Đường đi của xăng dầu qua Việt Nam tới Myanmar, vi phạm lệnh cấm quốc tế

Cảnh cảng ở Myanmar
Chụp lại hình ảnh,Cảng sông Yangon năm 2020

28 tháng 2 2024

Một báo cáo mới đây đã phơi bày cách thức xăng dầu từ Trung Quốc và một số nơi khác thông qua công ty ở Việt Nam rồi được chuyển đến cho chính quyền quân sự Myanmar, vi phạm lệnh cấm quốc tế.

Một công ty Việt Nam bị cáo buộc tham gia vận chuyển xăng dầu cho chính quyền quân sự Myanmar, thông qua cảng Cái Mép – Thị Vải, theo báo cáo do Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố ngày 31/1.

Hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar đã sử dụng các chiêu thức mới để nhập khẩu nhiên liệu, thông qua quốc gia trung gian.

Đã có ít nhất bảy đợt vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Myanmar, từ kho xăng dầu Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) do Công ty Hải Linh vận hành, theo các hình ảnh vệ tinh, dữ liệu theo dõi tàu thuyền và hải quan mà Tổ chức Ân xá Quốc tế thu thập được trong năm 2023.

Các đợt vận chuyển diễn ra vào tháng 4, 5, 6, 7, 8 và 12/2023, theo phát hiện của Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh.

Sáu trong số bảy đợt vận chuyển của Việt Nam sang Myanmar được thực hiện bằng tàu dầu Huitong 78 mang cờ Trung Quốc, một đợt vận chuyển bằng tàu dầu Yida 8 mang cờ Liberia, theo báo cáo.

Tổ chức Ân Xá Quốc tế xác định nơi bắt nguồn của ba đợt vận chuyển xăng dầu đến Việt Nam là từ cảng của Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) ở thành phố Huệ Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) vào tháng 8/2023.

Hai vụ vận chuyển khác là vào tháng 4 và tháng 5, xuất phát từ cảng Pengerang Independent ở Malaysia, rồi đến Việt Nam, sau đó di chuyển đến Myanmar bằng một con tàu khác, báo cáo nêu.

Đường đi ra sao?

Ảnh chụp vệ tinh của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại kho xăng dầu Cái Mép lần lượt vào tháng 12/2023 (ảnh bên trái) và tháng 8/2023 (ảnh bên phải), cho thấy một con tàu, mà tổ chức này cho rằng là tàu chở dầu Huitong 78
Chụp lại hình ảnh,Ảnh chụp vệ tinh của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại kho xăng dầu Cái Mép lần lượt vào tháng 12/2023 (ảnh bên trái) và tháng 8/2023 (ảnh bên phải), cho thấy một con tàu, mà tổ chức này cho rằng là tàu chở dầu Huitong 78

Theo báo cáo, con đường vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Myanmar như sau:

Đầu tiên, nhà cung cấp bán xăng dầu cho một công ty giao dịch (trader). Công ty giao dịch này sau đó bán số xăng dầu trên một hoặc nhiều lần.

Nhưng trong mọi trường hợp, lần bán áp chót (second-to-last sale)trước khi được vận chuyển đến cho Myanmar là từ một công ty giao dịch (trader) với công ty Việt Nam.

Công ty Việt Nam này sau đó nhận nhiên liệu từ kho xăng dầu của Công ty Hải Linh ở cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Công ty xăng dầu Hải Linh là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn ở Việt Nam, được thành lập vào năm 2002.

Sau khi trữ xăng dầu từ vài giờ đến vài ngày, số xăng dầu này được bán sang cho chính quyền quân sự Myanmar và được vận chuyển bằng tàu, theo báo cáo.

Dữ liệu hải quan của Việt Nam mà Tổ chức Ân xá Quốc tế thu thập được cũng xác định rõ những công ty giao dịch xăng dầu này, nổi bật nhất có BB Energy (Asia), một công ty tư nhân tại Singapore do BB Energy có trụ sở tại Dubai sở hữu.

Tổ chức Ân xá Quốc tế không xác định được liệu những công ty này có biết sau khi bán xăng dầu cho các công ty Việt Nam thì cuối cùng sẽ được chuyển đến Myanmar hay không.

Hiện chưa có phản ứng từ Công ty xăng dầu Hải Linh liên quan đến những thông tin trong báo cáo này.

“Vai trò của Việt Nam ở đây đặc biệt có vấn đề. Cảng Cái Mép cần thiết cho chuỗi cung ứng mới này hoạt động. Vì vậy, chính phủ Việt Nam phải có nghĩa vụ đảm bảo các cảng không được sử dụng cho các hoạt động liên quan đến những vi phạm nhân quyền,” Montse Ferrer, Phó Giáo đốc nghiên cứu vùng Đông Nam Á và Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nêu trong báo cáo.

Cho đến nay, về phần mình, Việt Nam thường xuyên lặp lại tuyên bố Việt Nam cùng ASEAN hỗ trợ Myanmar thúc đẩy giải pháp hòa bình và bền vững.

Không kích – chiến lược chết chóc

Thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Mandalay
Chụp lại hình ảnh,Thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Mandalay chuẩn bị phóng drone để chống trả quân đội Myanmar tại bang Shan ở miền bắc, ảnh vào tháng 12/2023

Không kích đã trở thành chiến thuật chết chóc mới nhất của chính quyền quân sự Myanmar từ năm 2023 cho đến nay, nhằm nghiền nát các lực lượng đối lập.

Tính từ tháng 2/2021 tháng 8/2023, chính quyền quân sự đã tiến hành ít nhất 2.000 cuộc không kích, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Myanmar (Myanmar Strategy and Policy Studies Institute, ISP Myanmar).

Đã có hơn 600 thường dân thiệt mạng liên quan đến các cuộc không kích này, theo Nyan Lin New Group, cũng tính đến tháng 8/2023.

Theo BBC Tiếng Miến Điện, chiến đấu cơ hoặc máy bay huấn luyện mà Myanmar dùng là những loại do Nga chế tạo, gồm Yak-130, MiG-29, SU-30, do Trung Quốc chế tạo gồm F-7 và J-5.

Nhiên liệu mà các chiến đấu cơ sử dụng là loại Jet A1.

Báo cáo hồi tháng 5/2023 mà Liên Hợp Quốc công bố có nội dung Nga và Trung Quốc đã bán vũ khí sát thương, được sử dụng trong những chiến dịch chết chóc của chính quyền quân sự Myanmar nhằm nghiền nát các lực lượng đối lập.

Khi đó, trực thăng Mi-35 do Nga chế tạo, các máy bay chiến đấu MiG-29 và Yak-130, máy bay K-8 của Trung Quốc, được thường xuyên sử dụng nhất trong các cuộc không kích nhằm vào trường học, cơ sở y tế, nhà dân và các địa điểm dân sinh khác, theo Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền tại Myanmar hồi tháng 5/2023.

Chính quyền quân sự Myanmar do Tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo đang gánh chịu các lệnh trừng phạt quốc tế sau ba năm xảy ra cuộc đảo chính.

Thống kê ngày 24/2 của tổ chức Justice for Myanmar cho thấy các nền dân chủ hàng đầu thế giới đang không thực hiện đủ mạnh các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào cá nhân và thực thể kinh doanh liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar.

Theo thống kê, Úc, Canada, Liên minh châu Âu (EU), New Zealand, Anh, Mỹ đã tiến hành các lệnh trừng phạt, trong khi Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa áp đặt biện pháp nào nhằm vào chính quyền quân sự.

Ông Volker Turk, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền vào tháng 1/2024 cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar “đang rơi tự do”.

“Tôi kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tiến hành các biện pháp thích hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng này, bao gồm cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quân đội Myanmar nhằm kiềm chế khả năng của họ trong việc thực hiện những vi phạm nghiêm trọng và phớt lờ luật pháp quốc tế, giới hạn các tiếp cận vũ khí, nhiên liệu cho chiến đấu cơ và ngoại tệ”, ông Volker Turk nói.

Bài Liên Quan

Leave a Comment