13 tháng 2 2024
Bà Cao Hồng Vinh sống ở Ba Lan từ năm 1991 và đã trải qua nhiều năm hoạt động xã hội. Bà vừa có quyết định ra tranh cử vào Hội đồng quận Ochota, thành phố Warsaw trong cuộc bầu cử năm nay.
Giữa tháng 1/2024, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã công bố lịch bầu cử vào các hội đồng tự quản sẽ diễn ra vào tháng 4 và bầu các ứng viên Ba Lan vào Nghị viện châu Âu (EU) trong tháng 6.
Tại Ba Lan, trong những năm qua đã có một số nhà hoạt động gốc Việt tham gia chính trị ở cấp địa phương. Năm nay, bà Cao Hồng Vinh, người đã sống tại Warsaw (Warszawa) nhiều năm, đã quyết định tranh cử một vị trí ở Hội đồng quận Ochota, nơi có nhiều gia đình Việt Nam hoặc gốc Việt sinh sống.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bà Cao Hồng Vinh cho biết:
“Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục tại các trường học ở thủ đô Ba Lan và đặc biệt là tại quận Ochota, nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất, tôi được các em học sinh, phụ huynh, thầy cô, các cấp chính quyền quận, cũng như lãnh đạo của phòng giáo dục quận biết đến với vai trò là người hỗ trợ, là cầu nối giữa nhà trường, gia đình và học sinh trong vấn đề giáo dục, chăm sóc tâm sinh lý, hội nhập văn hóa trong trường học.
Với cộng đồng lớn đang sinh sống, có những gia đình có cả thế hệ thứ hai, thứ ba và nhu cầu hội nhập sâu hơn vào cộng đồng người Ba Lan, việc có một đại diện người Việt trong cấp chính quyền địa phương là cần thiết. Đấy cũng là nhu cầu từ phía chính quyền cấp địa phương.”
BBC: Xin bà cho biết tổ chức nào hỗ trợ cho bà trong lần tranh cử này?
Bà Cao Hồng Vinh: Với kinh nghiệm hoạt động xã hội nhiều năm cùng với sự động viên của cấp chính quyền quận, của bạn bè người Ba Lan, của cộng đồng người Việt, người Ba Lan gốc Việt, tôi đã quyết định tham gia ứng cử vào Hội đồng quận Ochota vào ngày mùng 7/4 năm nay.
Tôi không thuộc thành viên của bất cứ đảng phái nào. Tôi tham gia và được sự hỗ trợ từ nhóm Zawsze z Ochotą, nhóm hoạt động độc lập vì người dân địa phương tại quận Ochota.
BBC: Xin cho biết bà tranh cử vào vị trí nào? Vị trí đó có vai trò gì?
Bà Cao Hồng Vinh: Tôi tranh cử vào vị trí ủy viên Hội đồng Dân cử (samorzad) quận Ochota, thành phố Warsaw.
Nếu trúng cử, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, pháp luật Ba Lan, hòa nhập tốt hơn với xã hội, công việc, học tập và có cuộc sống tốt hơn tại Ba Lan.
Người Việt Nam đã học tập và làm việc tại Ba Lan nhiều năm và có những đóng góp đáng kể cho xã hội Ba Lan. Tôi mong muốn hoạt động vì sự hòa nhập của người nước ngoài với người Ba Lan. Ước mơ của tôi là sự hợp tác hiệu quả giữa người Ba Lan, người Việt Nam và những người nhập cư khác trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Sau nhiều năm làm việc ở các trường học, tôi nhận ra có những việc cần phải làm tốt hơn, như tăng số lượng trợ giảng, trợ lý liên văn hóa, tăng thêm giờ ngoại khóa theo nhu cầu của từng nhóm học sinh, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường mẫu giáo công lập.
BBC: Xin bà cho biết đôi chút về bản thân?
Bà Cao Hồng Vinh: Tôi đã sống ở Ba Lan hơn 30 năm, là một người Ba Lan gốc Việt. Năm 1997, tôi tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Warsaw. Với tình cảm đối với Ba Lan, tôi đã quyết định ở lại làm việc, lập gia đình và tiếp tục học tập.
Năm 2000, tôi tốt nghiệp cao học ngành quản trị kinh doanh. Năm 2023, tôi tốt nghiệp cao học khóa đào tạo cho những trợ lý đa văn hóa trong các trường học.
Từ năm 1997, tôi lập gia đình và chúng tôi đã sinh được bốn người con trai.
Một cách rất tình cờ, tôi và chồng đã chọn Ochota làm nơi ở của gia đình và chúng tôi rất hài lòng với quyết định này.
Chúng tôi đã sống hơn 20 năm tại quận Ochota, nơi tôi sẽ tham gia ứng cử. Hiện tại, tôi là giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Lotus, trung tâm y tế đầu tiên tại Ba Lan do những người Việt đứng ra thành lập.
BBC: Các hoạt động của bà tới nay cho cộng đồng dân cư tại quận Ochota gồm những gì và có giúp gì cho người Việt Nam hoặc gốc Việt sống tại đó?
Bà Cao Hồng Vinh: Trong hơn 20 năm, tôi đã làm việc tại các trường phổ thông và mẫu giáo với vai trò là cầu nối giữa nhà trường và gia đình Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề phát sinh từ sự khác biệt về văn hóa và vấn đề ngôn ngữ.
Tôi là tác giả của dự án “Tuần văn hóa Việt Nam” được thực hiện trong trường học phổ thông tại quận Ochota.
Tôi làm việc trong lĩnh vực văn hóa với vai trò là người tham gia tổ chức các sự kiện giáo dục và giải trí, như các sự kiện liên quan đến ngày thiếu nhi 1/6, Tết Nguyên đán, trò chơi dân gian, ngày phụ nữ. Tôi cũng tham gia tích cực hầu hết các sự kiện văn hóa quảng bá về văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
BBC: Qua quan sát của bà thì chính trị Ba Lan ở cấp địa phương có gì đáng chú ý?
Bà Cao Hồng Vinh: Tình hình chính trị của Ba Lan từ nhiều năm nay theo đường lối của hai đảng chính là Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) và Đảng Cương lĩnh Công dân (PO), một đảng cầm quyền và môt đảng đối lập. Sau 8 năm cầm quyền của PiS, sau cuộc bầu cử ngày 15/10/2023, PO cùng các đảng nhỏ khác đã liên kết để lên nắm quyền.
Tình hình chính trị của Ba Lan hiện tại vẫn còn khá sôi động, có lúc trở nên căng thẳng, nhưng tôi tin quốc hội và chính phủ mới sẽ đưa Ba Lan đi theo đúng hướng như nguyện vọng của đa số người dân Ba Lan đã bầu cho họ.
Chính trị cấp địa phương có nhiều chỗ khác với chính trị trung ương. Ngoài việc thực hiện những kế hoạch chung liên quan đến toàn quốc hay thành phố, mỗi địa phương đều có những kế hoạch, những vấn đề, công việc rất cụ thể phải thực hiện liên quan đến quyền lợi trực tiếp hàng ngày của người dân.
Quận trưởng, quận phó được bầu lên theo quy định của luật bầu cử và đảng cầm quyền ở cấp trung ương chưa chắc đã được bầu vào lãnh đạo ở cấp địa phương.
Dù có thể thuộc đảng phái hay tổ chức chính trị khác nhau nhưng các thành viên trong hội đồng địa phương cộng tác khá nhịp nhàng bởi mỗi người đảm trách một công việc cụ thể. Để hoàn thành nhiệm vụ, bắt buộc họ phải có sự hợp tác lành mạnh.
BBC: Nói rộng ra một chút thì ý thức hoạt động xã hội hay xu hướng ủng hộ các đảng phái trong cộng đồng Việt Nam, gốc Việt ra sao, theo đánh giá của bà?
Bà Cao Hồng Vinh: Chỉ có một số rất ít người Ba Lan gốc Việt có những ý thức, có sự ủng hộ rõ rệt của riêng mình. Nói chung mọi người thường theo số đông. Cũng có thể họ ủng hộ một ứng viên hay một đảng phái nào đó vì lợi ích mà họ nhận được.
Cũng khá nhiều người không quan tâm đến chính trị, một phần do hạn chế về ngôn ngữ.
BBC: Theo bà thì người Việt cần chú trọng hơn điều gì, lĩnh vực nào và vì sao?
Bà Cao Hồng Vinh: Tôi thấy rằng người Việt nên duy trì và phát triển tất cả các lĩnh vực và ngành nghề mà họ đã làm và đã có những thành công nhất định tại Ba Lan trong nhiều năm qua, như kinh doanh hàng may mặc, dịch vụ quán ăn…
Nhưng họ phải có sự thay đổi, cải cách và chuyên nghiệp hơn. Cách làm phải có sự hiểu biết, cần chuẩn bị kỹ càng và bài bản.
Tôi nghĩ, với khá nhiều người mới tới Ba Lan, còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thì không nên cố làm chủ mà nên đi làm công ăn lương trong vài năm rồi sau đó xây dựng cho mình hướng đi phù hợp.
Họ có thể tìm hướng đầu tư, phát triển sản xuất cả sản phẩm công nghiệp và nông sản. Họ cũng có thể nghiên cứu, phát triển một số ngành dịch vụ, đầu tư tài chính theo đúng nghĩa, phù hợp với sự chuyển biến, hiện đại hóa rất nhanh, có tiêu chuẩn pháp lý tốt của nước Ba Lan ngày hôm nay.