Tổng thống Macron gợi ý điều quân đến Ukraine, các đồng minh NATO bác bỏ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu hôm thứ Hai 26/2: “Không nên loại trừ điều gì. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để nước Nga không thể chiến thắng cuộc chiến tranh [Ukraine] này.”

  • Tác giả,Lipika Pelham & Lou Newton
  • Vai trò,BBC News

Một số quốc gia NATO, gồm Mỹ, Đức và Anh, đã bác bỏ khả năng điều động lục quân đến Ukraine sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “không nên loại trừ điều gì”.

Ông Macron nói “không có sự đồng thuận” về việc đưa binh sĩ phương Tây đến Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo về một cuộc xung đột trực tiếp nếu quân đội NATO được điều động tới Ukraine.

Quân Nga gần đây đã có thêm bước tiến tại Ukraine và Kyiv cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cần có thêm vũ khí.

Ông Macron phát biểu trong cuộc họp báo vào tối thứ Hai (26/2) rằng: “Chúng ta không nên loại trừ khả năng có những nhu cầu an ninh đòi hỏi yếu tố điều động [binh sĩ].

“Nhưng tôi đã nói với quý vị rất rõ ràng rằng về việc nước Pháp duy trì lập trường của mình như thế nào, đó là lập trường mơ hồ chiến lược mà tôi hậu thuẫn.”

Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu tại Paris, hiện đang chủ trì một cuộc họp để giải quyết khủng hoảng nhằm mang đến sự hậu thuẫn dành cho Ukraine, với sự tham dự của những người đứng đầu quốc gia ở châu Âu, cũng như Mỹ và Canada.

Cuộc xâm lược tổng lực nhằm vào Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động hiện đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến tranh lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II sẽ sớm chấm dứt.

Bình luận của ông Macron đã dẫn đến phản ứng từ các quốc gia thành viên của châu Âu và NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng “con đường đến chiến thắng” là viện trợ vũ khí “để binh sĩ Ukraine có vũ khí và đạn dược mà họ cần để bảo vệ chính mình”, theo một thông cáo của Nhà Trắng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố không có sự thay đổi nào trong lập trường đã được đồng thuận, rằng sẽ không có quốc gia châu Âu hoặc NATO nào đưa quân đến Ukraine.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói Anh không có kế hoạch về việc huy động quân sự quy mô lớn đến Ukraine vượt quá số ít quân nhân phụ trách huấn luyện cho lực lượng Ukraine.

Văn phòng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói sự ủng hộ của Ý “không bao gồm sự hiện diện binh lính từ các quốc gia châu Âu hoặc NATO trên lãnh thổ Ukraine”.

Đại diện Kremlin, ông Peskov, đã gọi lời đề nghị của ông Macron là “một yếu tố mới rất quan trọng” và cho biết thêm điều này tuyệt đối không nằm trong lợi ích của các quốc gia thành viên NATO.

“Trong trường hợp đó, điều chúng ta có thể thấy không phải là có xảy ra hay không, mà là chắc chắn sẽ xảy ra [một sự xung đột trực tiếp],” ông nói.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ việc cân nhắc liệu có đưa binh sĩ đến Ukraine hay không, mặc dù ông khẳng định liên minh này sẽ vẫn tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO.

Lập trường này đã được một số quốc gia thành viên NATO hưởng ứng, bao gồm Tây Ban Nha, Ba Lan và Czech.

Nga có nguồn đạn pháo và lực lượng quân đội lớn hơn nhiều so với Ukraine, quốc gia vốn đang phải rất phụ thuộc vào nguồn khí tài hiện đại do các đồng minh phương Tây cung cấp, đặc biệt là từ Mỹ.

Cuộc họp ‘căng thẳng nhất’

Chiến trường Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Viện trợ quân sự của phương Tây đóng vai trò rất quan trọng cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga

Hôm thứ Ba 27/2, ông Biden đã hối thúc các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 60 tỷ USD dành cho Ukraine, trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục.

Gói viện trợ này đã trải qua một cuộc vật lộn khó khăn tại Hạ viện Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã giữ vững lập trường trong cuộc họp, khẳng định trước hết phải có thêm các cải cách liên quan đến vấn đề biên giới.

Ông Johnson đã tuyên bố khủng hoảng tại biên giới Mexico-Mỹ là ưu tiên của ông và ông Biden đã đề xuất gói viện trợ này sẽ bao gồm các đề xuất cải cách biên giới – nhưng Đảng Cộng hòa không khoan nhượng.

Lãnh đạo phe Đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói đây là một cuộc họp ở Phòng Bầu dục “căng thẳng nhất” mà ông đã từng tham gia.

Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất dành cho Ukraine và đã cam kết 45 tỷ USD tính đến ngày 15/1, theo dữ liệu của Viện Kiel.

Đức xếp thứ hai trong với các cam kết trị giá 17,7 tỷ euro, xét trong cùng thời kỳ, theo sau là Anh với 9,1 tỷ euro viện trợ quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự một cuộc họp ở Paris hôm thứ Hai (26/2) qua video và ông nói rằng “việc chúng ta cùng nhau làm tất cả để chống lại sự áp bức của Nga đã mang đến nền an ninh thật sự cho các quốc gia của chúng ta trong các thập niên tiếp theo”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment