Báo cáo: Lực lượng không quân Hoa Kỳ cần các phi cơ yểm trợ bằng robot trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc

Ngũ Giác Đài đã đánh giá Trung Quốc là thách thức cấp bách của Hoa Kỳ trong bối cảnh chính quyền nước này đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội của họ.

Báo cáo: Lực lượng không quân Hoa Kỳ cần các phi cơ yểm trợ bằng robot trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc

Bốn chiếc F-35A của Căn cứ Không quân Hill số 388 và 419 đậu trên đường băng chờ cất cánh ở Căn cứ Không quân Hill, Utah, vào ngày 19/11/2018. (Ảnh: George Frey/Getty Images)

Frank Fang

Thứ năm, 15/02/2024

Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell có trụ sở tại Hoa Thịnh đốn, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cần kết hợp chiến đấu cơ có người lái của mình với phi cơ không người lái thế hệ tiếp theo — được gọi là chiến đấu cơ hợp tác (CCA) — để đạt được ưu thế trên không cần thiết trong cuộc chiến chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc.

Báo cáo này, dựa trên các cuộc tập trận giả do Viện Mitchell điều hành trong các nhiệm vụ phòng không bảo vệ Đài Loan chống lại Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc, minh họa cách các CCA được sử dụng làm cảm biến trên không, vật nghi trang (để dụ địch), thiết bị phá sóng, hoặc máy phóng vũ khí khi phối hợp với các phi cơ có người lái như các tiêm kích cơ F-35 và F-22 Raptor thế hệ thứ 5 của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.

Ngũ Giác Đài đã đánh giá Trung Quốc là thách thức cấp bách của Hoa Kỳ trong bối cảnh chế độ nước này đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Theo báo cáo năm 2023 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD), Lực lượng Không quân PLA và Hàng không Hải quân PLA có khoảng 2,400 chiến đấu cơ, và trong vài năm tới Trung Quốc “có thể sẽ trở thành lực lượng với phần lớn là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.”

Để so sánh, báo cáo này lưu ý rằng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ hiện đang “vận hành một lực lượng cũ nhất, nhỏ nhất, và kém sẵn sàng nhất trong lịch sử của mình,” đồng thời nói thêm rằng lực lượng này hiện chủ yếu bao gồm 179 chiếc F-15C/D thế hệ thứ tư đã lâu năm và 185 chiếc F-22 thế hệ thứ năm.

Ông Mark Gunzinger — một cựu đại tá Lực lượng Không quân Hoa Kỳ vốn tiên phong cho các khái niệm và đánh giá năng lực trong tương lai tại Viện Mitchell, đồng thời là một trong những tác giả của báo cáo — cho biết trong sự kiện ra mắt báo cáo hôm 06/02: “Các khuynh hướng về ngân sách quốc phòng cho chúng ta biết rằng thật vô lý khi cho rằng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, hay Bộ Quốc phòng trong trường hợp này, sẽ sớm có thể sánh ngang với PLA khi so sánh phi cơ với phi cơ, vũ khí với vũ khí, chiến hạm với chiến hạm, v.v.”

Ông Gunzinger nói thêm: “Thay vào đó, quân đội của chúng ta phải đầu tư vào các năng lực phi đối xứng mà sẽ làm gián đoạn hoạt động của PLA, gây tốn kém, và giúp cho nhiệm vụ thành công. Và đó là một lý do chủ chốt cho việc tại sao Lực lượng Không quân Hoa Kỳ lại đang phát triển CCA.”

Theo Ban Cố vấn Khoa học của Bộ Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, những chiếc CCA phải có khả năng “nhận chỉ đạo cấp cao” từ một phi công và sau đó “tự động thực hiện hướng dẫn này.” Phi cơ không người lái cũng phải sử dụng “một tổ hợp các cảm biến, vũ khí, và các thiết bị làm nhiệm vụ khác mà có thể sắp xếp, tùy chỉnh cho từng nhiệm vụ.”

Quyền Thứ trưởng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ Krysten E. Jones đã tiết lộ trong một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức vào tháng Một rằng năm công ty đã được trao hợp đồng để xây dựng một đội hình gồm 1,000 chiếc CCA. Tạp chí Air & Space Forces Magazine sau đó xác nhận năm công ty được lựa chọn là Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, Anduril, và General Atomics.

Báo cáo này cho biết: “Việc không đạt được ưu thế trên không trong cuộc xung đột với Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra một sự thất bại đầy tốn kém mà tác động của nó có thể tồn tại lâu dài đối với an ninh của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của nước này.”

Các chiến đấu cơ hợp tác (CCA)

Ông Gunzinger nhấn mạnh rằng những chiếc CCA không chỉ trợ giúp cho phi cơ có người lái.

“Cần phải thoát khỏi suy nghĩ rằng CCA sẽ luôn hoạt động để trợ giúp các phi cơ có người lái,” ông Gunzinger cho biết. “CCA — được thiết kế hợp lý, có hệ thống nhiệm vụ phù hợp, [và] mức độ tự chủ — cũng có thể được sử dụng làm lực lượng đi đầu để làm gián đoạn các hoạt động phòng không của kẻ thù.”

Báo cáo này giải thích rằng các CCA có thể hy sinh được — các mẫu rẻ hơn với các tính năng kém tiên tiến hơn, có giá từ 15 triệu USD trở xuống mỗi chiếc — có thể được sử dụng làm lực lượng đi đầu để “gây phức tạp đối với việc nhắm mục tiêu phản công của PLA” và “khiến các hệ thống phòng thủ của PLA cạn kiệt một phần vũ khí không-đối-không và đất-đối-không.”

Theo báo cáo, các CCA cũng có thể hoạt động với chiến đấu cơ không tàng hình.

Báo cáo viết: “Ngày nay, chiến đấu cơ không tàng hình của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ có thể bay cách lực lượng phòng không Trung Quốc ở những khoảng cách nằm ngoài tầm bắn của vũ khí phòng không hiện tại của Hoa Kỳ — có thể là 800 [hải lý] hoặc hơn.”

Theo báo cáo, khi kết hợp với những chiếc CCA, các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ dự bị có thể “đóng góp trực tiếp vào cuộc chiến giành ưu thế trên không”. Trong khi đó, chiến đấu cơ có người lái có thể trở nên nguy hiểm hơn khi kết hợp với các CCA.

“Việc sử dụng CCA làm cảm biến và thiết bị bắn cũng có thể giảm bớt nhu cầu cần phải có chiến đấu cơ có người lái trong việc kích hoạt radar, mở cửa khoang chứa vũ khí, hoặc thực hiện các hành động khác mà có thể tạm thời làm giảm dấu hiệu tàng hình của chúng,” báo cáo cho biết. “Điều này sẽ giúp giảm thiểu con số tiêu hao phi cơ có người lái, mà điều này vốn có tác dụng tăng số lượng nhân lực trong suốt chiến dịch không kích.”

Báo cáo cũng nhấn mạnh cách các CCA có thể được thiết kế để chúng được phóng ở đường băng ngắn hoặc không có đường băng, nghĩa là chúng có thể được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau, tạo ra “tư thế tiến về phía trước linh hoạt, có thể phân tán rộng hơn.” Các CCA phóng từ trên không có thể có tầm hoạt động xa hơn vì chúng không cần tiêu thụ nhiên liệu để cất cánh hoặc bay lên được độ cao cần hoạt động.

Báo cáo cho biết: “Vì CCA không người lái có thể không cần bay thường xuyên như phi cơ có người lái, nên chúng có thể được bố trí ở các vị trí tiền đồn dọc theo Chuỗi đảo Đầu tiên của Thái Bình Dương giống như các trang thiết bị khác đã được bố trí từ trước kia.”

“Việc chuyển tiếp CCA theo cách này có thể giúp Không quân duy trì nhịp độ chiến đấu ban đầu để đánh bại sự xâm lược của Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tầm xa vốn có nguy cơ bị tấn công.”

Chuỗi đảo đầu tiên bao gồm quần đảo Nhật Bản, Đài Loan, và phía bắc Philippines. Tiếp quản Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc phá vỡ chuỗi này và khai triển được sức mạnh quân sự của mình ở Thái Bình Dương.

Báo cáo cho biết: “Những CCA này có thể được sử dụng theo những cách gây gián đoạn, sẽ giúp làm giảm bớt năng lực của PLA trong việc giành ưu thế về quy mô chiến đấu nhằm kiểm soát không phận trên Eo biển Đài Loan cũng như các khu vực khác ở Biển Đông.”

Chi phí

Theo ông Gunzinger, các chuyên gia tham gia trong các cuộc tập trận giả này cũng “đồng thuận” rằng những chiếc CCA sẽ “bổ sung và bổ trợ” cho các phi cơ có người lái.

“Các CCA sẽ không làm cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ giảm đi yêu cầu đối với F-35, NGAD, và B-21,” ông Gunzinger cho biết. “Giá trị chiến đấu tối đa sẽ được thấy rõ qua sự tận dụng tối đa các thuộc tính mà những chiếc phi cơ thô sơ và phi cơ không người lái mang lại cho trận chiến.”

Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đang tìm cách thay thế F-22 bằng chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu thông qua chương trình Thống trị Trên không Thế hệ Tiếp theo (Next Generation Air Dominance — NGAD).

Tháng Năm năm ngoái (2023), Bộ trưởng Lực lượng Không quân Hoa Kỳ Frank Kendall cho biết: “NGAD sẽ bao gồm các thuộc tính như tăng cường tính sát thương và năng lực sống sót, tồn tại, khả năng giao tiếp hai chiều, và thích ứng trong lĩnh vực trên không, tất cả trong môi trường hoạt động giao tranh nhiều.”

Báo cáo này đưa ra một số khuyến nghị cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, bao gồm việc thực hiện các phân tích để xác định “những sự đánh đổi đúng đắn” để cân bằng giữa chi phí và các thuộc tính riêng cho phi đội CCA trong tương lai của họ.

“Một chiếc CCA được thiết kế như một vật nghi trang có thể không yêu cầu khả năng vận chuyển nhiều tải trọng hoặc mức độ khó bị quan sát như những chiếc CCA có thể thu hồi/có thể thay thế dần vốn được thiết kế cho việc thực hiện nhiều lần bay,” báo cáo cho biết. “Việc cân bằng năng lực của CCA với các yêu cầu nhiệm vụ và chi phí của chúng sẽ là chìa khóa để tối đa hóa tiện ích chiến đấu và hiệu suất tiết kiệm chi phí của chúng.”

Vào tháng Mười Một năm ngoái (2023), ông Kendall đã tham gia một sự kiện tại viện nghiên cứu Trung Tâm vì một An ninh Mỹ Mới (CNAS) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Trong sự kiện này, ông cho biết chi phí của một chiếc CCA sẽ “bằng một phần tư hoặc một phần ba” chi phí hiện tại của một chiếc F-35 — nghĩa là một chiếc CCA sẽ có giá khoảng 20 triệu đến 27 triệu USD.

Báo cáo này cũng khuyến nghị Lực lượng Không quân Hoa Kỳ phát triển “các khái niệm hoạt động sáng tạo đối với việc sử dụng CCA để làm gián đoạn [hệ thống phòng không tích hợp] IADS tân tiến của Trung Quốc cũng như các hoạt động chống can thiệp khác.”

Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cũng nên phát triển các loại vũ khí nhỏ gọn hơn để tận dụng tối đa các hạn chế về tải trọng của CCA. Báo cáo giải thích rằng việc tăng số lượng mục tiêu mà CCA có thể tấn công trong mỗi lần xuất kích “để nhanh chóng ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc là rất quan trọng.”

Báo cáo cũng khuyên Ngũ Giác Đài hợp tác với Quốc Hội để tăng thêm tài trợ cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.

Tuệ Minh biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment