Mỹ áp đặt thêm hơn 500 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, có công ty ở Việt Nam

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với truyền thông sau cuộc gặp với vợ và con gái của cố lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny hôm 22/2
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với truyền thông sau cuộc gặp với vợ và con gái của cố lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny hôm 22/2

Mỹ vừa công bố danh sách trừng phạt dài nhất từ trước đến nay nhằm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức của Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine. Có công ty hoạt động tại Việt Nam nằm trong số bị trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết những lệnh này nhằm đảm bảo Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải trả giá đắt hơn nữa cho hành động xâm lược nước ngoài và đàn áp trong nước.”

Ông Biden cho biết các lệnh trừng phạt sẽ giáng vào cỗ máy chiến tranh của Nga, khi nhằm vào hệ thống thanh toán Mir của Nga, các tổ chức tài chính và cơ sở công nghiệp quân sự.

Trong gói trừng phạt hôm 23/2, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhắm tới gần 300 cá nhân và tổ chức, Bộ Ngoại giao nhắm vào 250 cá nhân và tổ chức và Bộ Thương mại bổ sung thêm hơn 90 công ty vào Danh sách Cá nhân và Tổ chức.

Các lệnh này cũng được áp dụng với các lãnh đạo nhà tù mà Mỹ cho là liên quan đến cái chết của ông Navalny, các cá nhân và tổ chức từng né tránh biện pháp trừng phạt, các cơ sở sản xuất năng lượng trong tương lai cùng các lĩnh vực khác của Nga.

“Washington không nhận ra được rằng lệnh trừng phạt sẽ không thể hạ gục chúng tôi sao?” Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói trên kênh Telegram của đại sứ quán.

Chính quyền ông Biden đang tìm cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong hoàn cảnh quân đội của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng, cùng lúc chờ khoản viện trợ quân sự mới từ Mỹ vốn đã bị trì hoãn nhiều tháng do quốc hội nước này không thông qua.

Liên minh châu Âu, Anh và Canada cũng có hành động nhằm vào Nga hôm 23/2.

Anh đã phong tỏa tài sản của sáu lãnh đạo nhà tù nơi ông Navalny qua đời và cấm họ tới Anh.

Vương quốc Anh cũng áp đặt các lệnh cấm mới đối với xuất khẩu kim loại, kim cương và năng lượng của Nga.

Trong khi đó, EU đã công bố lệnh trừng phạt đối với 200 tổ chức và cá nhân mà họ cho rằng đang giúp Nga mua vũ khí hoặc bắt trẻ em Ukraine khỏi nhà.

Các biện pháp trừng phạt cũng được áp đặt lên các công ty và cá nhân liên quan đến việc vận chuyển vũ khí của Bắc Hàn sang Nga.

Nga đã lách lệnh trừng phạt như thế nào?

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ, Anh và EU cùng nhiều nước khác, trong đó có Úc, Canada và Nhật Bản, đã áp đặt hơn 16.500 lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, nền kinh tế 2.200 tỷ USD tập trung vào xuất khẩu của Nga, đối mặt với hai năm chịu lệnh trừng phạt, tỏ ra có sức chịu đựng tốt hơn những gì Moscow và phương Tây dự đoán, theo Reuters.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các biện pháp trừng phạt của châu Âu không gây hại gì cho Nga và rằng: “Chúng tôi có sự tăng trưởng, còn họ thì suy giảm”.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, Nga đã tìm cách bán dầu ra nước ngoài với giá cao hơn mức giá trần của G7. Tổ chức này cho biết một “hạm đội bóng tối” gồm khoảng 1.000 tàu chở dầu được sử dụng để vận chuyển số dầu này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Nga vẫn xuất khẩu 8,3 triệu thùng dầu mỗi ngày – nhờ nguồn cung tăng – sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Cũng trong ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ mở rộng đáng kể danh sách các quan chức và chính trị gia thuộc EU bị cấm nhập cảnh vào nước này
Chụp lại hình ảnh,Cũng trong ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ mở rộng đáng kể danh sách các quan chức và chính trị gia thuộc EU bị cấm nhập cảnh vào nước này

Theo các nhà nghiên cứu tại King’s College London, Nga cũng có thể nhập khẩu nhiều hàng hóa bị trừng phạt của phương Tây bằng cách mua thông qua các quốc gia như Georgia, Belarus và Kazakhstan.

Tiến sĩ Maria Snegovaya từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng các sản phẩm công nghệ cao thay thế cho những sản phẩm được sản xuất ở phương Tây.

“Trung Quốc bán chip và các linh kiện khác cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất quân sự của mình. Nga sẽ không thể thực hiện được điều đó nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc,” bà nói.

Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kazakhstan, Liechtenstein và Việt Nam vì trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và bổ sung nguồn lực cho nước Nga.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, gọi những lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty Trung Quốc là “một động thái điển hình của sự bắt nạt và đơn phương cưỡng ép kinh tế” của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington ngày càng siết chặt xử lý việc Nga lách các biện pháp trừng phạt.

Ông Peter Harrell, một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết động thái này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẵn sàng hành động chống lại việc lách luật.

“Theo tôi, đây là một bước đi đáng khen ngợi, tuy nhỏ nhưng vững chắc, phù hợp với chiến lược của họ trong hai năm qua,” ông đánh giá với Reuters.

Lệnh trừng phạt có tác động gì đến Nga?

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2022, năm đầu tiên của cuộc chiến, nền kinh tế Nga suy giảm 2,1%.

Theo ước tính, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 2,2% vào năm 2023 và được dự đoán tăng trưởng 1,1% vào năm 2024.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho Nga, khiến mức tăng trưởng kinh tế mà nước này lẽ ra có thể đạt được trong hai năm qua đã bị giảm 5%.

Nhưng Tiến sĩ Snegovaya gợi ý: “Các lệnh trừng phạt chưa khiến việc tiến hành cuộc chiến này trở nên quá tốn kém đối với Nga và điều đó có nghĩa là nước này có thể tiếp tục cuộc chiến này trong một thời gian tới.”

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đã khiến hơn một triệu người – nhiều người còn trẻ và có trình độ học vấn cao – rời khỏi Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, chính phủ Nga đã cắt giảm chi tiêu y tế để có tiền rót cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Điều này chủ yếu ảnh hưởng đến người dân ở khu vực nông thôn,” ông James Nixey của tổ chức tư vấn đối ngoại Chatham House đánh giá. “Chính phủ Nga thực hiện cắt giảm ở đó chứ không phải ở các thành phố lớn, nơi họ có thể đối mặt với các cuộc nổi dậy.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment