Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga đã gần hai năm. Đó cũng là thời gian các nước phương Tây đồng loạt ban hành các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga để yểm trợ cuộc kháng chiến của Ukraina. Nhưng cho đến giờ hiệu quả của các trừng phạt đó vẫn là vấn đề gây tranh luận.
Đăng ngày: 22/02/2024
Ngày 24/02/2022, khi tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraina, các nước phương Tây đã đáp trả bằng hàng loạt lệnh trừng phạt Nga trên mọi mặt: Phong tỏa tài sản nhiều cá nhân, thực thể của Nga, loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán tài chính quốc tế, hạn chế nhập khẩu, giới hạn mức trần giá dầu lửa, cấm các giới chức thân cận với chính quyền Putin nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu hay Hoa Kỳ…
Hôm 21/02/2024, danh sách được kéo dài thêm với việc Liên Hiệp Châu Âu thông qua loạt trừng phạt thứ 13, đặc biệt nhắm vào 3 công ty Trung Quốc đã cung ứng cho quân đội Nga nhiều loại linh kiện điện tử.
Đến giờ đã có rất nhiều công cụ được triển khai nhằm tấn công vào trung tâm nền kinh tế Nga, hoặc những người thân cận với Vladimir Putin. Mục tiêu là hạn chế tối đa nguồn lực chiến tranh của Nga. Mặc dù đã có những nỗ lực liên tục như vậy, nhưng hai năm sau, hiệu quả của các trừng phạt vẫn là vấn đề đau đầu đối với phương Tây.
Một quan chức Châu Âu nhận xét : “Đó là cuộc chạy đua không ngừng giữa một bên thì thông qua các trừng phạt và bên kia là tìm cách luồn lách cấm vận”.
Đúng là bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong hai năm qua, Matxcơva vẫn triển khai thành công một nền kinh tế chiến tranh đủ khả năng duy trì xung đột kéo dài tại Ukraina.
Khi cuộc chiến bắt đầu, nhiều nhà quan sát đã dự đoán sự sụp đổ nhanh chóng của nền kinh tế Nga. Thế mà kinh tế nước này đã cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc, tăng trưởng đạt gần 3% trong năm 2023, nợ công duy trì ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 16% GDP.
Một trong những lĩnh vực trừng phạt mang tính biểu tượng mà phương Tây hy vọng có tác động nhiều nhất, đó là dầu lửa Nga. Liên Âu và các nước G7 đã cấm nhập dầu thô của Nga và áp mức giá trần đối với sản phẩm dầu lửa Nga. Cụ thể, nếu các nước mua dầu của Nga sử dụng các tàu chở dầu đăng ký ở các nước G7, họ chỉ được phép mua với giá 60 đô la Mỹ một thùng dầu thô. Để lách lệnh cấm này, cách làm đơn giản là sử dụng các đội tàu không đăng ký hoặc không có bảo hiểm ở các nước G7 hay Liên Hiệp Châu Âu.
Đây cũng là phương pháp đã được các nước Iran hay Venezuela áp dụng để đối phó thành công cấm vận của Mỹ. Theo trang tin Kyiv School of Economics, trong tháng 10/2023, đội “tàu ma” như vậy đã giúp Matxcơva xuất khẩu 2,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.
Ấn Độ là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền tiêu thụ dầu Nga. New Dheli nhập khẩu dầu thô của Matxcơva, chấp nhận giá trần của G7, sau đó lọc dầu thô và đem bán lại với giá thực tế trên thị trường.
Theo nhật báo kinh tế Les Echos, mới đây một Ủy Ban của Nghị Viện Anh đã cảnh báo: “Ngày càng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga đã có thể lách các trừng phạt thông qua những nước thứ 3 và nhờ các đội tàu chở dầu ma, không có bảo hiểm””.
Một trong những lệnh trừng phạt đầu tiên là cấm bán các thiết bị quân sự của phương Tây cho quân đội của Vladimir Putin. Nhưng một lần lữa Matxcơva lại tìm được lối thoát. Từ đầu năm ngoái, các chuyên gia kiểm tra hàng nghìn thiết bị quân sự của Nga bị phá hủy ở Ukraina đã tìm thấy phần lớn các linh kiện của phương Tây, trong đó có không ít sản phẩm của các công ty Mỹ. Các linh kiện đó thường được các công ty Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Hồng Kông nhập khẩu từ các nhà chế tạo Mỹ với lý do sử dụng vào mục đích dân sự, trước khi được bán lại cho Nga.
Trên một bình diện khác, do áp lực của dư luận, cũng như những khó khăn do trừng phạt về tài chính ngân hàng , nhiều công ty phương Tây đã buộc phải rời khỏi thị trường Nga, nhưng ngay lập tức lấp vào chỗ trống đó bằng nhập khẩu. Thí dụ điển hình là trường hợp Trung Quốc. Ngành chế tạo xe hơi của nước này đã lợi dụng lúc các hãng xe Đức rời đi để nhanh chóng chiếm 55% thị phần xe hơi tại Nga. Cũng như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi lớn với lượng hàng xuất khẩu sang Nga năm ngoái đạt 11 tỷ đô la, tăng 83% trong 2 năm qua. Còn nhiều nước khác, dù ủng hộ hay không cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraina, muốn duy trì mối quan hệ làm ăn với Matxcơva và đều không khó tìm được cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vậy thì các trừng phạt như vậy mang lại kết quả gì ? Một nguồn tin trong Liên Hiệp Châu Âu, được RFI Pháp ngữ trích dẫn, nhận định : “Một trong những mục tiêu là làm thay đổi chính sách của Nga rõ ràng không đạt được. Nhưng như thế không có nghĩa trừng phạt không hề hiệu quả. Đến ngày nào đó khi mở đàm phán, các trừng phạt sẽ là một đòn bẩy thú vị”.