồn thôi, chớ ta này, cộng với ta kia, cộng tới cộng lui, cộng kiểu gì thì cũng chỉ ra có một thôi.

Một, một mình, nên, buồn lắm. Một, một mình, nên, lẻ loi, đơn chiếc lắm.

******

Ở thế kỷ mười chín, dưới thời phong kiến, phụ nữ được ăn học để làm được thơ, xem ra, chẳng có mấy. Và nổi tiếng, thì chỉ có hai bà, bà Huyện Thanh Quan và bà Hồ Xuân Hương.

Nếu bà Xuân Hương sắc sảo, nghịch ngợm, mạnh mẽ, khẩu khí bao nhiêu thì bà Thanh Quan lại đằm thắm, trầm lắng, sâu kín, khuê các bấy nhiêu. So về sự nghiệp, thì bà Xuân Hương ăn đứt về số lượng tác phẩm để lại. Nhưng dù sáng tác ít hơn, không độc đáo và tiếng tăm bằng, thì bà Thanh Quan vẫn là một người làm thơ đáng nể.

Bà chọn chữ kỹ lưỡng, trau chuốt nên đẹp. Bà dùng nhiều từ cổ nhưng nhờ phối hợp khéo nên câu thơ vẫn thanh thoát, nhẹ nhàng, trang nhã mà vẫn mới, vẫn hay. Thơ bà giàu nhạc tính, giàu hình ảnh, các vế đối nhau cân chỉnh. Giọng thơ của bà du dương và luôn man mác buồn. Ý, tứ, hàm súc, tròn trịa, không bị hụt hơi về cuối.

Ước lệ, tượng trưng, nhưng do câu thơ viết có hồn vía nên vẫn tạo được rất nhiều cảm xúc nơi người đọc, nhất là những người đang ở xa quê hương, ở xa gia đình, và sinh vào những thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi đổ về trước.

Tôi đương ở ngay đây, ngay trên đất cha sinh mẹ đẻ đây, vậy mà mỗi lần đọc thơ bà, tôi vẫn nghe bồi hồi lắm nỗi. Chắc chắn không phải là nhớ quê rồi, vì quê tôi ngay đây mà. Không nhớ quê nhưng nhớ người xưa, nhớ cảnh cũ, nhớ từ những ngày hạnh phúc ấm êm bên cha bên mẹ đủ đầy, bên thầy bên cô, bên bạn bè, trường lớp, nhớ đến những tháng năm tuổi nhỏ, tuổi mà ăn chưa no, lo cũng chưa tới.

Nên thơ bà, người ta vẫn thích. Nên, thơ bà, người ta vẫn không quên. Nhắc đến là đọc ro ro, như tôi, tôi thuộc thơ bà làu làu, từ những ngày còn học trung học, không như thơ của một số tác giả khác, rất khó cho vô đầu, rất khó để nhớ.

******

Lại kể thêm giai thoại nữa về bà với vua Minh Mạng. Ngày nọ, vua ban cho ông quan kia hai chữ Phúc Thọ, nhân dịp ông quan ấy lập được công trạng. Viết xong, vua đưa cho Bà Huyện Thanh Quan xem và hỏi, được không? Bà xem xong, nhỏ nhẹ, thưa bệ hạ, phúc tối hậu, thọ tối trường, (nghĩa là, phúc rất dày, thọ rất dài).

Vua ngẩn ra một hồi, sau đó, vua phát hiện ra, chữ phúc mình viết mập ù, còn chữ thọ lại dài thòn lòn. Biết là cô giáo chê chữ mình, nhưng chê hay quá, chê khéo quá, nên Minh Mạng đành cười trừ, xí xóa.

Ở trong cung vua, chốn hoàng gia, ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ, được nể nang, được trọng vọng, nhưng bà nào có vui. Bà luôn ở trong tâm trạng của nỗi nhớ nhà, thương nước, như bài thơ Chiều Hôm Nhớ Nhà dưới đây:

Vàng tỏa non tây, bóng ác tà

Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa

Ngàn mai lác đác, chim về tổ

Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà

Còi mục thét trăng miền khoáng dã

Chài ngư tung gió bãi bình sa

Lòng quê một bước nhường ngao ngán

Mấy kẻ tình chung có thấu là?

Sài Gòn ngày 14.02.2024

Phạm Hiền Mây

Bài Liên Quan

Leave a Comment