Chính phủ Mỹ hôm 14/02/2024 thông báo với Hạ Viện và các đồng minh của Washington về « tiềm lực nguyên tử » của Nga, khẳng định Matxcơva đang phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian, đe dọa hệ thống vệ tinh của toàn thế giới. Điện Kremlin đã bác bỏ những thông tin này.
Đăng ngày: 15/02/2024
Theo hãng tin Anh Reuters, hôm qua chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện Mỹ Mike Turner, trong một báo cáo ngắn gọn, đã cảnh báo về « mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia », liên quan đến « khả năng Nga phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian ». Đó là một loại vũ khí có thể « tiêu diệt vệ tinh » của bất kỳ một quốc gia nào khác.
Reuters nhắc lại Nga đã phát triển học thuyết về an ninh không gian, bao gồm cả các hoạt động gây nhiễu các kênh liên lạc qua vệ tinh của đối phương. Năm 2020, Matxcơva đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh không gian.
Những thông tin về « tiềm năng mới của Nga » trong lĩnh vực này làm dấy lên câu hỏi liệu Matxcơva có đang chuẩn bị từ bỏ hiệp ước năm 1967 hay không. Văn bản này cấm triển khai mọi loại vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo.
Trong báo cáo hôm qua, dân biểu Turner của đảng Cộng Hòa không đi sâu vào chi tiết, nhưng nhấn mạnh đã yêu cầu tổng thống Joe Biden cho « giải mật » những thông tin liên quan đến mối đe dọa này. Trước đó, báo New York Times tiết lộ Matxcơva « triển khai vũ khí hạt nhân chống vệ tinh trên không gian » và vũ khí mới của Nga có khả năng phá hủy các liên lạc dân sự, quân sự, giám sát từ không gian của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ được Reuters trích dẫn khẳng định Nga chưa triển khai vũ khí hạt nhân trên không gian. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson thì tìm cách trấn an công luận, cho rằng « không có lý do gì để gây hoảng loạn cho công chúng » và Mỹ vẫn « làm chủ tình hình ».
Điện Kremlin hôm nay 15/02/2024 đã bác bỏ những tin trên. Trả lời báo chí, phát ngôn viên của phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov xem đây là một chiến thuật của Nhà Trắng, báo động về mối đe dọa của Nga để gây sức ép với các dân biểu vào lúc Hạ Viện Hoa Kỳ vẫn chận gói viện trợ quân sự 60 tỷ đô la cho Ukraina.