5 giờ trước
Từ ngày 5/3 – 29/4, TAND TP HCM sẽ xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB.
Phiên tòa kỷ lục với khoảng 3.000 người được triệu tập. Trong đó có 86 người là bị cáo, khoảng 200 luật sư và ít nhất 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Theo đại diện TAND TP HCM, tổng số hồ sơ vụ án nặng đến hơn sáu tấn, bao gồm gần 2.500 tập tài liệu với khoảng một triệu bút lục.
Các bị cáo có thể đối mặt án tử hình
Bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc ba tội danh gồm: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Với tội Đưa hối lộ, mức án tối đa là 20 năm tù, theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Còn tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng bị phạt tối đa 20 năm tù, theo Điều 206 BLHS 2015 (sửa đổi 2017).
Theo Khoản 4, quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với tội Tham ô tài sản, bà Lan có thể phải đối mặt với mức án kịch khung là tử hình.
Trước đó, luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp, bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng tuy tội “Tham ô tài sản” có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, “nhưng trong quá trình lượng hình, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể được hưởng mức án thấp hơn”.
85 bị cáo còn lại bị truy tố các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Tội Nhận hối lộ kịch khung là tử hình, theo Khoản 4 Điều 354 BLHS 2015.
Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về tội này.
85 bị cáo nói trên gồm:
- 45 cựu lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB, 5 trong số này đang bỏ trốn;
- 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước;
- 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ;
- 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước;
- 21 người đến từ các tổ chức, công ty khác có liên quan.
Tòa cũng thông báo đã triệu tập 2.404 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND), bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – liên quan đến hành vi sai phạm của bà Lan và đồng phạm.
Còn bà Lan được xác định là bị hại trong vụ ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch tập đoàn Capella) bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 1.000 tỷ đồng.
- Vạn Thịnh Phát: Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị cho là ‘rút của SCB’ hơn 1 triệu tỷ VND mà bị xử lý 304.096 tỷ?28 tháng 11 năm 2023
- Mối quan hệ giữa Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và công ty chứng khoán Tân Việt16 tháng 11 năm 2023
- Tóm tắt các diễn biến mới nhất vụ án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB30 tháng 10 năm 2023
Những con số gây ‘choáng váng’
Theo cáo trạng, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm ba ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Với 91,5% tỷ lệ sở hữu cổ phần tại SCB, bà Lan đã thao túng ngân hàng này như một công cụ tài chính để huy động vốn cho các mục đích cá nhân.
Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát vào tháng 11/2023, con số 1 triệu tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút của ngân hàng SCB trong khoảng thời gian 10 năm từ 2012 đến 2022 đã khiến dư luận “chấn động”.
Để so sánh, GDP của năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 10.221.800 tỷ đồng, tức số tiền bà Lan và cộng sự đã rút từ SCB tương đương hơn 10% GDP năm 2023.
Con số này cũng gấp gần hai lần tổng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (gần 580.000 tỷ đồng), hay gấp hơn ba lần tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (được coi là “siêu dự án” hạ tầng đắt tiền nhất lịch sử Việt Nam).
Sau khi đã trừ đi các tài sản đảm bảo, bà Lan và các cộng sự bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 498.000 tỷ đồng (20 tỷ USD). Con số này gấp hàng ngàn lần số tiền trong vụ các vụ đại án gần đây như “Chuyến bay giải cứu” (gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng) hay vụ Việt Á (thiệt hại 430 tỷ đồng).
Ngoài con số gây thiệt hại lớn, vụ án Vạn Thịnh Phát cũng đứng đầu về số tiền mà một cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trong một cuộc họp báo đã khẳng định bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tại SCB, nhận hối lộ với số tiền “lớn nhất từ trước đến nay” là 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng).
‘Tảng băng vỡ’ lộ diện?
Tại nghị trường Quốc hội hồi tháng 11/2023, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), nói hành vi đưa hối lộ của bà Trương Mỹ Lan cho bà Đỗ Thị Nhàn là “vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay” và vụ Vạn Thịnh Phát là vụ án “có số lượng tiền bị chiếm dụng, khả năng thất thoát nhiều nhất”.
Đáng chú ý, ông cho rằng đây “chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ và còn những tảng băng khác chưa bị vỡ”.
Chưa rõ ý tứ cụ thể của ông Hòa với hình tượng “tảng băng vỡ” là gì, nhưng có thể thấy là vụ án Vạn Thịnh Phát gây tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Theo nhận định từ các nhà phân tích nước ngoài, bên cạnh các yếu tố khách quan, sức nóng từ cuộc chiến chống tham nhũng đang lan từ trong đảng ra đến khu vực tư nhân của Việt Nam là nguyên nhân chính làm “nguội” thị trường bất động sản.
Cụ thể, vụ bắt bà Trương Mỹ Lan đã dẫn đến cú sốc niềm tin trong giới đầu tư, châm mồi cho cuộc khủng hoảng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sau đó, theo Reuters.
Thống kê từ Bộ Xây dựng trong năm 2023 cho thấy có gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản đã phải rời thị trường. Trong đó, có 1.286 doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể, tăng 7,7% so với cùng kỳ và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4% so với năm trước.
Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, từ năm 2020, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc trấn áp doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Mục đích sâu xa, theo các nhà phân tích phương Tây, là để củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản và áp đặt ý thức hệ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Theo một ước tính của Reuters hồi tháng 7/2023, chiến dịch siết chính sách trên đã làm bốc hơi hơn 1.000 tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Đối với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là biểu hiện của khu vực tư nhân có quá nhiều quyền lực so với Đảng Cộng sản; một khu vực tư nhân cảm thấy không bị Đảng Cộng sản ràng buộc. Quả thực, đó là biểu hiện của việc đảng cho phép có một nguồn quyền lực thay thế.
Trong bài viết gửi cho BBC vào tháng 11/2023 về cuộc đốt lò của Tổng Bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng nhằm vào khu vực tư nhân, tác giả David Hutt, nhà nghiên cứu từ Central European Institute of Asian Studies (CEIAS) và cây bút cho trang The Diplomat, nhận định:
“Đối với ông Trọng, tham nhũng là biểu hiện của khu vực tư nhân có quá nhiều quyền lực so với Đảng Cộng sản; một khu vực tư nhân cảm thấy không bị Đảng Cộng sản ràng buộc.”
“Như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, công cuộc đốt lò của Trọng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Câu hỏi đặt ra khi Đại hội toàn quốc năm 2026 đến gần là liệu Đảng Cộng sản có gây nguy hại cho sự tăng trưởng kinh tế nhiều hơn nữa vì mục đích nắm giữ quyền lực của chính mình hay không,” cây viết David Hutt đặt nghi vấn.