Alexei Navalny là người thường chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông từng bị đầu độc và cuối cùng đã chết trong tù.
Ngày 16/2, ông Alexei Navalny – đối thủ trong nước lớn nhất của Tổng thống Vladimir Putin – được thông báo đã qua đời, nguyên nhân còn “đang được làm rõ”.
Trước đó không lâu, Cơ quan quản lý nhà tù khu tự trị Yamalo-Nenets từng thông báo ông “cảm thấy không khỏe”.
Cái chết của ông Navalny, chỉ chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử có thể sẽ đưa ông Putin lên nắm quyền thêm 6 năm, làm dấy lên làn sóng chỉ trích Nga từ phía cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Navalny, và rằng trách nhiệm của ông Putin là “không thể chối cãi.”
Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel đánh giá ông Navalny đã “hy sinh một cách cao cả nhất” trong cuộc chiến “vì các giá trị tự do và dân chủ.”
Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cho rằng Navalny đã “trả giá bằng mạng sống của mình để chống lại một hệ thống áp bức” và nói rằng chính quyền Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông.
Cái chết của Navalny còn dẫn đến các cuộc biểu tình và tưởng nhớ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là bên ngoài các đại sứ quán Nga.
Đám đông ở Berlin hô vang: “Đưa Putin ra Tòa án Quốc tế”. Ở London, những người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Nga giơ cao biểu ngữ “Navalny là anh hùng của chúng ta.”
Hơn 100 người giơ cao chân dung của Navalny và đặt hoa tưởng nhớ ông trước tòa nhà Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã đến đặt hoa tại các điểm tưởng niệm vừa hình thành ở thành phố Moscow và Saint Petersburg.
Theo một số nguồn tin, hơn 100 người đã bị bắt giữ tại các thành phố của Nga.
- Alexei Navalny: Lãnh đạo phe đối lập Nga chết trong tù16 tháng 2 năm 2024
- Thủ lĩnh đối lập Nga chống Putin, Navalny, ‘bị đầu độc’20 tháng 8 năm 2020
- Ứng viên cộng sản đối lập Nga ‘tuyệt thực’17 tháng 9 năm 2018
Phản ứng từ Nga
Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga thường không dành nhiều thời lượng cho những người chỉ trích chính phủ.
Cái chết của ông Alexei Navalny cũng không phải ngoại lệ.
Trên hai kênh truyền hình nổi tiếng nhất – Channel One và Rossiya 1, phải mất lần lượt 45 và 60 phút sau khi có tin báo thì cái chết của Navalny mới được đề cập tới.
Các bản tin không cho biết ông Navalny là ai hay tại sao ông bị giam giữ.
Tuy nhiên, phản ứng trên mạng xã hội hoàn toàn trái ngược.
Tin tức về cái chết của ông tràn ngập các nền tảng như X (Twitter) và Telegram.
“Nếu đây là sự thật, thì dù với lý do gì, Vladimir Putin có trách nhiệm cá nhân đối với cái chết bất ngờ này,” ông Mikhail Khodorkovsky, cựu tài phiệt Nga hiện sống ở London và là người chỉ trích ông Putin, viết trên Telegram.
Trong khi đó, một số nhân vật thân chính phủ ám chỉ rằng phương Tây hoặc phe đối lập Nga, chứ không phải Tổng thống Putin, mới là người hưởng lợi từ cái chết đột ngột của Navalny.
Margarita Simonyan, tổng biên tập của đài RT, nhanh chóng chế giễu phản ứng của phương Tây.
“Tôi không buồn giải thích cho họ hiểu rằng mọi người đã quên [Navalny] từ lâu, rằng việc giết ông ta là vô nghĩa, đặc biệt là trước thềm bầu cử do điều đó sẽ có lợi cho các phe đối lập,” bà nói.
Người dẫn chương trình Channel One Anatoly Kuzichev cũng nói rằng ông Navalny đã “bị chính đồng đội của mình lãng quên”, và nhận định rằng cái chết của ông Navalny có thể chỉ là “một tai nạn” hoặc có lẽ là một hành động “đâm sau lưng khủng khiếp”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đang “tự phơi bày” chính mình với những phản ứng vội vàng.
“Hiện chưa có giám định pháp y, nhưng phương Tây đã vội vàng kết luận,” bà nói.
Đối đầu với Putin
Ông Navalny sinh ngày 4/6/1976 (47 tuổi) tại một ngôi làng ngoại ô Moscow. Năm 1998, ông tốt nghiệp ngành luật của Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga.
Trên nền tảng LiveJournal, ông Navalny và nhóm của mình đã công bố hàng chục kết quả điều tra được củng cố bởi các bản sao kê ngân hàng, tài liệu rò rỉ, bản đồ, biên bản kiểm kê tài sản, hình ảnh và video quay bằng drone.
Dần dần, ông Navalny bắt đầu nổi lên trong nền chính trị Nga với tư cách là nhà hoạt động chống tham nhũng cấp cơ sở.
Một trong những chiến thuật của ông là trở thành cổ đông thiểu số tại các công ty dầu mỏ, ngân hàng, ban ngành, và đặt những câu hỏi khó nhằn về các lỗ hổng trong tài chính nhà nước.
Ngày 9/9/2011, ông Navalny thành lập Tổ chức Chống Tham nhũng (Anti-Corruption Foundation).
Năm 2011 cũng là thời điểm ông Navalny bắt đầu dẫn dắt các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn chống lại Tổng thống Putin.
“Dưới thời [Boris] Yeltsin – tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ của Nga – tham nhũng là vấn đề nhức nhối. Dưới thời Putin, tham nhũng trở nên có hệ thống,” ông Navalny viết vào năm 2012.
Năm 2017, ông Navalny quyết định tranh cử tổng thống.
“Putin là kẻ đã lấy mất tương lai của nước Nga. Tôi tham gia cuộc bầu cử này để chống lại ông ta,” ông tuyên bố.
Ngay sau đó, ông bị cấm tham gia cuộc tổng tuyển cử do từng bị kết án tù treo năm 2014. Theo luật của Nga, người có tiền án không được phép tranh cử.
Ông được nhiều người đánh giá là ứng cử viên duy nhất có cơ hội thách thức Tổng thống Putin.
Bất chấp lệnh cấm, ông tiếp tục vận động tranh cử vào năm 2018.
Hàng loạt ‘tai nạn’
Năm 2017, ông Navalny đã bị bỏng hóa chất ở mắt sau khi bị tấn công bằng thuốc nhuộm Zalyonka bên ngoài văn phòng của mình.
Năm 2019, ông nghi ngờ mình bị đầu độc khi đang ở trong tù do kêu gọi biểu tình trái phép. Sau đó ông được đưa vào bệnh viện với khuôn mặt sưng vù, thương tổn ở mắt và nhiều vết phát ban trên cơ thể.
Vào thời điểm đó, các tin tức cho biết đó là dị ứng – điều mà cả ông Navalny và bác sĩ của ông đều nghi ngờ. Theo ghi nhận chính thức, ông được chẩn đoán là bị “viêm da tiếp xúc”.
Vụ đầu độc diễn ra một năm sau đó đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Ngày 20/ 8/2020, Navalny bất ngờ ngã quỵ trên chuyến bay qua Siberia và được đưa gấp vào bệnh viện Omsk ở Siberia. Sau đó ông được đưa tới Đức điều trị.
Tháng 9/2020, chính phủ Đức tiết lộ rằng các cuộc kiểm tra được quân đội thực hiện đã tìm thấy “bằng chứng rõ ràng về chất độc thần kinh Novichok“. Đây là một chất độc thần kinh chỉ có quân đội mới có.
Điện Kremlin phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào và bác bỏ kết quả phát hiện này.
Ở tù và chết
Sau khi bình phục, ông Navalny trở về Moscow ngày 17 tháng 1 năm 2021 và ngay lập tức bị bắt giữ, theo đúng như dự đoán của ông.
Kể từ đó, ông chưa bao giờ được trả lại tự do.
Người ủng hộ ông đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Nga. Cảnh sát đã đáp trả bằng vũ lực, bắt giữ hàng ngàn người với lý do tham gia các cuộc tụ tập trái phép.
Tháng 3 năm 2022, án phạt của ông Navalny được tăng thêm 9 năm sau khi ông bị kết tội tham ô và coi thường tòa án. Ông được chuyển đến một trại giam mới ở Melekhovo, cách Moscow khoảng 250km về phía đông.
Trong một phiên tòa vào tháng 5/2022, ông Navalny cáo buộc ông Putin phát động một “cuộc chiến ngu ngốc mà không có mục đích hay ý nghĩa gì”.
Tháng 6 năm 2022, đồng minh của ông lên tiếng báo động sau khi phát hiện ông không còn ở nhà tù ở Melekhovo.
Sau đó, cơ quan quản lý nhà tù liên bang thừa nhận ông đã được chuyển đến nhà tù IK-6 khét tiếng, cách Moscow hơn 249km về phía đông. Ông Navalny nói rằng mình liên tục bị biệt giam tại đây.
Vào tháng 9/2022, trong một bài báo trên Washington Post, ông cáo buộc giới tinh hoa Nga có “sự điên cuồng khát máu đối với Ukraine”.
Bản án cuối cùng của ông, được các thẩm phán đưa ra vào tháng 8 năm 2023, kéo dài thời hạn tù thành 19 năm.
Bản án khiến ông bị chuyển đến một trại giam được bảo vệ nghiêm ngặt thường dành cho những tội phạm nguy hiểm nhất của Nga.
Đó là trại giam FKU IK-3 ở thị trấn Kharp thuộc huyện Priuralsky, khu tự trị Yamalo-Nenets.
Thời điểm này là 6 tháng trước khi ông chết vào ngày 16/2 vừa qua.