Thái Lan muốn lập nhóm miễn visa, Việt Nam ‘không nên do dự’

Du khách châu Âu có tới Việt Nam, nhưng chưa nhiều
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam là điểm đến được nhiều du khách châu Âu lựa chọn, nhưng vẫn có nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ, về thủ tục giấy tờ

19 tháng 2 2024

Thái Lan muốn cùng Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia lập nhóm miễn thị thực cho khách du lịch từ châu Âu, từ đó tìm kiếm cơ hội xin miễn visa song phương.

Trên tờ The Nation vào ngày 5/2, ông Prommin Lertsuridej, Tổng thư ký của Thủ tướng Thái Lan, cho biết kế hoạch sẽ có hai giai đoạn thương lượng.

Giai đoạn đầu cho phép du khách EU đi lại tự do giữa năm nước ASEAN sau khi có được visa nhập cảnh của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong nhóm năm nước này.

Nếu các quốc gia đồng ý, giai đoạn hai sẽ được tiến hành khi Thái Lan dẫn đầu đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), nhắm tới mục tiêu miễn thị thực giữa nhóm Schengen (gồm 27 nước, chủ yếu là thành viên EU) và nhóm năm nước ASEAN kể trên.

Trong cuộc trao đổi trực tiếp với BBC News Tiếng Việt vào ngày 12/2, khi được hỏi về tính khả thi của kế hoạch vào ngày 12/2, cựu Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat nói:

“Sẽ rất khó để có thể thay đổi suy nghĩ của những người hiện đã ở trong vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, đây sẽ là một cơ hội lớn [cho ngành du lịch] của các nước tham gia.”

Có góc nhìn tích cực hơn là ông Jeroen Schedler, Trưởng khoa Dịch vụ của đại học Rangsit ở Thái Lan. Ông đánh giá rằng kế hoạch “có khả năng cao sẽ được tiến hành”.

‘Cơ hội lớn’

Với kế hoạch được đề xuất từ phía Thái Lan, lợi ích đầu tiên ngay lập tức nhận ra được là sự dễ dàng trong việc di chuyển giữa các nước ASEAN của khách du lịch châu Âu.

“Chúng ta [năm nước ASEAN] hiện chỉ đang nhắm tới khách du lịch châu Âu từ ngoài châu lục mà quên mất những người vốn đã ở trong khu vực,” ông Weerasak nói.

Do năm nước ASEAN có đường biên giới tiếp giáp, việc đi lại và du lịch đường bộ vô cùng thuận tiện.

Ngoài cách bay thẳng từ châu Âu, du khách có thể di chuyển từ các quốc gia trong nhóm qua đường bộ nếu sáng kiến này được áp dụng.

Tiến sĩ Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn Lux Group – công ty lữ hành Việt Nam chuyên bán tour cao cấp, cho biết theo kinh nghiệm của ông thì khách thường rất thích việc di chuyển giữa các nước bằng ô tô.

Đối với du khách từ châu Âu, việc bay tới khu vực ASEAN tốn không ít thời gian. Các chuyến bay thẳng thường kéo dài hơn 10 tiếng và lên tới 15 – 20 tiếng khi bay chuyển tiếp.

Vì vậy, bên cạnh giá vé máy bay, việc chọn điểm đến cũng rất quan trọng. Điều này khiến khách du lịch phải cân đo đong đếm giữa các lựa chọn.

“Việt Nam chủ yếu đang cạnh tranh khách du lịch với các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là với Thái Lan,” ông Phạm Hà chia sẻ trong cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 2 với BBC.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, CEO Công ty du lịch Lửa Việt, trong cuộc trao đổi với BBC cũng có đánh giá tương tự.

“Do thời gian không phải vô tận, mỗi lần đi cũng phải xin thủ tục nên có thể họ sẽ lựa chọn năm nay họ đi Thái Lan, năm sau họ đi Việt Nam. Hoặc họ sẽ lựa chọn nếu muốn đi Đông Nam Á thì sẽ tới nước nào,” ông nói.

Theo ông, trong thị trường du lịch hiện tại, việc liên kết là “xu thế tất yếu.”

Việc gia nhập nhóm miễn thị thực có thể giúp Việt Nam tránh phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan. Thậm chí, Thái Lan sẽ trở thành một cầu nối quan trọng giữa khách du lịch châu Âu và Việt Nam.

Hơn nữa, theo ông Phạm Hà, nếu kế hoạch được triển khai, nhóm năm nước ASEAN có tiềm năng trở thành một địa điểm lớn để cạnh tranh với các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hình ảnh du khách nước ngoài tới thăm Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Một số doanh nhân, chuyên gia cho rằng sáng kiến của Thái Lan sẽ có tác động tích cực tới du lịch Việt Nam

Trong bài viết trên tờ The Nation, ông Prommin Lertsuridej cho biết: “Việt Nam đặc biệt tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thái Lan cho ngành du lịch”.

Campuchia, một trong các quốc gia có tên được đề xuất trong nhóm miễn thị thực, đã hưởng ứng một liên kết song phương “Hai quốc gia, một điểm đến” với Thái Lan khi thủ tướng hai nước gặp nhau hồi đầu tháng Hai.

Theo thông cáo chung đưa ra khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho bộ trưởng du lịch hai nước tiếp tục thúc đẩy chiến dịch.

Những chính sách miễn thị thực được cho là một phương pháp quan trọng để thu hút khách du lịch tới các quốc gia Đông Nam Á.

Năm ngoái, chính sách miễn trừ thị thực của Thái Lan đã có những đóng góp to lớn tới con số 28 triệu lượt khách du lịch quốc tế – vượt 3 triệu so với con số 25 triệu lượt khách theo dự tính ban đầu.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, trong tháng 11/2023, lượng khách du lịch từ các nước châu Âu được miễn visa tới Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực – tăng 58,5% so với tháng 10/2023.

Đặc biệt là du khách từ Anh (tăng 38,6%), Pháp (tăng 72,5%), Đức (tăng 36,1%), Ý (tăng 55,1%) và Nga (tăng 41,8%).

Đây đều là các nước được hưởng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã đề xuất Việt Nam miễn thị thực du lịch cho tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu.

Việt Nam sẽ mất cơ hội?

Việc miễn thị thực cho khách du lịch châu Âu tới nhóm năm nước ASEAN mà Thái Lan đang đề xuất hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới.

Trước đây, tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2016 tại Phillipines, một kế hoạch visa du lịch chung cho khu vực ASEAN cũng đã được đề xuất. Kế hoạch này, dù dự kiến sẽ được thông qua, đã thất bại vì nhiều lý do.

Vậy nếu đề xuất của Thái Lan thất bại, liệu có khả năng một đề xuất mới với những quốc gia mới sẽ xuất hiện hay không?

Ông Nguyễn Văn Mỹ đánh giá dù Thái Lan đã phải cân nhắc khi lựa chọn bốn nước ASEAN, một nhóm mới không có Việt Nam là “chắc chắn có thể xảy ra” nếu Việt Nam chậm trễ hoặc từ chối gia nhập.

Ngược lại, bà Quách Thị Mỹ Hòa, Phó giám đốc công ty LPC Travel, nhận định với BBC rằng việc này sẽ không xảy ra.

“Việt Nam có vùng tài nguyên du lịch lớn. Trong cộng đồng ASEAN thì Việt Nam là một nước khá phát triển. Ngoài ra, sự ổn định về chính trị, tôn giáo, và ổn định xã hội của Việt Nam là những ưu thế lớn,” bà nói.

Malaysia cũng có nền du lịch phát triển mạnh, hấp dẫn với khách du lịch châu Âu
Chụp lại hình ảnh,Malaysia cũng có nền du lịch phát triển mạnh, hấp dẫn với khách du lịch châu Âu

Nếu miễn thực cho khối Schengen là nỗ lực mà nhóm nước thuộc ASEAN có thể tự quyết được, thì việc đàm phán để được miễn thị thực theo chiều ngược lại ít khả thi hơn.

Vấn đề di cư bất hợp pháp của lao động Việt Nam sẽ là một rào cản lớn khi Thái Lan đề xuất miễn giảm thị thực song phương với khối Schengen.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2023, có khoảng 46.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.

Về vấn đề này, bà Hòa nhận định rằng phía châu Âu, khi cân nhắc miễn visa song phương, sẽ có những lo lắng về sự dịch chuyển lao động từ các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, ông Jeroen cho rằng sự thiếu cân bằng về kinh tế và nhu cầu du lịch giữa châu Âu và nhóm năm nước ASEAN cũng sẽ là một trở ngại với việc xin miễn visa song phương.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hà, dù thế nào thì Việt Nam cũng “không nên do dự”.

“Khách đã tới Thái Lan nhiều nhưng chưa sang Việt Nam mấy, số liệu thống kế đã cho thấy điều đó. Thái Lan lập nhóm không có Việt Nam thì rõ là mất tính cạnh tranh lớn cho du lịch Việt Nam và Việt Nam tự nhiên thành cạnh tranh với khối năm nước du lịch mạnh trong ASEAN, rất có thể là Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore,” ông nhận định.

Chủ tịch tập đoàn Lux Group đánh giá rằng ở thời điểm hiện tại, các nước nhanh nhạy thay đổi phù hợp sẽ chiến thắng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, còn “trâu chậm sẽ uống nước đục, tụt hậu”.

Ông Phạm Hà cho biết trước đó các doanh nghiệp du lịch đã nhiều lần đề xuất lên chính phủ miễn visa cho nhiều nước như Úc và New Zealand, nhưng dù đã “lắng nghe”, chính quyền vẫn “chưa có hành động gì.”

Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng có những chia sẻ tương tự về việc chính phủ không hồi đáp đề xuất của doanh nghiệp. Theo ông, phía chính quyền cần có những “giải thích công khai”, tránh việc người dân tự suy đoán.

Chấp nhận cũng không hề dễ

Tuy có góc nhìn tích cực về tiềm năng du lịch của Việt Nam, bà Quách Thị Mỹ Hòa có những lo ngại nếu Việt Nam tham gia nhóm miễn visa cho du khách châu Âu.

Đầu tiên là việc thất thoát khoản thu từ chi phí giấy tờ và các thủ tục liên quan.

“Chính phủ hiện dùng một khoản không nhỏ từ phí thị thực đề đầu tư cho du lịch về các tỉnh thành phố, để phục vụ việc truyền thông và quảng cáo,” bà nói.

Trước đó, ông Weerasak, trong cuộc phỏng vấn với BBC, cho rằng đây là “một khoản rất nhỏ” so với khoản chi tiêu của khách du lịch khi tới một quốc gia, đặc biệt là khách du lịch từ châu Âu.

Bà Hòa cũng có những lo lắng rằng cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam không kịp đáp ứng khách du lịch khi họ tới ồ ạt, mang lại những “trải nghiệm không tốt” có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới ngành du lịch Việt Nam.

Đây cũng là những lo ngại của ông Mỹ, rằng ngành dịch vụ ở Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn đồng nhất, mạnh ai nấy làm.

“Bây giờ có miễn thị thực, chúng ta cũng chưa thể bằng Thái Lan và Malaysia.”

Theo ông Jeroen từ Đại học Rangsit, một rủi ro mà năm nước ASEAN phải chấp nhận là việc khách du lịch dành ít thời gian hơn ở một địa điểm, thay vào đó, họ sẽ phân bổ thời gian du lịch ở các đất nước khác nhau.

Giải quyết vấn đề trước mắt

Tình trạng ùn tắc giao thông là vấn đề lâu nay của Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Tình trạng ùn tắc giao thông là vấn đề lâu nay của Việt Nam

Theo bà Quách Thị Mỹ Hòa, du khách châu Âu rất chú trọng đến du lịch bền vững.

Trong khi đó, theo một bài viết trên Báo Công Thương vào tháng 4/2023, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững do thiếu tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, công tác quản lý hạn chế hay các yếu tố về an ninh, an toàn và vệ sinh.

Hiện công ty bà Hòa đang xây dựng các bộ tiêu chuẩn xanh cho công tác kinh doanh du lịch, tuy nhiên đây là chỉ là cá nhân của doanh nghiệp, không phải do chính quyền.

Câu hỏi là có bao nhiêu doanh nghiệp làm được như vậy?

Những vấn đề xã hội như xử lý rác thải không đúng cách, giao thông tắc nghẽn, “chặt chém” giá với khách du lịch cũng được ông Mỹ nhắc tới.

Theo ông, Việt Nam trước tiên cần phải tự giải quyết ngay những vấn đề trong nước.

“Bây giờ bắt tay thực hiện liền, giải quyết vấn đề rác, karaoke ồn ào, tất cả phải bán đúng giá và hợp lý. Những chuyện như vậy không tốn [nhiều] tiền, chỉ có muốn làm và quyết tâm làm hay không thôi. Quan trọng vẫn là quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment