Chủ Nhật, 25 Tháng Hai 2024
Với thị trấn Saint-Malo, người ta nói rằng biển cả đã thấm đẫm vào đời sống văn hóa của người dân nơi đây, khiến mọi thứ đều mang “vị mằn mặn”. Đến cả rượu vang cũng “mằn mặn” luôn, vì được ngâm dưới biển thay vì cất giữ trong hầm.
Nếu đang ở thị trấn Saint-Malo, tỉnh Ille-et-Vilaine, vùng Bretagne của Pháp thì dù có chưa nhìn thấy biển đi nữa, bạn sẽ vẫn cảm nhận được sự bao bọc của đại dương.
Thị trấn thấm đẫm hương vị của biển cả
Người ta thích St-Malo bởi những pháo đài cổ, và cũng thích Bretagne vì lịch sử lâu đời của nó. Từ Thế kỷ I TCN, nơi đây đã là một thành phố cảng đông đúc, nhộn nhịp. Ngay cả bây giờ, nó vẫn mời gọi du khách ghé thăm.
Thị trấn Saint-Malo xinh đẹp.
Vì nằm tại vị trí có mực thủy triều cao nhất nhì Châu Âu, St-Malo liên tục bị những con sóng mạnh đánh tới tấp vào chân tường thành cổ làm bằng đá granit. Tuy nhiên thay vì e ngại, cư dân địa phương – những người Malouin – lại đùa rằng đấy là nụ hôn cuồng nhiệt giữa biển và đất liền.
Mỗi khi hè về, du khách từ Anh quốc lại vượt Eo biển Manche mà tới St-Malo, còn người Pháp thì xuôi dòng Rance để ra tới cửa sông mà ghé thị trấn của những pháo đài cổ. Chính tại nơi này, họ mới cảm nhận được sâu sắc nhất sự ảnh hưởng của biển cả.
Biển thấm nhuần trong văn hóa và bản sắc Malouin, khiến mọi thứ đều trở nên mặn mà.
Thử nghiệm nhỏ biến thành truyền thống mới
“Khi tôi ở St-Malo, ngay cả khi không nhìn thấy biển, tôi vẫn cảm nhận được “nàng”. Tôi luôn biết “nàng” đang ở ngay đây” – Yannick Heude, người đã tạo nên một truyền thống mới, ủ rượu dưới đáy biển bộc bạch.
Cũng bởi sự hiện diện rất rõ ràng ấy của biển mà dường như mọi đồ ăn thức uống tại St-Malo đều vương mùi đại dương. Cứ như thể biển đã thấm vào đất, vào nước, vào tâm huyết chế biến của các đầu bếp. Và rồi trong một lần chèo thuyền trên biển, Heude chợt muốn hiện thực hóa ý tưởng ủ rượu trong lòng nước mặn xem sao.
Ngâm rượu trong nước biển.
Cái ngày mà Heude quyết định nhờ biển lên vị cho rượu ấy cũng mới chỉ cách đây có 15 năm. Theo lời ông kể, thì một bằng hữu trên cùng con thuyền ngày ấy vì muốn có chút rượu đặc biệt để chào mừng sự ra đời của đứa con trai sắp tới đã bảo: “Này, nếu tôi ngâm một ít rượu dưới nước thì sao nhỉ”.
Và Heude trả lời: “Ông mà thích thế thì cứ để đấy tôi làm cho”.
Nào ngờ thử nghiệm nho nhỏ ấy lại trở thành truyền thống mới của St-Malo. Không chỉ thế, nó còn phát triển thành hẳn một hiện tượng quốc gia nữa.
Một vị rượu chứa cả mùi đại dương lẫn đất liền
Ngày nay, du khách đến thăm St-Malo, nếu đúng dịp (vì ủ rượu dưới biển cần những 12 tháng mà chỉ sau 6 tháng đã cháy hàng) là có thể thưởng thức rượu ngâm dưới đáy biển. Sau thử nghiệm nho nhỏ 15 năm trước, Heude đều đặn đem rượu vang đi ủ dưới lòng biển mỗi năm.
Tất nhiên, ngoài hứng thú nhất thời, ông cũng dựa vào kiến thức khoa học nữa. Ở ngoài khơi bờ biển Brittany, nơi Heude ngâm rượu dưới độ sâu 15m nước, nhiệt độ đại dương luôn ở mức 9-10 độ C, tương đương với nhiệt độ trong một hầm rượu trong lòng đất. Nước biển cũng sẽ giúp ngăn cản các tia UV chiếu vào.
Nước biển giúp ngăn cản các tia UV chiếu vào chai rượu.
Thêm vào đấy, ông còn tận dụng luôn hiện tượng thủy triều mạnh. Do nó đều đặn lên xuống mỗi ngày, nên dòng hải lưu đảo nghịch ấy sẽ khiến các chai rượu từ từ nghiêng sang phải, đứng thẳng, lại từ từ nghiêng sang trái.
Quá trình này hao hao với kỹ thuật làm sâm banh. Cặn rượu sẽ lắng ở cả hai bên thành lẫn đáy chai, làm vị mỗi ngày một nồng đượm.
Rượu dưới biển cần những 12 tháng mà chỉ sau 6 tháng đã cháy hàng.
Mỗi năm, Heude cũng thay đổi loại rượu vang đem đi ngâm trong nước biển. Vì hương vị của mỗi loại rượu đều trở nên khác biệt sau khi được vớt nên ông rất thích thú.
“Trong vị rượu vang được ủ dưới đáy biển dường như có tất cả mọi thứ” – Heude nói. “Có rượu, có tôm, có sò điệp, có cá, có rau mùa xuân, có khoai tây mới đào. Tất cả mọi thứ đều hòa quyện trong nó. Thật sự là có tất cả”.