(Ảnh minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
Kevin Stocklin
Thứ sáu, 01/03/2024
Việc phát triển quang năng cần rất nhiều đất đai, vậy nên chính phủ TT Biden đã đề xuất chọn ra đến 55 triệu mẫu Anh đất công cộng làm những địa điểm tiềm năng để lắp đặt các nhà máy quang năng có quy mô công nghiệp.
Đó là một khu vực rộng hơn 36 tiểu bang và có diện tích tương đương với Idaho hoặc Minnesota.
Một sáng kiến được cập nhật của Cục Quản lý Đất đai (BLM), được gọi là Kế hoạch Quang năng Miền Tây, đề xuất sáu lựa chọn khác nhau cho việc phát triển quang năng.
Với lựa chọn mạnh mẽ nhất thì 55 triệu mẫu Anh trên khắp 11 tiểu bang miền Tây sẽ được dành riêng cho việc phát triển quang năng. Giải pháp thay thế nhẹ nhàng nhất thì định ra 8 triệu mẫu Anh cho mục đích đó.
“Giải pháp thay thế ưu tiên” của BLM nằm trong khoảng giữa, dành ra 22 triệu mẫu Anh để phát triển quang năng.
Tổng cộng, BLM quản lý 162 triệu mẫu Anh đất công cộng được xác định là “đa dụng.” Những mục đích sử dụng đa dạng này bao gồm nông nghiệp, chăn nuôi, săn bắn và câu cá, đi bộ đường dài và cắm trại, khoan dầu khí, và khai thác mỏ — và gần đây hơn là lắp đặt các hệ thống phong năng và quang năng cũng như các đường dây truyền tải để kết nối các hệ thống này với lưới điện.
BLM, một bộ phận của Bộ Nội vụ, tuyên bố rằng, để thực hiện mục tiêu của chính phủ Tổng thống Biden là tạo ra 25 Gigawatt (GW) điện từ phong năng và quang năng trên các vùng đất công cộng vào năm 2025 và sản xuất ra 100% điện “có thể tái tạo” vào năm 2035, thì các tấm pin mặt trời sẽ cần được lắp đặt trên 700,000 mẫu Anh đất công cộng.
Theo Bộ Năng lượng, để sản xuất 1 GW điện thì cần hơn 3 triệu tấm pin mặt trời. Một GW có thể cung cấp năng lượng cho trung bình cho 500,000 đến 750,000 ngôi nhà, với giả định là việc sản xuất và sử dụng điện của một nguồn cung cấp điện là liên tục.
Thứ trưởng Lâm thời Bộ Nội vụ Laura Daniel-Davis cho biết trong một tuyên bố hôm 17/01, “Công việc của Bộ Nội vụ… là rất quan trọng để đạt được mục tiêu của chính phủ Biden-Harris về một ngành điện không gây ô nhiễm carbon vào năm 2035.”
“Và lộ trình quang năng được cập nhật này sẽ giúp chúng tôi đạt được điều đó ở nhiều tiểu bang hơn và trên nhiều vùng đất hơn khắp miền Tây,” bà nói.
“Đất công cộng của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.”
Các tiểu bang được khai triển dự án phát triển quang năng bao gồm Arizona, California, Colorado, Idaho, Montana, Nevada, New Mexico, Oregon, Utah, Washington, và Wyoming. Sáng kiến này nằm trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về đất đai của các công ty quang năng.
Quy mô vô cùng rộng của kế hoạch BLM này — xác định hàng chục triệu mẫu Anh để phát triển quang năng và cơ quan này cho biết 700,000 mẫu Anh sẽ đủ để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ TT Biden — là một tín hiệu đáng báo động đối với nhiều cộng đồng.
Ông Dylan Hoyt, giám đốc chương trình quy hoạch tại văn phòng điều phối chính sách Đất Công cộng của Utah, gọi đây là một “điều bị dư luận phản đối.”
“Khi tôi nói dư luận phản đối, ý tôi là khi quý vị nói với tôi rằng tôi có 17,000 mẫu Anh ở Utah dành riêng cho quang năng, và giờ thì chúng ta sẽ tăng vọt lên tới 3.7 hoặc 1.5 triệu mẫu,” ông nói với The Epoch Times.
“Điều đó nghe thật kinh khủng.”
Các tổ chức về môi trường và những người ủng hộ phong năng và quang năng đã hoan nghênh kế hoạch này. Hiệp hội Hoang dã đã đưa ra một tuyên bố rằng, “khi đối mặt với áp lực khí hậu và sự bất công của hệ thống năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch hiện tại của chúng ta, một sự chuyển đổi nhanh chóng sang một nền kinh tế dựa trên năng lượng tái tạo là cần thiết.”
Los Angeles Times đã xuất bản một bài xã luận ủng hộ, trong đó cho biết, “Kế hoạch quang năng miền Tây của ông Biden nghe có vẻ đáng sợ, nhưng như vậy còn tốt hơn biến đổi khí hậu.”
Bài báo đề cập đến ông Robert Moses, Ủy viên Công viên và Giải trí không được bầu chọn giữa thế kỷ 20 của New York, người chịu trách nhiệm cho các dự án quy hoạch đô thị rộng lớn bao gồm công viên, cầu, và đường cao tốc trên khắp tiểu bang.
Trong số các dự án lớn mang tiếng xấu của ông Moses có các hệ thống đường cao tốc như Xa lộ Cross Bronx chạy ngang qua các cộng đồng đô thị và biến các khu dân cư nhộn nhịp một thời thành các khu ổ chuột.
‘Tàn phá môi trường để cứu môi trường’
Một số người sẽ chịu thiệt hại từ kế hoạch quang năng BLM này nói rằng, mặc dù có sự bảo đảm từ các nhóm bảo vệ môi trường, họ vẫn quan tâm đến quy mô của dự án phát triển của chính phủ và số lượng đất đai mà dự án sẽ sử dụng.
“Họ nói rằng chúng tôi phải bảo vệ môi trường, nhưng họ vẫn bình thản khi tàn phá môi trường để cứu môi trường,” ông Gab Gabella Hoffman, nhà phân tích chính sách và là người chủ trì chương trình podcast “District of Conservation” (Địa hạt Bảo tồn), nói với The Epoch Times. “Nếu quý vị là một nhà bảo tồn thì như vậy thật vô lý.”
Một báo cáo của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên, được công bố hồi tháng 05/2023, tuyên bố rằng đạt được mục tiêu phát thải carbon dioxide (CO2) bằng 0 vào năm 2050 bằng cách sử dụng phong năng và quang năng sẽ đòi hỏi diện tích đất hơn 250,000 dặm vuông, hoặc 160 triệu mẫu Anh, tương đương với một khu vực có diện tích bằng với tiểu bang Texas
Một số cộng đồng có trong kế hoạch của ngành công nghiệp phong năng và quang năng cho biết đây là một cái giá phải trả quá cao để đổi lấy một lợi ích không chắc chắn. Nhà phân tích năng lượng Robert Bryce lưu trữ một cơ sở dữ liệu gồm hơn 600 cộng đồng địa phương đã phản đối các hệ thống phong năng và quang năng trên khắp Hoa Kỳ cho đến nay.
Ông nói với The Epoch Times, “Đây là ý tưởng cho rằng chúng ta có thể cứu môi trường bằng cách thay thế quang cảnh nông thôn bằng một đại dương các tấm pin mặt trời và những khu rừng tua-bin gió — khó có thể hiểu nổi các nhà hoạt động khí hậu có thể biện minh gì cho điều này.”
Để dẹp yên sự phản đối từ địa phương, một số tiểu bang, gần đây nhất là Michigan, đang viết ra các luật mới nhằm ngăn chặn các cộng đồng địa phương cấm các dự án phong năng và quang năng. Tuy nhiên, một số người ở các tiểu bang miền Tây cho biết họ vẫn nghĩ rằng sẽ có sự phản kháng đáng kể đối với kế hoạch của BLM.
Ông Hoyt cho biết, “Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến động vật hoang dã.” Và không chỉ là một tác động đến các loài sống trong các khu vực đặt tấm năng lượng mặt trời được xác định mà còn đối với những loài di cư ngang qua các khu vực này.
Ông nói rằng, “Chắc chắn sẽ có những xung đột với các chủ trang trại, có thể có những xung đột với việc tiếp cận các vùng đất công cộng tùy thuộc vào nơi các hệ thống quang năng được xây dựng, và có thể có những xung đột tiềm tàng với ngành khai thác mỏ.”
“Các tiểu bang đã thực sự không có tiếng nói trong các mục tiêu này ngay từ ban đầu, điều mà tôi cho là thật đáng thất vọng vì các tiểu bang này đại diện cho người dân.”
Từ đa dụng đến sử dụng cho một mục đích đơn lẻ
Một trong những tiểu bang khai triển chủ yếu cho việc phát triển quang năng là Nevada, vì lượng ánh sáng mặt trời mà Nevada nhận được cũng như vị trí của tiểu bang gần với California và Las Vegas trong khi nhu cầu về điện của hai tiểu bang này ngày càng tăng.
Chính phủ liên bang sở hữu 85% đất đai của Nevada, hầu hết là sa mạc, nhưng cư dân nơi này tranh cãi về quan niệm cho rằng tiểu bang này không có động vật hoang dã. Cư dân cũng cho biết họ lo ngại về quy mô vô cùng rộng lớn của kế hoạch quang năng BLM.
“Nevada là nơi khai thác đá cứng,” ông Andy Rieber, một tư vấn viên đất công cộng cư trú tại Nevada, nói với tờ The Epoch Times, “nhưng những khu vực bị xáo trộn vì hoạt động khai thác mỏ ở Nevada trung bình là dưới 1,000 mẫu Anh (~ 4 km2)
“Nhìn vào những dự án phát triển năng lượng mặt trời được đề nghị ở tiểu bang Nevada, có một vài dự án nhỏ, nhưng hầu hết trong số đó đang trải dài khoảng 4,000 đến 5,000 mẫu Anh, (khoảng 16 km2 – 20.2 km2),” ông nói. “Có một dự án nổi bật là một khu phức hợp gồm bảy cơ sở nằm cạnh nhau và sẽ bao phủ khoảng 62,000 mẫu Anh (~ 250 km2), tức là rất nhiều đất đai.”
Và trong khi nhiều nhà hoạt động khí hậu sẽ không phải khóc lóc vì các ngành như khai thác, khoan dầu khí, và canh tác gia súc biến mất, thì các cộng đồng địa phương cho biết họ phụ thuộc vào những ngành đó để có thực phẩm, năng lượng, việc làm, và doanh thu thuế.
“Với ngành công nghiệp dầu khí, có một thứ là thuế tài nguyên đánh trên tất cả mọi thứ xuất hiện từ mặt đất, và một tỷ lệ phần trăm được chuyển lại cho các quận,” ông Hoyt nói. “Còn với quang năng thì không tồn tại loại thuế đó.”
Ông cho biết, “Họ đến rồi họ xây dựng trên các vùng đất liên bang và họ phải trả một khoản phí cấp phép cho Cục Quản lý Đất đai, nhưng nền kinh tế địa phương không nhận được gì.”
Trong khi Sáng kiến BLM quảng bá về “công bằng môi trường” trong các nguyên tắc hướng dẫn của chương trình này, thì những người ở các tiểu bang khai triển dự án lo lắng rằng các cộng đồng nông thôn nghèo hơn sẽ chịu tác động từ sự phát triển quang năng, nhưng điện sản xuất ra lại được chuyển đến các trung tâm đô thị giàu có hơn ở các tiểu bang như California.
“Đúng vậy, chúng ta cần phải quan tâm đến các tác động môi trường,” ông Hoyt nói. “Nhưng đồng thời, chúng ta đến và rồi lắp đặt một đường truyền đồ sộ và một khu quang năng, và sau đó khi dự án được thực hiện, những cư dân tại nơi đó phải chịu đựng và trông thấy những thứ này cũng như sống chung với chúng, nhưng họ không nhận được gì từ dự án.”
Một vấn đề khác mà nhiều người nêu lên về việc sử dụng các vùng đất công cộng đa dụng để lắp đặt hệ thống quang năng là các tấm năng lượng mặt trời khiến người ta không thể sử dụng đất vào mục đích khác.
“Một trong những điều khiến việc phát triển năng lượng mặt trời trở nên đặc biệt hơn cả là việc này không hòa hợp với những mục đích sử dụng đất khác,” bà Rieber nói.
“Nếu chúng ta có một mảnh đất chăn thả gia súc, rất nhiều hoạt động có thể được thực hiện đồng thời bên trong và xung quanh khu chăn thả, như giải trí, thậm chí là khai thác mỏ,” bà nói. “Tuy nhiên, một hệ thống năng lượng mặt trời lớn sẽ khiến cho một vùng đất rộng lớn không được sử dụng tuần hoàn với đa mục đích vì chúng ta không thể làm được điều gì khác với hệ thống đó; hệ thống này chỉ được sử dụng cho một mục đích đơn lẻ.”
Bởi vì các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô lớn (như những hệ thống mà BLM dự trù) bao phủ toàn bộ các vùng đất bằng các tấm pin mặt trời, thường quét sạch các mảng thực vật và động vật hoang dã ở những khu vực đó, cả trên và dưới mặt đất, nên các hệ thống này thường chiếm đất của các hoạt động trồng trọt, chăn thả, săn bắn, và giải trí, cũng như khoan dầu khí và khai thác mỏ.
“Chúng tôi luôn cố gắng sử dụng đất với nhiều mục đích và có được năng suất bền vững kể từ năm 1976; Đó là những gì Quốc hội yêu cầu chúng tôi làm,” ông Hoyt nói. Vào năm 1976, Đạo luật Quản lý và Chính sách Đất đai Liên bang đã được thông qua, trong đó có chỉ rõ cách quản trị các vùng đất đa dụng liên bang.
“Tuy nhiên, khi hệ thống quang năng xuất hiện trên những vùng đất công cộng do liên bang quản lý này, chúng ta sẽ không còn được sử dụng đất đa mục đích nữa,” ông nói. “Chúng ta muốn [quang năng] là một phần của danh mục đầu tư, và sẽ thật lý tưởng nếu chúng ta có thể đầu tư quang năng với ít xung đột nhất có thể.”
Một đề nghị thay thế
Để đối phó với các kế hoạch quang năng của BLM, một số cơ quan ở các tiểu bang miền Tây đã phát triển đề nghị của riêng họ, được gọi là “Thông minh ngay Từ đầu.” (Smart from the Start)
Ý tưởng đằng sau đề nghị này về cơ bản là hạn chế sự phát triển của năng lượng mặt trời đối với các địa điểm được gọi là “khu màu nâu” (brownfield), chẳng hạn như những bãi chất thải bị bỏ hoang, các địa điểm bị nhiễm độc, và các mỏ đã ngừng hoạt động.
Kế hoạch này đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về “các vùng đất bị xáo trộn,” đồng thời sẽ giới hạn sự phát triển quang năng đối với các vùng đất bị xáo trộn và “các vùng đất ít xung đột.” Ngoài ra, kế hoạch này sẽ hạn chế phát triển quang năng ở khu vực sinh sống của các loài hoang dã và hành lang di cư, các địa điểm gần các trang trại hoặc khu dân cư, và các vùng đất đang được sử dụng cho các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, giải trí, hoặc công nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng kế hoạch này thực sự tạo ra một khuôn mẫu trong việc đặt hệ thống quang năng ở những khu vực hợp lý nhất để bảo tồn môi trường sống,” bà Rieber nói. “Kế hoạch này cho thấy đó là một cho kế hoạch hay và thông minh.”
Tuy nhiên, cho đến nay, “BLM đã quyết định không thực hiện giải pháp thay thế này,” bà nói. “Theo tôi thì đây là một phản ứng rất đáng thất vọng.”
Theo Kế hoạch Quang năng Miền Tây của BLM, đề nghị thay thế Thông minh ngay Từ đầu thay đã bị bác bỏ vì lý do “về cơ bản là tương tự” với các điều khoản đã có trong Kế hoạch BLM.
Nhưng các quan chức chính phủ nói rằng có những khác biệt đáng kể, lập luận rằng đề nghị Thông minh Ngay từ đầu đã cung cấp các tiêu chí chính xác hơn về loại đất đai nào đạt tiêu chuẩn cho việc phát triển, và đề nghị này sẽ sử dụng ít đất hơn nhiều để phát triển so với con số 22 triệu mẫu Anh mà BLM cho rằng là lựa chọn ưa thích.
The Epoch Times đã liên lạc với BLM để yêu cầu bình luận về vấn đề này và các vấn đề khác liên quan đến Kế hoạch Quang năng miền Tây. BLM đã trả lời kèm theo các đường dẫn đến các tờ thông tin và kế hoạch, nhưng đã từ chối tham gia phỏng vấn.
Các quan chức địa phương nói rằng các kế hoạch phát triển năng lượng phải bao gồm không chỉ một chuỗi đa dạng các nguồn năng lượng khác nhau mà còn là một phần đáng kể của năng lượng “tải trọng cơ sở,” chẳng hạn như năng lượng từ hạt nhân, khí đốt, và than, mà có thể tăng và giảm sản lượng được khi cần thiết để bù trừ các nguồn phụ thuộc thời tiết như gió và mặt trời. Và họ nói rằng những đòi hỏi này phải được thực hiện trong khi giảm đến mức tối thiểu tác động đến các vùng đất công cộng.
“Utah không có nhiều dầu, nhưng chúng tôi có tài nguyên địa nhiệt khá phong phú,” ông Hoyt nói. “Một nhà máy địa nhiệt có thể chiếm khoảng 40 mẫu Anh nhưng có thể cung cấp năng lượng tương đương với hệ thống quang năng có thể chiếm tới 640 mẫu Anh, do đó, nhà máy địa nhiệt gây ra tác động nhỏ hơn rất nhiều.”
“Đối với dầu mỏ, do có các công nghệ hiện đại hơn mà chúng ta đang thấy như thủy lực cắt phá (fracking), nên quý vị không cần phải khoan nhiều giếng như trước đây, vì vậy quý vị có thể có dấu vết nhỏ hơn và quý vị cũng có thể có rất nhiều những gì mà chúng tôi gọi là không có xáo trộn ở bề mặt,” ông cho biết. “Hầu hết mọi người đều không nhận ra ở đó có [các giếng khoan dầu khí].”
Tác động đến môi trường
Gần đây, một số người lâu nay vẫn ủng hộ các ngành phong năng và quang năng với hy vọng giảm nhiệt độ toàn cầu dường như cũng đang bắt đầu quan tâm đến tác động môi trường của các công nghệ này.
Một bài báo hồi tháng 05/2023 trên tờ Guardian tuyên bố rằng các nhà máy quang năng ở California đã biến một ốc đảo tự nhiên thành thứ mà một cư dân gọi là “biển chết tấm pin mặt trời.” Sau khi xem xét 150,000 mẫu Anh phát triển quang năng trên sa mạc Mojave, bài báo này đã điều tra “tác động tàn phá” đối với động vật hoang dã bản địa, việc các tấm pin mặt trời tiêu thụ lượng nước vô cùng lớn khiến các giếng địa phương khô cạn, và gây hại cho sức khỏe của các cộng đồng lân cận.
Các nhà hoạt động môi trường cho biết khu vực này của Sa mạc Mojave từng là nơi có các thảm thực vật như những cánh rừng 1,000 năm tuổi đã thu thập carbon từ khí quyển và cô lập carbon trong các hệ thống rễ cây dưới lòng đất. Người dân kể về những cơn bão bụi gây ra các vấn đề về hô hấp, đó là do thảm thực vật bản địa vốn đã giúp đất ổn định nay đã bị phá hủy.
Bà Rieber chỉ ra những gì bà gọi là một “sự hội tụ đặc biệt” giữa các nhóm lợi ích khác nhau trên mọi quan điểm chính trị, từ những thợ săn và nông dân cho đến các nhà bảo tồn, những người sẽ nhận ra rằng việc phát triển quang năng sẽ gây ra tác động này.
“Họ đang tập hợp xung quanh ý tưởng này, rằng chúng ta nên tập trung vào những phát triển này trong những lĩnh vực mà chúng ta sẽ không hy sinh sức khỏe của các cộng đồng, chúng ta sẽ không hy sinh môi trường sống hoang dã quan trọng, chúng ta sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến các loài và những khu vực bảo vệ nguồn nước và những thứ tương tự,” bà cho biết.
Thời gian đưa ra nhận xét công khai
BLM thông báo rằng, tính đến tháng 12/2022, họ cấp phép hơn 9 GW phát triển quang năng, 3 GW phát triển phong năng, và 1.6 GW phát triển năng lượng địa nhiệt trên các vùng đất công cộng. BLM cũng đã cấp phép 17 đường truyền băng qua các vùng đất do BLM quản lý để kết nối các cơ sở này với lưới điện.
Thời gian đưa ra nhận xét công khai cho sáng kiến mới nhất này kéo dài đến hết ngày 18/04, và có một số phiên điều trần trực tiếp và trực tuyến được liệt kê trên trang web BLM.
“Quý vị cũng có thể cân nhắc; quý vị không cần phải là một nhà phân tích chính sách, quý vị có thể là một công dân bình thường,” bà Hoffman nói. “Đây là mục đích của những khoảng thời gian thu thập nhận xét này; quý vị có thể chỉ viết một câu, đơn giản như vậy.”
Trong khi đó, các quan chức công quyền tin rằng có một cách để cho phép phát triển quang năng mà sẽ được các cộng đồng địa phương chấp nhận.
“Câu hỏi được đặt ra không phải là liệu quang năng tốt hay xấu; tôi nghĩ mọi người biết chắc rằng có một nơi dành cho quang năng,” bà Rieber nói. “Thay vào đó, câu hỏi được đặt ra là chúng ta hãy tiến hành sự phát triển này sao cho trong tương lai chúng ta sẽ không hối tiếc.”
Ông Hoyt nói rằng nếu BLM tiến hành Kế hoạch Phong năng Miền Tây như trên giấy tờ hiện nay, thì kết quả có thể sẽ là các vụ kiện.
“Chúng tôi không muốn chứng kiến việc kiện tụng về phát triển quang năng,” ông nói. “Chúng tôi có những mối quan hệ tuyệt vời ở Utah với các nhân viên BLM của chúng tôi, và chúng tôi muốn tiến hành theo cách đó.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt