Có tới 13 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc thậm chí tử hình.
Từ ngày 5/3 – 29/4, TAND TP HCM sẽ xét xử tổng cộng 86 bị cáo với các cáo buộc sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB.
Trong đó, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, gồm có bà Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội Tham ô tài sản.
Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc NHNN, cũng đối mặt khung hình phạt tương tự khi bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Bà Trương Mỹ Lan đối mặt thêm hai tội danh khác trong phiên tòa tới đây là Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng tội danh Tham ô tài sản, 11 người còn lại bị cáo buộc giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan trong danh sách dưới đây:https://flo.uri.sh/visualisation/16887959/embed?auto=1
Trong số 11 người trên, có ông Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, hiện đang bị truy nã. Còn một số bị cáo như Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh, Đặng Phương Hoài Tâm, Trương Huệ Vân và Trương Tấn Trước đã có khắc phục hậu quả ở các mức độ khác nhau.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp, trước đây từng bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng tuy tội Tham ô tài sản có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, “nhưng trong quá trình lượng hình, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể được hưởng mức án thấp hơn”.
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư số tiền tham ô, nhận hối lộ thì sẽ không bị tuyên án tử hình.
Bà Trương Mỹ Lan hiện bị cáo buộc tham ô hơn 304.000 tỉ đồng của SCB. Như vậy, nếu muốn thoát khung tử hình, bà Lan phải “khắc phục hậu quả” bằng cách nộp lại ít nhất ba phần tư số tiền trên, tức khoảng 228.000 tỉ đồng.
Bà Đỗ Thị Nhàn, người nhận hối lộ với con số “cao nhất từ trước tới nay” mà một cá nhân từng nhận (5,2 triệu USD), muốn thoát khung tử hình cũng cần “khắc phục” ít nhất là với tỉ lệ tương ứng. Tính đến nay, bà Nhàn đã “khắc phục” 4,8 triệu USD và hơn 10 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỉ và 15 triệu USD.
Công an cũng xác định được qua lời khai của những bên liên quan rằng vào thời điểm trước khi bị bắt vài ngày (5/10/2022), bà Trương Mỹ Lan đã đưa 14,5 triệu USD cho ông Tạ Hùng Việt (Tổng giám đốc Công ty CP Greenhill Village) để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do ông Việt làm chủ.
Từ ngày 23 đến 25/10, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, ông Việt đã liên hệ với hai người khác để giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan cho cơ quan điều tra.
Thông tin từ công an cho hay, tại cơ quan điều tra, bà Lan đã khai rằng số tiền 14,5 triệu USD (khoảng 356 tỉ đồng) trên là do bà tự nguyện sử dụng để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội trong vụ án.
Những con số gây ‘choáng váng’
Theo cáo trạng, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm ba ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Với 91,5% tỷ lệ sở hữu cổ phần tại SCB, bà Lan đã thao túng ngân hàng này như một công cụ tài chính để huy động vốn cho các mục đích cá nhân.
Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát vào tháng 11/2023, con số 1 triệu tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút của ngân hàng SCB trong khoảng thời gian 10 năm từ 2012 đến 2022 đã khiến dư luận “chấn động”.
Để so sánh, GDP của năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 10.221.800 tỷ đồng, tức số tiền bà Lan và cộng sự đã rút từ SCB tương đương hơn 10% GDP năm 2023.
Con số này cũng gấp gần hai lần tổng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (gần 580.000 tỷ đồng), hay gấp hơn ba lần tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (được coi là “siêu dự án” hạ tầng đắt tiền nhất lịch sử Việt Nam).
Sau khi đã trừ đi các tài sản đảm bảo, bà Lan và các cộng sự bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 498.000 tỷ đồng (20 tỷ USD). Con số này gấp hàng ngàn lần số tiền trong các vụ đại án gần đây như “Chuyến bay giải cứu” (gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng) hay vụ Việt Á (thiệt hại 430 tỷ đồng).
Ngoài con số gây thiệt hại lớn, vụ án Vạn Thịnh Phát cũng đứng đầu về số tiền mà một cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Văn Yên trong một cuộc họp báo đã khẳng định bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tại SCB, nhận hối lộ với số tiền “lớn nhất từ trước đến nay” là 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng).