Nhân dịp đầu năm, xin mời Quý vị xem một bài viết mới nhất của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Bài viết này nói về việc khai thác dầu ngoài thềm lục địa của nước Việt Nam Cộng Hòa chúng ta trước khi quân cộng sản khát máu và gian ác xâm lăng và xâm chiếm vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Xuân Ất Mão 1975: Tại sao Sàigòn vẫn tưng bừng ăn Tết?
Tác giả: Nguyễn Tiến Hưng
Ngày 6 tháng 2 năm 2024
Đường phố đã lên đèn. Sàigòn ‘đêm ba mươi’ thật nhộn nhịp. Người người tưng bừng đón giao thừa, chào đón ngày đầu Xuân.
Sáng sớm ngày mùng một Tết Ất Mão (nhằm ngày 11/2/1975), Thủ tướng Trần Thiện Khiêm hướng dẫn Nội các đến Dinh Độc Lập chúc Tết Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Tuy bối cảnh của thời điểm ấy thật là khó khăn – với tình hình kinh tế ảm đạm và chiến trường sôi động, mọi người vẫn cố gắng quên đi những lo lắng để chúc nhau sức khỏe và may mắn trong năm mới.
Mà may mắn thật. Ngay buổi trưa hôm ấy đã có một tin thật vui. Sự kiện mà mọi người chờ mong bao nhiêu lâu nay thì bây giờ đã đến. Đài phát thanh bất chợt ngắt chương trình ca hát mừng Xuân để loan một tin nóng:
“Hãng Mobil khoan dầu ngoài khơi cho biết: ngày 11/2/1975 đã thực sự thu được lượng dầu với sản lượng là 430 thùng một ngày và 5.600 mét khối khí đốt.”
Từ mùa Hè 1974, báo chí đã luôn luôn đăng tải những tin tức khả quan về dầu lửa ở thềm lục địa. Dư luận xôn xao, nhưng chưa ai trông thấy dầu, trừ một lượng rất nhỏ. Văn phòng Tổng Thống đã yêu cầu hãng dầu gửi về Sàigòn một thùng dầu thô và được đưa đến Biên Hòa.
Ngày Chiến sĩ Trận vong (3/11/1974), lúc sương mù vẫn còn lãng đãng trên đồi Nghĩa trang Quân đội, toàn thể nội các và nhân viên Văn phòng Tổng thống đã có mặt. Nghi lễ đặt vòng hoa bắt đầu, Tổng Thống Thiệu châm lửa vào một vạc dầu lớn để ngay trước đài tưởng niệm.
Lửa bốc cháy sáng rực, át đi cả ánh bình minh lúc vừa hé rạng. Ban Quân nhạc chầm chậm cử bài Chiêu hồn tử sĩ, mọi người chắp tay vái lạy, cầu xin hương hồn các chiến sĩ anh hùng phù hộ cho đất nước trong giờ phút hiểm nghèo này.
Đó là ngày ‘Chiến sĩ Trận vong’ cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.
Bây giờ, bản tin của Mobil Oil giống như một món quà đầu Xuân chợt được gửi đến, mọi người lại vui vẻ ăn Tết mặc dù tình hình chiến sự đen tối. Người vui nhất có lẽ là Tổng Thống Thiệu. Vài ngày sau Tết, ông gọi tôi vào Dinh Độc Lập để hàn huyên. Nhìn thấy nụ cười hiếm hoi, tôi chia sẻ được tâm tư của người lãnh đạo miền Nam. Biết đâu, biết đâu đấy, Trời đã gửi đến một tia sáng ở cuối đường hầm. Rồi ông nói: “Anh đi với tôi ra thăm giàn khoan xem sao.”
Chỉ ba tuần trước, sau khi Phước Long thất thủ, ông đã phải viết hai lá thư liên tục (ngày 14 và 15 tháng 1/1975) cho Tổng thống Mỹ Gerald Ford mô tả tình trạng co cụm của người quân nhân VNCH và yêu cầu tiếp viện. Trong thư có câu:
“Cường độ tấn công mãnh liệt của quân đội Bắc Việt, yểm trợ bằng hỏa lực và thiết giáp ồ ạt.” Và ngược lại, “quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải đếm từng viên đạn khi bắn để cầm cự được lâu hơn.”
Nhưng cả hai thư đều không có hồi âm (như được ghi lại về trận chiến Phước Long trong cuốn sách “Bức tử Việt Nam Cộng Hòa – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm” – sẽ được xuất bản nay mai).
*Tổng thống Thiệu đi thăm giàn khoan.
Mấy hôm sau, Việt Tấn Xã loan tin:
“Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, ngày 24-2-1975, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sàigòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-1X khoan cách Sàigòn chừng 200 cây số về hướng đông nam trên thềm lục địa Việt Nam… Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có Thủ Tướng chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông Tổng Trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông Tổng Cuộc Trưởng Dầu hỏa và Khoáng Sản Trần Văn Khởi và ông Tổng Giám Đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke.”
Tin tức từ Việt Tấn Xã được phổ biến rộng rãi. Thấy vậy, ngoài chiến trường, những người quân nhân trong hoàn cảnh cùng cực đã phấn khởi: “Người chiến sĩ mắt sáng ngời nghe tin xuân đang về ngàn nơi.” (‘Mộng đêm Xuân’ – Tuấn Khanh).
Trên chuyến trực thăng bay ra khơi, xa xa khi nhìn thấy ngọn lửa cháy sáng rực trên vòm trời từ giàn khoan, vẻ mặt ông Thiệu tươi hẳn lên, ông nhìn thật chăm chú. “Bao giờ thì mới thực sự có dầu,” ông quay lại hỏi. Tôi trả lời là theo Bộ Kinh tế ước tính dựa trên những thông tin của các hãng thì muộn lắm là tới cuối 1977.
Trên giàn khoan, khi chuyên gia trình bày về khả năng sản xuất, ông Thiệu lắng nghe mọi chi tiết. Chuyên gia kết luận rằng nếu có thêm sự khuyến khích (incentive) thì hãng có thể cố gắng để đào nhanh hơn. Trên chuyến bay về Sàigòn, ông hỏi: “Khuyến khích làm sao để họ có thể xuất cảng thất nhanh?” Tôi trình bầy vắn gọn là có thể xem xét lại hợp đồng rồi cho họ chia phần cao hơn, hoặc dùng những điều quy định về thuế má để cho họ ưu đãi khi bắt đầu xuất cảng dầu. Ngoài ra còn có thể quy định thời gian khai thác kéo dài hơn là theo hợp đồng họ đã ký. Ông Thiệu đồng ý ngay: “Được chứ, được chứ.”
Trở về Bộ Kế hoạch, chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về hồ sơ của những vị tiền nhiệm.
*Hành trình đi tim dầu lửa:
Ngay từ cuối thập niên 1960, những tin tức thăm dò đã cho thấy thực sự có túi dầu lửa ở ngoài khơi. Cho dù không bằng túi dầu của Indonesia, một nước trong khối OPEC, dự trữ dầu lửa và dầu khí ở thềm lục địa miền Nam nằm trong một vùng rộng 500.000 cây số vuông thì không phải là nhỏ.
Trước hết là phải có một bộ luật về dầu lửa. Vì miền Nam chưa có kinh nghiệm nên đã nhờ Iran giúp đỡ. Iran dưới thời Quốc vương Mohammad Reza Shah thì rất gần gũi với Việt Nam Cộng Hòa cho nên đã đồng ý ngay. Như kỹ sư Trần Văn Khởi, Tổng Giám đốc Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa (UBQGDH), đã ghi lại trong bài “Những hợp đồng tìm dầu đầu tiên ở Việt Nam” (Tập san Việt học, Năm Nhâm Thìn 2022):
“Đầu mùa Xuân năm 1971, các chuyên viên của National Iranian Oil Company (NIOC) đến Sàigòn và làm việc với chuyên viên của UBQGDH… Trong ba tuần lễ, các chuyên viên Iran đã kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc và tiến hóa của chế độ đặc nhượng dầu hỏa ở Trung Đông. Họ trình bày chi tiết những tranh chấp với các công ty dầu, ngay từ những năm đầu khởi công, tiếp tục qua việc thành lập OPEC năm 1960 (Organization of Petroleum Exporting Countries) mà Tổng trưởng Jamshid Amouzegar của Iran là một người đề xướng thành lập. Nghe chuyện dầu khí họ kể thấy còn hấp dẫn hơn là truyện Ngàn lẻ một đêm. Họ thẳng thắn trả lời các câu hỏi của chúng tôi, không tỏ vẻ dấu giếm chuyện gì cả.
Họ giúp soạn thảo một Hợp đồng đặc nhượng mẫu (Model Concession Agreement) để cùng với Luật Dầu hỏa và các sắc lệnh, nghị định liên hệ sẽ làm căn bản cho hồ sơ gọi thầu quốc tế. Chúng tôi thảo luận ngày này qua ngày kia cách thức và thủ tục gọi thầu, và những đề mục (bid items) của đề cung (offer), sao cho phản ảnh đúng những ưu tiên Việt Nam Cộng Hòa nhắm trong công cuộc tìm dầu, và sao cho việc thẩm lượng, so sánh các đề cung được dễ dàng, minh bạch, tránh mâu thuẫn và mơ hồ…
Việc giúp đỡ của các chuyên viên Iran thực sự đã rất hữu hiệu và bổ ích, (i) cho chúng tôi những bài học sâu rộng về kỹ nghệ dầu khí và tương quan với công ty dầu, (ii) soạn thảo một hợp đồng mẫu tiến bộ và đầy đủ, (iii) đúc kết những thủ tục gọi thầu và chọn lựa đề mục đề cung, sau này giúp việc gọi thầu và chọn thầu được suôn sẻ, nhanh chóng; (iv) xác nhận tiềm năng dầu khí sáng sủa ở ngoài khơi, và (v) đã làm hết thảy công việc đó nhanh chóng vào đúng lúc mình cần.”
*Ban hành luật số 011/70:
Luật Dầu hỏa Việt Nam Cộng Hòa được Tổng Thống Thiệu ký và ban hành. Theo đó, thời gian các công ty tìm kiếm dầu được quy định là 5 năm, có thể gia hạn thêm 5 năm; riêng thời gian sản xuất là 30 năm, có thể gia hạn thêm 10 năm. Đạo luật quy định cụ thể diện tích đặc nhượng tìm kiếm dầu hỏa, được chia thành từng nhượng địa, gọi là “lô.” Mỗi nhượng địa không quá 20.000 km2. Mỗi công ty không được cấp quá 5 nhượng địa, tức không quá 100.000 km2.
Quy định này là khôn ngoan vì giúp có nhiều công ty cạnh tranh với nhau cũng như tránh dẫn đến tình trạng ngành dầu hỏa quốc gia phải phụ thuộc quá nhiều vào sự độc quyền của một công ty quốc tế.
Tới tháng 6/1971, Tổng Trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc công bố sẽ cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa với thể thức đấu thầu.
Toàn bộ vùng này nằm trong thềm lục địa miền Nam Việt Nam, được chia thành 61 nhượng địa, tức 61 lô. Trong đó 60 nhượng địa có diện tích tương đối bằng nhau, riêng nhượng địa thứ 61 rộng hơn với tổng diện tích khoảng 300.000km2.
Kết quả đo đạc địa vật lý năm 1970 của Công ty Ray Geophycical Madrel trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam để làm cơ sở cho các công ty đấu thầu.
Những bước tiến về nỗ lực thăm dò, khai thác dầu hỏa của Việt Nam Cộng Hòa được đánh giá là rất nhanh chóng so với các nước khác (với thời gian thăm dò kéo dài tới 10 năm).
Năm 1973, vừa hô lên đã có bao nhiêu hãng dầu quốc tế nhảy vào, bất chấp là tình hình an ninh chưa ổn định. Hai vòng đấu thầu năm đó cũng đã mang lại được 17 triệu đôla. Giá trị về tâm lý của số tiền này còn lớn hơn gấp mấy lần. Năm 1974, người kế nhiệm ông Ngọc là Nguyễn Đức Cường, Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ, lại thu được trên 30 triệu đôla do các hãng dầu nộp thêm. Đây là số tiền tuy nhỏ nhoi nhưng thật quý giá vào lúc đó, khi dự trữ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chẳng còn bao nhiêu.
Chính phủ cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 cây số vuông. Đó mới chỉ là 16,4% của thềm lục địa.
Vết sáng trên bầu trời ảm đạm
Mùa Hè 1974, giữa bối cảnh lạm phát phi mã và những tin tức bi đát về viện trợ, lại có những tin vui được loan đi liên tục. Các hãng thăm dò dầu lửa báo cáo đã thực sự tìm thấy dầu trên thềm lục địa. Ngày 17/8/1974, hãng Pecten đào được dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HỒNG-1X.
Kết quả cho thấy có dầu dưới độ sâu 1.374 mét. Rồi giếng thứ hai, DỪA 1-X, trong cùng một diện tích lại tìm được khả năng dầu thô và dầu khí còn cao hơn. Thử nghiệm cho thấy tất cả có hai nguồn: mỗi nguồn có khả năng khai thác ngay 1.514 thùng dầu thô mỗi ngày và 5,8 triệu thước khối (cubic feet) dầu khí.
Tới tháng 10/1974, hãng Mobil khoan giàn BẠCH HỔ 1 (White Tiger), tại lô 04-TLD, xác định là thực sự có “lượng dầu quan trọng” dưới độ sâu trên 2,7 cây số (9.000 feet).
Rồi Bạch Hổ tiếp tục thử nghiệm ở độ sâu trên 9.000 feet cho thấy khả năng của túi dầu có thể khai thác là 2.400 thùng dầu thô (3.400 lít) và 25.000 thước khối dầu khí một ngày.
Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan giếng đầu tiên vào cuối 1974.
Một sự trùng hợp lạ lùng: hai hãng Esso và Sunningdale có kế hoạch khoan dầu – lại đự định đào dầu vào chính ngày 30 tháng Tư 1975.
Dựa trên báo cáo của các hãng tìm dầu, khả năng xuất cảng được ước tình là vào năm 1977 Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể xuất cảng dầu lửa từ 6 giàn khoan với số tiền là 1 tỷ USD mỗi năm – với giá dầu thô (vào lúc ấy) chỉ là 12 USD mỗi thùng.
Như vậy là ông Trời đã gửi đến một vì sao cứu tinh? Đang khi xoay xở chỉ có 300 triệu đôla để mua xăng nhớt, tiếp liệu mà cũng không thành công, bây giờ có khả năng là dầu sẽ mang tới cả tỷ đôla.
Ngoài giá trị vật chất, nó còn có một giá trị tinh thần: số tiền này đã mang đến một niềm hy vọng – dù chỉ là hy vọng dang dở – cho cả lãnh đạo lẫn người dân miền Nam.
Khi nộp đơn đấu thấu, dù các công ty chưa biết có thực sự đào được dầu hay không và còn phải chi tiêu nhiều tiền cho công việc tìm kiếm, nhân sự, giàn khoan, mà họ đã phải nộp tiền trước.
Như vậy là chắc chắn lắm rồi? Miền Nam có thể nghĩ tới khả năng phát triển lâu dài và bền vững.
Ba điểm đáng lưu ý về dầu khí
Trở lại quá trình tìm kiếm dầu lửa, chúng tôi xin ghi lại nơi đây 3 điểm đáng lưu ý:
1. Trong chuyến viếng thăm giàn khoan dầu cùng với Tổng Thống Thiệu, các chuyên gia còn cho biết rằng: Túi dầu lửa lớn của Việt Nam Cộng Hòa ở quần đảo Trường Sa có ăn thông vào với túi dầu của Indonesia. Như vậy, ta có thể hỏi liệu Indonesia – một trong những thành viên của tập đoàn dầu lửa OPEC – đã và đang khai thác dầu lửa (và dầu khí) của Việt Nam?
2. Mùa Xuân 1975, hãng GSI (Geophysical Service Incorporation (GSI) bắt đầu khảo sát dầu lửa ở vùng Duyên hải miền Trung lên tới vĩ tuyến 17. Hai tàu được dùng vào công cuộc khảo sát là DUNLAP và CECILE GREEN. Hãng GSI đã có kế hoạch bán tài liệu kỹ thuật về kết quả khảo sát cho những hãng nào muốn tham gia tìm và đào dầu ở khu vực này. Việt Nam Cộng Hòa cho GSI khảo sát với điều kiện sẽ phải chia 50% lợi nhuận thu được cho chính phủ.
3. Có lần chúng tôi được nghe một anh phi công trực thăng người Pháp nói: “Theo kinh nghiệm làm việc cho các hãng dầu lửa nhiều năm, tôi thấy ở nơi nào có nhiều tôm là có dầu lửa.” Tôi liền hỏi: “Vậy anh nghĩ Việt Nam có dầu ở đất liền không?” Anh ta vui vẻ trả lời: |Tôi không biết rõ, nhưng tôi nghĩ rằng các ông có dầu lửa ở Đồng bằng Cửu Long.”
Thực hư không biết, nhưng đầu năm 1975, qua sự giới thiệu của Trung tướng Đặng Văn Quang (Cố vấn Quân sự của Tổng Thống Thiệu), đại diện của một hãng dầu lửa quốc tế ở Hồng Kông (chúng tôi không nhớ tên) đã đến Bộ Kế hoạch để trình bày rằng họ đã tìm thấy dầu khí ở vùng Đồng bằng Cửu Long. “Ở đâu?,” tôi vội vàng hỏi. “Chúng tôi không thể trả lời ông được, vì phải chi phí tốn kém mới có những thông tin này.” Họ đề nghị chính phủ hai điểm: thứ nhất, cho công ty đào ngay mà không phải qua thủ tục đấu thầu, thủ tục hành chánh rườm rà; và thứ hai, khi khai thác và xuất cảng được dầu thì sẽ chia đều 50% giữa họ và Chính phủ.
Chúng tôi báo cáo với Tổng Thống Thiệu và ông chỉ thị phải xúc tiến ngay.
Tại Bộ Kế hoạch, anh em hết sức vui mừng. Đặc biệt là Kỹ sư Nguyễn Kim Cương, nguyên Tổng Giám đốc Ngân sách Ngoại viện. Vui mừng vì triển vọng thành công của Kế hoạch Ngũ niên 1976-1980 là trông thấy. Kế hoạch này nhằm tiến tới tự túc tự cường và hết còn phải phụ thuộc vào “viện trợ Mỹ.”
Thế nhưng niềm vui của ngày Tết Ất Mão đã qua mau. Nó như môt tia sáng đã lóe lên rồi vụt tắt!
Tới ngày 10/3/1975 thì những tiếng đại pháo đã vang rền trên bầu trời Ban Mê Thuột, rồi tới Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc…
***
Nhìn lại lịch sử, ta thấy ông Trời đã ban phát cho nhân dân Việt Nam một tài nguyên lớn lao. “Tiền rừng” thì chẳng có là bao, nhưng “bạc biển” thì cất kỹ ở ngay ngoài khơi.
Những thành công ban đầu của Việt Nam Cộng Hòa đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành dầu lửa và dầu khí của Việt Nam ngày nay. Và mỏ dầu Bạch Hổ vẫn tiếp tục đóng vai chủ lực. Trong những thập niên qua, xuất cảng dầu lửa và dầu khí đã mang tới cả trăm tỷ đôla. Theo Statistica Reseach thì năm 2012, trị giá xuất cảng dầu đã lên tới 8,3 tỷ USD (cao nhất).
Ấy là chưa kể túi dầu ở Trường Sa Lớn. Nếu như thông tin của chuyên gia Mobil Oil về túi dầu của VN ăn thông với những mỏ dầu của Indonesia (như đề cập trên đây) là chính xác thì thật là thiệt thòi cho Việt Nam trong bao nhiêu năm qua.
Ngày Tết Giáp Thìn, chúng ta cầu mong cho tiềm năng dầu lửa ở Trường Sa sẽ mãi mãi thuộc về sở hữu của người dân Việt.
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Bài viết này được trích từ website của đài BBC News tiếng Việt.