Một tàu đổ bộ do công ty hàng không vũ trụ Intuitive Machines có trụ sở tại Houston chế tạo đã được phóng lên Mặt Trăng từ Florida vào rạng sáng thứ Năm, theo Reuters.
Đây là lần đầu tiên Mỹ quay lại Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ, cũng là lần đầu tiên một tàu vũ trụ do tư nhân sở hữu hạ cánh xuống thiên thể này.
Tàu đổ bộ Nova-C, biệt danh Odysseus, đã được phóng lên lúc hơn 1 giờ sáng giờ EST (12 giờ trưa giờ Việt Nam) bằng tên lửa hai tầng đẩy Falcon 9 do SpaceX củatỷ phú công nghệ Elon Muskchế tạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Canaveral, bang Florida, Mỹ.
Video phát trực tiếp của NASA và SpaceX ghi lại cảnh tên lửa hai tầng đẩy, cao tương đương tòa nhà 25 tầng, rời bệ phóng trong tiếng nổ rền rồi bay vút lên bầu trời đêm Florida bên bờ Đại Tây Dương, theo sau bởi cột khói vàng rực.
Khoảng 48 phút sau khi phóng, ở độ cao khoảng 223 km so với Trái Đất, con tàu đổ bộ sáu chân đã được tách khỏi tầng đầu tiên của Falcon 9, bắt đầu hành trình hướng tới Mặt Trăng.
“Xác nhận tàu đổ bộ Mặt Trăng IM-1 Odysseus đã tách,” một điều phối viên nói trong video.
Một lát sau, theo lời người dẫn trong video, tổ điều hành ở Houston nhận được tín hiệu vô tuyến đầu tiên từ tàu đổ bộ Oddysseus khi nó khởi chạy hệ thống tự hành và bắt đầu điều hướng trong không gian.
Dù được coi là nhiệm vụ của công ty Intuitive Machines, tàu IM-1 mang theo sáu kiện thiết bị của NASA được thiết kế để thu thập dữ liệu môi trường trên Mặt Trăng, trước khi NASA dự kiến đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này.
Buổi phóng hôm thứ Năm diễn ra chỉ một tháng sau khi tàu đổ bộ Mặt Trăng Peregrine của Astrobotic Technology – một công ty tư nhân khác, gặp trục trặc rò rỉ nhiên liệu ở hệ thống đẩy.
Sự cố xảy ra không lâu sau khi con tàu được phóng lên quỹ đạo ngày 8/1 bởi tên lửa Vulcan do công ty United Launch Alliance (ULA) chế tạo. Đó cũng là lần phóng đầu tiên của tên lửa này.
Thất bại của tàu Peregrine, cũng chở theo các kiện hàng của NASA lên Mặt Trăng, là lần thứ ba một công ty tư nhân thất bại trong việc “hạ cánh mềm” xuống bề mặt Mặt Trăng, sau những lần thử bất thành trước đó của các công ty từ Israel và Nhật Bản.
Những sự cố kiểu này cho thấy rủi ro mà NASA phải đối mặt khi ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào khu vực tư nhân cho các mục tiêu thám hiểm không gian của mình.
Theo kế hoạch, Odysseus sẽ đến đích sau một tuần bay và dự kiến hạ cánh vào ngày 22/2 tại hố Malapert A, gần cực nam Mặt Trăng.
Nếu thành công, chuyến bay này sẽ đánh dấu lần hạ cánh có kiểm soát đầu tiên xuống bề mặt Mặt Trăng bởi một tàu vũ trụ Mỹ kể từ sứ mệnh Apollo năm 1972. Đây cũng là lần đầu tiên một công ty tư nhân làm được điều này.
Thành tựu này sẽ đánh dấu hành trình đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng trong khuôn khổ chương trình Artemis của NASA, trong bối cảnh Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng.
IM-1 là bài thử mới nhất cho chiến lược mới của NASA, trong đó cơ quan này trả tiền để sử dụng tàu vũ trụ chế tạo và sở hữu bởi khu vực tư nhân nhằm cắt giảm chi phí cho các nhiệm vụ thuộc Artemis, chương trình vốn được coi là tiền đề cho công cuộc khám phá Sao Hỏa về sau.
Ngược lại, trong thời kỳ Apollo, NASA mua tên lửa và các công nghệ khác từ khu vực tư nhân, nhưng NASA vẫn là bên sở hữu và vận hành.
NASA công bố vào tháng trước rằng họ sẽ lùi mốc dự kiến cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên lên Mặt Trăng thuộc chương trình Artemis từ năm 2025 sang cuối năm 2026. Trong khí đó, Trung Quốc cho biết mục tiêu của họ là năm 2030.
Các tàu đổ bộ nhỏ kiểu Nova-C dự kiến sẽ được đưa lên trước, mang theo thiết bị để khảo sát kỹ địa hình, tài nguyên, cũng như các mối nguy hại tiềm ẩn trên Mặt Trăng. Odysseus sẽ tập trung thu thập thông tin về tương tác giữa thời tiết không gian với bề mặt Mặt Trăng, thiên văn vô tuyến, công nghệ hạ cánh chính xác và điều hướng.
IM-2 của Intuitive Machine dự kiến sẽ hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng trong năm 2024, sau đó là sứ mệnh IM-3 vào cuối năm mang theo một số xe tự hành nhỏ.
Tháng trước, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng, sau khi cơ quan vũ trụ JAXA của nước này thực hiện được cú hạ cánh với độ chính xác hiếm có của tàu thăm dò SLIM.
Năm ngoái, Ấn Độ trở thành nước thứ tư hạ cánh xuống Mặt Trăng, sau thất bại của Nga trong cùng tháng.
Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc là ba nước còn lại đã thực hiện thành công các cuộc hạ cánh mềm xuống Mặt Trăng.
Trung Quốc đã ghi điểm vào năm 2019 khi trở thành nước đầu tiên hạ cánh thành công xuống mặt tối của Mặt Trăng.