Tuyên bố hôm 10/02/2024 của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump là ông có thể để mặc cho Nga tấn công quốc gia thành viên NATO đang gây chấn động mạnh. Trong lúc nhiều người lên án ông Trump ‘‘phá vỡ tinh thần đoàn kết’’ của Liên minh, nhiều nhà quan sát nhấn mạnh đến nguy cơ thực sự đối với an ninh chung của toàn khối, đặc biệt là châu Âu, nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Đăng ngày: 15/02/2024
1/ Donald Trump có thể biến đe dọa rút khỏi khối NATO thành hiện thực?
Nhà sử học Anne Applebaum, một trong các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Đông Âu, từng đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2004 cho tác phẩm về chế độ toàn trị Liên Xô, có một bài viết đáng chú ý về chủ đề này trên The Atlantic. Trước hết, tương tự như nhiều nhà quan sát khác, vị chuyên gia này khẳng định: Rời khỏi NATO sẽ không hề dễ dàng đối với Trump. Nếu đưa ra quyết định nói trên, tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sẽ vấp phải hàng loạt rào cản về thể chế. Sau khi ông Trump lên nắm quyền năm 2016, lo ngại về các hành động liều lĩnh của tổng thống, giới chính trị lưỡng đảng Hoa Kỳ đã tìm cách bổ sung luật nhằm bù lấp các lỗ hổng về pháp lý, hạn chế quyền của tổng thống.
Năm 2019, Thượng Viện Mỹ, do đảng Dân Chủ kiểm soát, đã thông qua một dự luật, đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ. Trước đó, theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống buộc phải có sự chấp thuận của Quốc Hội mới được phép ký kết một hiệp ước quốc tế, nhưng việc rút khỏi lại không đòi hỏi thủ tục này.
Sau Thượng Viện, đến tháng 12/2023, Hạ Viện Mỹ, do phe Cộng Hòa kiểm soát, đã ra luật đòi hỏi việc rút khỏi NATO phải được Hạ Viện cho phép. Luật này đã được đại đa số dân biểu lưỡng đảng ủng hộ, với 310 phiếu thuận và 118 phiếu chống. Đòi hỏi này, được gắn với luật về ngân sách Quốc Phòng thường niên hơn 800 tỉ đô la, yêu cầu tổng thống Mỹ chỉ được phép rút khỏi NATO, hay đình chỉ việc tham gia liên minh phòng thủ này, nếu Hạ Viện ra luật, hoặc được 2/3 thượng nghị sĩ chấp thuận. Và kế hoạch rút khỏi NATO phải được đệ trình 180 ngày trước khi thực thi. Theo giới quan sát, các điểm bổ sung luật này rõ ràng trực tiếp nhắm vào ông Donald Trump, hạn chế khả năng lộng hành của ông nếu trở lại nắm quyền.
Trả lời tác giả bài viết, thượng nghị sĩ Tim Kaine, đảng Dân Chủ Mỹ, người chủ trì luật ngăn chặn sự lộng hành của tổng thống, cho biết ông tin tưởng là ‘‘các tòa án sẽ đồng ý với chúng tôi và sẽ không ủy quyền cho một tổng thống đơn phương rút’’ khỏi khối NATO. Bên cạnh đó, quyết định rút khỏi NATO, nếu được tổng thống tương lai đưa ra, cũng sẽ ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chuyên gia quân sự – các cựu tư lệnh, cựu tổng tham mưu trưởng của NATO, các cựu lãnh đạo Mỹ cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ.
2/ Ông Trump có khả năng vượt qua các rào cản thể chế để rút khỏi NATO ?
Liệu các sáng kiến về pháp lý bổ sung nói trên có đủ sức ngăn cản Trump hành động hay không, đó cũng chính là câu hỏi mà chuyên gia Anne Applebaum đặt ra với thượng nghị sĩ Tim Kaine. Tuy nhiên, chính trị gia này thừa nhận, các rào cản pháp lý, cộng với sự phản đối của giới tướng lĩnh và chính trị gia, là hoàn toàn không chắc chắn bảo đảm thành công trong việc ngăn chặn các hậu quả của quyết định rút khỏi NATO của tổng thống. Bên cạnh cuộc chiến pháp lý, sẽ diễn ra một cuộc chiến về truyền thông. Sử gia Anne Applebaum nhấn mạnh đến ‘‘nguồn gốc uy lực chủ yếu của khối NATO không phải là về mặt pháp lý, hay thể chế, mà là về tâm lý’’. Chỉ cần nguyên thủ Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi NATO, các thiệt hại sẽ ngay lập tức xảy ra, trước khi Quốc Hội họp bàn thảo luận về chủ đề này.
Vị chuyên gia Mỹ trở lại với lịch sử để tóm lược vấn đề cốt yếu này. Theo bà, Liên Xô trước đây đã không bao giờ dám tấn công Cộng Hòa Liên Bang Đức, trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1989, không phải là do họ sợ phản ứng của Đức. Và nếu Nga không tấn công Ba Lan, các nước vùng Baltic hay Rumani trong 18 tháng qua, thì đó không phải vì họ sợ Ba Lan, các nước vùng Baltic hay Rumani. Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay tiếp tục như vậy là do Matxcơva tin rằng Hoa Kỳ sẽ thực thi cam kết bảo vệ các đồng minh chiếu theo điều 5 của Hiến chương NATO, quy định rằng ‘‘một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc một số quốc gia châu Âu, hoặc Bắc Mỹ, sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả”.
Nếu quyết định chống lạian ninh tập thể NATO, ông Trump chỉ cần tung lên trên mạng xã hội Truth Social chẳng hạn, một nhận định theo hướng này là đủ để ‘‘khai tử’’ niềm tin vào tinh thần đoàn kết của NATO, từng được thử thách suốt ba phần tư thế kỷ. Lúc đó, tiếng nói của Quốc Hội, của truyền thông, của nội bộ đảng Cộng Hòa sẽ còn rất ít ý nghĩa. Sử gia Anne Applebaum đặt câu hỏi : Ai sẽ còn sợ NATO, nếu đối phương không còn lo ngại sẽ bị Mỹ đáp trả ? Theo bà Anne Applebaum, trong các cuộc thăm dò ý kiến những người có liên hệ mật thiết với khối NATO tại châu Âu, cũng như một số đối tác tại Hàn Quốc, hay Đài Loan, tất cả đều đồng ý với việc ‘‘niềm tin vào sức mạnh răn đe phòng thủ tập thể ngay lập tức sẽ biến mất.’’
Tuần báo Anh The Economist, trong bài ‘‘How Donald Trump’s re-election would threaten NATO’s Article 5’’ (Việc Trump tái đắc cử thách thức điều 5 Hiến chương NATO như thế nào), lưu ý đến khả năng hành động rất rộng của ông Trump nếu đắc cử. Hoàn toàn không cần rút khỏi NATO, chỉ cần tổng thống thứ 47 của nước Mỹ ‘‘rút các lực lượng Mỹ ra khỏi châu Âu, không mở rộng ô răn đe hạt nhân của Mỹ tới châu Âu, và gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ trong việc ra lệnh cho quân đội Mỹ chiến đấu bảo vệ châu Âu’’ là đủ để tiếp tay cho điện Kremlin.
The Economist lưu ý là bản thân điều 5 của Hiến chương NATO cũng quy định rất mơ hồ về sự tham gia của các nước trong phòng thủ tập thể. Điều 5 chỉ cam kết chung chung là các đồng minh cần thực hiện ‘‘những hành động được cho là cần thiết’’ để khôi phục bảo đảm an ninh, ‘‘với các biện pháp rất rộng, từ vũ khí hạt nhân đến phản đối ngoại giao gay gắt’’. Hệ quả nguy hiểm của tuyên bố nói trên của ông Trump có thể là một lý do chính khiến các lời lẽ của ứng cử viên tổng thống Mỹ đã bị lên án dữ dội từ châu Âu cũng như ngay tại Mỹ.
3/ Trump có thực sự muốn rút Mỹ ra khỏi NATO?
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố nói trên vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc tranh cử trong nội bộ đảng Cộng Hòa, mà ông coi như đã nắm chắc phần thắng. Tuyên bố dữ dội chưa từng có của cựu tổng thống Mỹ về việc sẵn sàng để mặc cho Nga tấn công một ‘‘nước đồng minh’’, nếu quốc gia này không đóng góp đủ cho chi phí quốc phòng (như ông Trump quy kết và bị nhiều nhà quan sát phản bác là hoàn toàn không đúng, hơn nữa mục tiêu đặt ra vào năm 2014 và phải hoàn thành năm 2014 là không mang tính bắt buộc), có thể được hiểu như một thủ đoạn tranh cử, nhằm thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri. Bản thân Donald Trump cũng thường xuyên nhấn mạnh là các đe dọa này của ông đã giúp NATO ‘‘trở nên hùng mạnh hơn’’.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng ghi nhận không phải lần đầu tiên Trump đưa ra tuyên bố theo hướng này, đây không hề là ”một trò đùa”, bởi lập trường này tương ứng với ‘‘chủ nghĩa biệt lập’’ của nước Mỹ, mà chính ông Trump đang tuyên truyền và cỗ vũ, và lập trường này đang giành được ngày càng nhiều ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Phe truyền thống trong đảng Cộng Hòa, do thượng nghị sĩ Kentucky Mitch McConnell đứng đầu, dường như không còn đủ lực để tiếp tục chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ như từ ba phần tư thế kỷ nay.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tổng thống Trump chủ trương rời khỏi NATO, nhưng đã bị chính các thành viên trụ cột trong bộ máy ngăn cản. Nhưng giờ đây, nếu Trump tái đắc cử, sẽ không ai có thể ngăn cản và các hệ quả của quyết định sai lầm của tổng thống sẽ không thể đảo ngược được như trong nhiệm kỳ trước, theo cảnh báo của John Bolton, cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, một cựu cộng sự viên thân tín của ông Trump.
Châu Âu giờ đây bắt buộc phải chấp nhận đối mặt với hai thách thức nhãn tiền: Có thể bị Nga tấn công và có thể bị Mỹ bỏ rơi. Trump rất có thể chọn khả năng ‘‘thỏa hiệp với Nga, ngoảnh mặt với châu Âu và Ukraina, để cố gắng tách Nga khỏi Trung Quốc, nhằm đối phó tốt hơn với đối thủ chính’’, theo ghi nhận của Le Figaro.