Power Machines thắng kiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 500 triệu USD, tiếp theo là gì?

Lá cờ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (phải) bên cạnh Quốc kỳ Việt Nam (ở giữa) và cờ Đảng Cộng sản Việt Nam trước trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hà Nội ngày 11/1/2016
Chụp lại hình ảnh,Cờ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (phải) bên cạnh quốc kỳ Việt Nam (ở giữa) và cờ Đảng Cộng sản Việt Nam trước trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hà Nội ngày 11/1/2016

Nhà sản xuất thiết bị điện của Nga Power Machines, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov, đã thắng kiện công ty dầu khí PetroVietnam (PVN), theo lời người phát ngôn của ông Mordashov vào ngày 12/2.

Tờ RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng khoản tiền thắng kiện 500 triệu USD cho Power Machines đang được bàn bạc và họ “hài lòng” với phán quyết của tòa Singapore.

Vụ kiện củaPower Machinesđánh dấu chiến thắng đầu tiên của một công ty Nga chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do dính líu đến xung đột ở Ukraine tính từ năm 2022, theo RBC.

Ngoài việc đệ đơn lên Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC) thì Power Machines cũng kiện PVN và đại diện của họ tại Nga lên tòa án Moscow vào ngày 2/2/2024, phần nào cho thấy quyết tâm của công ty Nga trong vụ việc này.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt với điều kiện ẩn danh, một luật sư chuyên mảng kiện tụng quốc tế ở Sài Gòn nói rằng phán quyết trọng tài Singapore là chung thẩm nên phía PVN không thể nào kháng cáo.

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với Power Machines và PVN bình luận về kết quả vụ kiện nhưng chưa nhận được phản hồi.

PVN trả 500 triệu USD thế nào?

Về khoản 500 triệu USD mà PVN phải thanh toán cho Power Machines, luật sư ẩn danh nói với BBC rằng, sau phán quyết của tòa, phía Power Machines sẽ thu thập thông tin tài sản của PVN ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu PVN tự nguyện thanh toán.

“Nếu PVN từ chối thì Power Machines sẽ đề nghị tòa án các nước có tài sản của PVN công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài SIAC đó để kê biên tài sản có liên quan để bán trả nợ.”

Luật sư này cũng phân tích thêm rằng đây là vụ kiện giữa hai doanh nghiệp nên “nhà nước không có trách nhiệm gì”.

“Tài sản của PVN và công ty con có liên quan sẽ là đối tượng bảo đảm thi hành phán quyết trọng tài, chứ không ảnh hưởng gì đến ngân sách nhà nước,” luật sư nêu ý kiến.

Power Machines đã có lịch sử làm ăn với Việt Nam từ hơn 50 năm. Công ty này từng cung cấp ba máy phát điện cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà, cũng như từng là nhà cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại và các nhà máy thủy điện Trị An, Hòa Bình, Ialy, Cần Đơn…

Luật sư ẩn danh nhận định rằng những vụ kiện như giữa Power Machines và PVN là điều bình thường, vì theo ông, trên thế giới vẫn có nhiều vụ kiện như vậy.

“Giao thương quốc tế sâu rộng thì tranh tụng là chuyện thường tình, không phải là chuyện quốc gia đại sự gì,” luật sư này nói.

Tuy nhiên, một luồng dư luận lo ngại rằng những vụ kiện tụng này sẽ ảnh hưởng đến uy tín các tập đoàn thuộc vốn nhà nước như PVN cũng như gây tác động tiêu cực đến ngoại giao Việt – Nga vì dự án nằm trong chương trình hợp tác kinh tế – thương mại, khoa học – kỹ thuật giữa hai nước.

Chưa rõ lý do vì sao tới nay báo chí trong nước vẫn kín tiếng về vụ Power Machines thắng kiện PVN.

Vào năm 2019, trên website của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Lê Minh có bài viết trong đó nêu rằng nếu PVN thua kiện sẽ làm mất uy tín của tập đoàn này và ảnh hưởng hợp tác đối với các mỏ dầu khí ở ngoài khơi.

“Ở tầm mức cao hơn, cần tránh khiếu kiện lần này ảnh hưởng đến hợp tác liên chính phủ về các chủ đề kinh tế, nghiên cứu khoa học hạt nhân và an ninh quốc phòng,” ông Minh viết.

Tỷ phú Nga Alexey Mordashov phát biểu trong một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế (SPIEF) tại Saint Petersburg, Nga ngày 16 tháng 6 năm 2022
Chụp lại hình ảnh,Tỷ phú Nga Alexey Mordashov phát biểu trong một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế (SPIEF) tại Saint Petersburg, Nga ngày 16 tháng 6 năm 2022

Nguyên nhân kiện tụng

Theo thông tin từ Bộ Công thương, từ năm 2010, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW được Chính phủ Việt Nam giao cho PVN làm chủ đầu tư.

Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 12/7/2010 với quy mô công suất khoảng 4.400MW (lớn gấp hơn hai lần công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình).

Ngày 28/12/2010, chính phủ đồng ý để PVN tiến hành thủ tục chỉ định tổng thầu EPC cho dự án. Ngay trong ngày, PVN đã ký với Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) hợp đồng gói thầu EPC lên đến 1,2 tỷ USD.

Đến tháng 3/2013, do nhận thấy năng lực nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, kéo theo việc chậm trễ tiến độ nên PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi tổng thầu EPC.

Đến ngày 30/12/2014, PVN đã ký kết với Liên danh nhà thầu Power Machines và PTSC làm Tổng thầu EPC.

Tuy nhiên, dự án mới được thực hiện khoảng 77-78% thì Power Machines chịu lệnh cấm vận từ Mỹ, không tiếp tục thực hiện hợp đồng tổng thầu.

Đến tháng 01/2019, nhà thầu Power Machines đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng do bất khả kháng.

Ngày 23/8/2019, sau khi có hàng chục cuộc trao đổi và đàm phán không thành công thì Công ty Power Machines đã thông qua luật sư đại diện của mình gửi đơn kiện PVN đến Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC).

Các khiếu kiện chính của Power Machines bao gồm: Power Machines coi lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng; Power Machines khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho Power Machines; Power Machines cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của Power Machines.

Vào tháng 9/2019, PVN cho biết đã trả lời SIAC, phủ định toàn bộ các khiếu kiện của Power Machines. Đặc biệt, PVN không cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng.

Dự án trên vốn được dự kiến phát điện vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Theo PVN, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xuất phát từ năng lực tổng thầu EPC, tức liên danh Power Machines và PTSC. Trong đó, PTSC thiếu kinh nghiệm điều hành còn Power Machines bị Mỹ cấm vận.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1
Chụp lại hình ảnh,Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỉ đồng, sau chín năm, dự án tăng lên mức 41.200 tỉ (tức đội vốn 11.700 tỉ đồng).

Theo PVN, nếu tính cả chi phí phát sinh kết cấu thép của dự án, nhiệt điện Long Phú 1 sẽ đội vốn lên tới 15.400 tỉ, trong đó chi phí xây dựng dự án tăng 4.087 tỉ đồng do bổ sung dự toán chi phí một số hạng mục công trình, điều chỉnh tỉ giá USD, đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy thi công.

Ngày 8/11/2023, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án Long Phú 1, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu rằng sau khi có phán quyết của SIAC thì PVN mới có thể đưa ra phương án chính thức tiếp tục triển khai đối với dự án.

“Chính phủ, Bộ Công Thương đã và sẽ chỉ đạo PVN – với vai trò là chủ đầu tư dự án Long Phú 1 – có phương án thực hiện đối với dự án này với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, đưa dự án vào vận hành một cách sớm nhất, trong trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền, PVN có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định,” ông Diên nói trước Quốc hội Việt Nam.

Người phát ngôn của tỷ phú Mordashov thì thông tin rằng Power Machines đã thắng kiện tại Trung tâm Tài chính quốc tế Singapore (SIAC) từ tháng 11 năm ngoái. Như vậy, có khả năng chỉ vài ngày, vài tuần sau phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vụ kiện đã có kết quả.

Nhưng từ đó đến nay, Bộ Công thương vẫn chưa thông tin gì thêm cho công chúng về kế hoạch cho nhà máy điện Long Bình 1 còn dang dở này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment