Viện trợ cho đồng minh và lợi ích của nước Mỹ

Saigon Nhỏ

Nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng khuyến khích Mỹ và các đồng minh khác gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. (ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Sự chậm trễ của Hạ Viện Hoa Kỳ trong việc phê chuẩn gói viện trợ quân sự không chỉ gây tổn thất lớn cho đồng minh, tạo thuận lợi cho Nga, mà còn thiệt hại cho chính nước Mỹ, cả về uy tín chính trị lẫn kinh tế.

Như truyền thông quốc tế đã tường thuật suốt tuần qua, hôm Thứ Năm 8 Tháng Hai 2024, Thượng Viện Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ chiếm đa số, đã thông qua với số phiếu 67-32 một dự luật viện trợ quân sự khẩn cấp cho đồng minh trị giá $95.34 tỷ; trong đó có $61 tỷ viện trợ cho Ukraine chống cuộc xâm lược của Nga, $14 tỷ viện trợ Israel chống tổ chức Hamas, $8 tỷ hỗ trợ an ninh cho các đối tác của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc.

Năm ngày sau, 13 tháng Hai, Thượng Viện hoàn tất văn bản dự luật nhưng theo trình tự lập pháp, dự luật còn phải được Hạ Viện chuẩn thuận trước khi trình Tổng thống Joe Biden ký ban hành và bắt đầu thực hiện.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hoà – Louisiana) từ chối đưa gói viện trợ này ra biểu quyết tại Hạ Viện, nơi đảng Cộng Hòa kiểm soát với tỷ lệ 219-212. Ông Johnson nói ông không vội làm việc này và muốn gắn vấn đề viện trợ quân sự cho đồng minh với việc tăng cường an ninh ở biên giới Mỹ-Mexico, ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp; nghĩa là phải mất nhiều tháng nữa dự luật mới có thể được Hạ Viện xem xét, sửa đổi và thông qua, thậm chí có thể nó không bao giờ đến được bàn làm việc của tổng thống.

Hôm Thứ Hai 18 Tháng Hai, Tổng Thống Biden cho biết ông sẵn sàng gặp Chủ tịch Hạ Viện Johnson để thảo luận về dự luật tài trợ, do tính chất cấp bách của nó, đồng thời ông nói thêm rằng đảng Cộng Hòa đang phạm sai lầm khi phản đối gói tài trợ mà Thượng Viện đã bỏ phiếu thuận.

Hầu hết những người quan sát chính trị đều cho rằng, hành động của đảng Cộng Hoà ngăn chặn khoản viện trợ quân sự của Mỹ cho các đồng minh, nhất là Ukraine, là do yêu cầu của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump không muốn cho ông Biden giành được một thắng lợi chính trị quan trọng và tăng uy tín trước cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm, ông ta cũng không muốn giúp Ukraine và gây bất bình cho Tổng thống Nga Vladimir Putin – nhà độc tài mà ông Trump luôn coi là “người bạn tốt” và ca ngợi hành động xâm lăng Ukraine của ông ta là một quyết định “thiên tài.”

Đúng như dự đoán của các nhà phân tích quân sự, Ukraine sẽ lâm nguy nếu thiếu nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược của Mỹ. Quân đội Ukraine sẽ không bị sụp đổ ngay lập tức nhưng khả năng chiến đấu của họ sẽ suy giảm và Kyiv sẽ thất thủ sau một vài năm nữa, giống như trường hợp Việt Nam Cộng Hoà bị mất vào tay cộng sản chỉ hai năm sau ngày Mỹ rút quân và cắt viện trợ quân sự hồi nửa thế kỷ trước.

Thất bại của Ukraine và chiến thắng của Putin cũng sẽ kích thích các nhà độc tài khác liều lĩnh hơn trong cuộc xâm lược các nước láng giềng nhỏ và yếu, ném Hiến Chương Liên Hiệp Quốc vào sọt rác.

Tướng H.R. McMaster, từng là cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, cho rằng ngừng viện trợ Ukraine là dâng cho Putin một chiến thắng chiến lược. “Nước Mỹ có một lựa chọn rõ ràng: trang bị cho Ukraine những vũ khí mà họ cần để tự bảo vệ, hoặc cắt viện trợ và từ bỏ nước Ukraine dân chủ đang chiến đấu để sinh tồn trong cuộc xâm lược của Putin.” Theo ông McMaster, việc Quốc hội Mỹ bỏ rơi Ukraine vào lúc này là món quà tặng cho “trục xâm lược” (axis of aggressors) Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un và chế độ thần quyền Iran. “Các đối tác và đồng minh sẽ mất niềm tin vào nước Mỹ trong khi những kẻ xâm lược sẽ thêm liều lĩnh,” ông McMaster nói với The New York Times.

Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 71 chuẩn bị đạn pháo về hướng Avdiivka, tỉnh Donetsk, Ukraine ngày 18 Tháng Hai, 2024. (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu via Getty Images)

Thực tế diễn ra đúng như vậy. Trên chiến trường, hôm Thứ Bảy 17 Tháng Hai, quân Ukraine đã phải rút khỏi thị trấn Avdiivka bị tàn phá ở miền Đông sau nhiều tháng giao tranh ác liệt. Người đứng đầu quân đội Ukraine nói ông cho binh sĩ rút lui để bảo toàn lực lượng trong hoàn cảnh thiếu đạn dược trầm trọng.

Tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hồi cuối tuần, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường cung cấp viện trợ quân sự và nói rằng việc rút quân một phần là do thiếu vũ khí. Ông Zelensky cũng nhận định Nga đang lợi dụng tình hình Ukraine thiếu vũ khí để đẩy mạnh nhiều cuộc tấn công lớn. “Họ đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine và đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Tình trạng thiếu đạn pháo, vũ khí phòng không và vũ khí tầm xa”, ông Zelensky nói, theo VOA.

Chiếm được thị trấn Avdiivka, nghĩa là có được một chiến thắng tượng trưng trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới, ông Putin có thêm tự tin để đẩy mạnh cuộc đàn áp phong trào dân chủ ở trong nước mà vụ sát hại lãnh tụ đối lập Alexei Navalny trong một nhà tù xa xôi ở Bắc Cực hôm Thứ Sáu 16 Tháng Hai là vụ mới nhất, ghê tởm nhất.

Ở châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cũng đang thăm dò cơ hội để thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan khi Mỹ lừng chừng không muốn tiếp tục viện trợ quân sự cho hòn đảo. Hôm Thứ Hai 18 Tháng Hai, Đài Loan tố cáo lực lượng hải cảnh Trung Quốc xông lên kiểm tra một tàu du lịch gần quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát bên ngoài bờ biển Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng nước này cũng tố cáo Trung Quốc đã thả hơn 100 khinh khí cầu do thám vào không phận của hòn đảo, một số bay ngang qua các căn cứ quân sự Đài Loan, trong một chiến thuật gây căng thẳng và làm nhiễu loạn hoạt động cảnh giác của các lực lượng phòng không Đài Loan. Trung Quốc liên tục gây áp lực quân sự và kinh tế lên hòn đảo dân chủ từ sau cuộc viếng thăm Đài Bắc của cựu Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi Tháng Tám 2022, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh có hành động gây hấn xa như vậy.

Rõ ràng cả Moscow và Bắc Kinh đều đang nhìn thấy cơ hội trong cách Hạ Viện Mỹ quay lưng với đồng minh vào lúc họ cần được giúp đỡ nhất. Có điều, viện trợ quân sự cho các đồng minh không phải do nước Mỹ hào phóng vung tiền qua cửa sổ mà là phục vụ cho chính lợi ích của nước Mỹ. Nước Mỹ có sức mạnh vô đối không chỉ do nỗ lực của người dân Mỹ mà chủ yếu do Mỹ có những liên minh quân sự hùng mạnh ở các châu lục. Tướng Douglas E. Lute, cựu tư lệnh chiến trường Afghanistan, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và cố vấn quân sự cho cựu Tổng thống George W. Bush, nhấn mạnh: “Cam kết của Mỹ với đồng minh không phải là do lòng thương hay từ thiện mà là lợi ích an ninh cốt tử của chính nước Mỹ.”

Viện trợ cho đồng minh còn mang lại lợi ích kinh tế, công ăn việc làm cho người Mỹ, theo phân tích của báo The Wall Street Journal (WSJ) – tờ báo của giới chính trị bảo thủ Mỹ. Theo WSJ, chiến tranh Nga-Ukraine đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ bùng nổ, nhờ nhu cầu vũ khí và đạn dược tăng nhanh. Các nước châu Âu đổ xô tới Mỹ mua vũ khí để tăng cường năng lực quân sự của họ đối phó với mối đe doạ từ Nga; ngay cả Ngũ Giác Đài cũng tăng mua vũ khí mới từ các nhà cung cấp để bổ sung vào kho vũ khí cũ đã chuyển giao cho Ukraine.

Trong hai năm qua, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn $47 tỷ viện trợ quân sự, phần lớn số tiền đó được dùng để mua vũ khí, đạn dược từ các công ty công nghiệp quốc phòng của Mỹ, giúp ngành này tăng trưởng tới 17.5% từ khi Nga bắt đầu xâm lược. Còn trong dự luật đang bị kẹt ở Hạ Viện, Ukraine được viện trợ thêm $61 tỷ, nhưng 64% số tiền này sẽ được chuyển cho các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, tạo nên một tác động rất tốt đến tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm, theo phân tích của WSJ.

Bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Toà Bạch Ốc, cho biết “Có một chuyện thường bị hiểu lầm… nguồn viện trợ đó quan trọng đến mức nào đối với công ăn việc làm và sản xuất của chính nước Mỹ”.

Vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine, từ hỏa tiễn diệt xe tăng Javelin, hỏa tiễn phòng không vác vai Stinger, hệ thống hỏa tiễn tầm xa phóng hàng loạt HIMARS, xe tăng Abrams M1, cho đến gần đây là hệ thống phòng không tân tiến Patriot … không chỉ đã ngăn chặn hiệu quả cuộc xâm lược của quân Nga vốn vượt xa Ukraine về quân số và tiềm lực quân sự mà còn không buộc người lính Mỹ nào phải đổ máu hoặc mất mạng vì nước Mỹ không phải trực tiếp tham chiến.

Chính vì thế, viện trợ quân sự cho Ukraine được coi là một trong những chính sách ngoại giao thành công nhất và ít tốn kém nhất của Mỹ trong hai năm qua.

Thành công đó có thể sẽ không còn tiếp tục nếu Hạ Viện Mỹ vẫn cúc cung làm theo lệnh ông Trump cắt viện trợ quân sự và buộc các đồng minh Ukraine, Đài Loan phải tự lực đương đầu với các kẻ thù to lớn, hùng mạnh và tham lam. Và đó cũng là mối nguy của chính nước Mỹ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment