RFA
2024.03.01
Trang bìa của báo cáo ngày 1/3/2024 của Dự án 88
Dự án 88: Bộ Chính trị Đảng CSVN rò rỉ Chỉ thị mật “tuyên chiến chống nhân
Chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ra văn bản đóng dấu “Mật” chính thức tuyên bố cuộc chiến chống lại dân chủ và nhân quyền, theo tổ chức Dự án 88 (Project 88).
Tổ chức chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam ngày 01/3 công bố báo cáo với tựa đề “Vietnam’s leaders declare war on human rights as a matter of official policy” (tạm dịch Lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền như chính sách chính thức), phân tích về Chỉ thị 24.
Chỉ thị do Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 13/7/2023 về “bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” trong đó cơ quan quyền lực nhất của đảng cầm quyền nêu bật những thách thức trong việc bảo vệ chế độ khi mở rộng bang giao quốc tế và yêu cầu toàn thể bộ máy thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm giữ vững thể chế.
Truyền thông Nhà nước có một số lần đề cập tới văn bản này như trong bài viết của trang web chính thức của Bộ Công an về hội nghị tổ chức ngày 21/12/2023 về quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW, trong đó Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai đề nghị quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm “Bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh quốc gia,” “Giữ vững độc lập, tự chủ, an ninh, lợi ích quốc gia, thế chủ động chiến lược; bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ”…
Dự án 88 trong báo cáo của mình cho rằng:
“Chỉ thị coi tất cả các hình thức thương mại và hợp tác quốc tế là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và đưa ra một kế hoạch đáng lo ngại nhằm đối phó với những mối đe dọa này bằng cách vi phạm một cách có hệ thống nhân quyền của 100 triệu công dân của đất nước, những người, do tính chất tuyệt mật của chỉ thị, hoàn toàn không biết nội dung của nó.”
Theo nội dung bản sao của Chỉ thị 24 mà phóng viên RFA tiếp cận được nhưng không thể kiểm chứng tính xác thực, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các mối đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia như “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật.
Chỉ thị cũng cảnh báo khả năng lợi dụng các định chế, cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, ký kết để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy “cách mạng màu” hoặc “cách mạng đường phố.”
Dự án 88 cho rằng với văn bản này, các nhà lãnh đạo Việt Nam “có quan điểm trái chiều sâu sắc về quá trình hội nhập của đất nước với thế giới và đưa ra một cái nhìn hiếm hoi về tâm trí hoang tưởng của họ.”
Trong email gửi cho Đài Á Châu Tự Do về Chỉ thị 24, giáo sư Carl Thayer, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ tiếp tục đàn áp xã hội dân sự và giới hoạt động dân chủ trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chỉ thị được ban hành sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (29/3/2023) và thảo luận giữa Cố vấn an ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan với Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam Lê Hoài Trung (29/6/2023) về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Ông cho rằng bằng văn bản này, ban lãnh đạo cao nhất của Việt Nam muốn trấn an những cá nhân bảo thủ trong Đảng khi mở rộng hội nhập quốc tế:
“Chỉ thị 24 là phản ứng của ĐCSVN đối với các quan chức đảng và chính phủ- những người phản đối hoặc dè dặt trong việc nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Quyền lực của Tổng Bí thư được viện dẫn để đảm bảo rằng việc nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không làm suy yếu chế độ độc đảng và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.”
Đàn áp tự do ngôn luận và hội họp
Chỉ thị 24 đặc biệt yêu cầu lực lượng công an và quân đội “Nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hoạt động của các thể lực thù địch, phản động, đối tượng chống đối chính trị, các loại tội phạm, nhất là hoạt động cài cắm nội gián, kích động biểu tình, bạo loạn, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, kiểm soát các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự khi Việt Nam ban hành các quy định cụ thể thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong mọi tình huống.”
Chỉ thị cũng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng thông tin liên lạc và mạng xã hội để “tuyên truyền sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa” đồng thời nỗ lực “chống tin giả, đặc biệt trên không gian mạng” trong khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Trong ngày 29/2, Công an thành phố Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, và cựu tù chính trị, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, blogger của RFA. Cả hai dường như đều bị bắt vì các bài bình luận thời sự Việt Nam trên kênh Youtube từ nhiều năm trước.
Trước đó, từ giữa tháng 7/2023, an ninh Việt Nam cũng bắt giữ 15 nhà hoạt động và Facebooker, đa số bị bắt tạm giam để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì đăng tải hoặc phát tán bài viết cổ suý dân chủ và nhân quyền và chống tham nhũng trên mạng xã hội.
Bình luận về đàn áp tự do ngôn luận trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân nói trong ngày 01/3:
“Đảng Cộng sản VN luôn luôn cho rằng có một thế lực thù địch rất lớn đang tìm cách tấn công hoặc lật đổ chính quyền hoặc làm suy giảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Do vậy, một mặt người ta sẽ vẫn tăng cường hợp tác với phương Tây nhưng mặt khác họ sẽ tìm ra các đối sách để chống lại (ảnh hưởng của) phương Tây, từ chuyện nguồn tài trợ đến các việc như thành lập các công đoàn rồi các vấn đề về xã hội dân sự hay là trực tiếp các cá nhân ở Việt Nam mà có liên quan đến yếu tố nước ngoài hoặc là hợp tác cùng với phương Tây như thế thì họ luôn luôn đề phòng và tìm cách bắt giữ.”
Chỉ thị 24 yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc đi lại nước ngoài của công dân Việt Nam và ngăn chặn xã hội dân sự trong việc định hình chính sách của nhà nước và thành lập các nhóm đối lập chính trị.
Chỉ thị cũng xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia cần phải được giải quyết, quán triệt không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.
Đáng chú ý, chỉ thị yêu cầu “tăng cường quản lý việc tiếp nhận tài trợ từ nước ngoài, nhất là các dự án liên quan đến xây dựng chính sách, pháp luật; không tiếp nhận tài trợ nước ngoài đối với các dự án xây dựng pháp luật có nội dung phức tạp, nhạy cảm và hạn chế tối đa đối với các trường hợp khác.”
Dự án 88 nói Chỉ thị 24 là một sự vi phạm nhân quyền trầm trọng và kêu gọi Hoa Kỳ cấm các uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSVN nhập cảnh, không cung cấp viện trợ quân sự và không bán vũ khí cho Việt Nam.
Tổ chức này cũng kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) không ưu đãi cho hàng hoá Việt Nam vì các vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống của Hà Nội.
“Mặt nạ đã rớt. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nói rằng họ có ý định vi phạm nhân quyền như một vấn đề chính sách chính thức. Họ hiện đang trực tiếp dính líu đến sự lạm dụng của nhà nước và cần được cộng đồng quốc tế cô lập chứ không được đón nhận,” ông Ben Swanton, Đồng giám đốc Dự án 88 cho biết trong báo cáo.