Đăng ngày: 27/02/2024
10 % các tàu chở dầu trên thế giới hiện nay là « tàu ma ». Đó là phương tiện xuất khẩu 70 % dầu hỏa của Nga bằng đường biển. Hạm đội « dark fleet » trên thế giới trong vỏn vẹn một năm đã được nhân lên gấp đôi để cho phép Matxcơva tiếp tục bán dầu hỏa với giá cao hơn giá trần 60 đô la/thùng. « Hạm đội ma » là gì, hoạt động ra sao và đã giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của Âu Mỹ đến mức độ nào ?
Qua đó là câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp cắt nguồn tài trợ cho cỗ máy quân sự của Vladimir Putin, hai năm sau « chiến dịch đặc biệt » xâm chiếm Ukraina.
Hai ngày trước kỷ niệm tròn 2 năm chính quyền Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina, hôm 22/02/2024, Hoa Kỳ loan báo ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào tập đoàn vận tải đường biển của Nga Sovcomflot và 14 « tàu chở dầu ma » Matxcơva sử dụng.
Từ tháng 12/2022 Liên Hiệp Châu Âu, khối G7 và Úc đã quy định « mức giá trần 60 đô la một thùng dầu ». Đây là giá tối đa mà các thành viên liên minh này có thể mua vào dầu hỏa của Nga. Thêm vào đó, các hãng bảo hiểm tại các quốc gia này bị cấm cung cấp mọi dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga giao dịch trên mức giá trần quy định. Theo một thông cáo của liên minh Âu – Mỹ (UE – G7 và Úc) cuối năm 2023, dưới tác động các biện pháp trừng phạt của phương Tây, « thu nhập của Nga từ các hoạt động xuất khẩu dầu hỏa và các sản phẩm chế dầu giảm 1/3 so với hồi 2022 ».
« Tương kế, tựu kế »
Tại Washington, thứ trưởng Tài Chính Mỹ, Wally Adeyemo giải thích biện pháp áp giá trần đánh vào dầu của Nga tiếp tục phục vụ hai mục tiêu « hạn chế thu nhập của điện Kremlin để tài trợ chiến tranh Ukraina đồng thời duy trì ổn định trên các thị trường năng lược quốc tế ».
Tuy nhiên báo tài chính Anh, Financial Times, tháng 10/2023 trích dẫn « nhiều nguồn tin chính thức » của Liên Hiệp Châu Âu cho biết trong tháng « không một lô dầu xuất khẩu bằng đường biển nào của Nga bán ra với giá dưới 60 đô la/thùng. Theo các thống kê của Matxcơva, Nga xuất khẩu vàng đen với cái giá trung bình hơn 80 đô la » kể cả dầu hỏa của Nga bán cho Liên Âu.
Chính các « Hạm đội ma » đã giải thích cho khác biệt nói trên.
Tạp chí chuyên về vận tải đường biển của Anh Lloyd’s List Intelligence báo động « số lượng tàu thuộc diện hạm đội ma năm ngoái đã tăng lên gấp đôi và chiếm 10 % toàn bộ tàu chở dầu đang hoạt động trên trường quốc tế ». Theo trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế Atlantic Council, trụ sở tại Washington, hiện có khoảng 1.400 « tàu ma » đi khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là chở dầu của Nga hướng về châu Á, với hai mắt xích quan trọng là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng không hẳng đấy là những « điểm đến cuối cùng » của những thùng dầu do Nga sản xuất. Elina Ribakova, Đại Học Kinh Doanh KSE tại Kiev được AFP trích dẫn đi sâu thêm vào chi tiết : 70 % dầu của Nga được chuyên chở bằng đường biển sử dụng « Hạm đội ma ». Chỉ riêng trong tháng 11/2023, đã có 179 tàu chở dầu thuộc diện « dark fleet » rời các hải cảng của Nga. Tháng 10/2023 mỗi ngày Nga « xuất khẩu 2,3 triệu thùng dầu thô và 800.000 thùng dầu lọc bằng phương tiện này ».
Trả lời đài phát thanh France Culture (11/01/2024) Paul Tourret, giám đốc Viện Kinh Tế Hàng Hải của Pháp ISEMAR trước hết phân biệt giữa « Hạm đội ma » còn được gọi là « Hạm đội Đen -Dark fleet » với « Hạm đội Xám -Grey fleet » mà trước Nga, các quốc gia « bất hảo » như Iran, Venezuela hay Bắc Triều Tiên đã sử dụng.
Paul Tourret : « Hạm đội đen xuất hiện từ khi phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran và Venezuela và đương nhiên là đã phát triển mạnh trong ngành vận tải đường biển. Đó là những chiếc tàu không biết thuộc về ai, không có giấy phép hoạt động và không ai giám sát về mức độ an toàn. Số này hoàn toàn ngoài tầm quan sát của các lực lượng tuần duyên, hải quan, ngoài vòng pháp luật… Ước tính có hơn một ngàn tàu thuyền thuộc diện ‘hạm đội đen’ và chúng hoạt động một cách bất hợp pháp ( …) Bên cạnh đó có những đội tàu thuộc diện hạm đội xám tức là chúng ta biết rõ chúng thuộc về ai,, do công ty nào, quốc gia nào khai thác… Không hẳn họ chuyên chở hàng bất hợp pháp nhưng các đội tàu này tận dụng những kẽ hở hành chính, về pháp lý để chuyên chở hàng bất hợp pháp … ».
Nga đã khai thác một « mô hình » đã có từ trước :
Paul Tourret : « Thoạt đầu, phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số các ‘nhà nước côn đồ’ và như đã biết từ khi Nga xâm chiếm Ukraina thì các biện pháp cấm vận đó đã được mở rộng đến một số hoạt động thương mại, kinh tế, tài chính của nước Nga… Trong đó bao hàm luôn cả vế giao thương hàng hải. Vì chiến tranh, Nga đã tận dụng các hạm đội xám, hạm đội đen để lách lệnh trừng phạt quốc tế ».
Nguy cơ tai nạn thủy triều đen
« Đen » hay « xám » thì đó cũng thường là những con tàu cũ kỹ, tối thiểu đã phục vụ trong 20 năm, không thông qua các khâu kiểm tra về các chuẩn mực an toàn. Trung tâm về quan hệ quốc tế Atlantic Council báo động từ nay đến 2025 ước tính « khoảng 11 % các tàu chở dầu trên thế giới đã ngoài 20 năm tuổi » và để so sánh, trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina, tỷ lệ này được giữ ở ngưỡng 3 %. Thêm vào đó các « Hạm đội ma » không hề có bảo hiểm về an toàn hàng hải : đó là các khoản bảo hiểm đề phòng cướp biển, đề phòng rủi ro chiến tranh, đề phòng tai nạn hàng hải gây thiệt hại cho môi trường …
Bãi biển của Triniđa và Tobago trong vùng biển Caribê đang bị nạn thủy triều đen đe dọa từ đầu tháng 2/2024 vì sau tai nạn vỡ hầm một con « tàu ma » dài 100 mét, nhưng không biết thuộc về ai… Năm ngoái Malaysia « toát mồ hôi hột » khi tàu dầu cũ kỹ Pablo, chứa hơn 700.000 thùng dầu, nổ và bốc cháy ngoài khơi. Theo các điều tra, tàu dầu Pablo nhẽ ra đã phải được « yên nghỉ » từ 2018 nhưng rồi đã được một tập đoàn vận tải của Ấn Độ mua lại. Từ đó tàu đã nhiều lần đổi chủ và khi xảy ra tai nạn Pablo đang chứa dầu của Nga. Nếu như trước đây con tàu này thường đỗ ở ngoài khơi của Iran và Venezuela hay họa hoằn lắm là của Bắc Triều Tiên để « nhận hàng », thì giờ đây, tàu dầu Pablo sang đến tận Malaysia, nhận những « lô dầu của Nga, để cung cấp ngược trở lại cho các khách hàng ở châu Âu ». Đương nhiên là các nhà điều tra đã không thể tìm ra tông tích chủ tàu dầu Pablo. Không thấy các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng trên hồ sơ này.
Chiến lược « tàng hình »
Trả lời kênh truyền thông Euronews, Christopher Weafer, giám đốc công ty tư vấn Macro Advisory Ltd của Anh ghi nhận, chiến thuật của Nga là « biến mất khỏi màn hình radar ». Từ một năm qua, các dịch vụ xuất nhập khẩu dầu hỏa của Nga không còn do các đại tập đoàn năng lượng quản lý nữa. Thay vào đó là « nhiều công ty nhỏ và hoàn toàn không có tiếng tăm » nhưng lại đảm nhiệm khâu vận chuyện cho « hàng triệu thùng dầu sang châu Á. Cũng những công ty này đã nhanh chóng ngừng hoạt động thậm chí mất dạng » khỏi các màn hình radar của các cơ quan có chức năng kiểm soát giao thương hàng hải quốc tế. Vẫn theo lời ông Weafer, « trong trường hợp các giới chức châu Âu phát hiện và nhận diện được những tập đoàn vô danh đó vi phạm lệnh trừng phạt của Âu – Mỹ và bắt đầu cho mở điều tra, thì lập tức những doanh nghiệp và tàu dầu bị nghi ngờ hoạt động trái phép, đổi tên ».
Hơn nữa với đội ngũ « tàu ma », dầu hỏa của Nga từ khi rời các bến cảng cho đến khi được giao cho khách hàng đã « năm lần, bảy lượt được chuyển từ tàu này sang một tàu khác » : đố ai tìm được dấu vết để chứng minh đấy là dầu của Nga.
Từ khi chiến tranh Ukraina khai mào, « Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những nguồn nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga » nhưng « một phần lớn trong số đó trước sau gì rồi cũng sẽ quay trở lại châu Âu ». Macro Advisory Ltd thẩm định mỗi ngày có khoảng 1,5 triệu trên tổng số 10 triệu thùng dầu rời các bến cảng của Nga mà « trên giấy tờ là để hướng tới Trung Quốc hay Ấn Độ » nhưng thực ra « chúng được hòa loãng trên thị trường dầu hỏa thế giới » và để bán cho Liên Hiệp Châu Âu.
Tháng 5/2023 New Delhi thông báo hơn 40 % nhập khẩu dầu hỏa của Ấn Độ là do Nga cung cấp. Đầu chiến tranh Ukraina tỷ lệ này là 2 %. Kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của Ấn Độ sang thị trường châu Âu đang từ chưa đầy 300 triệu euro năm 2021 nhảy vọt lên hơn 1 tỷ đô la vào tháng 4/2023. Giới trong ngành châm biếm nhận xét : là đồng minh chiến lược của Âu Mỹ, là đối tác đáng tin cậy của Bruxelles và Washington, điều đó không cấm cản « Ấn Độ là địa điểm tẩy dầu hỏa của Nga từ dầu bẩn thành dầu sạch » để bán lại cho Liên Âu.
Châu Âu vẫn vướng trong vòng luẩn quẩn của dầu hỏa Nga
Cũng Christopher Weafer cho rằng « Liên Âu không thể kiểm tra nguồn gốc dầu nhập vào khối này ». Hơn nữa « phần lớn dầu của Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đều quay trở lại thị trường châu Âu ». Điều đó chứng tỏ là biện pháp « áp giá trần 60 đô la/thùng » không có hiệu quả.
Đương nhiên là New Delhi từng khẳng định « mua dầu của Nga không để bán lại cho châu Âu » nhưng rồi cũng chính Ấn Độ đã nhìn nhận là nhờ có chiến tranh Ukraina và các biện pháp cấm vận của Âu Mỹ mà đã « tiết kiệm được 2,7 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2023 nhờ nhập khẩu dầu của Nga với giá rẻ ». Vẫn trên đài phát thanh France Culture, giáo sư kinh tế Julien Vercueil Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO cho rằng, chiến tranh Ukraina kéo dài, thị trường dầu hỏa đã hoàn toàn có thời gian để « thích nghi với tình huống » sau những khó khăn ban đầu vào mùa xuân 2022.
Julien Vercueil : « Đã có một sự chuẩn bị cho những loạt trừng phạt đầu tiên nhắm vào nước Nga, chính xác hơn là nhắm vào hệ thống tài chính của Nga. Lập tức Nga gặp khó khắn, thí dụ như đồng rúp trượt giá, thị trường tài chính Matxcơva phải tạm đóng cửa, lạm phát dâng cao khi mà đồng tiền bị phá giá. Nhưng rồi chiến tranh kéo dài, chính quyền Nga đã ‘tương kế tựu kế’ để khắc phục những khó khăn đó. Quan trọng nhất là vẫn giữ được các nguồn thu nhập có được nhờ dầu hỏa, khí đốt. Chính vì chiến tranh, giá dầu bị đẩy lên cao, như chúng ta đã biết. Các tập đoàn dầu khí của Nga có lãi vô cùng và đó là nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin. Không chỉ có phía Nga đã thích nghi với tình huống. Âu – Mỹ cũng đã điều chỉnh cỗ máy trừng phạt để tiếp tục chận các nguồn thu nhập của Matxcơva với hy vọng giảm thiểu khả năng đài thọ các phí tổn chiến tranh ».
Nga hiện vẫn là nguồn sản xuất dầu hỏa lớn thứ nhì trên thế giới và mặc dù kinh tế Nga đã chịu 13 đợt trừng phạt của Liên Âu nhưng dầu khí, phân bón, khoáng sản của Nga vẫn là nguồn thu vào ngoại tệ, cho phép Matxcơva tiếp tục đài thọ cuộc chiến ở Ukraina.
Giới quan sát đồng loạt ghi nhận : Nga khai thác các « đội tàu ma » để tiếp tục xuất khẩu dầu thô, dầu lọc và rất nhiều sản phẩm chế dầu. Ở góc đài bên kia, liên minh Âu Mỹ đã mất cả năm mới đạt được đồng thuận để « trừng phạt, phong tỏa dầu hỏa của Nga ». Phương Tây cũng cần có thời gian để chuẩn bị trước khi « cai nghiện » dầu hỏa, khí đốt của Nga. Song ngay cả việc áp giá trần 60 đô la một thùng dầu của Nga xuất khẩu bằng đường biển, các chuyên gia đồng loạt cho rằng, Âu Mỹ vừa muốn đánh vào túi tiền của tổng thống Putin, vừa muốn tránh để tạo nên một cuộc khủng hoảng dầu hỏa, khi mà không một giọt dầu nào của Nga có thể bán ra cho thế giới bên ngoài. Kinh tế gia Julien Vercueil thuộc viện INALCO phân tích :
Julien Vercueil : « Dầu hỏa là tâm điểm trong số những khả năng của Nga để tài trợ chiến tranh. Dù vậy Liên Âu đã mất cả năm 2022 để tẩy chay năng lượng của Nga. Đến cuối 2022 Bruxelles và một số các đối tác trong khối G7 và Úc … mới đồng ý về mức giá trần để mua vào dầu thô và dầu lọc của Nga. Cùng lúc Liên Âu cũng tìm cách gây khó khăn cho Matxcơva trong các dịch vụ xuất khẩu dầu hỏa cho các đối tác khác ngoài châu Âu và liên minh phương Tây. Bruxelles nhắm tới lĩnh vực vận tải đường biển. Tính toán đó đặt ra hai vấn đề cho phương Tây. Thứ nhất là nếu phong tỏa toàn bộ mọi khả năng xuất khẩu dầu lửa của Nga, thì sẽ lại càng gây nên một cơn sốt dầu, tác hại đến kinh tế toàn cầu. Đó là điều mà Âu Mỹ không mong muốn. Điểm thứ nhì là Liên Âu muốn bớt lệ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng vẫn muốn rằng các biện pháp trừng phạt Matxcơva không là gánh nặng ảnh hưởng đến đời sống của người dân châu Âu ».
Sự hiện diện và các hoạt động dồn dập của những « hạm đội Ma » trong lĩnh vực xuất khẩu dầu hỏa của Nga cho thấy : thứ nhất, Liên Âu vẫn « nghiện » năng lượng của Nga. Thứ hai là trong các hoạt động không minh bạch đó, các tập đoàn dầu khí Nga đã được từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ấn Độ và cả Hy Lạp cùng nhiều quốc gia phương tây khác, những điểm tựa vững chắc của Ukraina tiếp tay.
Về phía Bruxelles đành phải nhắm tới mục tiêu dài hạn : các thông cáo chính thức vẫn xác nhận cho đến giữa năm 2023 các nguồn thu nhập dầu hỏa của Nga giảm 50 % dưới tác động « đòn trừng phạt giá trần 60 đô la một thùng dầu ». Phương Tây không muốn « gạt Nga ra ngoài thị trường dầu hỏa thế giới mà chỉ muốn thu hẹp mức lãi của các tập đoàn Nga từ các hoạt động xuất khẩu năng lượng » và nhất là « về lâu dài, cô lập các nhà sản xuất Nga với công nghệ tiên tiến ở các khâu thăm dò, khai thác và lọc dầu ».