Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc: vẽ chữ “Trung” trên vùng biển Việt Nam

RFA
2024.02.23

Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc: vẽ chữ “Trung” trên vùng biển Việt Nam

Đường di chuyển của tàu khảo sát Trung Quốc trong hai tháng 5 và 6, 2023 theo mô hình chữ “Trung” ( “中”) ngoài khơi bờ biển Việt Nam. (Ảnh minh họa)

 Raymond Powell / Sealight Project

Như ở bài trước đã chỉ ra, trong năm 2023,Việt Nam và Philippines áp dụng hai chiến thuật khác nhau đối với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông: Việt Nam im lặng trên truyền thông còn Philippines công khai các hành vi của Trung Quốc ra toàn thế giới. Hai cách thức ứng xử này liệu có dẫn đến hai kết quả khác nhau trong năm 2024 và dài hạn? 

RFA đặt câu hỏi với ông  Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, về lý do các tàu khảo sát của Trung Quốc khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đường đi theo hình ngang và dọc đều đặn như hình bàn cờ. 

Ông Powell cho biết mô hình di chuyển như vậy không có ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật như để vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hay để khảo sát địa chất. Ông cho rằng có thông điệp chính trị nhiều hơn:  

“Nhìn vào mô hình đường đi khảo sát của các tàu khảo sát trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta ngạc nhiên về đường đi kì lạ của nó. 

Theo tôi, lời giải thích hợp lý duy nhất là Trung Quốc thực sự muốn vẽ một ký tự trong chữ Trung Quốc, chữ “Trung” , nghĩa là “Trung Quốc.” 

Về cơ bản nó gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng Trung Quốc coi các mỏ dầu ở Bãi Tư Chính là thuộc về Trung Quốc. 

Đó là một hành động rất táo bạo và quyết đoán. Tôi nghĩ nó báo hiệu rằng các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.” 

Lập luận như vậy, ông Powell cho rằng mặc dù Việt Nam cố gắng giữ mức độ căng thẳng ở mức thấp, và tất nhiên điều đó giúp Việt Nam dễ thở hơn, nhưng không ai dám chắc năm 2024 và các năm tới, tàu Hải cảnh Trung Quốc sẽ giảm xâm nhập và tuần tra trong EEZ của Việt Nam.

Theo ông Powell, kiểm soát truyền thông về các hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc trên Biển Đông gần như là chiến lược điển hình của Việt Nam đối với đại cường phía bắc trong nhiều năm qua, trừ một số ngoại lệ. Ông nói:

“Tôi đã ở Hà Nội vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981. Lúc đó Việt Nam thực hiện chiến lược ngược lại. Việt Nam đã tung ra các video về tất cả cảnh đâm tàu và bắn vòi rồng của Trung Quốc xung quanh giàn khoan dầu. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng với Trung Quốc đã leo thang. Nó gây ra một số vấn đề trong nội bộ Việt Nam khi một số cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm đó, điều đó cũng khiến Trung Quốc ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó đã mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy. Tôi tin rằng Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định. 

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định nội bộ bởi vì đó là một chế độ cộng sản. Đối với họ, duy trì sự ổn định nội bộ, để người dân không trở nên quá đỗi giận dữ là điều rất quan trọng.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng muốn có thể quản lý xung đột với Trung Quốc một cách cẩn thận. Và một lần nữa, như bạn đã đề cập, tôi nghĩ họ tin rằng giọng điệu nhẹ nhàng sẽ mang lại cho họ thành công.”

Tuy vậy, ông Powell cho rằng, về lâu dài, ông không tin chiến thuật im lặng trên truyền thông của Việt Nam sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tuần tra ngày càng nhiều hơn trong vùng đặc quyền kinh tế, khảo sát thềm lục địa và các mỏ dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn và Tư Chính Vũng Mây ngoài khơi bờ biển phía nam của mình.

RFA đặt câu hỏi với ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, rằng nếu Việt Nam im lặng trên truyền thông về các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, liệu hai nước này có một cơ chế nào khác để giải quyết xung đột trên Biển Đông? Ông Greg Poling nhận xét:

“Trung Quốc và Việt Nam không có cơ chế giải quyết xung đột. Họ đã có một số nỗ lực giải quyết xung đột và những nỗ lực đó có nhiều thành công khác nhau. Họ có các cuộc tuần tra chung hàng năm của Cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ mà cả hai bên đã công bố rộng rãi. Nhưng tất nhiên những điều đó chẳng làm được gì cả. Họ thậm chí chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.” 

Theo ông Greg Poling, niềm tin nhất quán của Việt Nam là nước này gần gũi hơn với Trung Quốc. Nước này có lịch sử xung đột lâu dài hơn với Trung Quốc. Họ vẫn xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực thường xuyên hơn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đặc biệt liên quan đến ngư dân Việt Nam. Họ tin rằng tranh chấp không thể giải quyết được trong ngắn hạn và trung hạn.”

Vì vậy, ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn bất kỳ bên tranh chấp nào khác để ngăn chặn Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cố gắng giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao để không lan sang một cuộc xung đột mà cuối cùng sẽ không có ích gì cho lợi ích quốc gia của mình. 

Ông Poling chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục phát triển mỏ dầu khí ở Bãi Tư Chính bất chấp tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt ở đó hàng ngày, bất chấp Trung Quốc tung các tàu nghiên cứu để khảo sát thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn đang neo đậu 270 ngày một năm ở Trường Sa mà không làm gì cả. 

Mặc dù chính quyền Việt Nam im lặng trên truyền thông, ông Poling cho rằng những hành vi cưỡng bách của Trung Quốc vẫn khiến nước này ngày càng ít được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và giới thượng lưu trong toàn khu vực Đông Nam Á. Các hành vi đó của Trung Quốc cũng thúc đẩy một mạng lưới quan hệ an ninh và ngoại giao mới nhằm cân bằng một Trung Quốc hung hãn hơn. Ông nói tiếp:

“Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc một phần, bởi vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đã không hình thành nếu không có một Trung Quốc hung hãn. 

Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì đã tái sinh một Liên minh Hoa Kỳ – Philippines. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì nhờ họ mà xuất hiện ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử mới của Philippines với việc hợp tác Cảnh sát biển giữa một số nước trong khu vực. 

Tất cả điều này đã xảy ra vì Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang làm suy yếu lợi ích của chính mình và nước này không còn giành thêm được bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông trong ít nhất hai năm qua.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment